Lặp từ ngữ thường được biết đến như một lỗi sử dụng từ khi viết văn, tuy nhiên, nó còn có một công dụng khác giúp liên kết các câu để bài văn trở nên hay hơn. Vậy, làm sao để phân biệt được giữa lỗi và công dụng của lặp từ ngữ, phụ huynh – học sinh xem ngay bài viết dưới đây để hiểu rõ.
Theo chia sẻ của cô Trần Thu Hoa – Giáo viên môn tiếng Việt tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI: “Nhiều học sinh thường xuyên mắc lỗi lặp từ khi viết văn là do việc nhầm lẫn giữa lỗi và công dụng của lặp từ ngữ. Để liên kết các câu văn có nhiều cách, giống như việc nối các vế câu. Trong chương trình Tiếng Việt lớp 5, thường sẽ có 3 cách để liên kết câu này với câu khác: Thay thế từ ngữ, sử dụng các từ nối và lặp từ ngữ. Học sinh nên vận dụng thành thạo các cách liên kết này để giúp bài văn trở nên ấn tượng hơn”.
Lặp như thế nào để liên kết câu mà không bị lỗi lặp từ?
Ví dụ: Đền Thượng nằm chót vót trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Trước đền, những cánh Hải Đường đâm bông rực đỏ, những cánh bướm nhiều màu sắc bay dập dờn như đang múa quạt, xòe hoa.
Ở ví dụ trên, ta thấy:
– Từ “đền” được lặp lại ở câu sau.
– Không thể thay thế từ “đền” bằng các từ: “nhà”; “chùa”; “trường”; “lớp”;….. bởi vì nó không liên kết với câu trước.
Như vậy, việc lặp lại từ ngữ trong câu một cách có chủ đích, thể hiện sự liên kết chặt chẽ với các câu về mặt nội dung, ý nghĩa. Để đảm bảo sự mạch lạc cho bài văn, học sinh cần nhớ giữa các câu văn phải có sự liên kết chặt chẽ. Có thể nối các câu bằng cách lặp từ ngữ như trên.
Mẹo xây dựng liên kết câu bằng cách lặp từ
Học sinh chỉ nên lặp lại các từ mà mình muốn nhấn mạnh vào sự vật đó, và thường sẽ lặp lại một lần trong một câu, nếu dùng quá nhiều lần sẽ khiến câu văn trở nên nhàm chán vì lỗi lặp từ.
Ví dụ: Mùa xuân đã về. Mùa xuân đem sức sống đến cho vạn vật.
Học sinh lưu ý, không phải lặp đi lặp lại càng nhiều lần thì câu văn trở nên liên kết. Mà chỉ lặp những từ cần thiết, quan trọng nhất. Các từ ngữ lặp lại giữa các câu thường là các danh từ, động từ hoặc tính từ.
>>> Hoàn thiện kỹ năng Tập làm văn, luyện từ và câu cho con
Luyện tập liên kết câu bằng cách lặp từ
Bài 1. Tìm những từ ngữ lặp lại để liên kết câu
a. Nền tự hào của chúng ta trong nền văn hóa Đông Sơn chính là bộ sưu tập Trống Đồng hết sức phong phú. Trống Đồng Đông Sơn không chỉ đa dạng, phong phú về hình dạng, kích thước mà cả về phong cách trang trí, sắp xếp hoa văn.
Trong đoạn văn trên, người viết muốn nhấn mạnh từ “Trống Đồng” và “Đông Sơn”
b. Trong một sáng đào công sự, lưỡi xẻng của anh chiến sĩ xúc lên một mảnh gốm có nét hoa văn màu nâu và xanh hình đuôi Rồng. Anh chiến sĩ quả quyết rằng, những nét hoa văn này y như hoa văn trên hũ rượu thờ ở đình làng anh.
Người viết sử dụng hình ảnh lặp lại: “Anh chiến sĩ”, “nét hoa văn” để liên kết câu.
Bài 2. Chọn từ ngữ trong ngoặc đơn thích hợp để các câu, các đoạn được liên kết với nhau: “cá song”, “tôm”, “thuyền”, “cá chim”, “chợ”
Dọc theo bờ vịnh Hạ Long, trên bến Đoan, bến Tàu hay cảng Mới, những đoàn thuyền đánh cá rẽ màn sương bạc nối đuôi nhau cập bến, những cánh buồm ướt át, những cánh chim trong mưa. … lưới mui bằng. … giã đôi mui cong. … khu Bốn buồm chữ nhật. … Vạn Ninh buồm cánh én. … nào cũng tôm cá đầy khoang. Người ta khiêng từng sọt cá nặng tươi roi rói lên chợ.
… Hòn Gai buổi sáng la liệt tôm cá. Những con … khỏe, vớt lên hàng giờ vẫn giãy đành đạch, vảy xám hoa đen lốm đốm. Những con … mình dẹt như hình con chim lúc sải cánh bay, thịt ngon vào loại nhất nhì. Những con cá nhụ béo núc, trắng lốp, bóng mượt như được quét một lớp mỡ ngoài vậy. Những con … tròn, thịt căng lên từng ngấn như cổ tay của trẻ lên ba, da xanh ánh, hàng chân choi choi như muốn bơi.
Trả lời:
Dọc theo bờ vịnh Hạ Long, trên bến Đoan, bến Tàu hay cảng Mới, những đoàn thuyền đánh cá rẽ màn sương bạc nối đuôi nhau cập bến, những cánh buồm ướt át, những cánh chim trong mưa. Thuyền lưới mui bằng. Thuyền giã đôi mui cong. Thuyền khu bốn buồm chữ nhật. Thuyền Vạn Ninh buồm cánh én. Thuyền nào cũng tôm cá đầy khoang. Người ta khiêng từng sọt cá nặng tươi roi rói lên chợ.
Chợ Hòn Gai buổi sáng la liệt tôm cá. Những con cá song khoẻ, vớt lên hàng giờ vẫn giãy đành đạch, vảy xám hoa đen lốm đốm. Những con cá chim mình dẹt như hình con chim lúc sải cánh bay, thịt ngon vào loại nhất nhì. Những con tôm tròn, thịt căng lên từng ngấn như cổ tay của trẻ lên ba, da xanh ánh, hàng chân choi choi như muốn bơi.
Câu văn là một bộ phận của đoạn văn. Trong một đoạn văn, các câu văn phải liên kết chặt chẽ với nhau cả về nội dung và hình thức. Về nội dung, các câu phải phục vụ chung chủ đề của đoạn văn và phải sắp xếp theo trật tự hợp lý. Về hình thức, ngoài sự liên kết về nội dung, giữa các câu trong đoạn phải được liên kết bằng những dấu hiệu hình thức nhất định. Vì vậy, việc học sinh biết sử dụng liên kết câu bằng cách lặp từ ngữ khiến bài văn trở nên ấn tượng và hay hơn.
Hy vọng với những kiến thức và lý thuyết trên, học sinh biết thêm một hình thức liên kết các câu văn trong bài đơn giản, dễ dàng hơn. Để bổ sung thêm nhiều kiến thức quan trọng khác trong chương trình Tiếng Việt lớp 5, phụ huynh cùng con tham khảo Chương trình học tốt của Hệ thống Giáo dục HOCMAI. Với hệ thống bài giảng chi tiết, sáng tạo, giáo viên sẽ giúp học sinh hoàn thiện các kỹ năng về Tập làm văn, Luyện từ và câu, tạo bước đệm khi tiếp cận với môn Ngữ văn lớp 6.
>>> Hoàn thiện kỹ năng tập làm văn, luyện từ và câu cho con với nhiều tài liệu và bài giảng MIỄN PHÍ môn Tiếng Việt của cô Thu Hoa tại đây: https://hocmai.link/Hoc-thu-co-Thu-Hoa