Hướng dẫn ôn tập học kỳ 1 chuyên đề các phương pháp thuyết minh môn Ngữ văn lớp 8

0
10475

Trong chương trình học kỳ 1 môn Ngữ văn lớp 8, bên cạnh văn tự sự, học sinh còn được làm quen với văn thuyết minh. Đây là dạng bài không khó để viết đúng nhưng muốn hấp dẫn người đọc thì yêu cầu học sinh cần nắm chắc các phương pháp thuyết minh, từ đó áp dụng linh hoạt vào bài. 

Nhằm giúp học sinh bao quát được hệ thống nội dung về văn thuyết minh và các cách giúp bài văn không rơi vào tình trạng liệt kê thông tin về đối tượng, thầy Nguyễn Phi Hùng (giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI) điểm lại một số kiến thức và phương pháp làm bài dưới đây.

Thầy Nguyễn Phi Hùng hướng dẫn học sinh ôn tập học kỳ 1 chuyên đề các phương pháp thuyết minh môn Ngữ văn lớp 8.

▶▶▶ Xem thêm: 8 dạng bài thường gặp về “Từ” trong chuyên đề tiếng Việt môn Ngữ văn lớp 8

Kiến thức cơ bản về văn thuyết minh 

Văn thuyết minh là kiểu văn bản trình bày thông tin về các sự vật, sự việc, hiện tượng tự nhiên, xã hội…bằng phương pháp trình bày, giải thích, giới thiệu. Nó có nhiệm vụ cung cấp tri thức giúp cho người đọc, người nghe hiểu về đối tượng thuyết minh. Văn thuyết minh khác hoàn toàn so với các thể loại văn bản như tự sự, miêu tả và nghị luận. Cụ thể, văn bản miêu tả giúp người đọc, người nghe hình dung, cảm nhận về đối tượng. Còn với văn bản tự sự, nó có mục đích kể lại sự việc, nhân vật. Với văn bản nghị luận, nó có vai trò thuyết phục người đọc tin theo ý kiến tác giả thông qua các luận điểm, dẫn chứng. 

Về nội dung của văn bản thuyết minh: các thông tin được thuyết minh phải có tính chính xác, khoa học, khách quan và hữu ích cho cuộc sống con người. Đồng thời, ngôn ngữ thuyết minh phải có tính chặt chẽ, rõ ràng, chính xác và hấp dẫn.

Cách xác định đề văn thuyết minh

Một đề văn thuyết minh bao giờ cũng có cấu trúc 3 phần. Phần 1 nêu rõ yêu cầu kiểu bài văn, thường bắt đầu bằng “trình bày”, “giới thiệu” hay “thuyết minh”. Tiếp đó, bài chỉ ra đối tượng thuyết minh là gì (một vận động viên thể thao, một tập truyện, một di tích lịch sử, một danh lam thắng cảnh…). Phần 3 là cách thức trình bày bài văn và một số yêu cầu khác như dung lượng của bài, phạm vi ví dụ…Có thể nói, việc xác định đúng kiểu bài và đối tượng thuyết minh sẽ giúp học sinh tránh lạc đề hay viết lan man không đi vào trọng tâm của bài. 

Bố cục bài văn thuyết minh

Một bài văn thuyết minh có cấu trúc 3 phần: mở bài, thân bài và kết bài. Áp dụng kết cấu đó với đề bài “Thuyết minh về chiếc xe đạp”, ta có thể khái quát như sau: 

Mở bài: Giới thiệu đối tượng thuyết minh. Ở đây, ta cần giới thiệu, dẫn dắt người đọc hướng đến đối tượng thuyết minh là chiếc xe đạp. 

Thân bài: Trình bày các thông tin về đối tượng thuyết minh. Trong trường hợp này, ta nêu cấu tạo từng bộ phận, nguyên tắc hoạt động và cách sử dụng của chiếc xe đạp. 

Kết bài: Nêu công dụng và vai trò của đối tượng thuyết minh.

6 phương pháp thuyết minh cần nhớ để bài văn lôi cuốn người đọc

Sau khi đã nắm chắc các kiến thức nền tảng về văn thuyết minh, học sinh cần tìm hiểu về các phương pháp thuyết minh, áp dụng chúng một cách linh hoạt để có một bài văn vừa đầy đủ thông tin mà vẫn hấp dẫn người đọc. 

Trước hết, có thể thấy một đặc điểm của văn thuyết minh là thông tin trong bài phải có tính chính xác. Vậy làm thế nào để ta có được đầy đủ các đặc điểm, tính chất…của đối tượng thuyết minh. Có 2 nguồn tích lũy tri thức học sinh cần lưu ý. Một là nó đến từ thực tế cuộc sống, từ quan sát, trải nghiệm, phân tích tổng hợp thông tin để tìm hiểu đặc điểm của đối tượng. Đây là nơi xuất phát và kiểm nghiệm độ chính xác của thông tin. Khi đưa những thông tin từ thực tế cuộc sống này vào bài văn thì nó thêm phần sống động và chân thực.

Ngoài ra, sách vở và tài liệu là nguồn thông tin học sinh cần tham khảo. Ta nên dùng nguồn nào cho bài văn thuyết minh? Câu trả lời là phải căn cứ vào đối tượng thuyết minh. Nếu đối tượng là sự vật gần gũi với chúng ta hằng ngày, ta ưu tiên dùng phương pháp quan sát đến từ thực tiễn kết hợp với thông tin tra cứu thêm ở sách vở. Còn với nhân vật đã lùi vào quá khứ (như thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Du) thì ta phải sử dụng nguồn tài liệu từ sách vở, báo chí. 

Ví dụ như bài thuyết minh về “cây dừa Bình Định”, tác giả đã giới thiệu đặc điểm, công dụng của cây dừa gắn với đời sống vật chất và tinh thần của người dân Bình Định. Những tri thức mà tác giả có được xuất phát từ sự quan sát, phân tích thực tiễn cuộc sống, chứ không thể dùng tài liệu để lấy thông tin.

Còn với văn bản “Ôn dịch thuốc lá”, tác giả đã nghiên cứu, tìm hiểu rất nhiều để nêu lên những yêu cầu chống nạn hút thuốc lá thông qua cả hai nguồn thông tin trên. Thứ nhất, từ trải nghiệm thực tiễn cuộc sống, tác giả đã quan sát dưới góc độ của một bác sĩ để thấy được những căn bệnh liên quan đến khói thuốc lá.

Ngoài ra, tác giả còn ở với tư cách người dân quan sát cuộc sống xung quanh cộng đồng mình và nhận ra rằng người hút thuốc lá có ở nơi, nó không chỉ ảnh hưởng đến người hút mà còn tác động tiêu cực tới người xung quanh. Thêm vào đó, để bài viết thêm phần thuyết phục, nhiều thông tin đến từ các tư liệu nghiên cứu được nhắc đến. Đó là các cơ chế ảnh hưởng của khói thuốc lá – những tài liệu, kiến thức y học và số liệu những người mắc ung thư mà nguyên nhân liên quan đến khói thuốc lá.

Bên cạnh việc cung cấp những thông tin hữu ích tới người đọc thì để bài văn có sức hấp dẫn, học sinh cần áp dụng nhuần nhuyễn 6 phương pháp thuyết minh dưới đây. 

Phương pháp 1: nêu định nghĩa

Học sinh sẽ đưa ra khái niệm ngắn gọn về đối tượng thuyết minh. Ưu điểm của phương pháp này là làm nổi bật các đặc điểm, bản chất của đối tượng một cách cô đọng. Khi sử dụng phương pháp này, học sinh chú ý nguyên tắc nêu ra loại lớn của đối tượng cần định nghĩa (ví dụ: Huế là một thành phố của Việt Nam) và các đặc điểm phân biệt đối tượng với những sự vật khác cùng loại với nó (ví dụ: Huế là một thành phố của Việt Nam. Nó là một trong những trung tâm về văn hoá – du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của miền Trung – Tây Nguyên và cả nước). Ngoài ra, học sinh cần tránh lỗi định nghĩa quá rộng, quá hẹp hay bị trùng lặp. 

Phương pháp 2: liệt kê

Để làm nổi bật sự phong phú, đa dạng và phức tạp của đối tượng cần thuyết minh, ta nêu các mặt, các nhóm đối tượng, thuộc tính…của nó. Ví dụ văn bản “Thông tin về ngày Trái Đất năm 2000”, khi thuyết minh về tác hại của rác thải bao nylon, tác giả đã dùng phương pháp liệt kê tác hại của nó khi bị lẫn vào trong lòng đất, khi thả trôi xuống cống rãnh, ra sông, ra biển…

Phương pháp 3: nêu ví dụ

Học sinh sẽ đưa ra một trường hợp cụ thể, sống động liên quan đến đối tượng cần thuyết minh để trình bày, phân tích và làm sáng tỏ đặc điểm của đối tượng. Đây là phương pháp phổ biến bởi nó giúp bài văn sinh động, có sức thuyết phục. Trong văn bản “Ôn dịch thuốc lá”, tác giả nêu cách thức hạn chế tác hại của thuốc lá đối với cuộc sống con người bằng các ví dụ hình thức xử phạt những người hút thuốc ở các quốc gia châu Âu. 

Phương pháp 4: so sánh

Về bản chất, so sánh là đối chiếu hai hay nhiều đối tượng có chung một đặc điểm nào đó nhưng mục đích là làm nổi bật sự khác biệt của đối tượng được so sánh. Ví dụ để thuyết minh về độ rộng lớn của Thái Bình Dương, ta có thể so sánh Thái Bình Dương với tất cả các đại dương còn lại.. Khi dùng phương pháp này học sinh cần lưu ý, phép so sánh ấy phải phù hợp, ấn tượng, trực quan đ người đọc người nghe dễ hiểu, dễ nhớ. 

Phương pháp 5: dùng số liệu

Việc sử dụng phương pháp này khiến cho thông tin về đối tượng thêm khách quan, chính xác, cụ thể và thuyết phục. Khi dẫn số liệu, học sinh cần lưu ý về tính chính xác và sự phù hợp với đối tượng cần thuyết minh. 

Phương pháp 6: phân loại

Phân loại là chia nhỏ đối tượng thành từng đối tượng, nhóm đối tượng nhỏ hơn. Phân tích là tách riêng các đặc điểm, bộ phận của đối tượng để xem xét theo một tiêu chí nào đó. 

Ví dụ: Trong bài Ôn dịch thuốc lá, để nêu bật tác hại của việc hút thuốc lá, tác giả đã sử dụng kết hợp 3 phương pháp: 

Phương pháp so sánh: Sự nguy hiểm do thuốc lá gây ra như những tên giặc. Tác giả còn so sánh tình hình người dân hút thuốc lá ở Việt Nam so với các nước khác trên thế giới. 

Phương pháp dùng số liệu. Tác giả chỉ ra thực trạng đến bệnh viện K thì mới biết tỉ lệ người mắc bệnh tim mạch phần lớn là do khói thuốc lá gây nên. 

Phương pháp phân tích. Tác giả chỉ ra tác hại của thuốc lá với cá nhân người hút thuốc và những người xung quanh, với cả cộng đồng. 

Trên đây là tổng hợp các kiến thức chuyên đề các phương pháp thuyết minh  trong chương trình Ngữ văn 8 học kì 1. Thông qua những nội dung thầy Nguyễn Phi Hùng chia sẻ, hy vọng học sinh sẽ nắm chắc lý thuyết và vận dụng làm bài tập dạng này một cách hiệu quả nhất. 

Ngoài ra, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi học kì sắp tới, quý phụ huynh và học sinh có thể tham khảo CHƯƠNG TRÌNH HỌC TỐT của HOCMAI. Các khóa học bao gồm đầy đủ các môn: Ngữ văn, Toán, Hóa học, Sinh học…và khái quát toàn bộ nội dung sách giáo khoa cùng trọng tâm kiến thức cần nhớ trong chương trình bên cạnh hệ thống bài tập tự luyện, bài kiểm tra định kỳ. 

Quý phụ huynh và học sinh quan tâm đừng quên để lại thông tin theo link dưới đây để được TƯ VẤN LỘ TRÌNH HỌC hiệu quả nhất: http://bit.ly/cùng-con-bứt-phá-trong-kỳ-1