Phân tích bàn về đọc sách – Chu Quang Tiềm

0
11399
phan-tich-ban-ve-doc-sach-ava

Sách là nguồn tài nguyên quý giá và việc đọc sách là điều cần thiết nếu muốn tích lũy và nâng cao kiến thức. Nhưng đọc như thế nào mới hiệu quả, chọn sách như thế nào cho đúng? Trong bài viết này, cùng HOCMAI phân tích Bàn về đọc sách – một văn bản trong chương trình học lớp 9, được viết bởi tác giả Chu Quang Tiềm để giải đáp cho những thắc mắc trên nhé!

 

Tham khảo thêm: Các tác phẩm ôn thi vào 10

I. Tác giả: Chu Quang Tiềm

– Tên thật: Tự Mạnh Thực

– Sinh năm 1897, mất năm 1986

– Quê quán: Đông Thành, An Huy, Trung Quốc

– Là một nhà mĩ học và lí luận học nổi tiếng của Trung Quốc

– Được tôn là một danh nhân lớn với học vấn cao, là tác giả của nhiều bài chính luận văn học nổi tiếng

Sự nghiệp và phong cách sáng tác:

Là một học giả nổi tiếng, những tác phẩm, tập sách của Chu Quang Tiềm được xem là nguồn tài liệu phong phú, mang giá trị văn học, nghệ thuật và có sức ảnh hưởng sâu rộng đối với thế giới học thuật và văn nghệ Trung Quốc. Các tác phẩm tiêu biểu của Chu Quang Tiềm có thể kể đến bao gồm: “Bàn về đọc sách”, “Tâm lý học văn nghệ”, “Bàn về thơ”, ,…

Những bài chính luận được viết bởi Chu Quang Tiềm phần lớn đều mang phong cách nhẹ nhàng. Tuy vậy, các tác phẩm của ông vẫn có đầy đủ các lý lẽ xác đáng, với những lập luận chặt chẽ và dẫn chứng sinh động, có khả năng thuyết phục người đọc ngay từ đầu tiên

II. Thông tin về tác phẩm

1. Hoàn cảnh sáng tác

“Bàn về đọc sách” là đoạn văn bản được trích trong “Danh nhân Trung Quốc bàn về niềm vui nỗi buồn của việc đọc sách” được viết bởi Chu Quang Tiềm, xuất bản tại Bắc Kinh năm 1995, được dịch sang Tiếng Việt bởi Trần Đình Sử.

2. Bố cục

Văn bản được chia thành 3 phần với các luận điểm tương ứng như sau:

– Phần 1: Từ “Học vấn” đến “Thế giới mới”: Vai trò của việc đọc sách với đời sống con người

– Phần 2: Tiếp đến “…tiêu hao lực lượng”): Những khó khăn và sai lầm dễ mắc phải khi đọc sách 

– Phần 3: Đoạn còn lại: Cách xây dựng phương pháp đọc sách đúng đắn

III. Chủ đề của văn bản Bàn về đọc sách

Chủ đề của văn bản “Bàn về đọc sách” là nêu lên tầm quan trọng, ý nghĩa của việc đọc sách. Đồng thời chỉ ra các khó khăn, sai lầm nguy hại dễ gặp của việc đọc sách trong thời buổi hiện nay. Từ đó,giúp bạn đọc đưa ra cách lựa chọn sách phù hợp và xây dựng phương pháp đọc hiệu quả nhất.

 

IV. Phân tích Bàn về đọc sách

1. Vai trò của việc đọc sách với đời sống con người

– Học vấn là thành quả của quá trình tích lũy qua hàng nghìn năm của nhân loại và sách chính là nơi lưu giữ, ghi chép những thành quả đó: “Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách rốt cuộc là một con đường quan trọng của học vấn”.  

⇒ Đọc sách là con đường quan trọng trong việc tăng khả năng học vấn. Muốn giỏi hơn thì phải đọc sách

– Mỗi quyển sách đều mang đến một giá trị khác nhau, đánh dấu một cột mốc trên con đường phát triển của thế giới học thuật. Nó có thể mang đến cho chúng ta những thông tin, tri thức thuộc đa dạng các lĩnh vực khác nhau, từ văn học, lịch sử, cho đến xã hội, kinh tế,…

⇒ Sách đóng vai trò quan trọng trên con đường phát triển tri thức của nhân loại

Ví dụ: nhờ thơ ca dân gian để lại mới có thơ quốc âm của Nguyễn Trãi, thơ Nôm của Hồ Xuân Hương, Truyện Kiều của Nguyễn Du, v.v.. Đọc sách giúp chúng ta trả lời hàng vạn câu hỏi khác nhau, biết về lịch sử, văn hóa, chính trị của các quốc gia trên khắp thế giới.

– Đọc sách là cách để con người trả nợ quá khứ, tiếp thu những trải nghiệm quý giá của cha ông, đồng thời là một cách để chúng ta hưởng thụ kiến thức hay những lời dạy tâm huyết của quá khứ. Không biết đọc sách đồng nghĩa với việc “xóa bỏ hết” thành tựu văn hóa của quá khứ. Điều này chẳng khác nào “đi giật lùi, làm kẻ lạc hậu”.

Ví dụ: Để có được một sự nghiệp lẫy lừng, cố thi sĩ đời Đường đã “độc thư phá vạn quyển” – đọc hàng vạn quyển sách; ức Trai đã phải trải nghiệm, nung nấu “thập tải độc thư bần đáo cốt”; nhà bác học Lê Quý Đôn cũng phải “mắt không rời trung sách, tay không rời trang sách, mắt không ngơi cuốn sách”,… 

– Đọc sách giúp con người tích lũy, nâng cao vốn tri thức và chuẩn bị sẵn sàng cho việc chinh phục học vấn kéo dài hàng vạn dặm. Đọc sách giúp con người có thêm hiểu biết trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp tăng sự tự tin trong giao tiếp, ứng xử và linh hoạt hơn trong việc giải quyết tình huống thường ngày.

⇒ Bằng cách lập luận hợp lý, diễn giải thông tin một cách thấu tình đạt lý, kín kẽ sâu sắc, tác giả đã cho thấy những vai trò của đọc sách như: nâng cao nhận thức, trí tuệ, phát triển tư duy, tình cảm và rèn giũa hành động.

phan-tich-ban-ve-doc-sach

2. Những khó khăn và sai lầm dễ mắc phải khi đọc sách

Vấn đề 1: Có quá nhiều sách khiến người ta đọc không chuyên sâu:

– Ngày trước, khi sách ít, có người “đọc đến bạc đầu”, đọc đi đọc lại mới hết một quyển kinh. Nhưng cũng chính vì ít sách mà người ta có cơ hội đọc nghiền ngẫm, đọc chậm để thấm từng câu từng chữ có trong sách vào tận xương tủy.

– Ngày nay, sách tuy nhiều nhưng những học giả trẻ thường chỉ đọc “lướt qua”, đọc nhiều sách nhưng không thấm sâu. Đọc nhiều mà không chất lượng thì cũng chỉ là “hư danh nông cạn”, mỗi thứ biết một chút mà chẳng chuyên sâu bất kỳ cái nào.

⇒ Tại đây, Chu Quang Tiềm đã châm biếm những “học giả trẻ” thích khoe khoang về việc đã từng đọc hàng vạn cuốn sách. Ông coi thường cách đọc “liếc qua”, đó là cách đọc tưởng nhiều mà “lưu tâm” rất ít. Đọc sách mà không nghiền ngẫm, không dành thời gian suy nghĩ thì chẳng khác nào “ăn sống nuốt tươi”, ăn mà không cần chế biến. 

⇒ Sử dụng hình ảnh đối sánh hợp lý, xác đáng, tác giả đã chỉ ra một thực trạng hiện nay của việc đọc sách. Đó là sách nhiều khiến người đọc ít để tâm đến nội dung hơn, thường chỉ đọc lướt qua, hời hợt không chuyên sâu, không đem lại giá trị gì cho người đọc.

Vấn đề 2: Sách nhiều khiến người đọc lạc hướng:

– Tác giả đề cập đến thực trạng người đọc lạc hướng khi đứng trước quá nhiều nguồn tài nguyên sách. Việc có quá nhiều thứ để đọc khiến người đọc không biết mình thực sự cần gì và đâu là kiến thức phù hợp với năng lực của bản thân.

– Số lượng sách quá lớn khiến con người “tham nhiều mà không thực chất”, không phân biệt được những “tác phẩm cơ bản đích thực” (những cuốn sách mang lại nhiều giá trị nội dung), với “những cuốn sách “vô thưởng vô phạt” (sách truyện, truyện tranh, văn bản giải trí,..)

– Tác giả đã khéo léo đưa ra một so sánh về thực trạng số lượng sách lớn như hiện nay. Ông cho rằng, với chuyện đọc nhiều sách, kiến thức sẽ không được chuyên sâu mà chỉ là “đá bên đông, đấm bên tây”, “tự tiêu hao lực lượng”, không mang lại hiệu quả cao sau khi đọc. Thay vào đó, phải biết “đánh vào thành trì kiên cố, đánh bại quân địch tinh nhuệ, chiếm cứ mặt trận xung yếu” thì mới mong dành được chiến thắng.

⇒ Cách so sánh của tác giả giúp chúng ta nhận ra việc đọc sách để làm học vấn, đọc sách để tự học không phải là một điều dễ dàng. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh, việc sách nhiều có thể gây lãng phí thời gian và sức lực. Thậm chí, nếu đọc phải sách độc hại còn có thể gây ra hậu quả khôn lường đến tư duy sau này.

 

3. Cách xây dựng phương pháp đọc sách đúng đắn

Cách chọn sách:

– Tìm hiểu sách trước khi đọc, chọn đọc cho tinh,  Tránh đọc phải những cuốn sách thị trường, không mang ý nghĩa và thông điệp nào

– Nên chọn lựa cẩn thận và sàng lọc những đầu sách đã có sự công nhận về nội dung.

– Hạn chế chọn sách mà không biết sách viết về thể loại gì, tác giả nào, nội dung bao hàm tác phẩm là gì

– Không xem thường sách thường thức vì đây là thể loại sách ở lĩnh vực gần gũi, kế cận nhất với chuyên môn và đời sống hàng ngày của mình

Cách đọc sách:

– Đọc cho kĩ: đừng chỉ đọc “lướt qua” 10 quyển sách. Nếu đọc 10 quyển sách “không quan trọng”, không đem lại giá trị thì chẳng bằng đọc 1 quyển sách thật sự có giá trị sẽ tốt hơn. Như lời một câu thơ của cổ nhân xưa đã từng nói: “Sách cũ trăm lần xem chẳng chán/ Thuộc lòng, ngẫm kĩ một mình hay.”

– Không đọc lướt qua, vừa đọc vừa suy nghĩ: Đọc nhiều chưa chắc đã là “vinh dự”, đọc ít cũng không phải là “xấu hổ”. Điều quan trọng trong đọc sách là phải “đọc kĩ”, tập thành nếp “suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích lũy, tưởng tượng tự do đến mức lì đồi thủy khí chất!. Ở đây, Chu Quang Tiềm đã đưa ra so sánh “cưỡi ngựa đi qua chợ…”, “kẻ triệu phú khoe của” để châm biếm những người đọc nhiều nhưng không hiểu sâu, nhằm thể hiện thái độ coi thường “phẩm chất tầm thường, thấp kém”.

– Sách nhiều nhưng không nên đọc tràn lan mà cần đọc có kế hoạch và có hệ thống. Tìm ra đâu là kiến thức, lĩnh vực mình cần, mình yêu thích để đọc mở rộng, đọc chuyên sâu

⇒ Bằng các chi tiết so sánh, kết hợp phân tích lí lẽ, lập luận logic, tác giả đã chứng minh quan điểm đọc sách chính là rèn luyện tính cách, học làm người.

IV. Tổng kết

1. Giá trị nội dung 

Bài viết là lời khẳng định của tác giả về tầm quan trọng của đọc sách. Đó là con đường quan trọng để tích lũy, nâng cao học vấn. Tiếp đó tác giả cũng nêu ra các khó khăn, nguy hại dễ gặp của việc đọc sách trong tình hình hiện nay. Sau khi nêu được vấn đề, tác giả cũng nêu ra được cách để xây dựng phương pháp đọc sách hiệu quả, đọc thế nào cho đúng ý nghĩa của việc đọc sách. 

2. Giá trị nghệ thuật 

– Bàn về đọc sách là một bài văn nghị luận có hệ thống luận điểm rõ ràng, thuyết phục. 

– Bố cục bài viết hợp lý, chặt chẽ, các luận cứ, dẫn chứng dẫn dắt tự nhiên. 

– Lối viết giàu hình ảnh với hệ thống các bằng chứng thực tế, phép so sánh thú vị đã tạo ra sức thuyết phục cao và hấp dẫn. 

Trên đây là dàn ý phần tích Bàn về đọc sách của tác giả Chu Quang Tiềm. Qua văn bản ta có thể thấy, đọc sách đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển tư duy cũng như kỹ năng mềm khác trong cuộc sống. Ngoài ra, trong chương trình học còn rất nhiều các tác phẩm nghị luận mang lại kiến thức hữu ích trong thực tiễn, các bạn có thể tham khảo tại bộ tài liệu Soạn văn 9. Hy vọng dàn ý mà HOCMAI tổng hợp có thể hỗ trợ các bạn trong quá trình học và ôn thi hiệu quả hơn. 

 

Tham khảo thêm:

Phân tích khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

Phân tích Cố hương

Phân tích Kiều báo ân báo oán