Giúp con chống lừa đảo trên không gian mạng – Bố mẹ cần làm gì?

0
3468

Hoạt động lừa đảo qua không gian mạng đang ngày càng phổ biến và tinh vi hơn. Trong đó, học sinh là đối tượng dễ bị tổn thương bởi sự non nớt và thiếu kiến thức. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần trang bị những kiến thức cần thiết để giúp con tránh bị lừa đảo trên không gian mạng.

“Giúp con phòng chống lừa đảo trên không gian mạng” là số đầu tiên trong chuỗi hội thảo trực tuyến “Làm bạn cùng con trên môi trường số”. Đây là hoạt động do HOCMAI phối hợp với Facebook tổ chức nhằm giúp cha mẹ đồng hành cùng con và giúp con nhận thức những nguy cơ tiềm ẩn khi tham gia thế giới ảo, từ đó xây dựng kỹ năng và sự tự tin cho con khi tham gia Internet. 

Phát sóng trực tuyến vào 20 giờ tối ngày 5 tháng 12, số đầu tiên đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Tham gia buổi hội thảo có TS. Phạm Hải Chung – Chuyên gia lĩnh vực internet và truyền thông; Nhà báo Trần Quang Minh – Biên tập viên, người dẫn chương trình Đài truyền hình Việt Nam; cô Nguyễn Thị Thu Trang – Giáo viên môn Ngữ văn trường Wellspring và HOCMAI. Hơn một tiếng diễn ra chương trình, các vị khách mời đã có những chia sẻ bổ ích và quan trọng liên quan tới kĩ năng phòng chống lừa đảo trên mạng xã hội.

Ở phần 1 của chương trình, Tiến sĩ Phạm Hải Chung đã chia sẻ với phụ huynh – học sinh về 3 chủ đề chính: Nhận diện hành vi lừa đảo trực tuyến; Các chiêu thức lừa đảo trực tuyến và một số kẻ lừa đảo điển hình; cùng một số mẹo giữ an toàn trực tuyến.

Lừa đảo trực tuyến là gì? Lừa đảo là các hành vi gian lận có thể được thực hiện với mục tiêu lừa tiền hoặc đánh cắp thông tin bí mật. Hành vi lừa đảo có thể được thực hiện theo nhiều phương thức khác nhau, bao gồm thông qua các ứng dụng hẹn hò trực tuyến, email, các trang web truyền thông xã hội, thông qua điện thoại và thậm chí cả tin nhắn văn bản.

Các hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay: Lừa đảo tài chính (từ thiện, xổ số, lừa đảo việc làm, các trò thanh toán,…); Đánh cắp thông tin cá nhân hoặc thông tin y tế; Lừa đảo tình cảm có thể bao gồm mạo danh và hẹn hò trực tuyến; Các phương thức lừa đảo giả danh hỗ trợ kỹ thuật có thể bao gồm ăn cắp mã truy cập.

Mẹo phòng chống lừa đảo trên mạng xã hội

Bất kì ai trong chúng ta cũng đều có thể trở thành mục tiêu của các trò lừa đảo trên mạng xã hội. Để giúp phụ huynh và học sinh có thêm những kiến thức phòng chống lừa đảo, TS Phạm Hải Chung đã đưa ra nhiều lưu ý quan trọng và hữu ích.

Thứ nhất, nếu bạn nhận được lời đề nghị hấp dẫn tới mức khó tin, thì có thể nó không phải sự thật.

Thứ hai, nếu một cuộc thi, công việc hoặc học bổng yêu cầu bạn trả trước tiền, đừng làm điều đó. 

Thứ ba, hãy thận trọng khi cung cấp thông tin cá nhân cho các cá nhân hoặc tổ chức mà bạn không biết và tin tưởng. 

cuối cùng, hãy liên hệ trực tiếp với cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức từ thiện để xác thực thông tin trước khi thực hiện giao các giao dịch.

Ở phần 2 của buổi hội thảo, TS.Phạm Hải Chung tiếp tục cùng các khách mời đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về việc trang bị kiến thức giúp con phòng chống lừa đảo trên mạng xã hội. 

TS Phạm Hải Chung chia sẻ: “Theo thống kê mới nhất, trung bình người Việt Nam dành khoảng 7-8 tiếng trên internet, nhưng thực tế do dịch bệnh, chúng ta có thể thấy thời gian một đứa trẻ dùng internet lớn hơn rất nhiều so với con số trung bình đó. Do đó, song hành với vắc-xin chống dịch, tôi nghĩ chúng ta cần thêm vắc-xin internet nữa”.

Lo lắng vì thời gian phần lớn trong ngày các con đều sử dụng internet, anh Trần Quang Minh – ông bố có 4 đứa con đang đi học chia sẻ: “Tôi luôn phải nhắc các con về vấn đề an toàn trên không gian mạng mọi lúc mọi nơi để giúp con hình thành tính cảnh giác cao độ”. Trở thành một người bạn, chia sẻ những vấn đề an toàn trên mạng là cách anh Minh lựa chọn để đồng hành cùng các con.

Với vai trò là một thường xuyên tiếp xúc nhiều với các bạn học sinh, đồng thời cũng là một người mẹ, theo cô Trang, bố mẹ cần thực sự là một người bạn cùng con. Bên cạnh đó, đặt ra cam kết và kỉ luật là nguyên tắc vàng để thực hiện hiệu quả những yêu cầu đặt ra với các con. “Đưa ra những điều được làm, không được làm, thưởng phạt rõ ràng” là những nguyên tắc vàng được cô Trang và anh Minh lựa chọn trong việc giáo dục con về an toàn trên mạng.

Chia sẻ từ một phụ huynh gửi tới chương trình: “Gần đây cháu nhà tôi đang nói chuyện với một bạn nam qua ứng dụng hẹn hò, và cháu đang cố giữ bí mật với bố mẹ. Vậy tôi cần làm thế nào để cháu có thể mở lòng chia sẻ về vấn đề này?” Theo cô Trang, đây là một vấn đề bình thường vì các con đang ở độ tuổi dậy thì, những cảm xúc yêu đương là điều khó tránh khỏi. “Bố mẹ có thể tìm hiểu thêm qua các mối quan hệ bạn bè của con, gợi mở vấn đề, tâm sự cùng con,… Trở thành bạn với các con là cách nhanh nhất để con mở lòng hơn với bố mẹ”.

Như vậy, trong môi trường số phát triển như hiện nay, bố mẹ đồng thời là những người trang bị cho con kiến thức kĩ năng giúp phòng tránh những nguy hiểm khi online trên mạng, vừa phải thực sự là người bạn cùng con chia sẻ, trưởng thành mỗi ngày. 

Hội thảo “Làm bạn cùng con trên môi trường số” vẫn còn 2 số phát sóng vào ngày 12/12 và 19/12, quý phụ huynh theo dõi kênh Facebook và Youtube của HOCMAI để lắng nghe thêm những chia sẻ bổ ích đến từ các vị khách mời. Đồng thời, quý phụ huynh có bất kỳ câu hỏi nào cần được chuyên gia giải đáp trực tiếp thì hãy để lại câu hỏi ngay từ bây giờ.

Nhằm giúp nâng cao chất lượng chương trình ở các số sau, HOCMAI kính mời quý phụ huynh, học sinh tham gia khảo sát về chương trình và nhận miễn phí khóa Tư duy thời đại số. Truy cập link: https://hocmai.link/Khao-sat-HOI-THAO-1

>>> Xem thông tin chi tiết về chuỗi hội thảo tại đây <<<