“Học sinh lớp 9 cần lên kế hoạch luyện đề sớm để xác định đúng năng lực của bản thân, từ đó đặt mục tiêu và lộ trình ôn thi vào 10 phù hợp” – Đây là lời khuyên được Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Trang đưa ra trong buổi hội thảo “Cùng 2k7 chinh phục kỳ thi vào 10” do HOCMAI tổ chức nhằm giúp học sinh cuối cấp xác định được mục tiêu và lộ trình ôn thi vào 10 hiệu quả.
Nguyên tắc SMART trong đặt mục tiêu vào 10
Những khó khăn học sinh gặp phải trong quá trình ôn thi vào 10 trong năm học này phần lớn xuất phát từ việc các em chưa xác định được mục tiêu và lộ trình ôn thi rõ ràng, cũng như chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về kiến thức, kĩ năng, tâm lý.
Với cương vị một giáo viên đang trực tiếp dẫn dắt học sinh khối 9. Đồng thời cũng là chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm luyện thi vào 10, cô Trang nhận thấy một thực trạng phổ biến là đa số các em chỉ đang học theo định hướng của bố mẹ hoặc thầy cô, chứ bản thân các em không hiểu rõ về thực lực của mình để xác định đúng mục tiêu. Nhất là trong bối cảnh học sinh vẫn đang phải học online, quá trình tương tác với thầy cô bị ảnh hưởng khiến cho việc giải quyết các mục tiêu thi cử càng trở nên khó khăn.
Học kỳ 1 đã sắp kết thúc đồng nghĩa với việc các em đã đi qua được 1 nửa chặng đường trong hành trình ôn thi. Giờ là lúc cả phụ huynh, học sinh cần ngồi lại để đánh giá lại khả năng của bản thân mình và đặt ra mục tiêu phù hợp với năng lực của bản thân.
Theo cô Trang, hiện nay, có rất nhiều nguyên tắc xây dựng mục tiêu khác nhau. Một trong những nguyên tắc cô Trang thường hướng dẫn cho các bạn học sinh trong việc đặt mục tiêu thi vào 10 là công thức SMART. Hiểu đơn giản, tiêu chí SMART là sự kết hợp của năm yếu tố: :
S – Specific (cụ thể, dễ hiểu): Mục tiêu đặt ra phải phù hợp với năng lực, nguyện vọng của học sinh.
M – Measurable (đo lường được): Mục tiêu đặt ra phải cụ thể, rõ ràng. Không nên đặt mục tiêu chung chung như “thi đỗ vào 10”. Thay vào đó, hãy đặt mục tiêu rõ ràng về số điểm cần đạt được với từng môn thi, ví dụ như điểm thi môn Ngữ văn phải được 8 điểm trở lên.
A – Attainable (có thể đạt được): Mục tiêu phải là những việc có thể thực hiện được trong khả năng của học sinh, không nên đặt mục tiêu quá cao hay quá thấp so với năng lực
R – Relevant (thực tế): Mục tiêu phải liên hệ với hoàn cảnh thực tế, phù hợp với mục tiêu và năng lực.
T – Time-bound (thời gian hoàn thành): Mục tiêu phải được đặt ra trong một khoảng thời gian nhất định. .Với việc đặt mục tiêu thi vào 10, các em cần đi theo 3 giai đoạn: Tích lũy kiến thức – Tổng ôn theo chuyên đề – Luyện đề. Hãy xác định những mốc thời gian cụ thể cho từng giai đoạn này.