Phân tích Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ – HOCMAI

0
7619
phan-tich-khuc-hat-ru-nhung-em-be-tren-lung-me-ava

Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ là một trong số những tác phẩm tập trung khám phá vẻ đẹp của đất nước, nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong bài viết này, cùng HOCMAI phân tích Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ để tìm hiểu sâu hơn về bố cục, nội dung và giá trị nghệ thuật mà tác phẩm mang lại. Đây cũng là một trong những tác phẩm ôn thi vào 10 môn văn quan trọng mà các em học sinh cần học.

I. Thông tin về tác giả – tác phẩm

1. Tác giả: Nguyễn Khoa Điềm

– Tên thật: Nguyễn Hải Dương

– Sinh ngày năm 1943

– Quê quán: làng An Cựu, Thủy An, thành phố Huế, Thừa Thiên – Huế

Tiểu sử và sự nghiệp sáng tác:

Năm 1964 Nguyễn Khoa Điềm tốt nghiệp khoa Văn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Sau đó, ông về Nam và bắt đầu xây dựng cơ sở cách mạng, viết báo, làm thơ… cho đến năm 1975. Năm 1975, ông giữ vị trí Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. 

Giai đoạn từ 1975 – 2001, Nguyễn Khoa Điềm đã đảm nhiệm rất nhiều vị trí quan trọng trong cơ quan Nhà nước. Cho đến sau Đại hội Đảng lần thứ X, ông quay trở lại quê hương tại Huế và tiếp tục sự nghiệp làm thơ.

Về sự nghiệp văn học, Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ được biết đến nhiều nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trực tiếp sống và làm việc trong thời kỳ đất nước rơi vào chiến tranh và nên thơ của ông mang tính chiêm nghiệm cao. Hơn ai hết, Nguyễn Khoa Điềm có ý thức rõ ràng về vai trò cũng như trách nhiệm của một công dân đối với đất nước. Chính vì vậy những tác phẩm của ông luôn thể hiện rất rõ tinh thần chiến đấu và tôn vinh bản chất anh hùng bất khuất của những người chiến sĩ Việt Nam.

Trong sự nghiệp sáng tác, ông được trao tặng rất nhiều giải thưởng về văn học và nghệ thuật. Nổi bật trong số đó là giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm”. Cùng với đó là Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô với tập thơ “Cõi lặng” , xuất bản năm 2010.

Phong cách nghệ thuật chủ đạo:

– Thơ của Nguyễn Khoa Điềm được sáng tác dựa trên cảm hứng từ quê hương, đất nước, con người và tinh thần chiến đấu anh dũng của những chiến sĩ Việt Nam. Tuy đây là chất liệu nghệ thuật không mới, nhưng với góc nhìn sáng tạo, mới mẻ, những tác phẩm của ông luôn gây được ấn tượng riêng trong lòng người đọc.

– Thơ của ông có nét hấp dẫn rất riêng, xuất phát từ cảm xúc nồng nàn, suy tư sâu lắng và những tâm tư mang màu sắc chính luận – trữ tình. Hay nói cách khác, đó là sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của một con người tri thức trước hình ảnh đẹp đẽ của đất nước và con người Việt Nam.

Các tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Khoa Điềm:

– Tập ký Cửa thép, xuất bản năm 1972

– Tập thơ Đất ngoại ô, xuất bản năm 1973

– Trường ca Mặt đường khát vọng, xuất bản năm 1974

– Tập thơ Ngôi nhà có ngọn lửa ấm, xuất bản năm 1986

– Tập thơ Thơ Nguyễn Khoa Điềm, xuất bản năm 1990

– Tập thơ Cõi lặng, xuất bản năm 2007

Có thể thấy, đối với văn học, Nguyễn Khoa Điềm là một nhà hoạt động nghệ thuật rất nghiêm túc. Ông luôn khắt khe với những tác phẩm mình, luôn định hình các sáng tác của mình theo một phong cách riêng, nét riêng. Vì vậy, hầu hết những tác phẩm mà ông sáng tác đều hướng đến tình yêu quê hương, đất nước và tinh thần dân tộc.

 

2. Tác phẩm Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

a. Hoàn cảnh ra đời “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”

– Bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” được viết vào năm 1971. Bài thơ ra đời trong thời gian Nguyễn Khoa Điềm tham gia công tác ở chiến khu miền Tây tỉnh Thừa Thiên. Đây là thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước diễn ra ác liệt nhất.

– Bài thơ thuộc tập thơ “Đất và khát vọng”, xuất bản năm 1984.

b. Bố cục nội dung

– Phần 1 (11 câu đầu): Lời ru khi mẹ giã gạo, thổi cơm

– Phần 2 (11 câu tiếp): Lời ru khi mẹ tham gia vào lao động sản xuất

– Phần 3 (12 câu cuối): Lời ru khi mẹ tham gia chiến đấu cùng dân làng

 

3. Ý nghĩa nhan đề “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”

Nhan đề “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” là một nhan đề dài, hết sức độc đáo. Đồng thời nó giúp người đọc phần nào cảm nhận được giá trị nhân văn mà tác giả muốn gửi gắm qua hai hình ảnh nổi bật là “Khúc hát ru” và “những em bé lớn trên lưng mẹ”.

Khúc hát ru là những làn điệu dân gian mượt mà, êm ái để giúp đưa em bé vào giấc ngủ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trong nhan đề bài thơ, hình ảnh “khúc hát ru” gợi ra nhiều ý nghĩa hơn thế: 

– Gợi tấm lòng của những người bà, người mẹ.

– Gợi lên tình cảm, tâm tình một cách nhẹ nhàng, sâu lắng của người hát ru.

– Gợi âm điệu của hồn dân tộc đậm chất trữ tình sâu lắng, thiết tha, là thứ nuôi dưỡng tình cảm của chúng những đứa trẻ từ thuở ấu thơ.

Ý nghĩa từ hình ảnh “những em bé lớn trên lưng mẹ”:

– Gợi liên tưởng đến những em bé được nuôi dưỡng trong hoàn cảnh đặc biệt.

– Gợi không gian núi rừng vùng cao, nơi đồng bào, dân tộc thiểu số cư trú và sinh sống.

– Gợi lên tình yêu thương con và nghị lực của những bà mẹ vùng cao: tại vùng núi, phụ nữ đi đâu cũng thường địu theo con, ngay cả khi lên nương làm rẫy. 

⇒ Thông qua nhan đề tác phẩm, tác giả đã ngợi ca hình ảnh người mẹ miền núi nói riêng và người mẹ Việt Nam nói chung: những con người bình dị mà vĩ đại, yêu thương con, yêu bộ đội và có một trái tim lớn dành cho dân làng và đất nước. Họ cũng đóng vai trò là hậu phương vững chắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. 

 

II. Phân tích Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

Cấu trúc lặp của bài thơ: Bài thơ được chia làm ba khúc ru, mỗi khúc được cấu thành bởi hai khổ thơ, được viết bằng giọng của 2 người khác nhau là nhà thơ và mẹ. Trong đó, theo trình tự, lời ru của nhà thơ sẽ được trình bày trước lời ru của người mẹ.

⇒ Cấu trúc đặc biệt tạo nên sự cân đối và chặt chẽ trong bố cục của bài thơ. Đồng thời, góp phần khiến cho âm điệu của khúc ru trở nên da diết hơn, vấn vương hơn. Tựa như tình cảm đong đầy, trìu mến mà người mẹ dành cho con và cho đất nước.

Phép lặp câu được sử dụng để mở đầu mỗi khúc ru với giọng điệu của tác giả: 

“Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi 

Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ”.

– Khắc họa một hình ảnh có thực, phổ biến trong những năm kháng chiến của đất nước tại vùng núi. Đó là những em bé ngủ trên lưng mẹ, theo mẹ từ trong sản xuất tới chiến đấu.

– Nhấn mạnh về sự tồn tại của một thế hệ sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đặc biệt: Những đứa trẻ sinh ra trong chiến tranh, khói lửa, phải chấp nhận nhiều gian khổ và mất mát ngay từ khi còn nhỏ. 

– Ca ngợi hình ảnh vĩ đại của những người mẹ vùng cao: dù chiến tranh diễn ra rất khốc liệt nhưng họ vẫn bao bọc, che chở để những đứa con khôn lớn, trưởng thành trong tình thương yêu đủ đầy.

Phép lặp câu được sử dụng để mở đầu mỗi khúc ru với giọng điệu của người mẹ: 

“Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi”

⇒ Lời ru của tác giả và lời ru của mẹ được xếp nối tiếp, xen kẽ một cách nhịp nhàng đã tạo nên cảm giác ngọt ngào, đằm thắm và sâu lắng.

1. Hình ảnh người mẹ Tà-ôi qua lời ru của tác giả

Hình ảnh người mẹ Tà-ôi được thể hiện qua các hoạt động gắn với từng hoàn cảnh cụ thể. Từ địu con làm công việc nhà, việc của người dân chiến khu cho đến việc nước, việc kháng chiến. 

Đoạn thơ thứ nhất là hình ảnh người mẹ địu con giã gạo, đóng vai trò là hậu phương vững chắc, nuôi bộ đội kháng chiến:

– “Nhịp chày nghiêng…tim hát thành lời”: Công việc giã gạo tuy vất vả nhưng trong lao động sản xuất, người mẹ vẫn dành cho con tình cảm yêu thương vô cùng sâu sắc

– “Nhịp chày nghiêng” theo giấc ngủ của em bé cho thấy hai mẹ như đang hòa cùng chung một nhịp. Nhịp của mẹ là nhịp chày giã gạo, nhịp sống của một người lao động. 

– Sử dụng hình ảnh liệt kê “mồ hôi’’, “vai gầy”, tác giả đã đặc tả, nhấn mạnh sự vất vả trong cuộc sống lao động của mẹ.

– Tìm cảm của mẹ thể hiện qua hình ảnh địu con trên lưng trong lúc làm việc. Thay vì chăn ấm, nệm êm, mẹ dành trọn cho em bé tấm lưng để thay cho chiếc nôi ấm áp: đôi vai gầy của mẹ thay cho gối, tấm lưng là nôi đưa và nhịp đập trái tim chính là nhịp lời ru của người mẹ.

– Hình ảnh thơ “lưng đưa nôi và tim hát thành lời” được tác giả sử dụng hết sức độc đáo. Đó là sự cảm động của tác giả trước hình ảnh người mẹ Tà-ôi, dù công việc nặng nhọc nhưng vẫn không quên chăm sóc cho giấc ngủ của con. Mẹ đưa nôi cho con bằng tấm lưng và ru con bằng cả trái tim yêu thương sâu lắng.

Đoạn thơ thứ hai là hình ảnh người mẹ địu con tỉa bắp trên núi Ka-lưi – mẹ đang làm công việc lao động sản xuất của người dân chiến khu.

– Sử dụng hình ảnh tương phản “Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ”, tác giả đã gợi lên nhiều ý nghĩa:

+ Khắc họa khung cảnh thiên nhiên mênh mông, rộng lớn nơi núi rừng Ka-lưi

+ Gợi hình ảnh người mẹ với vóc dáng nhỏ bé trong lao động sản xuất

⇒ Sự đối lập giữa mẹ và thiên nhiên đã làm nổi bật lên sự kiên cường, bền bỉ của người  mẹ vùng núi. Dù trong công việc vất vả, nhọc nhằn, họ vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người mẹ và hậu phương vững chắc cho những người lính ngoài kia.

Sử dụng hình ảnh ẩn dụ sáng tạo “mặt trời của mẹ” và “Mặt trời của bắp” tác giả đã gợi ra nhiều ý nghĩa sâu sắc:,

– “Mặt trời của bắp” vốn là hình ảnh thực, là mặt trời của tự nhiên, là nguồn sáng quý giá, giúp đem lại sự sống cho vạn vật sinh sôi và phát triển. 

– “Mặt trời của mẹ” là em cu Tai. Cũng giống như mặt trời thực, em là lẽ sống, là nguồn hạnh phúc ấm áp của mẹ. Em là mặt trời gần gũi mà thiêng liêng của đời mẹ, góp phần sưởi ấm lòng tin yêu và ý chí của mẹ trong cuộc sống lao động đầy vất vả nơi núi rừng này

Đoạn thơ thứ ba gợi tả hình ảnh người mẹ địu con để trực tiếp tham gia chiến đấu:

– Hình ảnh liệt kê “chuyển lán”, “đạp rừng” tác giả sử dụng đã giúp thể hiện một cách sinh động hình ảnh người mẹ đang tham gia chiến đấu. Mẹ vừa làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ, vừa phải di chuyển lực lượng để kháng chiến lâu dài. Bằng một tinh thần quyết tâm và niềm tin vào ngày mai thắng lợi, mẹ sẵn sàng phải cùng với các anh trai, chị gái tham gia vào công cuộc bảo vệ tổ quốc gian truân này.

Ý nghĩa của hình ảnh liệt kê “anh trai cầm súng”, “chị gái cầm chông”, “mẹ địu em đi”: 

– Là hình ảnh về một gia đình, dân tộc đang anh dũng, cùng nhau đứng lên chống lại kẻ thù chung.

– Thể hiện sự lớn mạnh, trưởng thành vượt bậc của quân đội ta trong chiến chống Mỹ cứu nước. Lực lượng chiến đấu của quân ta không chỉ là các chiến sĩ mà còn là tập hợp người dân thuộc mọi tầng lớp. Từ già trẻ, gái trai, ai ai cũng đều mang trong mình một trái tim hướng về hòa bình, độc lập dân tộc, sẵn sàng tham gia chiến đấu vì một đất nước tự do.

– Sử dụng cấu trúc “từ… đến…” tác giả đã gợi sự trưởng thành của em cu Tai. Từ trên lưng mẹ em đã khôn lớn, trưởng thành để đủ sức khỏe để chiến đấu.

– Từ “trận cuối” được sử dụng trong câu thơ “Mẹ địu em đi để giành trận cuối” thể hiện tinh thần xông pha của người mẹ khi vào chiến trường, vào tận Trường Sơn để chiến đấu, mang theo cả một niềm tin vào thắng lợi cuối cùng.

– Nhịp thơ 4/4 trong đoạn thơ bộc lộ sự nhanh, mạnh, gợi lên một không khí hào hùng, sôi động của cuộc kháng chiến.

⇒ Qua những hoàn cảnh và công việc cụ thể, tác giả đã gợi ra hình ảnh người mẹ miền núi với tấm lòng thương con, yêu nước vô bờ bến. Từ công việc lao động sản xuất đến tham gia chiến đấu, người mẹ luôn lặng lẽ, bền bỉ, và giữ cho mình một tinh thần quyết tâm. Tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần kháng chiến chống Mỹ là động lực là sức mạnh để mẹ có thể vượt lên mọi nhiệm vụ gian nan. 

⇒ Đó là hình ảnh một người mẹ Việt Nam điển hình trong kháng chiến chống Mỹ, một người yêu con, yêu buôn làng, yêu quê hương và có niềm tin vào cách mạng, khát khao độc lập tự do.

 

2. Hình ảnh người mẹ Tà-ôi qua lời ru trực tiếp của mẹ

Trong khúc hát ru thứ nhất, mẹ đã gửi gắm mong muốn những điều tốt đẹp đến con của mình:

“Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội

Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần

Mai sau con lớn vung chày lún sân’’

– Điệp lại lời ru của mẹ ở 3 đoạn thơ, tác giả thể hiện được tình yêu con tha thiết dịu dàng của người mẹ. Tình yêu ấy trải dài qua lời ru…

– Điệp khúc “Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi”, “Mẹ thương a-kay”, “Con mơ cho mẹ”, “Mai sau con lớn” có tác dụng tô đậm, nhấn mạnh tấm lòng yêu thương con tha thiết của người mẹ. Trong lúc lao động sản xuất, mẹ không mong gì hơn ngoài mong cho con có giấc ngủ ngon, có được những giấc mơ đẹp.

– Tnh thương của mẹ cứ lớn dần theo lời ru và được chuyển hóa, mở rộng sang tình cảm lớn hơn, tình thương dành cho những chú bộ đội.

– Sử dụng hình ảnh “hạt gạo trắng ngần” cho thấy mẹ đang mơ cho con sẽ có một cuộc sống no đủ, êm đềm

– Sử dụng hình ảnh “vung chày lún sân”, cho thấy ngoài cuộc sống no đủ, mẹ còn mong cho con có thật nhiều sức khỏe, lao động giỏi giang

⇒ Khúc hát ru thứ nhất khắc họa rõ nét tấm lòng bao la, vĩ đại của người mẹ khi vừa giữ trọng trách mẹ của gia đình, vừa làm mẹ trong kháng chiến, mẹ của đất nước.

Khúc hát ru thứ hai của mẹ là tình thương mở rộng ra bộ đội và buôn làng: 

“Mẹ thương a-kay, mẹ thương làng đói 

Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều 

Mai sau con lớn, phát mười Ka-lưi.”

– Câu thơ “Hạt bắp lên đều” mang một hình ảnh ẩn dụ, hàm ý nhắc về một cuộc sống no đủ mà mẹ mong ước bấy lâu

– Câu thơ “Mai sau con lớn, phát mười Ka-lưi” là lời của mẹ về một ngày mai rất gần, về ngày mà con sẽ trưởng thành, khỏe mạnh, phi thường, có khả năng mang lại sự no ấm cho buôn làng.

⇒ Sử dụng cấu trúc đối xứng trong từng câu thơ, tác giả đã làm rõ tình yêu mà mẹ dành cho người con. Cùng với đó là tình yêu mẹ dành cho buôn làng. Ước mơ và tình yêu của mẹ theo lời ru cứ mở rộng dần, thể hiện một tấm lòng hy sinh cao cả, niềm tin to lớn của mẹ vào người con

Khúc hát ru thứ bao của mẹ là tình thương mẹ dành cho đất nước. Đó là tình cảm gia đình riêng tư hòa chung với tình cảm rộng lớn mẹ dành cho dân tộc, đất nước.

– Việc mẹ mơ “được thấy Bác Hồ” cho thấy mong muốn của mẹ là con sớm trưởng thành và tìm thấy được chân lí, con đường cách mạng đúng đắn.

– Cụm từ “làm người Tự do” thể hiện ước mơ tha thiết nhất, mãnh liệt nhất của mẹ là con được sống trong một thế giới hòa bình, một dân tộc tự do và có thể tự làm chủ được vận mệnh của chính mình.

– Thay vì để người mẹ nói về giấc mơ của mình mà lại thể hiện gián tiếp qua giấc mơ của con:“con mơ cho mẹ”. Điều này cho thấy, người mẹ đã gửi trọn niềm mong mỏi của mình vào giấc mơ của con, khiến lời ru càng thêm tha thiết, đầy tình cảm

⇒ Bằng ý thơ lặp lại mà tăng tiến, qua ba lời ru, lần lượt những công việc của mẹ đã hiện lên, song song với sự hy sinh, niềm tin trong tấm lòng của người mẹ. Một người không chỉ bền bỉ trong công việc lao động mà còn có một lòng quyết tâm trong công cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước.

 

III. Tổng kết chung phân tích bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

1. Về nội dung

– Bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” là tác phẩm thể hiện tình thương của người mẹ dành cho con trong gian nan, vất vả của cuộc sống nơi chiến khu. Đó là một tình yêu thương thắm thiết, với ước mong về một ngày con mau lớn khôn, khỏe mạnh, trở thành công dân của một đất nước tự do.

– Bài thơ cũng là nỗi niềm thầm kín của Nguyễn Khoa Điềm, thể hiện tình yêu thương con của ông luôn gắn với lòng yêu nước, với tinh thần chiến đấu của người mẹ tại miền tây Thừa Thiên.

so-do-tu-duy-khuc-hat-ru-nhung-em-be-lon-tren-lung-me
Sơ đồ tư duy khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ
HM10 2024 - GIẢI PHÁP LUYỆN THI TOÀN DIỆN
NẮM CHẮC KIẾN THỨC - KHÔNG LO BIẾN DỘNG ĐỀ THI
  • Lộ trình toàn diện - NẮM CHẮC NỀN TẢNG - TỔNG ÔN TOÀN DIỆN - LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU
  • ĐA DẠNG HÌNH THỨC HỌC - PHÙ HỢP VỚI MỌI NHU CẦU
  • TOP THẦY CÔ DANH TIẾNG, GIÀU KINH NGHIỆM
  • DỊCH VỤ HỖ TRỢ HỌC TẬP ĐÔNG HÀNH TRONG SUÔT QUÁ TRÌNH HỌC TẬP
Ưu đãi đặt chỗ sớm - Giảm đến 45%! Áp dụng cho PHHS đăng ký trong tháng này!

2. Về nghệ thuật

– Giọng thơ mang âm hưởng lời ru với cách ngắt nhịp linh hoạt

– Sử dụng hình ảnh sinh động và giàu ý nghĩa

– Giọng điệu thơ trìu mến, ngọt ngào, đậm tính nhạc

– Sử dụng linh hoạt nghệ thuật ẩn dụ, phóng đại giúp tạo sức gợi cho câu thơ

Trên đây là dàn ý phân tích Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ thuộc chương trình Ngữ Văn 9. Ngoài tác phẩm trên, HOCMAI tổng hợp được dàn ý các bài phân tích các tác phẩm khác tại tài liệu tham khảo các bài phân tích các tác phẩm thuộc chương trình Ngữ văn 9. Hy vọng qua bài phân tích trên, các bạn học sinh đã có thể hiểu hơn về giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc có trong hình ảnh người mẹ miền núi. Từ đó tăng khả năng hiểu bài trên lớp cũng như ôn tập cho các kỳ thi quan trọng!

Tham khảo thêm:

Phân tích chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh

Phân tích Mã Giám Sinh mua Kiều

Phân tích Kiều báo ân báo oán