Ngữ văn 8: Những lưu ý khi làm bài văn thuyết minh

0
9389

Sử dụng linh hoạt các phương pháp thuyết minh, thực hiện đủ 4 bước trong bài văn thuyết minh, làm rõ mạch thuyết minh và đáp ứng đủ nội dung của một dàn ý chung là những điều cô Nguyễn Thị Thu Trang – Giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI lưu ý học sinh khi làm bài văn thuyết minh.

 

Tham khảo thêm:

Cách làm bài văn thuyết minh

Cách làm bài văn nghị luận xã hội

Văn thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng trong mọi lĩnh vực đời sống nhằm cung cấp tri thức về các hiện tượng và sự vật trong tự nhiên, trong xã hội bằng phương thức trình bày, giới thiệu, giải thích. (Ví dụ: Giới thiệu một nhân vật lịch sử; một miền quê, một vùng địa lí; một đặc sản, một món ăn;…). Để làm tốt kiểu bài văn này, học sinh lớp 8 cần ghi nhớ:

Sử dụng linh hoạt các phương pháp thuyết minh

Một bài văn thuyết minh hay cần được kết hợp nhiều phương pháp thuyết minh khác nhau. Bởi văn bản thuyết minh đòi hỏi sự đa dạng của các phương pháp trình bày. Đây là một đặc trưng quan trọng trong phương pháp viết bài văn thuyết minh.

Các phương pháp thuyết minh

Cách sử dụng

Phương pháp nêu định nghĩa Nêu định nghĩa là phương pháp chỉ ra bản chất của đối tượng thuyết minh, vạch ra phương pháp lôgic của thuộc tính sự vật bằng lời lẽ rõ ràng, chính xác, ngắn gọn.

Muốn thuyết minh chuẩn xác đối tượng theo cách định nghĩa, cần nắm được hai vấn đề: Một là tính chất của đối tượng, nó thuộc loại nào. Hai là đặc điểm riêng của đối tượng, tức là chỗ khác với đối tượng cùng loại.

Phương pháp liệt kê Liệt kê là phương pháp lần lượt chỉ ra các đặc điểm, tính chất của đối tượng theo một trật tự nào đó.
Phương pháp nêu ví dụ cụ thể Nêu ví dụ cụ thể thuyết minh sự thật bằng cách nêu dẫn chứng thực tế. Dùng cách này ta có thể thuyết minh, giải thích rõ ràng hơn, tạo ấn tượng cụ thể cho người đọc.
Phương pháp so sánh So sánh là cách đối chiếu hai hoặc hơn hai đối tượng để làm nổi bật bản chất của đối tượng cần được thuyết minh. Có thể dùng so sánh cùng loại hoặc so sánh khác loại nhưng đến cuối cùng là nhằm để người đọc hình dung rõ hơn về đối tượng được thuyết minh.
Phương pháp dùng số liệu Dùng số liệu là phương pháp dẫn con số cụ thể để thuyết minh về đối tượng. Bài văn thuyết minh càng có thêm tính khoa học chính là nhờ vào phương pháp này.
Phương pháp phân loại phân tích Đối với những loại sự vật đa dạng, sự vật có nhiều bộ phận cấu tạo, có nhiều mặt người ta dùng phương pháp phân loại phân tích. Đây là cách chia đối tượng ra từng loại, từng mặt để thuyết minh
Phương pháp dùng hình thức tự thuật Một trong những biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong văn thuyết minh là cho sự vật tự thuật về mình .

Thực hiện đầy đủ 4 bước trong bài văn thuyết minh

Bước 1: Phân tích đề và tìm ý 

Khi tìm hiểu đề, học sinh cần xác định một số vấn đề chính như: xác định đối tượng thuyết minh; sưu tầm, ghi chép và lựa chọn các tư liệu cho bài viết; lựa chọn phương pháp thuyết minh phù hợp.

Bước 2: Lập dàn bài

Lập dàn bài là bước giúp học sinh sắp xếp bố cục bài làm một cách khoa học, hợp lý, dù với phong cách nào thì một dàn bài cũng cần đáp ứng đủ ba phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài.

Bước 3: Viết bài 

Ở bước này, học sinh cần chú ý đến hai vấn đề:

Về mặt nội dung của bài văn: viết đúng nội dung đề bài đã nêu, đi đúng trọng tâm, không lan man, lạc đề.

Về mặt hình thức: bài viết phải đảm bảo đầy đủ ba phần, không để mắc các lỗi thông thường về cú pháp, chính tả, ngữ pháp… ý tứ rõ ràng, mạch lạc, trôi chảy.

Bước 4: Đọc lại và sửa chữa 

Đây là bước cuối cùng để hoàn chỉnh một bài văn thuyết minh. Thao tác này giúp học sinh đánh giá lại tổng thể bài viết, tìm ra những lỗi mà mình mắc phải, sửa chữa để bài văn trở nên hoàn thiện hơn, từ đó cũng rút ra được những kinh nghiệm cho những bài viết sau. 

Làm rõ mạch thuyết minh.

Sự mạch lạc trong văn thuyết minh được thể hiện ở thứ tự trình bày. Sự vật khách quan muôn hình muôn vẻ, bởi vậy trình tự thuyết minh cũng phải hết sức linh hoạt. Học sinh có thể thuyết minh theo trình tự: thời gian, không gian, phương diện, cấu trúc…miễn sao hợp lí, logic, dễ hiểu.

Đáp ứng đủ nội dung của một dàn ý chung 

Một bài văn thuyết minh tác phẩm văn học phải đảm bảo đủ kết cấu bao gồm 3 phần mở bài, thân bài, kết bài, cụ thể:

Mở bài: Giới thiệu chung một cách khái quát về đối tượng cần thuyết minh.

Thân bài

  • Giới thiệu sâu, tỉ mỉ, chi tiết, những nét đặc trưng của đối tượng.
  • Nếu thuyết minh về một danh lam thắng cảnh thì có thể đề cập các ý:
  • Vị trí địa lí.
  • Những cảnh quan đặc sắc của đối tượng.
  • Cách thưởng ngoạn đối tượng.

Kết bài: Kết luận lại vấn đề.

Trên đây là những lưu ý giúp các bạn học sinh lớp 8 làm tốt và đạt điểm cao khi làm một bài văn thuyết minh. Bên cạnh đó, phụ huynh và học sinh có thể tham khảo Chương trình học tốt 6 – 9 của HOCMAI giúp học sinh học hiệu quả Ngữ văn 8 nói riêng và Ngữ văn nói chung. Chương trình với 4 chu trình “HỌC, LUYỆN, HỎI, KIỂM TRA” sẽ giúp học sinh từ lớp 6-9 tự học hiệu quả tại nhà trong thời gian dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, quý phụ huynh – học sinh đừng bỏ lỡ!