Để giúp các bạn học sinh lớp 7 chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi hết học kì I sắp tới, dưới đây sẽ là 5 lưu ý đã được thầy Nguyễn Phi Hùng – Giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI hệ thống lại phục vụ cho việc ôn tập của các em học sinh.
Nên ôn thi từ những phần gần nhất đến phần xa nhất
Khi ôn thi học kì I, các bạn học sinh cần lưu ý đến việc ôn tập các nội dung kiến thức được học gần nhất cho đến xa nhất vì thông thường đề thi sẽ có những câu hỏi nằm trong phạm vi kiến thức học sinh được học mới nhất.
Chính vì vậy, trong phần Văn bản, đầu tiên, học sinh cần lưu ý đến 3 bài “Mùa xuân của tôi”, “Sài Gòn tôi yêu” và “Một thứ quà của lúa non: Cốm” thuộc thể loại tùy bút.
Tiếp theo là các bài thơ thuộc thời kỳ thơ trung đại, trong đó có cả thơ trung đại nước ngoài và thơ trung đại Việt Nam. Các tác giả thơ trung đại nước ngoài học sinh cần lưu ý như là Lý Bạch, Hạ Chi Trương…
Còn thơ trung đại Việt Nam, học sinh cần chú ý đến các tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Khuyến, Lý Thường Kiệt, Bà Huyện Thanh Quan…
Thứ ba, học sinh cần chú ý đến những bài ca dao than thân, ca dao về tình yêu quê hương đất nước mà các em được học từ đầu năm học. Cuối cùng, học sinh cần chú ý ôn tập những văn bản nhật dụng như “Cổng trường mở ra”, “Mẹ tôi”, “Cuộc chia tay của những con búp bê” vì những tác phẩm này có liên quan đến các vấn đề như giáo dục trong trường học, cách ứng xử của con cái với cha mẹ hay ảnh hưởng của những cuộc ly hôn tới con cái.
Thầy Nguyễn Phi Hùng hệ thống lại những lưu ý khi ôn thi môn Ngữ văn học kỳ I lớp 7
Xác định và hiểu rõ đặc điểm của thể loại/ thể thơ
Sau khi đã nắm được nội dung các văn bản, tác giả và tác phẩm, các bạn học sinh cần chú ý đến các đơn vị kiến thức, kỹ năng trọng tâm để làm tốt bài thi trong đó việc xác định và hiểu rõ đặc điểm của thể loại/ thể thơ là vô cùng quan trọng.
Ví dụ, khi đọc tác phẩm “Một thứ quà của lúa non: Cốm” thì phải biết nó thuộc thể loại tùy bút, bài thơ “Qua đèo ngang” của Bà Huyện Thanh Quan thì phải biết được thuộc thể thơ thất ngôn bát cú đường luật…
Xem thêm: Ngữ văn 7: Những sai lầm dễ mất điểm khi làm bài về câu chủ động, câu bị động
Hiểu chủ đề, ý nghĩa của từng tác phẩm
Khi tìm hiểu mỗi tác phẩm, học sinh cần nắm chắc và hiểu chủ đề, ý nghĩa của từng tác phẩm. Để có thể nắm chắc được những nội dung này, học sinh nên lập bảng bao gồm tác giả, tác phẩm, thể loại, chủ đề tác phẩm.
Ví dụ, chủ đề của tác phẩm “Qua đèo ngang” của Bà Huyện Thanh Quan là bức tranh thiên nhiên khi chiều tà xế bóng và tâm trạng của người lữ khách khi đi qua đèo ngang.
Phân tích được những nét đặc sắc nội dung, nghệ thuật của tác phẩm
Về phần nội dung: Các bạn học sinh cần chú ý nội dung của văn bản đã được học như thế nào, các câu thơ, hình ảnh thơ có điều gì độc đáo để thể hiện lên nội dung văn bản.
Về đặc sắc nghệ thuật: Học sinh cần chú ý đến hình ảnh của câu chữ, vần nhịp của câu thơ, đoạn thơ như thế nào. Đặc biệt, các nét đặc sắc về cả mặt nội dung và nghệ thuật đều để thể hiện chủ đề và ý nghĩa của văn bản nên các bạn học sinh cần ôn thi thật kỹ phần này.
Xem thêm: Văn mẫu hữu ích nhưng phải biết dùng đúng cách
Viết đoạn văn cảm nhận về một hình ảnh, một đoạn thơ/ bài thơ
Trong nhiều đề thi học kì I thường xuyên có yêu cầu học sinh viết một đoạn văn cảm nhận từ 6-8 câu về một hình ảnh, một đoạn thơ/ bài thơ để thể hiện một vấn đề nào đó.
Ví dụ, đề thi có thể yêu cầu nêu cảm nhận về hình ảnh người lữ khách tha hương khi đi qua đèo Ngang, cảm nhận về tình bạn trong sáng, cao đẹp trong bài thơ “Bạn đến chơi nhà” hay cảm nhận về người phụ nữ Việt Nam qua bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương.
Đây là dạng câu hỏi không những giúp các bạn học sinh nắm chắc các phần nội dung và đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm mà còn giúp khả năng diễn đạt của các bạn trở nên lưu loát và tự nhiên hơn.
Ngoài ra, các bạn học sinh có thể tham khảo khóa học Ngữ văn 7 trong Chương trình Học tốt 2019-2020 hoặc khóa Ôn thi học kì I Ngữ văn 7 của thầy Hùng với hệ thống bài tập được phân dạng theo từng nhóm cụ thể để có thêm cơ hội được bổ sung kiến thức và ôn tập cho kì thi quan trọng sắp tới.
Mọi thông tin chi tiết về khóa học, các bạn có thể liên hệ hotline 0936 58 58 12 để được tư vấn nhanh chóng và miễn phí hoặc đăng ký tại đây.