Phân tích tác phẩm Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh – HOCMAI

0
2384
phan-tich-chuyen-cu-trong-phu-chua-trinh-ava

Tùy bút là một lối viết gần giống bút ký, ghi chép con người và sự việc có thực, bao hàm cả quan điểm cá nhân và cảm xúc của người viết. Trong bài viết này, HOCMAI xin gửi tới các bạn học sinh thông tin về thể loại tùy bút và những thói ăn chơi xa xỉ của vua chúa thời xưa qua phân tích “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh” của tác giả Phạm Đình Hổ.

Tham khảo thêm:

Phân tích Đấu tranh cho một thế giới hòa bình

Phân tích Phong cách Hồ Chí Minh

Các tác phẩm ôn thi vào lớp 10

 

I. Thông tin về tác giả Phạm Định Hổ

1. Tác giả

– Tên thật: Phạm Đình Hổ, tên chữ là Tùng Niên, hay Bỉnh Trực

– Tên hiệu là Đông Dã Tiều, tên tục: Chiêu Hổ. 

– Sinh năm: 1768, Mất năm: 1839

– Quê quán: làng Đan Loan, huyện Đường An, trấn Hải Dương (nay đổi tên thành xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

– Phạm Đình Hổ là một nhà nho không gặp thời, phải ẩn cư dạy học và trải qua cảnh nghèo khổ, do đó hình thành nên cách viết chân thực, kín đáo mà sâu sắc.

Tiểu sử cuộc đời: 

– Phạm Đình Hổ sinh ra trong một gia đình khoa bảng với truyền thống dùi mài kinh sử, đỗ đạt làm quan. 

– Cha ông từng đỗ cử nhân, được ra làm quan dưới thời Lê, tới chức quan Thái bộc tự khanh cai quản xứ Thanh Hoa. 

– Cuối thời Lê, Phạm Đình Hổ đỗ sinh đồ và vào học tại Quốc Tử Giám, tuy nhiên thời thế loạn lạc khiến ông nảy sinh ý định ẩn cư, dạy học ở quê.

– Thời Minh Mạng nhà Nguyễn năm 1821, ông dâng tấu chương lên nhà vua và được vua trọng dụng làm quan. Sau một thời gian, Phạm Đình Hổ xin từ chức.

– Năm 1826, nhà vua tiếp tục triệu ông vào Huế với chức vụ thừa chỉ Viện Hàn Lâm, sau đó tới chức Tế tửu Quốc Tử Giám; cuối cùng là Thị giảng học sĩ. 

– Năm 1832, Phạm Đình Hổ cáo lão, xin làm trí sĩ. 

– Năm 1839, ông từ trần, hưởng dương thọ 71 tuổi.

Sự nghiệp sáng tác:

– Phạm Đình Hổ đã bắt đầu sự nghiệp sáng tác từ thời Tây Sơn, nhưng các tác phẩm lưu hành chủ yếu vào thời đầu triều Nguyễn.

– Các sáng tác và biên soạn sách của ông khá đồ sộ, với nhiều công trình khảo cứu và biên soạn mang nhiều giá trị nghiên cứu. Tác phẩm ông viết đa dạng lĩnh vực như luận lý, trước thuật, tiền triều, xã hội – lịch sử hay địa dư,… 

– Các tác phẩm đều viết bằng chữ Hán, tới thời hiện nay còn lưu trữ 22 tác phẩm.

– Một số tác phẩm đặc sắc bao gồm: Lối chữ viết, Cách uống chè, hay các tác phẩm mang giá trị khảo cứu cao như Bằng giao điểm lệ, Lê Triều hội điển,…

– Hai tác phẩm nổi tiếng và giá trị nhất là kí sự văn xuôi tên “Vũ trung tùy bút” và “Tang thương ngẫu lục”, một thiên văn chương viết chung với Nguyễn Án. 

2. Tác phẩm 

a. Hoàn cảnh ra đời

– Đoạn trích “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh” nằm trong tác phẩm “Vũ trung tùy bút”, được viết vào khoảng đầu thời Nguyễn, thức đầu thế kỷ XIX. Phạm Đình Hổ đã ghi chép lại những thói ăn chơi sa đọa của chúa Trịnh cùng đám tham quan trong phủ Chúa thời bấy giờ.

– Chúa Thịnh Vương Trịnh Sâm, sinh 1742, mất 1782 vốn được coi là vị lãnh đạo cứng rắn, quyết đoán, sáng suốt và trí tuệ. Ông đã dẹp yên các bè phái chống đối và lập lại quy tắc, kỷ cương, tuy nhiên sau khi lên ngôi được một thời gian, ông dần mất đi cái tôi ban đầu.

– Chúa Trịnh Sâm trở nên kiêu căng, ăn chơi xa xỉ, tuyển thêm phi tần, cung nữ, đắm say trong sắc dục, mặc sức vui chơi bỏ quên triều chính. Chúa mê đắm Đặng Thị Huệ, đưa ra những quyết sách sai lầm như phế con trưởng, lập con thứ, tạo ra những biến động xấu trong xã hội thời bấy giờ. 

– “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh” là tài liệu khảo quý báu của nước ta, đặc biệt trong các lĩnh vực sử học, địa lý và xã hội học. Tác phẩm phần nào phản ánh hiện thực tối tăm trong lịch sử nước ta, tái hiện lại chân thực cuộc sống của vua quan Đàng Ngoài cùng những bất công mà người dân phải chịu đựng. 

b. Bố cục đoạn trích

Đoạn trích “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh” được chia thành hai phần chính:

– Phần 1 (Bắt đầu từ đầu đến “triệu bất tường”): Lối sống xa hoa vô độ của Thịnh Vương Trịnh Sâm

– Phần 2 (Còn lại): Hành động hèn hạ của bọn quan lại dưới quyền

II. Tóm tắt Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh

Đoạn trích Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh ghi chép lại lối sống xa hoa vô độ của chúa Trịnh cùng bọn quan lại dưới quyền trong phủ chúa. 

Vào năm Giáp Ngọ, Ất Mùi, tức khoảng 1774 tới 1775, Đàng Ngoài có chúa Trịnh Sâm sống vô cùng xa hoa tốn kém: Chúa xây cung điện đền đài, đốt đèn đuốc tại li cung trên Tây Hồ, núi Tử Trầm, rồi núi Dũng Thúy. Chúa thích ngắm cảnh đẹp, mỗi tháng vài ba lần ra cung Thụy Liên, nhưng thực chất nhằm cướp đoạt của quý trong thiên hạ. Cứ thấy trân cầm dị thú, cổ mộc quái thạch, Chúa đều thu hết.

Bọn quan tham nhân đó mặc quần áo đàn bà, cải trang đi dọc hồ nhằm bán đồ vật kiếm tiền. Được Chúa sủng ái, chúng trở nên nhũng nhiễu, ỷ thế hoành hành bàn dân thiên hạ, giở thói “vừa ăn cướp vừa la làng”. Chúng dò xem nhà nào có chim tốt, đồ hay cây tốt, quy ngay tội “phụng thủ”, khiến người dân phải van xin chí chiết mới được tha.

III. Phân tích Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh

1. Lối sống xa hoa vô độ của Thịnh vương Trịnh Sâm

Tác giả thể hiện rõ thói hưởng lạc xa hoa, vô độ của chúa Trịnh Sâm qua những chi tiết sau:

– Chúa cho xây dựng nhiều đình đài, cung điện ở nhiều nơi “phủ Tây Hồ, núi Dũng Thúy, núi Trầm” chỉ để thỏa thú vui chơi, đèn đuốc.

– Việc thỏa ý “thích chơi đèn đuốc” không biết tốn kém bao nhiêu tiền của và khi nào mới đủ, bởi “việc xây dựng đình đài cứ liên miên”

– Xây dựng đền đài vì mục đích cá nhân trực tiếp tạo ra những ảnh hưởng xấu tới đời sống nhân dân cũng như quốc khố của đất nước.

– Phạm Đình Hổ tiếp tục miêu tả tỉ mỉ, chi tiết những cuộc dạo chơi của Chúa tại bờ Tây Hồ: cuộc vui chơi tổ chức thường xuyên tháng ba bốn lần, huy động số lượng lớn kẻ hầu người hạ, như nhạc công, binh lính, quan hộ giá, nội thần,…

– Chỉ bằng câu “binh lính dàn hầu vòng quanh bốn mặt hồ” có thể thấy sự lãng phí của chúa Trịnh Sâm, bởi Hồ Tây rất rộng. 

– Chúa còn bày đặt những trò giải trí giả dối, lố lăng và vô cùng tốn kém: các nội thần ăn mặc giả đàn bà bày hàng bán quanh hồ, đưa thuyền ngự dạo trên hồ, một chốc lại ghé mua bán tại bờ hồ; thêm dàn nhạc bố trí tại gác chuông chùa hay khắp nơi quanh hồ để tấu nhạc mua vui,…

– Chúa còn sai người thu lấy những của quý, vật lạ trong thiên hạ. Bao nhiêu “trân cầm dị thú, cổ mộc quái thạch”, Chúa sức lấy bằng hết. Những đồ vật được mang danh “phụng thủ” này thực ra là một hành vi cướp đoạt trắng trợn của quý trong thiên hạ về tô điểm cho phủ Chúa. 

– Tác giả miêu tả việc thu vén cây đa to, từ bến bắc chở qua sông đem về. Vật “phụng thủ” này to nặng tới nỗi “một cơ binh mới khiêng nổi, lại bốn người đi kèm, đều cầm gươm, đánh thanh la đốc thúc quân lính khiêng cho đều tay”. Một hành vi hết sức tốn kém và không cần thiết. 

⇒ Phạm Đình Hổ đã ghi chép tỉ mỉ, chân thực về cuộc sống xa họa vô độ của chúa Trịnh Sâm, gây ấn tượng với người đọc về một vị chúa say mê thú đèn đuốc, vui chơi hưởng lạc. Không cần lời bình hay nhận xét cụ thể, qua miêu tả chi tiết một vài sự việc, tác giả đã phác họa nên cuộc sống ăn chơi hưởng thụ của chúa Trịnh Sâm.

Sự ăn chơi vô độ báo hiệu cho sự sụp đổ của thời đại vương triều chúa Trịnh:

– Trong khu vườn ở phủ chúa, với bao “trân cầm dị thú, cổ mộc quái thạch”, được tô điểm như “bến bể đầu non” lại phát ra những âm thanh ghê rợn, khó nghe khó hiểu. 

– Những âm thanh đó không hề phù hợp với cảnh đẹp yên bình, phồn thực mà như tiếng kêu đau thương, tan tác trước một thực tại đáng buồn của thời bấy giờ.

– Tác giả, hay tự xưng là “kẻ thức giả” lúc này mới bộc lộ cảm xúc và nhận định của mình khi xem đó là “sự bất thường”. Thể hiện rằng, đây là điềm gở, điềm chẳng lành.

– Tiếng kêu này như báo trước một tương lai suy bại, sự suy vong của một triều đại ăn chơi vô độ, không quan tâm tới bàn dân thiên hạ. 

⇒ Tác giả đã thay dân chúng đưa ra lời tiên đoán về sự sụp đổ của một vương triều đã thối nát, chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, chăm chăm nghĩ tới bản thân sống trên mồ hôi, nước mắt của nhân dân.

2. Hành động hèn hạ của bọn thái giám

Sự nhũng nhiễu của đám hoạn quan cung giám trong phủ chúa được thể hiện qua:

– Chúng thường xuyên dò xem nhà nào có chậu hoa, cây cảnh, chim quý để biên lai hai chữ “phụng thủ”. Mục đích cuối cùng là để tiến vua, lấy của quý để nịnh nọt và lấy lòng nhà vua.

– Khi không tịch thu được của cải của người dân, chúng sai lính trèo tường vào nhà lấy đồ của dân. Nếu không hợp tác, chúng sẽ phá nhà đập tường để khiêng cây hoặc đá quý đi cho bằng được.

– Nhà nào giàu sẽ bị chúng vu vạ là giấu vật cung phụng, sẽ không được tha nếu không bỏ tiền của ra để kêu van chí chết. Khiến họ chỉ còn cách tránh khỏi tai bay vạ gió bằng việc tự tay đập bỏ núi non bộ, hoặc phá bỏ cây của chính mình

Những hành động “mượn gió bẻ măng”, “vừa ăn cướp vừa la làng” của bọn quan lại vẫn tiếp diễn trong thời gian dài do:

– Chúng nổi lên nhờ thói nịnh nọt nhà vua, được nhà vua sủng ái vì biết nhiều thú vui hưởng lạc

– Chúa Trịnh chỉ quan tâm đến ăn chơi, hưởng lạc thay vì quan tâm đến đời sống nhân dân

⇒ Mượn cớ đi tìm vật báu dâng lên vua, nhưng thực chất mục đích của đám hoạn quan là vơ vét tiền của của dân để làm của riêng. Những việc ấy cho thấy bản chất của bọn hoạn quan là khó chấp nhận, nhưng vì chúng khéo xu nịnh nên dễ dàng qua mắt được nhà vua. Mặt khác, vua tôi nhà Trịnh lúc ấy chỉ quan tâm đến sự vui thú của bản thân, sủng ái những kẻ khéo nịnh. Từ đó, bọn hoạn quan cung giám có cơ hội ỷ thế mà ngang nhiên hoành hành, tác oai tác quái, gây bao tai vạ cho nhân dân.

Trong những người bị đám quan lại nhũng nhiễu, vơ vét của dân, có gia đình của Phạm Đình Hổ:

– Với mong muốn tránh sự phiền hà của quan lại mà gia đình tác giả đã phải tự chặt đi cây lê và hai cây lựu quý trong vườn nhà mình. 

⇒ Câu chuyện này có tác dụng làm tăng tính xác thực, thuyết phục, đồng thời là minh chứng rõ ràng nhất cho sự hèn hạ, nhũng nhiễu của quan lại thời chúa Trịnh. Ông gián tiếp thể hiện thái độ phê phán, bất bình trước cuộc sống xa hoa và bản chất yếu hèn, nhu nhược và tham lam của vua chúa quan lại Lê Trịnh trong giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII.

III. Sơ đồ tư duy Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh

Tham khảo ngay sơ đồ tư duy dàn ý phân tích trích đoạn Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh dưới đây để nắm rõ hơn về nội dung và cách triển khai các ý chính trong bài tập làm văn nhé!

Sơ đồ tư duy chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh
HM10 2024 - GIẢI PHÁP LUYỆN THI TOÀN DIỆN
NẮM CHẮC KIẾN THỨC - KHÔNG LO BIẾN DỘNG ĐỀ THI
  • Lộ trình toàn diện - NẮM CHẮC NỀN TẢNG - TỔNG ÔN TOÀN DIỆN - LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU
  • ĐA DẠNG HÌNH THỨC HỌC - PHÙ HỢP VỚI MỌI NHU CẦU
  • TOP THẦY CÔ DANH TIẾNG, GIÀU KINH NGHIỆM
  • DỊCH VỤ HỖ TRỢ HỌC TẬP ĐÔNG HÀNH TRONG SUÔT QUÁ TRÌNH HỌC TẬP
Ưu đãi đặt chỗ sớm - Giảm đến 45%! Áp dụng cho PHHS đăng ký trong tháng này!

 

IV. Tổng kết

1. Nội dung khái quát

Trích đoạn “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh” của Phạm Đình Hổ là một trong những tác phẩm mang đậm giá trị hiện thực, giá trị lịch sử. Đoạn trích đã tái hiện lại một cách sinh động cảnh vật và con người, thói ăn chơi xa hoa của vua chúa dưới thời vua Lê chúa Trịnh. Cùng với đó là hình ảnh đám quan lại hèn hạ, ngày đêm ra sức bóc lột, vơ vét, thậm chí ăn cướp, làm tiền trắng trợn trên mồ hôi công sức của nhân dân.

2. Nghệ thuật sử dụng

– Cốt truyện được triển khai rõ ràng, mạch lạc nhờ lỗi ghi chép cụ thể, sống động

– Hệ thống nhân vật được khắc họa chi tiết từ ngoại hình đến nội tâm, tính cách, thậm chí cả những chi tiết tưởng tượng hoang đường

– Thể loại tùy bút giúp tác giả dễ dàng bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ, nhận thức của tác giả về xã hội đương thời

– Lối ghi chép không cần gò theo một hệ thống nhưng vẫn có tư tưởng và cảm xúc chủ đạo 

 

Trên đây là toàn bộ dàn ý Phân tích Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh của tác giả Phạm Đình Hổ. Các bạn học sinh có thể tham khảo thêm bộ tài liệu Soạn văn 9 để tìm hiểu thêm nhiều tác phẩm văn học khác trong chương trình Ngữ Văn 9. Hy vọng với bài viết trên, HOCMAI đã giúp các bạn học sinh có cái nhìn toàn cảnh về cuộc sống của người dân dưới thời vua Lê chúa Trịnh.