Mạng xã hội trong cuộc sống gia đình hàng ngày: Trăn trở và giải pháp cho phụ huynh

0
895

Thời đại công nghệ phát triển, việc sử dụng internet mang lại nhiều lợi ích cho con trẻ, tuy nhiên lạm dụng nhiều internet là “con dao hai lưỡi” có thể khiến con gặp nhiều rủi ro trên môi trường mạng.

Với mong muốn bảo vệ con trên môi trường mạng, nhiều cha mẹ lo lắng ngăn cấm con cái sử dụng internet. Tuy nhiên, đó không phải là một phương pháp hay để dạy con trong thời đại số. Cha mẹ nên trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về mạng xã hội và tâm lý của con để đồng hành cùng con an toàn trên môi trường mạng.

Nhằm giải quyết nỗi lo của các bậc cha mẹ, sáng 19/12/2020 Hệ Thống Giáo dục HOCMAI và Facebook tư duy thời đại số đã phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Làm bạn cùng con trên môi trường số” tại trường THCS Thái Thịnh, (Đống Đa, Hà Nội) nhận được sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh.

Dạy con trong thời đại số là một thử thách lớn đối với cha mẹ

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Phạm Hải Chung cho biết phụ huynh thời nay đã hiện đại hơn rất nhiều, nhưng đa số vẫn chưa biết cách quan tâm và đồng hành với con trong việc sử dụng Internet an toàn. Nhiều cha mẹ nghĩ internet nguy hiểm, họ sẽ tìm cách để kiểm soát, cấm đoán không cho con sử dụng, một số khác thì nghĩ rằng, con còn nhỏ chưa dùng internet nhiều nên không sao.

Trong khi đó, tin giả tràn ngập mạng xã hội, vô tình con có thể xem những ấn phẩm không phù hợp, gặp các phần mềm lừa đảo, dễ bị kết bạn xấu,… Đã đến lúc phụ huynh thay đổi quan điểm, trang bị kiến thức và sẵn sàng đồng hành cùng con trong việc sử dụng Internet an toàn.

Chị Nguyễn Thu Trà (Thanh Xuân, Hà Nội) hiện đang có con học lớp 8 tại trường THCS Thái Thịnh cho hay: “Rất nhiều thông tin trên mạng xã hội bố mẹ không tìm kiếm tốt bằng cháu, không thể phủ nhận rằng giới trẻ ngày nay sử dụng Internet rất nhanh nhạy. Tuy nhiên, có một vấn đề chị cũng phải “bất lực” là không thể kiểm soát được thời gian con sử dụng Internet và mạng xã hội. Mặc dù, đã đưa ra một số hình phạt đối với con nhưng không thực sự hiệu quả. Tôi cũng rất lo lắng việc sử dụng quá nhiều Internet khiến con gặp phải nhiều vấn đề không hay về bảo mật thông tin.”

Phụ huynh chia sẻ những khó khăn trong vấn đề làm bạn cùng con trên môi trường số tại hội thảo

Anh Đặng Văn Hảo (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho rằng vấn đề anh quan tâm nhất chính là làm thế nào để hướng dẫn cho con sử dụng Internet để phục vụ cho việc học tập cũng như việc mở rộng kiến thức ngoài xã hội mà không bị ảnh hưởng bởi game và các trang web không lành mạnh trên mạng xã hội. Mặc dù con mới học lớp 6, chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi Internet, nhưng là vấn đề anh cũng lo lắng trong tương lai con mình sẽ gặp phải. 

Chính vì những nỗi lo đó, cha mẹ cần phải là người hiểu biết có thể hướng dẫn cho con, mặt khác gần gũi làm bạn và đồng hành cùng con. Để việc dạy con trong môi trường số không còn là thử thách, phụ huynh nên kiên trì hàng ngày để con hiểu được việc người lớn đang làm là tốt cho mình. 

Làm thế nào để cha mẹ giúp con sử dụng Internet an toàn?

Việc dạy con trên môi trường số cũng cần có phương pháp phù hợp đối với mỗi gia đình và đòi hỏi sự kiên trì của cha mẹ. Là một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông và giáo dục, TS.Phạm Hải Chung đã có những chia sẻ giúp phụ huynh biết cách dạy con sử dụng Internet an toàn hơn.

TS. Phạm Hải Chung hướng dẫn phụ huynh cách đồng hành cùng con an toàn trên môi trường số tại hội thảo

Kết nối Internet an toàn: Để là người có thể dạy con dùng Internet an toàn, cha mẹ nên là tấm gương để con có thể làm theo. Phụ huynh nên dạy con về bảo mật thông tin trên mạng xã hội bằng cách không chia sẻ danh tính của bản thân cho bất kỳ ai trên môi trường số (Ví dụ: địa chỉ nhà, ngày tháng năm sinh, số điện thoại,…) đồng thời không tiết lộ mật khẩu với bất kỳ ai, kể cả người thân trong gia đình. 

Cùng con kiểm soát thời gian khi sử dụng Internet: Ở lứa tuổi học sinh, nhiều em không quản lý được thời gian của mình. Vì thế, cha mẹ cần xây dựng kế hoạch quản lý thời gian cụ thể cho con. Hãy đặt ra các quy định cho cả người lớn cùng thực hiện như thời gian online một ngày của mỗi thành viên trong gia đình là 1 (giờ), nếu ai vượt quá thời gian quy định sẽ bị phạt. Bằng cách này, con cũng có thể nhắc nhở thời gian sử dụng Internet của cha mẹ và của bản thân. 

Cha mẹ chỉ nên cho con tiếp xúc với máy tính có giới hạn, kiểm soát thời gian và các hoạt động của con trên máy một cách chặt chẽ, định hướng cho con sử dụng máy tính đúng mục đích học tập và giải trí lành mạnh. Thích hợp nhất là nên hướng con vào niềm say mê một môn học nào đó cần sử dụng máy tính, để con sử dụng nó vào mục đích học tập của mình.

Phát triển sự thấu cảm khi sử dụng Internet: Khi tiếp xúc với một người qua mạng xã hội, thường thiếu đi giọng nói và biểu cảm khuôn mặt nên hay dẫn đến hiểu lầm. Vì vậy, cha mẹ nên dạy con khi tiếp xúc với các nội dung trực tuyến, hãy đặt mình vào vị trí của người đó và cảm nhận những gì người khác đang trải qua, tránh làm tổn thương họ bằng những lời nói không hay trên mạng xã hội.

Chuẩn bị tâm lý đối mặt với tình huống xấu trên Internet: Thực tế, đã có rất nhiều bạn trẻ gặp phải những tình huống xấu khi để lộ thông tin trên mạng xã hội. Khi gặp phải những điều không hay trên Internet, có thể con sẽ không biết cách để ứng phó. Cha mẹ nên dạy con chuẩn bị tốt tâm lý nếu mình gặp phải tình huống tương tự. Đừng ngần ngại ngồi nói chuyện với con và đặt ra một số tình huống cụ để con tự giải quyết. Cha mẹ có thể hỏi “Con cảm thấy thế nào nếu ai đó đăng một bức ảnh xấu hổ của mình trên facebook hoặc khi ai đó đăng bình luận ác ý về điều gì đó con đã chia sẻ trực tuyến?”, sau đó con sẽ nói lên suy nghĩ của mình và phụ huynh có thể định hướng thêm. 

Theo chia sẻ của các bậc phụ huynh tham gia hội thảo, con cái họ ngại chia sẻ với cha mẹ những tiêu cực xảy ra đối với mình trên mạng xã hội. Tuy nhiên, cha mẹ có thể tâm sự với con để con hiểu hơn về mong muốn của mình. Cha mẹ có thể dạy con một số cách ứng xử khi có điều gì đó làm phiền con mình trên mạng xã hội như bình tĩnh xem xét lại vấn đề, sau đó nhận sự trợ giúp từ gia đình và bạn bè, thậm chí có thể chặn hoặc báo cáo để tránh bị làm phiền.

Luôn xác thực mọi thông tin: Khi sử dụng mạng Internet, không tránh khỏi việc con sẽ đọc được những thông tin tiêu cực, giả mạo. Vì vậy, việc dạy con cách xác thực thông tin trước khi tiếp nhận là hết sức quan trọng. Hãy luôn đọc các thông tin trong tâm thế “nghi ngờ” là cách để kiểm chứng nó. Dạy con xác thực thông tin theo thứ tự các bước sau: Tìm hiểu về nguồn thông tin, xác định đối tượng và thời gian đăng tải, cuối cùng là liệt kê động cơ của việc đăng tải nguồn thông tin. 

Như vậy, để làm bạn cùng con trên môi trường số, cha mẹ phải là người có am hiểu về Internet và mạng xã hội. Cha mẹ không nên cấm đoán, kiểm soát quá chặt chẽ mà chỉ nên là người định hướng giúp con đảm bảo an toàn khi sử dụng Internet. Để Internet là công cụ hỗ trợ con học tập và mở mang kiến thức bổ ích chứ không phải để nó “điều khiển” mọi hành vi, cảm xúc của con. 

Hội thảo đào tạo kỹ năng cho cha mẹ “Làm bạn cùng con trên môi trường số” nằm trong dự án Tư duy thời đại số của Facebook. Tư duy thời đại số là một sáng kiến toàn cầu của facebook được triển khai tại nhiều quốc gia. Tại Việt nam, từ năm 2019, facebook đã phối hợp cùng trung tâm công nghệ thông tin truyền thông Vietnet, các sở giáo dục đào tạo triển khai đào tạo cho hơn 240 nghìn học sinh, sinh hơn 1200 giáo viên tại 533 trường, 13 tỉnh thành trên cả nước.

Phát huy sự thành công đó, năm 2020, facebook tiếp tục hợp tác với nhiều đơn vị, đặc biệt là Hệ thống Giáo dục HOCMAI – nền tảng học trực tuyến số 1 Việt Nam, triển khai các hoạt động online và offline. Bên cạnh học sinh, giáo viên, cha mẹ cũng là chủ thể không thể thiếu của hoạt động này với mục tiêu chung, tin tưởng chung rằng: một thế giới số sẽ bắt đầu bằng việc mỗi cá nhân đều biết cách sử dụng công nghệ số một cách có trách nhiệm và an toàn.