Cách tiếp cận hoàn toàn mới trong sách Ngữ văn 6 – Kết nối tri thức với cuộc sống

0
6294

Sách Ngữ văn 6 – Kết nối tri thức với cuộc sống giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học nhờ hệ thống ngữ liệu có tính thẩm mĩ cao, giàu tính nhân văn, gần gũi với thực tiễn cuộc sống, được khai thác thông qua các hoạt động dạy học thiết kế theo phương pháp dạy học Ngữ văn hiện đại.

Đội ngũ tác giả

SGK Ngữ văn 6 thuộc bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của NXB Giáo dục Việt Nam được thiết kế theo mô hình SGK phát triển phẩm chất và năng lực của người học được biên soạn bởi đội ngũ Tổng Chủ biên, Chủ biên, tác giả bao gồm:

Tổng Chủ biên: PGS. TS Bùi Mạnh Hùng.

Chủ biên: PGS. TS Nguyễn Thị Ngân Hoa.

Các tác giả: PGS. TS Nguyễn Linh Chi, PGS. TS Phan Huy Dũng, TS. Phạm Đặng Xuân Hương, PGS. TS Nguyễn Thị Mai Liên, TS. Đặng Lưu, PGS. TS Lê Trà My, TS. Lê Thị Minh Nguyệt, TS. Nguyễn Thị Nương, TS. Nguyễn Thị Hải Phương, PGS. TS Nguyễn Thanh Tùng.

Các tác giả Ngữ văn 6 đều là các Phó giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo hiện công tác tại các trường đại học hàng đầu Việt Nam như Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP. HCM, Đại học Vinh, với nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn.

Nhóm tác giả có quan điểm dạy học Ngữ văn mới mẻ và hiện đại, nhắm đến việc biên soạn SGK Ngữ văn theo mô hình của các nước phát triển, có kế thừa hợp lý những ưu việt của SGK Ngữ văn hiện hành tại Việt Nam.

Quan điểm biên soạn

PGS. TS Bùi Mạnh Hùng cho rằng: “SGK Ngữ văn mới cần phải thực sự mới, góp phần làm thay đổi việc dạy học Ngữ văn trong nhà trường, giúp học sinh yêu thích môn Ngữ văn và làm cho môn học này trở nên hữu ích hơn. Muốn vậy, SGK cần đổi mới cách tiếp cận.”

Với những yêu cầu đặt ra đó, SGK Ngữ văn 6 – Kết nối tri thức với cuộc sống có quan điểm biên soạn:

Thứ nhất, giúp học sinh hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực thông qua các hoạt động: Đọc, viết, nói và nghe. 

Thứ hai, tích hợp các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe trong một bài học. Tích hợp kiến thức ngôn ngữ và kiến thức văn học với hoạt động: Đọc, viết, nói và nghe.

Thứ ba, ngữ liệu dùng trong SGK phải thực sự hấp dẫn đối với học sinh, có giá trị thẩm mĩ cao và có ý nghĩa giáo dục lâu dài.

Thứ 4, phát huy khả năng tự học của học sinh, khơi gợi khả năng sáng tạo cho cả thầy và trò.

Với quan điểm biên soạn như trên, các tác giả mong muốn sách sẽ góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc dạy và học trong chương trình mới.

Hình thức sách

SGK Ngữ văn 6 được chia làm 2 tập. Tập 1 có 152 trang, tập 2 có 136 trang. Sách có hình thức thiết kế hiện đại với khổ sách 19×26,5cm, tiệm cận với SGK của các nước phát triển.

Sách được in 4 màu, có nhiều hình ảnh minh họa hấp dẫn đối với người đọc. Hệ thống đề mục được trình bày tường minh, thiết kế đẹp mắt. Các thẻ và phần đóng khung, box được phân bố hài hòa, dễ nhận diện, phù hợp với nội dung của từng loại hoạt động. Tranh ảnh minh họa được chọn lọc kĩ, đảm bảo yêu cầu thẩm mĩ, hỗ trợ tốt cho việc tiếp nhận bài học bằng cả kênh chữ và kênh hình.

Nội dung sách

SGK Ngữ văn 6 – Kết nối tri thức với cuộc sống gồm 2 tập. Mỗi tập có 5 bài học, mỗi bài học được thiết kế với thời lượng từ 12-16 tiết. Sách gồm các chủ điểm với tên gọi có tính biểu trưng, gợi mở về ý nghĩa, giá trị sống trong mỗi bài học. Các bài học từ bài 1 đến bài 9 có cấu trúc như nhau. Các hoạt động ĐỌC, VIẾT, NÓI, NGHE được thiết kế liền mạch và kết nối chặt chẽ với nhau. 

Cấu trúc sách

SGK Ngữ văn 6 – Kết nối tri thức với cuộc sống gồm 2 tập – tương ứng với 2 học kì. 

Tập 1 có 5 bài học chính và 1 bài ôn tập. 5 bài học được thiết kế theo hệ thống chủ đề, với các văn bản thuộc thể loại truyện, thơ và ký. Mỗi bài tập trung vào 1 thể loại. 

Bài 1. Tôi và các bạn.

Bài 2. Gõ cửa trái tim.

Bài 3. Yêu thương và chia sẻ.

Bài 4. Quê hương yêu dấu.

Bài 5. Những nẻo đường xứ sở.

Tập 2 có 5 bài học chính và 1 bài ôn tập. Trong đó:

  • 4 bài được thiết kế theo hệ thống chủ đề, với các văn bản thuộc thể loại truyền thuyết, cổ tích, văn bản nghị luận, văn bản thông tin. 
  • 1 bài được thiết kế theo hình thức dự án đọc sách. Học sinh được đọc những cuốn sách yêu thích và viết, sáng tạo sản phẩm, giới thiệu và trình bày ý tưởng về những gì đã đọc.

Bài 6. Chuyện kể về những người anh hùng. 

Bài 7. Thế giới cổ tích.

Bài 8. Khác biệt và gần gũi.

Bài 9. Trái đất – ngôi nhà chung

Bài 10. Cuốn sách tôi yêu.

Tỉ lệ các kiểu loại văn bản trong SGK được tính toán rất kĩ lưỡng để vừa đảm bảo yêu cầu chương trình, vừa phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh.

Ngoài các bài học chính, SGK có phần hướng dẫn sử dụng sách, lời nói đầu, mục lục, bảng tra cứu thuật ngữ, bảng giải thích thuật ngữ và bảng tra cứu các yếu tố Hán Việt.

Cấu trúc bài học

Mỗi bài học đều được bắt đầu bằng tên bài cũng chính là tên chủ đề. Ngay dưới tên bài là một câu đề từ gợi liên tưởng, suy nghĩ về chủ đề của bài học. Sau đó là giới thiệu bài học , thuyết minh ngắn về chủ đề chính trong bài. 

Tiếp theo là yêu cầu cần đạt hay mục tiêu bài học. Phần này sẽ đưa ra các yêu cầu về đọc, viết, nói và nghe theo quy định của chương trình và được nhóm tác giả tổ chức lại theo phương án riêng của bộ sách. Ngoài ra, căn cứ vào chủ đề của bài học, phần yêu cầu cần đạt còn đặt ra yêu cầu bồi dưỡng phẩm chất cho học sinh như nhân ái, yêu quê hương, đất nước, tôn trọng sự khác biệt.

Sau phần mở đầu là các cấu phần chính của bài học được tổ chức theo các hoạt động: Đọc, viết, nói và nghe:

Phần ĐỌC có các tri thức Ngữ văn (gồm tri thức văn học và tri thức Tiếng Việt) và các văn bản đọc. Trong đó, văn bản 1 và văn bản 2 thuộc thể loại chính của bài học. Văn bản 3 thường là thể loại khác nhưng có sự kết nối với chủ đề của văn bản 1 và 2

Phần THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT: Đưa ra các bài tập Tiếng  Việt đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức vừa được cung cấp để nhận biết và phân tích các hiện tượng, đơn vị ngôn ngữ trong văn bản đọc và vận dụng để đọc, viết, nói và nghe.

Phần VIẾT đưa ra các đề bài, yêu cầu đối với kiểu bài, phân tích bài viết tham khảo và thực hành viết theo các bước: trước khi viết – viết bài – chỉnh sửa bài viết.

Phần NÓI và NGHE được tích hợp với viết hoặc đọc. Học sinh sẽ thực hiện nói và nghe theo quy trình 3 bước: Trước khi nói, trình bày nói, sau khi nói. 

Phần CỦNG CỐ MỞ RỘNG: luyện tập, củng cố kiến thức kĩ năng thông qua một số bài tập ngắn.

Phần THỰC HÀNH ĐỌC: Tự đọc một văn bản mới có cùng chủ đề với văn bản 1 và văn bản 2. Thông qua đó, các em được vận dụng những hiểu biết, trải nghiệm, kiến thức, kĩ năng đã được học để phát triển kĩ năng đọc.

Những điểm mới nổi bật

Thứ nhất, sách thiết kế hệ thống các bài học dựa trên việc thiết kế trục chủ đề và trục thể loại. Nhờ đó giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực. Hệ thống chủ đề nhằm định hướng giá trị, phẩm chất quan trọng cần hình thành và phát triển qua môn Ngữ văn. Sách dạy học theo thể loại ở mỗi bài cung cấp các “mô hình” đọc hiểu. Qua mỗi bài học, học sinh được thực hành, rèn luyện đọc hiểu một số văn bản thuộc một thể loại, từ đó có thể tự đọc một văn bản mới cùng thể loại với những văn bản đã học.

Thứ hai, sách phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh thông qua tích hợp các hoạt động đọc, viết, nói và nghe trong từng bài học. 

Thứ ba, sách có ngữ liệu mới mẻ, tươi tắn, có giá trị thẩm mĩ cao, có ý nghĩa giáo dục lâu dài. Câu hỏi khai thác ngữ liệu bám sát yêu cầu cần đạt và đặc trưng thể loại, giàu chất nhân văn, giúp học sinh phát triển năng lực đọc hiểu một cách hiệu quả

Thứ tư, các kiến thức Tiếng Việt và văn học được lựa chọn, cài đặt, sắp xếp hợp lý theo yêu cầu phát triển năng lực ngôn ngữ và văn học trong mỗi bài học

Thứ năm, mục tiêu phát triển kĩ năng tự đọc sách của học sinh được đặc biệt chú trọng. Học sinh được rèn luyện để dần trở thành một người đọc độc lập. Sử dụng kĩ năng tự đọc để tự học và phát triển bản thân thông qua việc đọc mở rộng, thực hành đọc và dự án đọc sách.

Thứ 6, cấu trúc sách rõ ràng, mạch lạc, các yêu cầu về hoạt động dạy học được trình bài tường minh, logic. Các chiến lược đọc hiểu văn bản, quy trình viết, nói và nghe được thể hiện cụ thể, tạo cơ hội sáng tạo cho giáo viên và phát triển năng lực tự học của học sinh.

Tài liệu hỗ trợ

Ngoài sách học sinh, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” còn có một số tài liệu hỗ trợ đi kèm:

Sách giáo viên giúp hướng dẫn giáo viên sử dụng hiệu quả SGK và xây dựng kế hoạch dạy học.

Sách bài tập cung cấp thêm hệ thống câu hỏi, bài tập cho học sinh và giáo viên.

Hỗ trợ học liệu điện tử trên website hanhtrangso.nxbgd.vn

Hỗ trợ tập huấn giáo viên trên website taphuan.nxbgd.vn

Các tác giả hy vọng với những điểm mới nổi bật này, SGK Ngữ văn 6 sẽ là người bạn đồng hành tin cậy của giáo viên và học sinh trên khắp mọi miền đất nước trong năm học tới và những năm học tiếp theo.

Để đáp ứng nhu cầu dạy và học môn Ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Hệ thống Giáo dục HOCMAI cũng đã xây dựng Chương trình Học tốt 6 dựa trên 3 bộ SGK đã được bộ GD&ĐT phê duyệt, trong đó có khóa học Ngữ văn 6 được biên soạn theo nội dung bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Các bài giảng trong Chương trình Học tốt 6 được biên soạn bám sát nội dung các bộ SGK được sử dụng trên lớp và được thể hiện đa dạng, linh hoạt với các phương pháp tiếp cận độc đáo hơn. Học sinh sẽ sớm được tiếp cận với các đơn vị kiến thức và cách học trong chương trình mới để không còn bỡ ngỡ khi bước vào năm học chính thức với rất nhiều thay đổi. Ngoài ra, đây cũng là nguồn tài liệu hữu ích cho giáo viên có nhu cầu tìm hiểu về phương pháp giảng dạy, cách thức tổ chức hoạt động dạy và học cho học sinh lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

>>> Để cập nhật thêm tin tức về chương trình GDPT cũng như cách dạy, cách học trong chương trình mới, phụ huynh theo dõi ngay Fanpage Chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 6 và Group Đồng hành cùng con học tốt chương trình lớp 6 mới.