Tìm hiểu về hoàn cảnh sáng tác, bối cảnh ra đời của tác phẩm là chìa khóa quan trọng để chúng ta có thể giải mã tác phẩm, hiểu được tư tưởng mà nhà văn muốn gửi gắm. Dưới đây là chia sẻ của thầy Hùng về cách làm để đạt điểm tối đa cho dạng bài này. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!
Hoàn cảnh sáng tác là những yếu tố bên ngoài gián tiếp tác động đến quá trình sáng tác của nhà văn. Tùy theo yêu cầu của đề bài mà chúng ta có các cách làm bài khác nhau. Nếu đề bài chỉ yêu cầu “Nêu hoàn cảnh sáng tác” thì chúng ta phải xác định các yếu tố thời điểm sáng tác, không gian sáng tác, bối cảnh xã hội, đặc điểm khi tác phẩm ra đời.
Nếu đề bài hỏi thêm điều mà nhà văn muốn gửi gắm thì bên cạnh việc nêu ra các yếu tố thời điểm, không gian, bối cảnh xã hội và bối cảnh cá nhân thì chúng ta phải nêu thêm ý nghĩa nhân văn của tác phẩm.
Ví dụ: Tác phẩm “Nói với con” của nhà thơ Y Phương được sáng tác năm 1980 – khi đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân các dân tộc thiểu số ở miền núi nói riêng vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Trong bối cảnh đó nhiều người vì mưu sinh, mà bất chấp pháp luật và chà đạp lên cả đạo lí. Bài thơ là lời tâm sự của nhà thơ với đứa con gái đầu lòng, giống như là 1 lời nhắc nhở con mình về phải giữ gìn truyền thống của gia đình, của quê hương để không là mất đi truyền thống cao đẹp ấy. Bài thơ là lời tâm sự với con, nhắc nhớ con, dạy con nhưng cũng là nói với chính mình, với mọi người không được quên đi nguồn cội và phải luôn luôn sống xứng đáng, sống cao đẹp với truyền thống tốt đẹp của gia đình, của quê hương mình.
Từ ví dụ trên nếu đề bài yêu cầu nêu hoàn cảnh sáng tác chúng ta sẽ chỉ nêu phần không in nghiêng, nếu đề bài yêu cầu nêu ý nghĩa nhà thơ muốn gửi gắm thông qua bài thơ chúng ta sẽ nêu thêm phần in nghiêng như ví dụ.
Như vậy thông qua gợi ý làm bài và ví dụ trên hi vọng rằng các bạn sẽ có thêm một chút kinh nghiệm và kiến thức để làm và đạt được điểm tối đa dạng bài này.