Ngữ văn 6: Bí quyết giúp làm bài văn tự sự đạt điểm cao

0
4676

Trong chương trình Ngữ văn 6, văn tự sự là dạng văn quen thuộc với các bạn học sinh. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng xây dựng được bài văn tự sự ấn tượng, thu hút. Để có được một bài văn hay, các con cần có phương pháp làm bài phù hợp với dạng viết văn này!

Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và chấm bài, thầy Nguyễn Phi Hùng – Giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã tổng kết ra những đường hướng quan trọng giúp học sinh làm được bài văn tự sự tốt, đạt điểm số cao: “Để một bài văn tự sự có thể tạo được ấn tượng với người đọc, với thầy cô, thì thứ nhất, nội dung phải hay, phải ấn tượng; thứ hai, hình thức trình bày bài văn phải thật sinh động”. 

Nội dung bài văn hấp dẫn

Nội dung là yếu tố quan trọng hàng đầu để tạo nên một bài văn tự sự hay, ấn tượng. Để xây dựng được bài văn với nội dung hấp dẫn, học sinh cần chú ý tới một số khía cạnh:

  • Nhân vật cần được trau chuốt, ấn tượng

Trong bài văn, có thể xuất hiện tuyến nhân vật chính và nhân vật phụ và người viết cần tạo được ấn tượng sâu đậm cho người đọc, người nghe về nhân vật của mình. 

Ấn tượng có thể đến từ những chi tiết rất nhỏ trong bài văn như: tên, hoàn cảnh sống của nhân vật; chi tiết đặc biệt, thú vị trong ngoại hình nhân vật; sự đối lập giữa tính cách, phẩm chất với hoàn cảnh mà nhân vật đang phải chịu đựng; sự mâu thuẫn giữa vẻ bề ngoài của nhân vật với tính cách bên trong….

  • Sáng tạo tình huống truyện hấp dẫn

Muốn tạo tình huống truyện hấp dẫn, thu hút người đọc, các con có thể đặt nhân vật vào hoàn cảnh đầy thử thách trớ trêu, éo le, ngay cả trong những tính huống thường nhật nhất. Tình huống truyện độc đáo chứa đựng sự éo le, nghịch lý giúp thử thách nhân vật, góp phần giúp nhân vật thể hiện hết vẻ đẹp, tính cách, phẩm chất, tạo độ căng, sức hút cho câu chuyện. 

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc sáng tạo tình huống truyện, thầy Nguyễn Phi Hùng đưa ra nhận định: “Nếu không có tình huống truyện, câu chuyện dễ trở nên nhạt nhoà và nhàm chán. Tình huống truyện là phần quan trọng, xuất hiện ngay từ đầu sẽ giúp tạo nên sức căng cho câu chuyện, hút người đọc bị cuốn vào câu chuyện để theo dõi phản ứng, cách ứng xử của nhân vật trong tình huống đầy thử thách vừa được.”

Ví dụ: Với đề bài: “Kể về một việc tốt mình đã làm”, để câu chuyện thêm hấp dẫn, học sinh có thể đặt nhân vật của mình vào tính huống khó xử – để làm được việc tốt đó thì nhân vật chấp nhận phải trả giá: muốn giúp ai đó trên đường đi, có thể mình sẽ bị muộn học/ muộn bài kiểm tra/ muộn bài thi, và nhân vật phải đưa ra lựa chọn một cách khó khăn.

  • Đẩy cốt truyện lên cao trào

Câu chuyện tốt phải tạo ra được cảm xúc với những sự kiện đẩy câu chuyện lên cao trào với những xung đột, gay cấn, những hành động đẩy cốt truyện, đẩy sự căng thẳng truyện lên tới đỉnh cao khiến người đọc không thể rời mắt khỏi trang truyện để đọc đến những dòng cuối cùng.

Ví dụ: Kể về việc tốt mình làm: Giúp người gặp khó khăn trên đường, và khi đến trường thì nhân vật đã bị muộn học, đến lớp bị thầy cô phê bình, bị gọi phụ huynh đến trong khi không thể giải thích với thầy cô về hoàn cảnh đó → Tạo ra tình huống căng thẳng, bi kịch cao trào để người đọc đón chờ hướng giải quyết.

  • Chi tiết nhỏ tạo nên tác phẩm lớn

“Dù chỉ là các bài tập làm văn trong chương trình học, chưa phải là một tác phẩm văn chương, nhưng các bạn học sinh cần nhớ rằng: Một bài văn hay cần có những chi tiết dù nhỏ, nhưng ấn tượng. Đây có thể là những chi tiết rất nhỏ, rất đời thường nhưng được dụng công, gửi gắm những ý tưởng sáng tạo, ý nghĩa. Muốn tạo được những chi tiết nhỏ ý nghĩa, học sinh phải nhập tâm vào câu chuyện để quan sát một cách kỹ càng, tinh tế, suy nghĩ chín chắn, thấu đáo”, thầy Nguyễn Phi Hùng chia sẻ.

Những chi tiết ấy có thể là chi tiết về nhân vật: ngoại hình, tính cách, câu nói nổi bật tạo nét riêng… 

>>Xem thêm bài giảng của thầy Nguyễn Phi Hùng tại đây<<

  • Kết thúc bất ngờ/giàu ý nghĩa nhân văn

Các con có thể chọn kết thúc câu chuyện một cách bất ngờ, sáng tạo khiến thầy cô ấn tượng với tình huống truyện được đưa ra. Hoặc cũng có thể chọn một kết thúc giàu ý nghĩa nhân văn, để lan tỏa sự ấm áp, tạo xúc cảm cho người đọc.

Hình thức bài văn sinh động

Bên cạnh nội dung hấp dẫn thì việc xây dựng một bài văn tự sự với hình thức sinh động cũng là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của bài văn. Học sinh có thể áp dụng một số phương pháp làm bài để tạo nên sự thu hút cho bài văn của mình:

  • Vào đề thú vị – Kết thúc ấn tượng

Vào đề thú vị: Thay vì mở đầu một cách bình thường, người viết có thể tạo ấn tượng bằng một chi tiết thú vị như: âm thanh, hình ảnh đặc biệt, gây tò mò cho người đọc. Đây có thể là một chi tiết ở giữa câu chuyện, sau đó mới lật ngược trở lại về nguyên nhân dẫn đến câu chuyện sắp kể. 

Kết thúc ấn tượng: Có thể sử dụng cách kể mở giàu tính sáng tạo, hoặc để câu chuyện khép lại đầy cảm xúc.

  • Lựa chọn ngôi kể, người kể chuyện phù hợp

Việc khéo léo lựa chọn ngôi kể phù hợp sẽ tạo nên thành công cho câu chuyện. Câu chuyện có thể không có gì độc đáo về nội dung nhưng cách kể, lời kể được đặt vào  một nhân vật độc đáo câu chuyện sẽ trở nên thú vị hơn rất nhiều.

Người viết thể chọn ngôi kể thứ nhất hoặc ngôi thứ ba, người kể chuyện có thể xưng tôi, hoặc người kể chuyện có thể là một nhân vật nào đó sao cho phù hợp. 

Lưu ý: Chọn người kể chuyện nào thì phải để câu chuyện được nhìn theo góc nhìn, kể bằng ngôn ngữ, lời nói, gắn liền với tính cách, cảm xúc, số phận của nhân vật đó.

  • Kết hợp các phương thức biểu đạt

“Một bài văn tự sự sẽ rất nhàm chán nếu chỉ áp dụng phương thức tự sự, chỉ có kể và kể toàn bộ câu chuyện. Việc kết hợp các phương thức miêu tả, biểu cảm, nghị luận… sẽ giúp câu chuyện trở nên sống động, rõ ràng, giàu cảm xúc và nhiều khoảng lặng hơn, ghi lại trong lòng người đọc cảm xúc sâu và lâu. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp bài văn tự sự của học sinh đạt được điểm số cao.” , thầy Nguyễn Phi Hùng đưa ra lời khuyên với các bạn học sinh. 

Thầy Nguyễn Phi Hùng – GV Ngữ Văn

Bên cạnh đó, thầy Hùng cũng đưa ra lưu ý: Học sinh không nên lạm dụng các phương biểu biểu đạt khác bởi đây chỉ là các yếu tố để câu chuyện trở nên sâu sắc hơn, phong phú và hấp dẫn hơn. Việc lạm dụng quá nhiều một phương thức biểu cảm nào đó có thể khiến bài văn tự sự biến thành bài văn miêu tả/ biểu cảm/ nghị luận…. Dẫn đến việc sai đề và mất điểm khi làm bài kiểm tra.

>Khám phá thêm nhiều kiến thức thú vị qua bài giảng học thử của thầy
Nguyễn Phi Hùng tại đây<<

  • Bố cục mạch lạc, kết cấu bài văn chặt chẽ, logic

Có thể chọn nhiều cách kể chuyện: kể theo kết cấu thời gian, kể theo diễn biến tâm lý nhân vật, kể theo trình tự đảo ngược trật tự thời gian… nhưng phải tạo được bố cục mạch lạc và kết cấu rõ ràng, chặt chẽ cho bài viết.

Lưu ý: Lỗi thường mắc phải: Dùng quá nhiều kết cấu và mạch truyện khác nhau khiến bố cục  của câu chuyện bị rối, người đọc không hình dung rõ được câu chuyện.

  • Lời kể chuyện sinh động, tự nhiên

Tuỳ thuộc vào lối diễn đạt, hành văn, giọng văn mà mỗi học sinh có cách kể chuyện khác nhau. Tuy nhiên, để bài văn trở nên hay hơn và để lại ấn tượng tốt cho thầy cô chấm bài, học sinh cần lưu ý kể với lối kể sinh động, tự nhiên, không gượng ép.

Trên đây là những chia sẻ của thầy Nguyễn Phi Hùng mà các con học sinh lớp 6 có thể áp dụng để viết được bài văn tự sự hay. Việc luyện tập thường xuyên sẽ giúp các con nâng cao kỹ năng và khả năng viết văn, hành văn. Để giúp học sinh làm chủ kiến thức và chinh phục điểm số môn Ngữ văn, HOCMAI mang đến Chương trình Học tốt Ngữ văn 6 do chính thầy Phi Hùng giảng dạy. Học tốt Ngữ văn 6 được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực, bám sát nội dung chương trình Giáo dục phổ thông mới, giúp học sinh học Văn một cách nhẹ nhàng, chủ động trải nghiệm và khám phá kiến thức.

Đây chính là giải pháp giúp các con chinh phục môn Ngữ văn 6 một cách dễ dàng, đạt được các điểm số cao trong các bài kiểm tra, bài thi trên trường đồng thời đạt được các chuẩn đầu ra về phẩm chất, tư duy, năng lực theo chương trình mới.

Để tìm hiểu và được tư vấn MIỄN PHÍ, phụ huynh đăng ký ngay TẠI ĐÂY!

ĐĂNG KÝ CHƯƠNG TRÌNH HỌC TỐT LỚP 6 MỚI

  • Bám sát chương trình GDPT mới và 3 bộ SGK: Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo.
  • Hệ thống video bài giảng ghi hình trước sử dụng hình ảnh đồ họa trực quan, sinh động, kích thích sự sáng tạo và niềm say mê học tập của học sinh.
  • Giáo viên 2 miền Bắc – Nam giỏi, giàu kinh nghiệm sẽ trang bị toàn diện kiến thức căn bản, giúp học sinh đạt được chuẩn đầu ra theo chương trình mới.
  • Hệ thống bài tập tự luyện, đánh giá kiểm tra định kỳ, dịch vụ hỏi đáp hỗ trợ 24/7.

Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ hotline 0936585812 để được tư vấn MIỄN PHÍ.