Học online cùng HOCMAI: Ngữ văn 7: Tục ngữ về con người và xã hội

0
2260

Nhằm giúp học sinh lớp 7 nắm chắc kiến thức trong bài học “Tục ngữ về con người và xã hội”, cô Nguyễn Thị Thu Trang đã hệ thống các kiến thức trọng tâm cần nhớ sau đây. 

Phụ huynh, học sinh xem chi tiết bài giảng dưới đây! 

Hệ thống kiến thức cần nhớ

Tục ngữ về con người và xã hội thường giàu hình ảnh ẩn dụ, so sánh, hàm súc về nội dung. Luôn tôn vinh giá trị con người và đưa ra nhận xét, lời khuyên về phẩm chất, lối sống con người cần phải có. 

Khi phân tích các câu tục ngữ, học sinh chú ý phải phân tích nội dung cả về nghĩa đen cũng như nghĩa bóng để hiểu sâu sát nhất ý nghĩa của câu tục ngữ.

Cô Nguyễn Thị Thu Trang – Giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI.

Đọc hiểu và phân tích các câu tục ngữ

Câu 1: Một mặt người bằng mười mặt của.

– Nội dung: Người quý hơn của cải nhiều lần. Từ đó, khẳng định coi trọng con người, giá trị của con người. 

– Nghệ thuật: 

+ So sánh: Mặt người – mặt của. 

+ Đối lập: Một – mười.

+ Nhân hóa: “Mặt của”. 

Như vậy, bằng những nghệ thuật trên đã tạo nên điểm nhấn, cách ngắt nhịp, dùng từ sinh động, gần gũi, giàu hình ảnh. 

– Vận dụng: 

+ Phê phán những kẻ coi của hơn người.

+ An ủi động viên “Của đi thay người”. 

+ Nói về tư tưởng, đạo lý, triết lí sống của nhân dân ta, đặt con người lên trên của cải.

– Câu tục ngữ tương tự:

+ Dị bản: “Một mặt người hơn mười mặt của”.

+ “Còn người còn của”.

+ “Của đi thay người”. 

Phân tích câu tục ngữ “Một mặt người bằng mười mặt của”

Câu 2: “Cái răng, cái tóc là góc con người”

– Nội dung: 

+ Răng, tóc: Phần nào thể hiện tình trạng sức khỏe con người. 

+ Một phần thể hiện hình thức, tính cách con người. 

Như vậy, câu tục ngữ trên muốn nói đến hình thức thể hiện nhân cách của con người. 

– Nghệ thuật: 

Câu nói 8 tiếng ngắn gọn, ngắt nhịp 2/2/4, gieo vần “óc” ở tiếng thứ 4 và thứ 6. Điều này khiến cho câu tục ngữ dễ nhớ, dễ thuộc. 

– Vận dụng: 

+ Khuyên nhủ, nhắc nhở con người phải biết giữ gìn răng, tóc sạch và đẹp. 

+ Thể hiện cách nhìn nhận, đánh giá, bình phẩm con người của nhân dân.

Câu 3: “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

– Nội dung: 

+ Nghĩa đen: Dù đói vẫn phải ăn uống sạch sẽ, dù quần áo rách vẫn phải giữ cho sạch thơm.

+ Nghĩa bóng: Dù nghèo khổ, thiếu thốn vẫn phải sống trong sạch, không vì nghèo khổ mà làm điều xấu xa, tội lỗi. 

– Nghệ thuật: 

+ Hai vế đối bổ sung và làm sáng tỏ nghĩa cho nhau (đói-rách, sạch-thơm). 

+ Ngắt nhịp, gieo vần “ach”. 

– Vận dụng: Khuyên nhủ, giáo dục lòng tự trọng, đạo đức cho con người. 

Phân tích câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm”

Câu 4: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.

– Nội dung: Con người cần phải học từ những việc đơn giản nhất như ăn, nói, gói, mở để mọi hành vi, ứng xử đều thể hiện mình là người lịch sự, tế nhị, biết đối nhân xử thế. Đây đều là những hành vi ứng xử nhỏ nhất sẽ thể hiện văn hóa, nhân cách con người. 

– Nghệ thuật: Câu có 8 tiếng ngắn gọn, ngắt nhịp 2/2/2/2 gieo vần tiếng thứ 4 và thứ 6 giúp mọi người dễ nhớ, dễ thuộc. 

– Vận dụng: Dạy bảo, khuyên nhủ con người cần lịch sự, văn minh trong giao tiếp, đối nhân xử thế. 

– Câu tục ngữ tương tự: 

+ Ăn trông nồi, ngồi trông hướng. 

+ Lời nói gói vàng.

+ Ăn nên đọi (bát), nói nên lời. 

+ Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Câu 5: Không thầy đố mày làm nên.

Khẳng định vai trò quan trọng, công ơn của người Thầy với thành công của mỗi người. Vì vậy, học trò cần kính trọng và biết ơn thầy cô. 

Câu 6: Học thầy không tày học bạn.

Nghệ thuật so sánh nhằm nhấn mạnh, đề cao vai trò của việc học bạn. Từ đó, khuyến khích việc mở rộng đối tượng, phạm vi và cách học hỏi. 

Phân tích hai câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên” và “Học thầy không tày học bạn”.

Hai câu tục ngữ thứ 5 và thứ 6 mới đầu tưởng mâu thuẫn nhưng thực ra chúng bổ sung ý nghĩa cho nhau. Bởi vì chúng ta không chỉ cần học những tri thức, kỹ năng từ thầy cô ở nhà trường mà còn cần học hỏi, chọn lọc những điều hay từ bạn bè, những người xung quanh để tự hoàn thiện bản thân. 

Trên đây là những nội dung kiến thức cần nhớ trong bài “Tục ngữ về con người và xã hội”. Để học đầy đủ chương trình học kỳ II môn Ngữ văn 7, đặc biệt là chuẩn bị sớm kiến thức cho năm học mới, phụ huynh, học sinh có thể tham khảo Chương trình Học tốt 2020-2021 của HOCMAI. Chương trình bao gồm 2 khóa Trang bị kiến thứcÔn luyện, đặc biệt là lộ trình học khép kín 4 bước đối với môn Toán và Ngữ văn sẽ giúp học sinh chắc kiến thức, kỹ năng để tự tin học tốt, học giỏi cho năm học tới. 

>>> TÌM HIỂU NGAY https://bit.ly/BÍ-KÍP-CHINH-PHỤC-9-10

Mọi thông tin chi tiết về chương trình vui lòng liên hệ hotline 0936585812 để được giải đáp miễn phí!