Chỉ ít ngày nữa thôi, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại các tỉnh thành sẽ lần lượt diễn ra. Trong số các môn thi bắt buộc, môn Ngữ văn được xem là môn thi thách thức nhất đối với các bạn học sinh trong quá trình ôn thi. Nhằm hướng các bạn học sinh tới mục tiêu cao nhất trong kỳ thi, sau đây, HOCMAI sẽ chia sẻ đến các bạn những kinh nghiệm ôn thi vào 10 môn Ngữ văn và chiến thuật làm bài thi điểm cao.
Kinh nghiệm ôn thi vào 10 môn Ngữ văn
Đặt mục tiêu và kế hoạch tự học
Trong quá trình tự học, kế hoạch ôn và các mục tiêu là yếu tố quan trọng tác động đến hiệu quả ôn tập của các bạn học sinh. Theo kinh nghiệm ôn thi vào 10 môn Ngữ văn, các bạn học sinh nên đặt mục tiêu theo ngày, theo tháng cụ thể để đánh giá được năng lực ôn của mình. Các bạn nên chia nội dung ôn thành 2 phần bài tương ứng trong đề thi là Phần Đọc hiểu và Phần Làm văn.
Với phần đọc hiểu, các bạn có thể đặt kế hoạch luyện tập một lượng bài nhất định trong một ngày. Khi hoàn thành các mục tiêu trong ngày các bạn sẽ vừa thu nạp được một lượng kiến thức nhất định, vừa có thêm động lực cải thiện các kỹ năng khác.
Với phần làm văn, lời khuyên từ các thầy cô giáo là không “học vẹt, học tủ”. Có thể thấy lượng văn bản cần ôn tập trong kỳ thi vào 10 môn Ngữ văn là rất lớn. Vì vậy, việc dành thời gian học thuộc lòng văn mẫu chắc chắn sẽ không đem lại kết quả cao. Thay vào đó, các bạn nên học theo các ý chính, các luận điểm, luận cứ, dẫn chứng cho từng dạng bài để tăng tư duy linh hoạt trong bài thi hơn.
Luyện cách trình bày, chữ viết
Nhiều bạn học sinh cho rằng trong bài thi không cần chú ý đến phần hình thức bài làm. Quan niệm này là sai lầm vì trong barem điểm luôn có phần điểm cho trình bày. Thực tế, không hiếm các bạn mất điểm do lỗi trình bày (quá dài hoặc quá ngắn, không đúng trọng tâm câu hỏi,..). Vậy nên trong quá trình ôn thi, ngoài tập trung vào luyện đề, các bạn nên tập trình bày như một bài thi thật để tránh mắc những lỗi gây mất điểm “oan” trong kỳ thi chính thức sắp tới.
Tập thói quen theo dõi tin tức
Trong bài thi vào 10 môn Ngữ văn, một trong số các dạng bài, dạng câu hỏi không thể thiếu đó chính là liên hệ thực tế về một vấn đề đã cho. Đây là dạng câu kiểm tra khả năng quan sát, nhận định của học sinh trong thực tế. Vì thế, để có thể ghi điểm với người chấm, các bạn nên rèn thói quen theo dõi tin tức thường xuyên. Khi theo dõi có thể vận dụng, áp dụng thử vào các dạng nghị luận xã hội đã học. Thông tin càng sát, càng liên quan đến thực tế thì bài thi của các bạn sẽ có điểm cảng cao.
- Lộ trình toàn diện - NẮM CHẮC NỀN TẢNG - TỔNG ÔN TOÀN DIỆN - LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU
- ĐA DẠNG HÌNH THỨC HỌC - PHÙ HỢP VỚI MỌI NHU CẦU
- TOP THẦY CÔ DANH TIẾNG, GIÀU KINH NGHIỆM
- DỊCH VỤ HỖ TRỢ HỌC TẬP ĐÔNG HÀNH TRONG SUÔT QUÁ TRÌNH HỌC TẬP
Luyện kỹ các dạng bài trong quá trình ôn tập và làm đề
Trong quá trình luyện đề môn Văn, có một phương pháp rất hiệu quả mà tất cả các em học sinh nên áp dụng trong quá trình ôn tập đó là thực hành một dạng bài một cách liên tục với các đề bài khác nhau. Đây là cách giúp cho các em học sinh có thể luyện tập phản xạ một cách tốt nhất tất cả các dạng bài thường xuyên xuất hiện trong đề cũng như trong quá trình học.
Ví dụ: Các em học sinh luyện tập phần đọc hiểu từ 5, 6 đề thi vào lớp 10 môn văn khác nhau qua các năm và ôn tập liên tục trong từ 4 tới 5 ngày. Tiếp theo đó, các em học sinh lại chuyển qua ôn tập phần nghị luận văn học với số lượng đề thi và khoảng thời gian tương tự. Sau đó cứ khoảng 2 tuần các em học sinh lại thực hiện một vòng như vậy.
Ngoài việc tạo phản xạ tốt cho học sinh, các em sẽ có được tư duy logic và có sự liên kết các phần kiến thức môn văn với nhau.
Tăng cường tham khảo kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau
Một kinh nghiệm được rất nhiều học sinh áp dụng và đạt hiệu quả tốt chính việc trong quá trình ôn thi Văn ngoài việc học kiến thức trong SGK, SBT thì còn tham khảo nhiều loại tài liệu các loại sách báo để bổ sung kiến thức thêm kiến thức.
Bên cạnh đó. việc này còn giúp các em học sinh được đa dạng hóa và củng cố thêm vốn từ đa dạng để có thể áp dụng giúp cho bài nghị luận văn học của mình trở nên đa dạng và sinh động. Còn đối với dạng bài tập về nghị luận xã hội, đọc thông tin và tài liệu còn giúp các em học sinh có lượng thông tin lớn làm dẫn chứng.
Nguồn tài liệu tham khảo để học sinh có thể đọc, học hỏi vô cùng rộng lớn và gần gũi, ví dụ như bài viết đạt điểm tốt của bạn bè, anh chị khóa trên, sách tham khảo, báo chí, truyền hình, mạng xã hội,…
Bạn nên ưu tiên tiếp thu kiến thức từ báo chí, truyền hình, blog chính thống chất lượng cho các bài viết nghị luận xã hội. Trong khi đó, sách tham khảo của các nhà xuất bản uy tín lại là lựa chọn bạn nêu ưu ái nếu cần học hỏi về nghị luận văn học.
Kinh nghiệm làm bài thi môn Ngữ Văn đạt điểm cao
Để đạt được điểm cao trong bài thi môn Ngữ văn vào 10 thì kiến thức thôi chưa đủ mà các bạn học sinh còn cần có chiến thuật làm bài thông minh. Với mỗi phần câu hỏi khác nhau, các bạn học sinh nên luyện cho mình những cách làm bài, trình bày và diễn giải phù hợp. Làm sao để tận dụng được tối đa thời gian thi và kiến thức đã có sẵn để hoàn thành bài thi một cách tốt nhất.
Phần đọc hiểu
1. Đọc đề và gạch chân từ khóa
Đối với phần Đọc hiểu, đề bài sẽ cung cấp ngữ liệu để trả lời các câu hỏi. Bí quyết dành điểm cao trong phần này là đọc và gạch chân các từ khóa trong câu hỏi trước khi đọc văn bản. Bằng cách này, các bạn có thể xác định được đâu là nội dung cần tập trung khi đọc văn bản, tránh lan man vào những nội dung không cần thiết.
2. Xác định dạng câu hỏi
Sau khi đã đọc và nắm được ý chính trong câu hỏi, các bạn học sinh nên định hình cấp độ và dạng câu hỏi để định hướng cách trình bày. Đối với phần Đọc hiểu, thường các câu hỏi sẽ được phân theo các dạng như sau:
- Dạng nhận biết: thường yêu cầu học sinh đọc và chiết suất thông tin liên quan đến các phương thức biểu đạt, nội dung chính của ngữ liệu, biện pháp tu từ sử dụng,..
- Dạng thông hiểu: thường yêu cầu học sinh liên kết, kết nối thông tin, diễn giải thông tin đã đọc nhằm đánh giá mức độ hiểu đề bài của thí sinh
- Dạng vận dụng: thường dùng để đánh giá mức độ hiểu sâu và khả năng ứng dụng vào trải nghiệm, kiến thức thực tế của thí sinh
3. Tìm các thông tin tương ứng với các từ khóa ở bước đầu
Đây là phần các bạn học sinh cần đặc biệt lưu ý vì có ý nghĩa rất quan trọng trong phần bài làm của các bạn. Tuy các câu hỏi đặt ra trong phần đọc hiểu chỉ dùng ở mức thông hiểu nhưng nhiều bạn học sinh thường mất điểm do trình bày không rõ ràng.
Ví dụ khi đề yêu cầu chỉ ra và phân tích tác dụng của phép tu từ, các bạn học sinh nên trình bày lần lượt như sau: Gọi tên biện pháp tu từ (trích dẫn câu có sử dụng biện pháp đo); Phân tích tác dụng (phép tu từ làm nổi bật điều gì, đặc điểm, ý nghĩa của nó với câu văn,.); Đánh giá khả năng của người viết (về thái độ tình cảm, khả năng quan sát, tưởng tượng,..)
Phần nghị luận xã hội
Phần nghị luận trong đề thi Ngữ văn vào 10 thường là phần khó đối với nhiều bạn học sinh. Lý do là vì đây là phần không thể “học tủ” do kiến thức yêu cầu vận dụng rất nhiều từ thực tế. Tuy nhiên nếu biết kỹ thuật làm bài và tư duy đúng, các bạn hoàn toàn có thể ghi điểm cao trong bài văn nghị luận xã hội này.
Khi làm bài văn nghị luận xã hội các bạn lưu ý bài văn phải trả lời được 4 câu hỏi: Vấn đề là gì? Vấn đề đó được biểu hiện như thế nào? Tác động của vấn đề đó với đời sống (tích cực hay tiêu cực)? Vấn đề được liên hệ với thực tế như thế nào?. Một bài văn nghị luận sẽ được đánh giá cao khi nêu được luận điểm rõ ràng, các bước chứng minh hay giải thích cho vấn đề phù hợp với thực tế. Vì vậy, các bạn học sinh nên luyện tập thật nhiều để tránh mất điểm trong phần làm văn này.
Phần nghị luận văn học
Đối với văn bản thơ, các bạn học sinh cần đảm bảo bài văn của mình đủ các yếu tố như: Ý nghĩa nội dung đoạn thơ có trong đề bài là gì? Các biện pháp nghệ thuật trong đoạn thơ có tác dụng gì (phân tích, nêu ý nghĩa của phép tu từ đó)? Tổng kết, khái quát tình cảm của tác giả biểu hiện qua tác phẩm và qua đoạn thơ phân tích. Đặc biệt trong phần này, các bạn học sinh nên bám sát vào trích đoạn thơ đã cho, tránh lan man vào những nội dung khác gây lạc đề.
Còn đối với văn bản truyện, để bài văn đủ ý, các bạn học sinh cần đảm bảo đủ 4 yếu tố như: Cốt truyện (sự kiện chính, diễn biến của các sự kiện theo trình tự); Ngôi kể (ý nghĩa của việc sử dụng ngôi kể với tác phẩm); Nhân vật (về hoàn cảnh, về tính cách, vai trò trong tác phẩm); Chủ đề của tác phẩm (ý nghĩa của chủ đề tác phẩm, các chi tiết nghệ thuật cài cắm và ý nghĩa của chúng đối với tác phẩm).
Bên cạnh đó, ngay từ trong quá trình học, các em học sinh cũng cần có phương pháp và cách soạn văn hiệu quả vì chính những bài soạn của các em là dàn ý và là tư liệu quý giá trong quá trình ôn tập.
Ngoài các lưu ý về nội dung, về hình thức, các bạn tuyệt đối không trình bày theo dạng gạch đầu dòng, các luận điểm nên chia thành đoạn nhỏ, có sự thống nhất phân tích giữa các đoạn. Với các luận điểm khác nhau nên chia thành các đoạn nhỏ, làm sao để khi đọc qua người chấm có thể hiểu được tuần tự nội dung phân tích của bài làm.
Trên đây là toàn bộ kinh nghiệm ôn thi vào 10 môn Ngữ văn và chiến thuật làm bài thi điểm cao được HOCMAI sưu tầm và tham khảo từ nhiều thầy cô giáo. Hy vọng những chia sẻ trên là hữu ích trong quá trình ôn tập trước kỳ thi mang tính “bước ngoặt” này của các bạn. Chúc các bạn học sinh sẽ có một kỳ thi thành công!