[NGỮ VĂN 9]: Những điểm cần lưu ý khi cảm nhận bài thơ “Ánh trăng”

0
8772

“Ánh trăng” – Nguyễn Duy là một trong những tác phẩm tiêu biểu viết về thời kỳ hậu chiến trong chương trình Ngữ văn 9. Trong bài giảng này, thầy Nguyễn Phi Hùng sẽ đưa ra những điểm học sinh cần lưu ý khi viết bài cảm nhận về bài thơ đầy triết lý sâu sắc về cuộc đời của nhà thơ này.

Nhà thơ Nguyễn Duy

Ông tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948, quê tại Thanh Hóa. Ông là nhà thơ trưởng thành trong những năm gian lao của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Điểm đặc sắc trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Duy là sự kết hợp giữa duyên dáng, trữ tình với chất thế sự rõ nét thể hiện những suy tư, chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời, nhân dân và đất nước.

“Ánh trăng”

Hoàn cảnh sáng tác

Tác phẩm ra đời năm 1978, khi hòa bình, thống nhất đã trở lại đất nước.

Bài thơ được sáng tác tại TP HCM – nơi ông sống và làm việc tại đây. Đây cũng là thành phố có sự thay da đổi thịt mạnh mẽ nhất sau khi đất nước thống nhất, bên cạnh sự đủ đầy về vật chất tiện nghi đó là những lo toan trong cuộc sống thường nhật.

=> Từ đó, tác giả đặt ra câu hỏi: Sống giữa những biến đổi mạnh mẽ của cuộc sống hiện đại, liệu con người có lãng quên đi những gian lao, ân tình trong quá khứ?”

Chủ đề

Bài thơ là lời nhắc nhở con người không được quên đi quá khứ gian lao mà tình nghĩa, sự gắn bó máu thịt thiết tha với nhân dân, đất nước bình dị mà hiền hậu.

Cùng với đó nhắc nhở mỗi người về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, ân nghĩa, truyền thống thủy chung trong cuộc đời.

Đặc sắc nghệ thuật

Thể thơ 5 chữ, chỉ viết chữ đầu tiên của mỗi khổ thơ phù hợp để nhà thơ vừa kể chuyện vừa bộc lộ cảm xúc, suy ngẫm, triết lý sâu sắc về cuộc đời.

Trong bài thơ “Ánh trăng” tác giả chỉ sử dụng một dấu chấm duy nhất, nhằm tạo ra sự liền mạch về cảm xúc. Cảm xúc xuyên suốt toàn bộ bài thơ, không bị ngắt quãng, đứt đoạn.

Mỗi chữ cái đầu khổ thơ được viết hoa, tạo thành một câu kể dài trọn vẹn ý, điều đó cũng là sự sáng tạo, cách tân mới mẻ trong thơ.

Phương thức biểu đạt: có sự kết hợp giữa tự sự và biểu cảm,bài thơ giống như một câu chuyện nhỏ đầy cảm xúc, chất triết lý.

Kết cấu: kể chuyện theo mạch thời gian: từ hiện tại nhớ về quá khứ rồi lại quay về hiện tại. Giọng thơ: linh hoạt, biến đổi.

Nhan đề

Trước hết, ánh trăng của Nguyễn Duy là hình ảnh đẹp của thiên nhiên với tất cả những gì là thi vị, gần gũi, hồn nhiên, tươi mát. Ánh trăng gần với tuổi ấu thơ của tác giả, hồn nhiên như cuộc sống bình thường.

Ánh trăng thời chiến như chia sẻ những thử thách của chiến tranh, cùng nhà thơ và đồng đội trải qua những kỷ niệm của thời “ở rừng”. Vầng trăng tri kỷ, vầng trăng tình nghĩa ấy: dấu ấn của một thời gian khó: “ngỡ không bao giờ quên”.

Nhan đề “Ánh trăng” còn thực sự sâu sắc, ý nghĩa bởi đó còn là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình – ký ức gắn với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cam go mà hào hùng.

Cuộc sống hoà bình “ánh điện của gương, buyn đinh” đã khiến cho nhà thơ nhìn ánh trăng như một “người dưng qua đường”. Con người từng một thời chiến đấu, từng ngang dọc trên nhiều chiến trường đã có lúc như lãng quên quá khứ. Nhưng rồi thình lình đèn điện tắt… “đột ngột vầng trăng tròn”. Vầng trăng ấy đã đánh thức ký ức của tác giả, của thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước.

Ánh trăng lặng lẽ tỏa sáng trong bài thơ hay lặng lẽ như lời nhắc nhở giản dị mà sâu lắng, không được phép lãng quên quá khứ, có những thử thách, những hy sinh, những tổn thất thời đánh Mỹ ác liệt mới có cuộc sống hoà bình ngày hôm nay.

Cách liên hệ, mở rộng bài thơ “Ánh trăng”

“Tĩnh dạ tư” – Lý Bạch

Bài thơ nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của nhà thơ Lý Bạch. Trên đường du ngoạn Dương Châu, trong một đêm trăng sáng, Lý Bạch ngửa mặt lên ngắm ánh trăng sáng vằng vặc trên bầu trời, bất giác nhớ nhà, tức cảnh sinh tình rồi viết nên bài thơ thiên cổ ngàn năm sáng rọi.

“Đầu giường ánh trăng rọi

Ngỡ mặt đất phủ sương

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Cúi đầu nhớ cố hương”

“Vọng nguyệt” – Hồ Chí Minh

Ánh trăng trở thành người bạn tri âm với người tù cộng sản Hồ Chí Minh trong thời gian người bị giam cầm tại Trung Quốc.

Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”

Tục ngữ

Bài thơ gợi lên những suy nghĩ về đạo lý, lẽ sống của người Việt ta. Câu chuyện trong bài thơ nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ quên quá khứ, đừng bao giờ trở thành kẻ vô tình, bạc bẽo với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Bài thơ nhắc nhở con người cần biết ơn, trân trọng nguồn cội, cũng chính là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tham khảo thêm: Phân tích bài thơ Ánh trăng

Như vậy, trong bài giảng trên thầy Nguyễn Phi Hùng đã đưa ra những điểm học sinh cần nhớ khi triển khai các bài viết cũng như trong quá trình làm bài phân tích hay soạn văn 9

Bên cạnh đó, nhằm giúp học sinh củng cố, nắm chắc các kiến thức ngay tại nhà mà không cần phải đến lớp học thêm, Hệ thống Giáo dục HOCMAI hiện đang triển khai chương trình Học tốt 2020-2021 dành cho học sinh từ lớp 6 – 9 bao gồm khóa Trang bị kiến thức và Ôn luyện.

Đối với những phần kiến thức còn chưa hiểu, các em có thể đặt câu hỏi ngay dưới mỗi bài giảng và được các biên tập viên giải đáp nhanh chóng thông qua dịch vụ Hỏi đáp 24/7.