Ngữ văn 7: Hướng dẫn làm bài văn tự sự đúng và hay

0
8545

Văn tự sự là kiểu bài văn cơ bản đồng hành cùng học sinh suốt chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở. Trong chương trình Ngữ văn 7, học sinh sẽ được rèn luyện kỹ năng viết văn tự sự. Tuy nhiên, nhiều bạn còn loay hoay chưa biết cách viết một bài văn tự sự đạt điểm cao.

Để viết bài văn tự sự đạt điểm cao, học sinh cần đảm bảo hai yếu tố: viết đúng và viết hay. Các bạn hãy tham khảo những hướng dẫn về phương pháp làm bài và một số lưu ý của thầy Nguyễn Phi Hùng – Giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI dưới đây.

Phương pháp chung để có một bài văn tự sự ĐÚNG

Đây là những yêu cầu cơ bản, nền tảng mà bài văn tự sự dù cho ở chương trình lớp mấy và yêu cầu cụ thể như thế nào chúng ta cũng cần đáp ứng. Thầy Hùng chỉ rõ: Ta phải xây nhà từ nền từ móng. Khi viết được một bài văn đúng thì ta mới định hướng để phát triển, có thể nâng tầm viết thành một bài văn hay. 

Cấu trúc một bài văn tự sự tương tự những kiểu bài văn khác, bao gồm ba phần: mở bài, thân bài, kết bài.

Mở bài: Có hai cách mở bài 

+ Mở bài gián tiếp: nêu những suy nghĩ, ấn tượng, cảm xúc về câu chuyện định kể.

+ Mở bài trực tiếp: giới thiệu nhân vật, hoàn cảnh xảy ra câu chuyện.

Cả hai loại mở bài đều có ưu nhược khác nhau, tùy theo phong cách viết văn của mỗi bạn, nội dung đề bài, nội dung câu chuyện mà áp dụng loại mở bài phù hợp.

Thân bài:

  • Giới thiệu về nhân vật và hoàn cảnh xảy ra câu chuyện.

Nhiều bạn không giới thiệu kỹ phần này, đây là sai sót trong bài văn tự sự. Cần giới thiệu rõ đặc biệt là nhân vật chính, nhân vật tham gia vào nòng cốt câu chuyện (tên gọi, lai lịch, ngoại hình…), bối cảnh xảy ra câu chuyện cũng cần kể kỹ càng để làm tiền đề cho các sự việc diễn ra ở phía sau. 

Lưu ý: nếu đã mở bài trực tiếp giới thiệu nhân vật và hoàn cảnh xảy ra câu chuyện rồi thì phần này chỉ viết ngắn, tránh lặp lại.

  • Kể lại diễn biến câu chuyện

Cần kể theo một trình tự nhất định, viết có bố cục mạch lạc, rõ ràng. Thông thường học sinh chọn kể theo trình tự thời gian tuần tự. Khi đó ta sẽ nhìn thấy sự vận động logic của các sự kiện nối nhau theo thời gian.

Có thể sử dụng cách kể phức tạp hơn một chút: vẫn theo trình tự thời gian nhưng đảo ngược trình tự, hoặc kể trình tự sự việc theo không gian, theo diễn biến tâm lí nhân vật. 

Kết bài: 

  • Nêu kết thúc của câu chuyện
  • Nêu những ấn tượng, suy nghĩ, bài học ý nghĩa rút ra từ câu chuyện.
Khi viết được một bài văn đúng thì ta mới định hướng để phát triển, có thể nâng tầm viết thành một bài văn hay.

Làm được một bài văn với cấu trúc ba phần mạch lạc như trên, thì bài văn của các bạn là bài văn tự sự đúng, đã đạt những yêu cầu cơ bản đầu tiên của một bài văn tự sự.

Tuy nhiên, một bài văn đúng thôi chưa đủ mang lại điểm khá, giỏi ở môn Văn. Một bài văn gây ấn tượng với thầy cô, với người đọc còn phải là một bài văn hay.

Một số lưu ý để có bài văn HAY

Một bài văn hay là bài văn có sức lôi cuốn thu hút người đọc người nghe. Cái hay nằm ở hai bình diện: nội dung hay và hình thức lôi cuốn. Nếu bạn có một bình diện thì bạn có thể đã có bài văn hay, nhưng nếu bạn đáp ứng cả hai thì bài viết của bạn đặc biệt ấn tượng. 

Chúng ta xét bình diện thứ nhất: nội dung hay. Muốn có bài văn tự sự hay về nội dung, trước hết, bạn phải tạo tình huống truyện hấp dẫn, tạo kịch tính cho câu chuyện, đẩy câu chuyện lên tới cao trào để tạo ra sự lôi cuốn. 

Thứ hai, đừng bỏ quên các chi tiết nhỏ vì chúng sẽ góp phần tạo nên một bài văn hay độc đáo. Mặc dù người đọc có thể không nhớ tên bài, không nhớ nội dung, nhưng những chi tiết nhỏ ấn tượng, mới lạ sẽ ghim lại trong họ những ấn tượng rất lâu.

Thứ ba, gửi gắm suy nghĩ, triết lý, bài học thú vị và sâu sắc trong bài văn. Nếu câu chuyện của bạn hay thế nào mà không mang ý nghĩa gì thì sẽ không lưu lại trong trí nhớ của người đọc người nghe. 

Thứ tư, đừng ngại “hư cấu”. “Hư cấu” có nghĩa là dùng trí tưởng tượng để viết bài, mục đích để rèn luyện khả năng diễn đạt và kỹ năng làm bài văn kể chuyện. Để có một câu chuyện hay, chúng ta không nhất thiết phải bám sát vào những gì đã xảy ra và những gì chúng ta nhớ, chúng ta hoàn toàn có thể thêm thắt chi tiết, tưởng tượng thêm. Chúng ta phải là cây bút “có duyên”, có ý đồ từ việc xây dựng nhân vật, bố trí cốt truyện để có một tác phẩm hấp dẫn. Bạn hoàn toàn có thể tham khảo từ sách bạn đọc, bộ phim bạn xem hay quan sát từ thực tế cuộc sống. 

Thầy Hùng giải thích rõ hơn: Bạn hoàn toàn có quyền hư cấu, thậm chí hư cấu là một phần bản chất của văn chương. Văn chương kể những câu chuyện không nhất thiết giống hoàn toàn ở ngoài đời, nhưng nó vẫn có sự chân thực. Nó không phản ánh đúng hoàn toàn hiện thực nhưng nó ghi lại bản chất của hiện thực ấy. Vậy hãy hư cấu tưởng tượng để bài văn thêm sinh động tươi mới.

Một bài văn hay phải mang nội dung hay và hình thức lôi cuốn

Câu chuyện của bạn được kể có thể là một câu chuyện rất thú vị, độc đáo hoặc cũng có thể là câu chuyện không mới lạ, không có gì phá cách so với mọi người. Nhưng nếu bạn có giọng kể riêng, văn phong độc đáo, ngôn từ ấn tượng giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, hành văn lưu loát mạch lạc thì chính điều đó khiến bài văn của bạn tạo ấn tượng riêng cho người đọc người nghe. Ngược lại, có câu chuyện hay mà không biết cách kể chuyện, vụng về, lộn xộn không rõ ràng thì câu chuyện sẽ bị giảm đi rất nhiều giá trị. Vậy cái hay thứ hai của bài văn tự sự đến từ phần hình thức hay – cách kể chuyện hay.

Thầy Hùng chỉ ra những yêu cầu về hành văn mà thầy cô luôn luôn chú ý trong bài văn của học sinh. Thứ nhất, bài văn hay phải có giọng kể trôi chảy, lưu loát, tự nhiên. Để làm được điều này, bạn hãy giải tỏa trút bỏ gánh nặng đang phải làm một bài tập làm văn, thay vào đó là bạn đang mà đang chia sẻ một câu chuyện thú vị với mọi người.

Một số học sinh giỏi văn có giọng kể riêng, phong cách viết văn riêng, khi đọc bài có thể nhận ra ngay nét riêng của chính bạn. Tuy nhiên, có được giọng riêng là một việc khó. Đây là một yêu cầu rất cao với những người sáng tạo văn chương. Các bạn hãy viết bằng ngôn ngữ của chính mình, khả năng cảm thụ và khả năng tiếp nhận của mình. Mình viết ra thì sẽ có chất văn, giọng kể riêng.

Thứ hai, bài văn hay phải sắp xếp câu chuyện với bố cục mạch lạc. Biết phân bổ thời gian dung lượng phù hợp cho những sự việc chính – phụ.

Thứ ba, luôn luôn phải nhớ là dù văn tự sự nhưng phải kết hợp với văn miêu tả và văn biểu cảm. “Nếu câu chuyện không có miêu tả, nó giống như ngôi nhà chỉ được xây lên bằng trụ đỡ và những bức tường chưa được sơn chát, đó có thể là ngôi nhà vững chắc nhưng sẽ không đẹp mắt. Nó xù xì thô phác không ai muốn nhìn ngắm và chiêm ngưỡng. Miêu tả là phần chúng ta tô vẽ thêm, bồi da đắp thịt cho ngôi nhà đó để nó lộng lẫy tráng lệ.” (thầy Hùng).

Bạn tả ngoại cảnh, bối cảnh diễn ra câu chuyện, tả hành động, lời nói, ngoại hình, diễn biến nội tâm nhân vật. Bên cạnh mạch tả, chúng ta cũng bộc lộ cảm xúc để bài viết sống động và hấp dẫn hơn. Các bạn cũng có thể kết hợp với những phương thức biểu đạt khác như nghị luận (đan xen những lời bình luận) để bài văn của mình hấp dẫn hơn nếu cần thiết.

Trên đây là những phương pháp làm bài và những lưu ý để bạn có một bài văn tự sự không chỉ đúng mà còn hay, không chỉ đáp ứng những yêu cầu cơ bản mà còn hấp dẫn, lôi cuốn để đạt kết quả cao. Sau những chia sẻ trên, thầy Hùng và HOCMAI hy vọng các bạn đạt được kết quả cao môn Ngữ văn 7 trong năm học sắp tới.

Để được nghe thêm bài giảng cũng như những chia sẻ hữu ích từ thầy Nguyễn Phi Hùng, phụ huynh và học sinh có thể đăng ký khoá học online Chương trình Học tốt 2020-2021 của HOCMAI. Khóa học gồm đầy đủ các kiến thức bám sát sách giáo khoa, hệ thống bài tập tự luyện, bài kiểm tra định kì và phương pháp học tập phù hợp cho mỗi môn học.

>> Phụ huynh, học sinh tham khảo Chương trình học tốt năm học 2020-2021 và đăng ký HỌC THỬ MIỄN PHÍ tại: https://hocmai.link/Bi-kip-lam-van-hay

Đăng ký chương trình Học Tốt 2020 – 2021

  • Trang bị kiến thức toàn diện với hệ thống bài giảng bám sát SGK, thay thế việc học thêm.
  • Hệ thống đề kiểm tra và bài tập tự luyện có ĐÁP ÁN và HƯỚNG DẪN GIẢI.
  • Đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm giảng dạy.
  • Giúp học sinh tăng cơ hội giành điểm 9 – 10 trong các bài thi, bài kiểm tra.

Thông tin chi tiết về khóa học, phụ huynh và học sinh hãy gọi ngay hotline 0936 5858 12 để được tư vấn miễn phí.