Trong chương trình Ngữ Văn 9, các bạn học sinh đã được học rất nhiều các tác phẩm ôn vào lớp 10 môn Văn. Nhằm giúp các bạn hệ thống kiến thức dễ dàng hơn, trong bài viết này, cùng HOCMAI phân tích tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải.
I. Thông tin về tác giả – tác phẩm
1. Tác giả: Thanh Hải
– Tên thật: Phạm Bá Ngoãn
– Nghệ danh: Thanh Hải
– Sinh năm 1930, mất năm 1980
– Quê quán: Phong Điền, Thừa Thiên Huế
– Bắt đầu hoạt động thơ ca văn nghệ giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp
– Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thanh Hải hoạt động nghệ thuật tại quê hương và là một trong số những tác giả có công đặt nền móng cho văn học Cách mạng ở miền Nam
– Từ 1954 – 1964, Thanh Hải giữ chức vụ cán bộ tuyên huấn
– Từ 1964 – 1967, Thanh Hải phụ trách báo Cờ giải phóng của Huế, sau đó trở thành Ủy viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam
– Sau năm 1975, Thanh Hải ông được bầu làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, Ủy viên thường vụ của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, đồng thời giữ vị trí Ủy viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam
Sự nghiệp văn học:
Trong suốt 50 năm, sự nghiệp sáng tác của Thanh Hải được ghi nhận với 5 tập thơ:
– Tập thơ “Những đồng chí trung kiên” xuất bản năm 1962
– Tập thơ “Huế mùa xuân” xuất bản năm 1970 (tập 1) và 1972 (tập 2)
– Ánh Mắt, xuất bản năm 1956
– Tập thơ “Mưa xuân trên đất này” xuất bản năm 1982
Phong cách và nguồn cảm hứng trong sáng tác:
– Cảm hứng sáng tác của Thanh Hải thường lấy từ vẻ đẹp của thiên nhiên và tình yêu với cuộc sống
– Phong cách thơ Thanh Hải: ngôn ngữ giàu tính gợi hình, nhạc điệu, chan chứa cảm xúc chân thành. Chất liệu sử dụng để sáng tác rất bình dị, gần gũi nhưng vẫn đậm chất tính triết lý về cuộc đời, hướng về tình yêu cuộc sống tha thiết
2. Tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ
a. Hoàn cảnh sáng tác Mùa xuân nho nhỏ
– Bài thơ được viết vào tháng 11 năm 1980 trong thời kỳ đất nước đã thống nhất và đang trên đà xây dựng cuộc sống mới giữa vô vàn khó khăn, thử thách.
– Thanh Hải sáng tác “Mùa xuân nho nhỏ” không đầy một tháng trước khi qua đời vì bệnh nặng và nhận điều trị tại bệnh viện Bạch Mai. Vì vậy, có thể nói, bài thơ như một lời tâm niệm chân thành của tác giả, gửi gắm triết lý về lẽ sống cao cả, đẹp đẽ đến thế hệ sau
b. Ý nghĩa nhan đề tác phẩm
– Trong tiêu đề “Mùa xuân nho nhỏ”, tính từ “nho nhỏ” được tác giả sử dụng nhằm cụ thể hóa, hữu hình hóa hình tượng “mùa xuân” và mang đến nhiều tầng ý nghĩa khác nhau:
Lớp nghĩa thực: nhắc đến mùa xuân của đất trời, của tự nhiên, mang tính chu kỳ, tuần hoàn theo thời gian
Lớp nghĩa ẩn dụ: mùa xuân chính là mong muốn, khát vọng, lí tưởng sống của tác giả. Thanh Hải mong muốn cống hiến tất cả những gì đẹp đẽ nhất, tinh túy nhất cho cuộc đời, cho quê hương và đất nước.
c. Bố cục nội dung
Bài thơ gồm 6 khổ thơ được chia thành 3 phần nội dung, cụ thể như sau:
– Phần một: Phân tích khổ 1 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ – Cảm xúc của tác giả trước khung cảnh mùa xuân của thiên nhiên
– Phần hai: Phân tích khổ 2,3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ – Cảm nhận của tác giả trước mùa xuân của đất nước
– Phần ba: Phân tích khổ 4, 5, 6 – Khát vọng sống và lý tưởng sống cao đẹp bên trong tác giả.
Tham khảo thêm: Soạn văn 9
II. Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
1. Phần 1: phân tích khổ 1 – Cảm xúc của tác giả trước khung cảnh mùa xuân của thiên nhiên
Mở đầu bài thơ gợi ra một khung cảnh mùa xuân thiên nhiên trong trẻo và tràn đầy sức sống:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.”
Tác dụng của nghệ thuật đảo ngữ động từ “mọc” lên đầu câu:
– Nghệ thuật đảo ngữ giúp người đọc dễ dàng liên tưởng về hình ảnh “một bông hoa” tràn đầy sức sống đang vươn mình lên từ từ khỏi mặt nước để đón nhận và hòa mình vào không khí của mùa xuân
– Động từ được đảo lên đầu câu thơ đã tô đậm thêm sức sống mạnh mẽ đến khác thường của “một bông hoa” trên “dòng sông xanh” mà nhà thơ cảm nhận được
Vẻ đẹp của bức tranh xuân xứ Huế được cảm nhận qua hình ảnh “dòng sông xanh”, “bông hoa tím biếc” và “con chim chiền chiện”:
– Những sự vật được tác giả liệt kê đều là những tín hiệu đặc trưng, báo hiệu cho mùa xuân xứ Huế đã đến
– Bức tranh mùa xuân thiên nhiên sinh động với không gian cao rộng, mênh mông của bầu trời dài rộng của “dòng sông xanh”; âm thanh rộn rã vui tươi từ tiếng hót của những chú “chim chiền chiện”; màu sắc rực rỡ với sự kết hợp giữa màu “xanh” của dòng sông, “tím biếc” của hoa
– Sử dụng những gam màu tươi tắn “xanh, tím”, tác giả đã vẽ lên bức tranh thiên nhiên mùa xuân đầy màu sắc, trong trẻo và tươi sáng
– Sử dụng từ cảm thán “ơi” và “chi”, tác giả đã khiến người đọc liên tưởng đến một chất giọng ngọt ngào, thân thương của một người con xứ Huế, đang bày tỏ cảm xúc trước thiên nhiên
Trước vẻ đẹp của mùa xuân đất trời, bất kỳ ai cũng phải cảm thấy ngỡ ngàng, xao xuyến và mong muốn sở hữu:
“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.”
Tác giả sử dụng hình ảnh giàu sức gợi “giọt long lanh rơi” để biểu thị:
– Có thể là giọt mưa xuân hay giọt sương mai trong những buổi sáng, long lanh dưới ánh nắng xuân dịu nhẹ
– Xét trong mối tương quan với câu thơ trước, có lẽ “giọt” ở đây chính là tiếng hót của “con chim chiền chiện”. Tiếng hót ấy vang vọng nhưng không hòa vào không gian mà cô đọng lại thành từng “giọt” trong vắt và “long lanh”. Thứ “giọt” ấy đẹp và thuần khiết đến nỗi đã khơi dậy khao khát sở hữu của nhân vật trữ tình. Nó cũng giải thích cho hành động vội vàng đưa đôi bàn tay để hứng lấy của nhân vật. Tiếng chim sau cách dùng từ của tác giả đã chuyển từ cảm nhận bằng thính giác thành cảm nhận bằng thị giác, sau đó là xúc giác. Ở đây, tác giả đã áp dụng thành công nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, mang đến một trải nghiệm mới cho người đọc
– Điệp từ “tôi” hai lần kết hợp với hành động “hứng” cho thấy sự trân trọng của thi nhân trước vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên. Đồng thời, thể hiện sự tận hưởng, chiếm lĩnh và hòa mình với mùa xuân của nhân vật trữ tình
=> Sử dụng hình ảnh sinh động, nghệ thuật chuyển đổi cảm giác cùng một chút chất nhạc, tác giả đã phác họa được một bức tranh mùa xuân xứ Huế với đầy đủ cả màu sắc, hình ảnh, âm thanh. Qua đó, bộc lộ được cảm xúc ngây ngất trước vẻ đẹp của mùa xuân của thiên nhiên, niềm say xưa và khao khát hòa mình với thiên nhiên đất trời của nhân vật trữ tình.