Giải mã “cơn sốt” vào 6 trường CLC 

0
13799

Mặc dù có rất nhiều rào cản như xét tuyển nhiều vòng, chỉ xét học bạ điểm 9 trở lên, kiểm tra đánh giá năng lực đầu vào,… nhưng số lượng hồ sơ tuyển sinh vào các trường CLC vẫn rất lớn.

Dạo qua một vòng các trường CLC hay xét tuyển đầu vào bằng bài kiểm tra đánh giá năng lực trên địa bàn thành phố Hà Nội, không khó để bắt gặp những cái tên “quen thuộc” như hệ THCS trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, THCS-THPT Lương Thế Vinh, Trường THCS Ngoại ngữ (Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN). Đặc biệt, trong kì xét tuyển 2019 – 2020, trường THCS Chuyên Ngữ nắm giữ “tỉ lệ chọi cao kỉ lục”,là 1/30 (cứ 30 học sinh thì có 1 bạn trúng tuyển), được đánh giá cao hơn cả những trường đại học “hot” nhất Thủ đô.

Điều gì đã tạo nên sức hút “mãnh liệt” như vậy đối với các phụ huynh và học sinh tham gia ứng tuyển?

Trường CLC = Điều kiện học tập vượt trội?

Chị Lê Thị Hạnh (Cầu Giấy, Hà Nội), phụ huynh có con dự thi vào trường THCS Ngoại Ngữ cho biết, con chị trước đây học Trường Tiểu học Nghĩa Tân. 5 Năm cho con học trường công lập, chị mong muốn lên cấp THCS, con sẽ được học trong môi trường ít áp lực hơn.

“Ngày gặp gỡ thầy hiệu trưởng của trường, thầy nói, các phụ huynh có dám cho con em mình học trong môi trường không có bài tập về nhà; các con được tự do học những môn thể thao yêu thích; được trải nghiệm thực tế nhiều hơn sách vở và trau dồi tối đa khả năng ngoại ngữ không? Thế là mình bị hấp dẫn”.

Hàng nghìn phụ huynh đứng chờ con kết thúc buổi thi vào 6 trước cổng trường (Ảnh: Báo Người lao động)

Nếu như chị Hạnh bị thu hút bởi những điều kiện học tập rất “mới mẻ, hiện đại”, khác hoàn toàn với hình thức học tập ở các trường công lập đại trà thì anh Trần Đức Công (Thanh Xuân, Hà Nội) lại nhắm mục tiêu khác. Anh và gia đình định hướng cho con thi vào hệ THCS trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam. Đối với anh, việc học trong một ngôi trường giàu truyền thống về thành tích và các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, phát triển học sinh toàn diện là ưu tiên hàng đầu.

“Mình xác định cho con đi du học. Mà ở trường Amsterdam có tất cả những yếu tố tương tự với một môi trường quốc tế khi học sinh gần như được làm chủ, tự quyết định bản thân sẽ học gì, làm gì. Chưa kể, đó là một môi trường rất cạnh tranh. Học sinh, bạn nào cũng là siêu nhân. Ở trong đó con sẽ được cọ xát nhiều. Học tập với những người giỏi thì con sẽ tiến bộ lắm.”

Điều kiện cơ sở vật chất cũng là một khía cạnh nổi bật của trường chất lượng cao. Theo Thông tư 21/2018/TT-BLĐTBXH đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành vào ngày 30/11/2018 thì có rất nhiều yêu cầu về các phòng học, giáo trình, tài liệu tham khảo, phòng thí nghiệm cho đủ chất lượng với yêu cầu về trường chất lượng cao. Phòng học cần chuyên môn hóa để đủ kiện giảng dạy tích hợp cả lý thuyết và thực hành. Tài liệu cập nhật thường xuyên, có thư viện và thư viện điện tử để hỗ trợ quá trình tra cứu thông tin của giáo viên và học sinh. 

Chị Trần Thị Lành, quyết định nộp hồ sơ cho con vào lớp 6 trường THCS Lương Thế Vinh cũng là vì những ưu điểm vượt trội như vậy. Mặc dù Lương Thế Vinh không phải là trường công lập nhưng chị vẫn thấy “yên tâm tuyệt đối”.

“Quá trình đưa đón con có phần vất vả nhưng hai vợ chồng mình vẫn muốn để con được giáo dục và sinh hoạt trong một môi trường tốt nhất có thể. ”

Tuyển sinh vào 6 CLC – Cánh cửa hẹp!

Với hàng loạt các ưu điểm như vậy, cơ hội để có một suất trong các ngôi trường CLC không phải là điều dễ dàng. Đặc biệt, năm 2019 – 2020, Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội đã mở rộng phương thức tuyển sinh. Ngoài hình thức xét tuyển, còn có hình thức xét tuyển kết hợp kiểm tra đánh giá năng lực đối với những trường có số lượng học sinh đăng ký dự tuyển nhiều hơn so với chỉ tiêu. Điều này khiến các em học sinh ngoài việc có một học bạ “đẹp” cần phải có năng lực thật sự để vượt qua những bài kiểm tra đầu vào.

Trường CLC luôn thu hút rất đông các phụ huynh đăng kí ứng tuyển cho con. (Ảnh: Báo Tiền Phong)

Áp lực đặt lên vai học sinh rất lớn, nhất là trong giai đoạn lớp 5. Vì ngoài việc chuẩn bị kiến thức, ôn tập kĩ càng lại những đơn vị bài tập trong các năm trước để chuẩn bị cho kì thi chuyển cấp vào 6, các em còn phải theo kịp chương trình chính khóa trên trường, giữ vững thành tích. 

Không chỉ con cái chịu tác động từ cuộc đua căng thẳng này, cha mẹ cũng luôn ở trong trạng thái “căng như dây đàn”. Cập nhật những thông tin tuyển sinh mới nhất từ các trường muốn nộp hồ sơ, tìm kiếm tài liệu tổng hợp, thu thập đề thi tham khảo từ những năm trước,… Chưa kể, các phương pháp ôn tập, hệ thống hóa kiến thức bổ trợ cũng là thứ được nhiều phụ huynh tham khảo, tìm hiểu. 

“Nói chung cũng vất vả đấy! Nhưng mình luôn cố gắng ở bên cạnh hỗ trợ và động viên con mỗi khi con mệt mỏi và áp lực quá!”. Chị Hạnh cười.