Phân tích những đứa trẻ chi tiết – Hocmai

0
2200

Trong chương trình Ngữ Văn 9, những tác phẩm văn học nước ngoài được đưa vào giảng dạy giúp các bạn học sinh có thêm cái nhìn về giá trị cuộc sống. Trong bài viết này, cùng HOCMAI phân tích Những đứa trẻ, trích tác phẩm Thời thơ ấu của nhà văn M.Go-rơ-ki để hiểu hơn về tình bạn trong sáng giữa những đứa trẻ, mặc cho cấm cản từ người lớn nhé!

I. Thông tin về tác giả 

– Tên thật: A-lếch-xây Pê-scop, bút danh: Mác-xim Go-rơ-ki, t

– Năm sinh: 1869, năm mất: 1936

– Quê quán: Thành phố công nghiệp Nizhny Novgorod. Đây là thành phố bên cạnh bờ sông Vôn Ga. 

Go-rơ-ki là một nhà văn nổi tiếng người Nga trong thế kỷ 20, với bút danh “Go-rơ-ki”, tiếng Nga có nghĩa là “cay đắng”. Tuổi thơ và cuộc đời ông phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ.

Cuộc đời và sự nghiệp:

Go-rơ-ki sinh ra trong một gia đình lao động. Năm lên 13 tuổi, ông mồ côi cha. Lúc này, Go-rơ-ki chuyển sang sống với ông ngoại. Từ thời thơ ấu, ông ngoại của Go-rơ-ki đã giáo dục cháu theo một cách rất hà khắc, nghiệt ngã. Khi lớn lên, Go-rơ-ki mồ côi cả cha cùng mẹ, do vậy ông đã phải kiếm sống với đủ nghề, thậm chí còn phải đi ăn xin. 

Go-rơ-ki có sở thích đọc sách, niềm đam mê với sách cùng những tháng ngày bươn chải để vất vả kiếm sống qua ngày đã giúp ông sáng tác ra những tác phẩm để đời của mình. Tác phẩm tiêu biểu của ông phải kể tới bộ ba tiểu thuyết tự thuật: Thời thơ ấu (1913 – 1914), Kiếm sống (1916), Những trường đại học của tôi (1923). Ngoài ra còn có tác phẩm Người mẹ (1906-1907) kể về người mẹ chuyển biến tư tưởng về phía chủ nghĩa xã hội.

Phong cách sáng tác

– Các tác phẩm của Go-rơ-ki thường phản ánh hiện thực của xã hội nhằm thức tỉnh lương tâm của con người. 

– Ông thường chọn mô tả về cuộc sống con người ở tầng lớp đáy xã hội, thậm chí bị gạt ra ngoài lề xã hội, kể về cuộc sống cực nhọc gian khổ, nhưng cũng thể hiện ánh sáng lương tâm của họ. 

– Ông là người phản ánh chế độ Sa hoàng và ủng hộ Chủ nghĩa xã hội, do vậy khi tác phẩm “Người mẹ” ra đời, ông được tôn vinh là cha đẻ của nền văn học xã hội chủ nghĩa. 

 

II. Thông tin về tác phẩm

1. Hoàn cảnh ra đời tác phẩm

– Tác phẩm “Thời thơ ấu” là tiểu thuyết tự thuật của Go-rơ-ki, nằm trong bộ ba tiểu thuyết tự thuật về cuộc đời ông.

– “Thời thơ ấu” được viết vào năm 1913 – 1914, bao gồm 13 chương. 

– Văn bản Những đứa trẻ được trích trong chương 9 của trong tác phẩm “Thời thơ ấu”. 

2. Bố cục

– Phần 1: Từ đầu đến “…ấn em nó cúi xuống”: Aliosa và ba đứa trẻ hàng xóm cùng tình bạn đầy trong sáng, thắm thiết giữa chúng

– Phần 2: Từ đoạn tiếp theo đến “….cấm không được đến nhà tao”: Tình bạn trong sáng bị ngăn cấm

– Phần 3: Đoạn còn lại: Cho dù bị cấm cản, bốn đứa trẻ vẫn duy trì tình bạn thân thiết. 

3. Tóm tắt Những đứa trẻ

Sau khi em nhỏ nhất được cứu sống khỏi kẹt dưới giếng bởi sự hợp sức của Aliosa và hai người anh, ba đứa trẻ hàng xóm bị bố mình cấm cản chơi cùng Aliosa. Tuy vậy, gần một tuần trôi qua, ba đứa trẻ lại ra sân chơi, rủ Aliosa chơi cùng. 

Khi trò chuyện cùng ba anh em con nhà ông đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp, Aliosa hỏi về câu chuyện cổ tích cùng mẹ của chúng, nhưng chúng tỏ ra buồn bã, do mẹ đã mất còn bố thì lấy một người mẹ khác. Mà trong truyện cổ tích, mẹ khác là mẹ kế, và mẹ kế là người độc ác. 

Aliosa kể những câu chuyện cổ tích mà bà cậu hay kể cho ba đứa trẻ nghe nhằm an ủi chúng. Tuy vậy ngài đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp lại xuất hiện một lần nữa, cấm đoán, không cho phép Aliosa chơi cùng ba đứa trẻ. Dù bị ngăn cấm, bốn đứa trẻ vẫn tìm cách chơi với nhau, an ủi bằng cách kể cho nhau những câu chuyện mình trải qua trong cuộc sống.

 

III. Phân tích Những đứa trẻ

1. Hoàn cảnh đáng thương của những đứa trẻ

Hoàn cảnh gia đình đáng thương của Aliosa:

– Trong tự truyện, nhân vật tôi, tức tác giả vốn phải nếm trải nhiều cay đắng, bất hạnh. Mồ côi cha mẹ khi còn nhỏ, Aliosa phải sống với ông bà ngoại.

– Gia đình ông bà ngoại là một gia đình thường dân sa sút, nghèo khổ. Do hoàn cảnh nghèo khó, Aliosa không được đi học. Cậu thường đi chơi, làm bạn với chim, nuôi chim để nghe chim hót.

– Ông ngoại của Aliosa hung tợn, khó tính. Ông thường đối xử tệ bạc, thậm chí là sử dụng đòn roi với Aliosa. Cậu sống dựa vào tình thương của bà, những câu chuyện bà kể cậu nghe, những bài ca bài hát.

– Do không nhận được tình thương từ bố mẹ và cả ông ngoại, Aliosa khao khát tình yêu thương và tình bạn. 

Hoàn cảnh gia đình của ba đứa trẻ con nhà ông đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp:

– Ba đứa trẻ con nhà đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp ở bên cạnh nhà của Aliosa là ba anh em nhà láng giềng mà mỗi lần Aliosa nhìn thấy chúng, đều khao khát được chơi và làm thân.

– Ba anh em sống trong một gia đình quan chức, bố làm đại tá với mức kinh tế khá giả, giàu có. 

– Mẹ mất sớm, ông đại tá lấy vợ khác. Mà mẹ khác tức là “mẹ kế”, mẹ kế trong những câu chuyện cổ tích thì luôn là nhân vật phản diện, chẳng bao giờ tốt đẹp cả.

– Ba đứa trẻ thường xuyên bị bố đánh do chơi với Aliosa dù bị cấm cản. 

– Chúng luôn chơi với nhau, không cãi nhau và to tiếng bao giờ. Hành động này cho thấy ba đứa trẻ luôn biết nhường nhịn và trưởng thành hơn tuổi. Bởi lẽ ba anh em vốn đã sống thiếu tình thương từ mẹ nên chúng hiểu được tầm quan trọng của việc yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.

⇒ Aliosa cùng ba anh em con nhà ông đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp dù có địa vị gia đình khác biệt nhưng lại có chung nỗi bất hạnh. Chúng đều là những đứa trẻ lớn lên trong sự thiếu vắng tình thương của cha mẹ. Thậm chí còn bị đánh đập bởi những người thân trong gia đình. 

⇒ Tình bạn của chúng sinh ra từ sự thiếu thốn về mặt tình cảm từ người thân, thiếu sự bao bọc che chở từ cha mẹ.

2. Tình bạn tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng nảy sinh giữa những đứa trẻ

Diễn biến cho sự nảy nở tình bạn giữa Aliosa và ba đứa trẻ hàng xóm, bất chấp sự cách  biệt về địa vị xã hội:

– Aliosa do nhà nghèo, ít được đến trường nên thường ngồi vắt vẻo, treo mình trên cành cây. Cậu bé thích quan sát ba anh em nhà láng giềng chơi đùa những trò chơi thú vị cùng nhau. Chúng chơi rất vui và dường như chưa bao giờ xảy ra cãi nhau. 

– Aliosa yêu thích và cảm thấy thu hút bởi cách ăn vận, thái độ săn sóc, quan tâm mà  chúng dành cho nhau: khi thấy đứa em nhỏ bị ngã, hai thằng anh lại cười vui, rồi xúm vào đỡ em dậy. Tuy cười nhưng chúng vẫn lấy khăn tay, lấy lá cây ngưu bàng để lau các ngón tay và quần cho em.

– Trong một lần Aliosa leo lên cành cây, 3 anh em nhà nọ nhìn thấy, chúng đã thì thầm bàn bạc rồi nói khẽ với nhau điều gì đó khiến Aliosa “ngượng quá bèn tụt xuống đất”. 

– Lần đầu gặp nhau, Aliosa đã cảm nhận được có một cái gì đó làm ngăn cách hai thế giới tâm hồn tuổi thơ giữa chú và 3 anh em. Điều đó làm cho Aliôsa cảm thấy tủi và có phần cô đơn

Tình bạn nảy nở giữa Aliosa và ba đứa trẻ hàng xóm, bất chấp cách biệt về địa vị xã hội:

– Bằng sự ngây thơ, trong sáng của trẻ thơ, chúng đã vui vầy bên nhau, cùng nhau trò chuyện như những chú gà con: chúng kể cho nhau nghe về chuyện bắt chim nuôi chim, về chim Bạch yến… 

– Aliosa cùng 3 anh em nhà nọ cùng chia sẻ về người mẹ của chúng: cả bốn đứa trẻ hóa ra đều mồ côi mẹ, cùng lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm gia đình

– Aliosa kể về những câu chuyện cổ tích mà cậu thường được nghe bà kể. Cậu ngây thơ tin vào thế giới cổ tích nhiệm màu, nơi mà người chết sẽ có thể sống lại nhờ nước thần

⇒ Bằng sự trong sáng, nhạy cảm, bốn đứa trẻ bỗng nảy sinh một tình bạn đẹp đẽ. Trong đó, sự khăng khít giữa chúng xuất phát từ sự đồng cảm về cảnh ngộ, sự tương đồng về việc lớn lên trong sự thiếu vắng tình cảm từ người mẹ.

3. Khi tình bạn giữa những đứa trẻ bị ngăn cấm

Tình bạn trong sáng của Aliosa với ba đứa trẻ hàng xóm bị ngăn cản bởi người lớn: 

– Ngay từ khi mới sang nhà Aliosa chơi, đứa bé út đã được Aliosa cứu khỏi miệng giếng. Bố của ba đứa trẻ, ông đại tá đã lôi bọn chúng về, đánh đập và cấm cản chúng không được chơi cùng Aliosa. 

– Suốt một tuần đám trẻ không có cơ hội gặp nhau, song khi gặp mặt tại nhà của ba đứa trẻ, người lớn lại xông vào phá bĩnh. Một lần nữa ông đại tá, bố của ba đứa trẻ xuất hiện. Ông hằm hằm xông vào, thô bạo xách lấy vai Aliosa và ném cậu ra khỏi cổng. Thậm chí, ông còn buông lời đe dọa: “Cấm không được đến chỗ tao!”

– Ông cũng bắt những đứa con mình không được tới gần Aliosa, yêu cầu chúng đi vào nhà khiến chúng vừa sợ hãi và buồn: “lặng lẽ bước ra khỏi xe và đi vào nhà”. Go-rơ-ki đã so sánh chúng với “những con ngỗng ngoan ngoãn”. Chi tiết này đã cho thầy hình ảnh những đứa trẻ đáng thương đã quen với cuộc sống bị chèn ép, roi vọt.

– Ông ngoại của Aliosa thường sử dụng đòn roi, cấm Aliosa được giao tiếp và chơi cùng ba đứa trẻ con nhà ông đại tá. 

– Người đóng vai trò “châm lửa thổi gió” cho trận đòn cùng những lời mắng nhiếc, cấm cản của ông ngoại là bác Pi ốt, một người chuyên đặt điều mách lẻo, đã kể về chuyện cậu chơi cùng những đứa trẻ con nhà đại tá. 

⇒ Sự thờ ơ, vô cảm của người lớn đối với những đứa trẻ là nguyên nhân khiến cho tình bạn của chúng bị cấm cản. 

⇒ Go-rơ-ki đã tô đậm một thời quá khứ đen tối, dù cho có những vệt sáng như câu chuyện cổ tích của bà hay tình cảm bạn bè trong sáng. Ông và lũ trẻ hàng xóm đều phải chịu đựng những hành hạ về cả tinh thần và thể xác. 

phan-tich-nhung-dua-tre

HM10 2024 - GIẢI PHÁP LUYỆN THI TOÀN DIỆN
NẮM CHẮC KIẾN THỨC - KHÔNG LO BIẾN DỘNG ĐỀ THI
  • Lộ trình toàn diện - NẮM CHẮC NỀN TẢNG - TỔNG ÔN TOÀN DIỆN - LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU
  • ĐA DẠNG HÌNH THỨC HỌC - PHÙ HỢP VỚI MỌI NHU CẦU
  • TOP THẦY CÔ DANH TIẾNG, GIÀU KINH NGHIỆM
  • DỊCH VỤ HỖ TRỢ HỌC TẬP ĐÔNG HÀNH TRONG SUÔT QUÁ TRÌNH HỌC TẬP
Ưu đãi đặt chỗ sớm - Giảm đến 45%! Áp dụng cho PHHS đăng ký trong tháng này!

Nguyên nhân sự cấm cản tình bạn giữa Aliosa với ba đứa trẻ:

– Sự cấm cản tình bạn giữa những đứa trẻ đến từ nguyên nhân xã hội, khi định kiến giai cấp là một trong những rào cản trong giao tiếp thời bấy giờ. Hơn nữa, đó còn là sự thờ ơ của gia đình, người thân, trước những tâm tư, tình cảm của con trẻ

– Đối với ông đại tá, ông có xuất thân cao quý, là tầng lớp gia đình sung túc, khá giả, có điều kiện nên ông luôn hách dịch và coi thường tầng lớp xã hội thấp hơn mình: ông coi thường Aliosa – một thằng nhóc không được học hành, sống trong ngôi nhà bình dân sa sút

– Đối với ông ngoại của Aliosa, ông ghét việc nhìn thấy cháu mình chơi cùng với ông đại tá, một người sống hách dịch, coi thường mình. Để cấm cản, ông trút giận lên người Aliosa bằng những đòn roi vọt tàn nhẫn. 

⇒ Rào cản về tầng lớp xã hội và cách hành xử của người lớn là nguyên nhân cản trở sự phát triển tình bạn ngây thơ, trong sáng giữa những đứa trẻ bọn trẻ. Chính những vấn đề ích kỷ của người lớn đã khiến những đứa trẻ phải sống trong cảnh khốn khổ, đau buồn, cô đơn.

4. Tình bạn ấy vẫn tiếp tục được duy trì mặc cho sự cấm cản 

Một lỗ hổng được tạo ra giữa một cây du, một cây bồ đề và một bụi hương mộc rậm rạp, đã được bí mật khoét ra, giúp phá tan mọi định kiến giai cấp và sự phát hiện của người lớn:

– Aliosa vẫn tiếp tục chơi với ba đứa bé nhà bên, những cuộc trò chuyện giữa chúng vẫn tiếp diễn như trước. Và gần như chẳng bao giờ chúng kể về bố và dì ghẻ. Mối quan hệ giữa chúng dường như ngày một trở nên khăng khít 

– Chúng tiếp tục những câu chuyện về cuộc sống buồn, về những con chim và nhiều chuyện trẻ con khác,… 

⇒ Tình bạn duy trì bất chấp sự ngăn cản của bốn đứa trẻ là minh chứng cho việc: Tình bạn chân chính, xuất phát từ sự hồn nhiên, trong sáng sẽ không thể tan vỡ vì bất cứ lý do gì.

 

IV. Tổng kết

1. Giá trị nội dung

Đoạn trích Những đứa trẻ là bức tranh sinh động kể về tình bạn thân thiết giữa Aliosa và ba đứa trẻ hàng xóm. Bốn đứa trẻ tuy xuất thân khác nhau nhưng lại có cùng một nỗi bất hạnh khi thiếu vắng đi tình thương của mẹ từ thuở nhỏ. Điều này đã gợi lên trong lòng người đọc sự thương cảm sâu sắc trước hoàn cảnh khó khăn của chúng. Qua đoạn trích, tác giả đã ca ngợi vẻ đẹp của tình bạn hồn nhiên trong sáng, thứ tình cảm có thể tồn tại bất chấp sự cản trở của địa vị xã hội

2. Giá trị nghệ thuật 

– Cách kể chuyện nhẹ nhàng, giọng văn trong sáng, giàu hình ảnh

– Đan xen khéo léo giữa chuyện đời thường và truyện cổ tích

– Không gắn danh xưng cho những đứa trẻ khiến câu chuyện trở nên khái quát hơn và mang đậm màu sắc cổ tích

Trên đây là dàn ý phân tích Những đứa trẻ của tác giả M.Go-rơ-ki. Qua đoạn trích ta có thể thấy, một tình bạn đẹp là tình bạn xuất phát từ sự ngây thơ, trong sáng. Ngoài ra, trong chương trình học còn rất nhiều các tác phẩm văn học hay và ý nghĩa khác, các bạn có thể tham khảo tại tài liệu Soạn văn 9. Hy vọng với dàn ý phân tích trên, HOCMAI đã giúp các bạn có một quá trình học và ôn thi thật sự hiệu quả.

 

Tham khảo thêm:

Phân tích khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

Phân tích Cố hương

Phân tích bàn về đọc sách