Hướng dẫn phân tích bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” giúp học sinh lớp 9 đạt điểm cao

0
11570

Dạng bài nghị luận về một tác phẩm văn học là một dạng bài khó, chiếm trọng số điểm 60% của cấu trúc đề thi cuối kì hay đề thi vào lớp 10.

Đặc biệt với dạng bài nghị luận văn học về một bài thơ, học sinh gặp rất nhiều khó khăn trong việc phân tích vì thường bỏ sót các chi tiết nghệ thuật hoặc nêu nghệ thuật nhưng quên không nêu nội dung. Theo chia sẻ của cô Trần Thị Vân Anh – giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI sẽ hướng dẫn học sinh phân tích bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của tác giả Thanh Hải một cách dễ nhớ và đạt điểm trọn vẹn chỉ ba phần đơn giản sau đây:

Phần 1: Mở bài

Trước hết, học sinh cần giới thiệu khái quát về tác giả Thanh Hải và hoàn cảnh sáng tác của bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”. Ở phần này, học sinh cần giới thiệu về tên, quê quán, một số thành tựu nổi bật và một số tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của tác giả. Còn đối với tác phẩm, các bạn cần giới thiệu chính xác hoàn cảnh sáng tác và nêu bật được chủ đề của bài thơ. Chú ý, học sinh làm phần này thường viết khá dài, lan man khó tránh khỏi việc lạc đề hoặc mất quá nhiều thời gian cho phần mở bài.

Cô Vân Anh hướng dẫn phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Phần 2: Thân bài:

a,Nhan đề bài thơ

Bất kỳ một bài thơ nào đều phải phân tích nhan đề theo hai hàm nghĩa: nghĩa tả thực và nghĩa ẩn dụ để nêu rõ chủ đề của tác phẩm. Đối với bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”, học sinh cần phân tách hai từ “mùa xuân” và từ láy “nho nhỏ” trong khi phân tích để nêu bật lên chủ đề của bài thơ là nỗi niềm khao khát, mong muốn được dâng hiến những gì bé nhỏ mà ý nghĩa nhất trong tâm hồn thi sĩ cho mùa xuân chung của đất nước.

Cô Trần Thị Vân Anh – giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI

b,Bố cục bài thơ và cách phân tích từng phần

Khi phân chia bố cục của một tác phẩm văn học, học sinh cần đọc kỹ văn bản, sau đó, chia đoạn ứng với từng nội dung sao cho hợp lý và dễ dàng cho việc phân tích tác phẩm. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được cô Vân Anh hướng dẫn chia làm ba đoạn với nội dung và cách phân tích cụ thể của từng đoạn như sau:

Đoạn 1: Khổ thơ đầu tiên mang nội dung mùa xuân của thiên nhiên.

Đối với khổ một, học sinh phân tích theo trình tự năm câu thơ đầu tiên sau đó mới tới câu thơ cuối cùng. Năm câu thơ đầu tiên với biện pháp nghệ thuật “chấm phá”, đảo ngữ từ “mọc” ở đầu câu kết hợp nghệ thuật ẩn dụ “chuyển đổi cảm giác” tác giả đã tái hiện một bức tranh thiên nhiên mùa xuân thơ mộng tràn đầy sức sống của xứ Huế mộng mơ.

Vẫn với nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác kết hợp với từ cảm thán “ơi” và động từ “hứng”, người đọc cảm giác được tình yêu tha thiết với đời với mùa xuân xứ sở của thi sĩ Thanh Hải trong bài thơ.

Đoạn 2: Hai khổ thơ tiếp theo mang nội dung mùa xuân của đất nước.

Trong khổ thơ thứ hai, tác giả vẫn với nghệ thuật ẩn dụ từ “lộc” kết hợp với nghệ thuật điệp từ ngữ “mùa xuân”, “người”, “tất cả như” và hai từ láy “hối hả”, “xôn xao” cùng nhịp thơ nhanh, tất cả như gợi lên một bức tranh lao động với không khí hăng say, khẩn trương hứa hẹn một tương lai tốt đẹp dành cho người dân đất Việt.

Khổ thơ tiếp theo, cụm từ “bốn ngàn năm” khiến người đọc nhớ đến nền lịch sử với bề dày văn hiến lâu đời của nước ta. Nghệ thuật so sánh “đất nước – vì sao” cùng nghệ thuật nhân hóa “đi lên phía trước” là niềm tin, sự hy vọng và sự tin tưởng về sự phát triển của đất nước Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới có thể sánh ngang với năm châu bốn bể.

Cô Vân Anh hướng dẫn học sinh phân tích bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”

Đoạn 3: Ba khổ thơ cuối cùng mang nội dung mùa xuân của lòng người.

Khổ thơ thứ ba và thứ tư, tác giả ước nguyện làm “con chim”, “một cành hoa” và “một nốt trầm” với những tính từ “nho nhỏ”, “lặng lẽ”. Qua đó, người đọc cảm nhận được tâm nguyện nhỏ bé, tràn đầy triết lý nhân sinh trong tâm hồn của tác giả.

Khổ thơ cuối cùng, tác giả đã trích dẫn điệu hát dân gian quen thuộc của xứ Huế “nam ai, nam bình” qua đó, người đọc cảm nhận được Thanh Hải là một người yêu quê hương, yêu đất nước tha thiết và cháy bỏng.

Tham khảo phân tích chi tiết tại: Phân tích bài thơ mùa xuân nho nhỏ

Phần 3: Kết bài

Ở phần kết bài, học sinh tóm lại nội dung của tác phẩm, từ đó, đưa ra đánh giá riêng của bản thân về triết lý cuộc sống cũng như cái nhìn đầy nhân sinh của tác giả. Ngoài ra học sinh cần lấy dẫn chứng như những câu nói hay những câu thơ nổi tiếng mang tính chất giáo dục, hướng con người ta làm theo để có thể tạo điểm nhấn cho bài.

Qua những chia sẻ trên, học sinh nên rút kinh nghiệm khi làm bài nghị luận văn học và tìm đọc những tác phẩm văn học bên ngoài nhằm bổ sung thêm kiến thức, tư liệu hữu ích để lấy làm dẫn chứng. Như vậy, học sinh có thể chuẩn bị kỹ càng hành trang cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới.

Ngoài ra, để chuẩn bị tốt cho năm học 2019 – 2020 sắp tới, quý phụ huynh và học sinh hãy tham khảo ngay Chương trình Học tốt của HOCMAI. Khóa học gồm đầy đủ các kiến thức bám sát sách giáo khoa, hệ thống bài tập tự luyện, bài kiểm tra định kì và phương pháp học tập phù hợp cho mỗi môn học

Mọi thắc mắc liên quan đến khóa học, phụ huynh và học sinh vui lòng liên hệ cho HOCMAI qua hotline 0936 58 58 12 để được tư vấn nhanh chóng và miễn phí!