Phân tích tác phẩm Truyện Kiều tác giả Nguyễn Du – HOCMAI

0
108316
phan-tich-truyen-kieu-nguyen-du-ava

Truyện Kiều của Nguyễn Du được xem là một trong những kiệt tác thơ ca đặc sắc trong nền văn học trung đại Việt Nam. Đây cũng là một trong số những tác phẩm 29nhiều tầng ý nghĩa, khiến không ít bạn học sinh gặp khó khăn trong quá trình học. Mặc dù nằm trong phần giảm tải của các tác phẩm ôn thi vào 10, tuy nhiên đây vẫn là một trong những tác phẩm có nhiều giá trị trong chương trình Ngữ Văn 9. Vậy thì hãy cùng HOCMAI đến với dàn ý Phân tích tác phẩm Truyện Kiều để hiểu rõ hơn về tác phẩm ngay sau đây nhé!

I. Thông tin về tác giả – tác phẩm

1. Tác giả: Nguyễn Du

– Tên tự: Tố Như, hiệu là Thanh Hiên

– Ông được người đời kính trọng tôn là “Đại thi hào dân tộc” và tổ chức UNESCO vinh danh là một trong những “Danh nhân văn hóa thế giới”

– Tác phẩm Truyện Kiều được coi là một trong những tượng đài thơ ca trong nền văn học trung đại Việt Nam.

a. Tình hình xã hội chung

Nguyễn Du sinh ra và lớn lên trong giai đoạn cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX. Đây là thời kì lịch sử đầy những biến động dữ dội:

– Mầm mống của cuộc nội chiến phong kiến đã xuất hiện, chế độ phong kiến lúc này dần rơi vào khủng hoảng sâu sắc

– Chế độ phong kiến rơi vào khủng hoảng, mâu thuẫn xã hội ngày càng trở nên gay gắt, các tập đoàn phong kiến tranh giành quyền lực dẫn đến Lê – Trịnh suy tàn. 

– Phong trào nông dân thống trị, điển hình là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã đánh đổ các tập đoàn phong kiến và dọn sạch toàn bộ hai mươi vạn quân xâm lược nhà Thanh. 

– Nhà Tây Sơn sụp đổ sau 24 năm tồn tại, kế vị là nhà Nguyễn lên nắm quyền.

=> Tất cả những biến động xã hội đó đã ảnh hưởng đến cuộc đời và hình thành lên con người của Nguyễn Du sau này

b. Tiểu sử

Nguyễn Du xuất thân trong một gia đình đại quý tộc, có nhiều đời làm quan và có truyền thống hiếu học:

– Cha ông là Nguyễn Nghiễm, từng làm quan đến chức Đại Tư đồ, tức tể tướng trong 15 năm.

– Anh trai cùng cha khác mẹ tên Nguyễn Khản của Nguyễn Du cũng làm  quan đến chức Tham Tụng (ngang với Tể Tướng)

Nguyễn Du sinh ra và lớn lên tại kinh đô Thăng Long, nơi có kinh tế phát triển, sầm uất, với nhiều chốn phồn hoa, đô thị: Ngay từ nhỏ, ông đã được tiếp nhận một nền giáo dục tiến bộ, bắt kịp thời đại, đồng thời kế thừa được truyền thống văn hóa hiếu học của gia đình.

Nguyễn Du có một tuổi thơ không mấy êm ả mà phải trải qua nhiều những thăng trầm, thiếu thốn, mất mát:

– Năm 8 tuổi, cha ông đi đánh chúa Nguyễn ở Đàng Trong 

– Năm 10 tuổi ông mồ côi cha

– Năm 13 tuổi Nguyễn Du mồ côi mẹ nên phải sống cùng người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản

Tuy xuất thân ở tầng lớp quý tộc, song do những biến động dữ dội của lịch sử, gia đình ông cũng sớm rơi vào sa sút:

– Ông phải phiêu bạt suốt 10 năm nơi đất Bắc (10 năm gió bụi), rồi về ở ẩn tại Hà Tĩnh. Lúc bấy giờ triều Lê – Trịnh đã sụp đổ, nhà Tây Sơn lên ngôi. Đây là khoảng thời gian cuộc sống của  ông lâm vào cảnh nghèo đói, túng bấn và tủi nhục quanh năm

– Năm 1802, khi Nguyễn Ánh lên ngôi, Nguyễn Du đã bất đắc dĩ gia nhập tầng lớp quan chức và giữ nhiều trọng trách quan trọng trong triều đình. 

– năm 1820, Nguyễn Du qua đời tại Huế

=> Cuộc đời Nguyễn Du tuy phải chịu nhiều thiệt thòi, trải qua bao thăng trầm, biến động. Song, chính những trải nghiệm ấy đã góp phần giúp ông tạo nên những tác phẩm nổi tiếng và có giá trị sâu sắc trong nền văn học trung đại Việt Nam.

c. Sự nghiệp sáng tác

Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, Nguyễn Du đã có rất nhiều tác phẩm phản ánh hiện thực lịch sử và cuộc sống con người trong xã hội phong kiến. Các tác phẩm được viết bằng cả chữ Hán có thể kể đến như: Thanh Hiên tiền hậu tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục.

Ngoài các tác phẩm tiếng Hán, Nguyễn Du cũng sở hữu các tác phẩm thơ Nôm có giá trị như: Đoạn trường tân thanh; Văn chiêu hồn; Truyện Kiều

c. Phong cách nghệ thuật 

Nguyễn Du là một nhà thờ uyên bác, nắm vững kiến thức của nhiều thể thơ của Trung Quốc như: ngũ ngôn cổ thi, thất ngôn luật, ca, hành,…Vì vậy nên ở thể thơ nào, Nguyễn Du cũng có tác phẩm xuất sắc. 

Từ nền tảng xuất thân và kiến thức văn học dồi dào mà các tác phẩm thơ Nguyễn Du luôn mang thanh âm và màu sắc của sự sống, nổi bật trên nền bức tranh hiện thực đa dạng. Không những thế, qua các tác phẩm thơ, Nguyễn Du còn đem đến vẻ đẹp của tình yêu thương dạt dào và sự căm phẫn về nội xã hội thối nát. Đây là nét đặc sắc và cũng điểm tích cực nhất trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Du. Từ thơ chữ Hán cho đến Truyện Kiều đều ẩn chứa một sức sống kỳ lạ, mang giá trị nhân văn sâu sắc.

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác Truyện Kiều

– Theo nhiều giả thuyết ghi lại, Nguyễn Du sáng tác “Truyện Kiều” sau chuyến đi sứ Trung Quốc. Tuy nhiên lại có thuyết cho rằng, ông viết “Truyện Kiều” trước khi đi sang Trung Quốc, khoảng cuối thời Lê đầu thời kỳ Tây Sơn. Trong đó, giả thuyết sau được biết đến rộng rãi hơn. Cho đến ngày nay, Truyện Kiều đã được nhiều nơi khắc in và lưu hành rộng rãi như một kiệt tác thơ ca trung đại.

– “Truyện Kiều” là được lấy cảm hứng từ bộ truyện văn xuôi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (một tác giả Trung Quốc). Bản gốc của tác phẩm lấy bối cảnh Trung Quốc từ năm 1521 đến năm 1567 – thời vua Gia Tĩnh Đế đời nhà Minh cai trị. Vì vậy nên một số nhân vật trong tác phẩm như tổng đốc Hồ Tôn Hiến, Vương Thúy Kiều, Từ Hải đều là những nhân vật có thật trong lịch sử.

– Bản in khắc đầu tiên của “Truyện Kiều” ra đời vào năm 1920, có nhan đề chính thức là “Đoạn trường tân thanh”, dịch là “tiếng kêu mới về nỗi đau lòng đứt ruột”.

– Truyện xoay quanh diễn biến cuộc đời của Thúy Kiều. Từ một cô gái xinh xắn nết na, tài sắc vẹn toàn, nàng phải bán mình để cứu cha và em trai. Không may nàng Kiều gặp phải Sở khanh và bị bán rồi ép làm kỹ nữ. Đây cũng là biến cố khiến cuộc đời cô bước sang một trang mới. 

b. Thể loại của Truyện Kiều

“Truyện Kiều” là tác phẩm truyện thơ Nôm, được viết theo thể thơ lục bát, bao gồm 3254 câu thơ kể về cuộc đời 15 năm đầy thăng trầm của nhân vật chính Thúy Kiều. Một người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng vì gia biến phải bán mình chuộc cha, số phận bị các thế lực phong kiến đưa đẩy và chà đạp.

 

II. Tóm tắt Truyện Kiều của Nguyễn Du

Truyện Kiều xoay quanh diễn biến cuộc đời thăng trầm của nhân vật Vương Thúy Kiều – một người con gái có vẻ đẹp vẹn toàn từ ngoại hình đến tri thức.

Phần thứ nhất – Gặp gỡ và đính ước

    Thúy Kiều là con gái lớn trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu. Ngoài Kiều, gia đình họ Vương còn có một cô con gái là Thúy Vân và con trai là Vương Quan. Thúy Kiều sinh ra vốn đã sinh đẹp thông minh, lớn lên, nàng nổi tiếng là người con gái tài sắc vẹn toàn. Trong một buổi du xuân vào tiết thanh minh tháng ba, Kiều gặp Kim Trọng. Kiều đã bị thu hút bởi vẻ hào hoa, phong nhã của Kim Trọng. Từ đó, cặp đôi nhanh chóng nảy sinh những tình cảm tốt đẹp. Họ chủ động thề nguyện và đính ước nguyện với nhau.

Phần thứ hai – Gia biến và lưu lạc

    Sau ngày đính ước, Kim Trọng phải về Liêu Dương chịu tang chú, cùng thời điểm này gia đình Kiều gặp tai họa do thằng bán tơ vu oan. Trước hoàn cảnh đó, Kiều phải dứt tình với Kim Trọng để bán mình chuộc cha. Trao duyên cho Thúy Vân xong, nàng rơi vào tay Mã Giám Sinh, Tú Bà, bị lừa bán qua lại bởi bọn trùm lầu xanh. 

Đau khổ khi biết mình bị lừa và đưa vào lầu xanh, Kiều tự tử nhưng không thành. Sau đấy còn bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích. Nàng bị Sở Khanh lừa, bị bắt, bị đánh và ép phải tiếp khách làng chơi. Rồi nàng được Thúc Sinh chuộc ra làm vợ lẽ nhưng bị vợ cả của Thúc Sinh là Hoạn Thư ghen và hành hạ, bắt hầu đàn, hầu rượu. Vì quá khổ cực, Kiều đã bỏ trốn khỏi nhà Hoạn Thư và nương nhờ nơi cửa Phật. Song sư Giác Duyên lại vô tình gửi nàng cho Bạc Bà, Kiều lại vào lầu xanh lần thứ hai. 

Lần này Kiều gặp Từ Hải – người anh hùng trí dũng song toàn, chuộc ra và giúp nàng báo ân báo oán. Chẳng bao lâu, do bị mắc lừa Hồ Tôn Hiến mà Từ Hải chết đứng, Thúy Kiều bị ép gả cho một tên Thổ quan. Quá tủi nhục, Kiều quyết định tự vẫn ở sông Tiền Đường nhưng được sư Giác Duyên cứu sống và lần thứ hai nàng sống nương nhờ cửa Phật.

Phần thứ ba – Đoàn tụ

    Sau khi đỗ đạt làm quan, Kim Trọng đã cất công ròng rã tìm lại Thúy Kiều. Đến sông Tiền Đường, biết nàng tự vẫn, Kim Trọng đã lập đàn giải oan cho nàng. Tình cờ sư Giác Duyên đi qua mà Kim, Kiều tìm được nhau và đoàn tụ với gia đình.

 

Nắm trọn bộ kiến thức ôn thi vào 10 đạt điểm cao với bộ sách

sach-but-pha-9-lop-10

HM10 2024 - GIẢI PHÁP LUYỆN THI TOÀN DIỆN
NẮM CHẮC KIẾN THỨC - KHÔNG LO BIẾN DỘNG ĐỀ THI
  • Lộ trình toàn diện - NẮM CHẮC NỀN TẢNG - TỔNG ÔN TOÀN DIỆN - LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU
  • ĐA DẠNG HÌNH THỨC HỌC - PHÙ HỢP VỚI MỌI NHU CẦU
  • TOP THẦY CÔ DANH TIẾNG, GIÀU KINH NGHIỆM
  • DỊCH VỤ HỖ TRỢ HỌC TẬP ĐÔNG HÀNH TRONG SUÔT QUÁ TRÌNH HỌC TẬP
Ưu đãi đặt chỗ sớm - Giảm đến 45%! Áp dụng cho PHHS đăng ký trong tháng này!

 

III. Phân tích Truyện Kiều của Nguyễn Du

1. Đặc sắc về nội dung

a. Giá trị hiện thực của tác phẩm Truyện Kiều

Truyện Kiều tái hiện bức tranh hiện thực về một xã hội đầy rẫy những bất công, tàn bạo. Đồng thời là lên tiếng tố cáo xã hội phong kiến, nơi tầng lớp thống trị chà đạp quyền sống của con người:

– Đó là một xã hội đảo điên, nơi mà sức mạnh đồng tiền lên ngôi và có thể tha hóa con người. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã 17 lần nói về sự mai quái của đồng tiền, điển hình là câu thơ: “Trong tay đã có đồng tiền/ Giàu lòng đổi trắng thay đen khó gì?”

– Đó là một xã hội toàn kẻ lưu manh. Chúng là đám côn đồ đội lốt người, thi nhau bóc lột, chà đạp không thương tiếc lên nhân phẩm của những con người hiền lành, thấp cổ bé họng. Những kẻ đó xuất hiện trong tác phẩm dưới những tên nhân vật như: Tú Bà, Sở Khanh, Mã Giám Sinh, Bạc Bà, Hồ Tôn Hiến, Hoạn Thư, ..

– Đó là xã hội đầy rẫy bọn quan lại ngang ngược, từ bọn tay sai quan lại, quan xử kiện, cho đến “họ Hoạn danh gia”, hay kể cả “quan Tổng đốc trọng thần”, ma cô, chủ chứa,…. Chúng là những kẻ tham lam, lật lọng, là nguồn gốc cho mọi sự khốn khổ mà những người dân hiền lành, lương thiện phải chịu đựng

– Đó là một xã hội mà pháp luật hay sự công bằng đều trở nên vô nghĩa. Bởi lẽ đồng tiền đã điều khiển mọi thứ, thậm chí là giẫm đạp lên lương tâm con người và kiểm soát công lý. Sự thật dễ dàng bị đổi trắng thay đen và gây ra nhiều bất hạnh cho con người trong xã hội. Khi gia đình Kiều bị đổ oan, cha bị bắt bớ và tra tấn, không ai có thể giải oan được cho ông mà chỉ “Có ba trăm lạng việc này mới xong”. Đồng tiền lúc này đã đạt đến sức mạnh cao nhất, có khả năng quyết định số phận và sự trong sạch của một con người

“Truyện Kiều” gợi ra hình ảnh hiện thực về số phận những con người trong xã hội đương thời. Quyền sống của con người tài hoa và những người phụ nữ bị chà đạp, áp bức đến tột cùng. Trong đó, bi kịch của người phụ nữ được thể hiện rõ nhất thông qua cuộc đời đầy sóng gió, khổ đau của nhân vật Thúy Kiều:

– Nhân vật Thúy Kiều do sự thối nát của xã hội mà đã bị tước đoạt những quyền sống cơ bản nhất của con người: Quyền được yêu, quyền được hưởng hạnh phúc gia đình.

– Nhân phẩm của Kiều bị chà đạp một cách thô bạo và tàn nhẫn: nàng trở thành một món hàng, bị mua đi bán lại và đánh đập tàn nhẫn: “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” là sự tổng kết đầy đau đớn của Nguyễn Du về cuộc đời Kiều sau 15 năm đoạn trường. 

b. Giá trị nhân đạo của tác phẩm Truyện Kiều

“Truyện Kiều” là tiếng nói đề cao con người từ vẻ đẹp hình thức, phẩm chất đến tình yêu tự do và những ước mơ, khát vọng chân chính:

– Là bài ca về tình yêu tự do, hồn nhiên, trong sáng, thủy chung của con người khi sống giữa một xã hội lạc hậu xưa cũ. Khi mà quan niệm về tình yêu và hạnh phúc gia đình còn nhiều định kiến khắc nghiệt: tình cảm giữa Kim Trọng và Thúy Kiều đã bước qua bức tường phong kiến kiên cố để tiến đến một tình yêu tự do. Đó là tình cảm tự nguyện, không có sự can thiệp của gia đình, họ tự chủ động gặp gỡ, thề nguyền và đính ước.

– Là ước mơ về một xã hội công bằng, tự do, dân chủ, không còn những bất công, ngột ngạt: Đại diện cho điều này là hình ảnh người anh hùng Từ Hải, người đã dám hành động để đứng lên, chống lại cả một xã hội cũ kỹ, thối nát, tệ hại

– Ca ngợi hình tượng nhân vật Thúy Kiều với những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ phong kiến: vừa tài vừa sắc, chung thủy với một tình yêu, hiếu thảo với cha mẹ và có một tấm lòng vị tha đáng trân trọng.

– “Truyện Kiều” là sự đồng cảm, xót thương của tác giả đối với nỗi đau của con người mà đặc biệt là người phụ nữ: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

– “Truyện Kiều” là lời tố cáo, lên án chế độ phong kiến, các thế lực hắc ám xấu xa. Chúng đã đẩy những người dân lương thiện vào bước đường cùng, thậm chí còn chà đạp tàn bạo lên quyền sống của họ.

=> Về nội dung, “Truyện Kiều” đã xuất sắc truyền tải đến người đọc những tư tưởng nhân đạo sâu sắc, tiến bộ và giàu ý nghĩa nhân văn. Qua những giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm, có thể nói Truyện Kiều xứng đáng trở thành một trong số những kiệt tác thơ ngàn đời trong nền văn học trung đại Việt Nam

2. Đặc sắc về nghệ thuật 

a. Nghệ thuật kể chuyện và miêu tả 

Tuyến nhân vật được xây dựng độc đáo:

– Tuyến nhân vật chính diện được xây dựng theo lối lí tưởng hóa, đậm tính ước lệ nhưng vẫn rất sinh động

– Tuyến nhân vật phản diện được xây dựng theo lối hiện thực hóa bằng những biện pháp cụ thể, hiện thực. 

– Nghệ thuật tự sự được sử dụng hiệu quả: kết hợp giữa nghệ thuật kể chuyện, xây dựng nhân vật và nghệ thuật tả cảnh.

– Nghệ thuật kể chuyện linh hoạt và đa dạng: vừa có lời thoại trực tiếp của nhân vật), vừa có lời kể gián tiếp của tác giả. Để làm cho diễn biến thêm phần sinh động, tác phẩm còn có lời thoại nửa trực tiếp nửa gián tiếp, tức lời của tác giả nhưng mang suy nghĩ, giọng điệu của nhân vật

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Hệ thống nhân vật phong phú, đa dạng với cách xây dựng nhân vật điển hình, có tính cách riêng độc đáo, sinh động.

Phân tích nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật trong tác phẩm:

– Hình tượng các nhân vật chính diện lí tưởng hóa bằng bút pháp ước lệ tượng trưng – lấy vẻ đẹp thiên nhiên để miêu tả vẻ đẹp con người. Biện pháp nghệ thuật này được thể hiện rõ trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”:

  • Chị em Thúy Kiều được giới thiệu là “đầu lòng hai ả tố nga”, 2 cô gái đẹp người đẹp nết được miêu tả bằng mỹ từ “mai cốt cách tuyết tinh thần” 
  • Với Thúy Vân: tác giả dùng hình ảnh gắn với thiên nhiên là mây, tuyết, hoa, ngọc để thể hiện vẻ đẹp trong sáng, hiền hậu, đoan trang của Vân.
  • Với Thúy Kiều: tác giả dùng hình ảnh “làn thu thủy, nét xuân sơn” để miêu tả đôi mắt tuyệt đẹp của Kiều, đồng thời ca ngợi tài năng thiên bẩm của Kiều là do trời định (“vốn tính trời”)

– Hình tượng các nhân vật phản diện được phác họa theo lối hiện thực bằng biện pháp miêu tả cụ thể: khi miêu tả nhân vật Tú Bà, Nguyễn Du đã tập trung đặc tả những nét thể hiện một con người xấu: “Thoắt trông nhờn nhợt màu da/ Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao?”.

– Tác giả thông qua ngoại hình để gợi tả nét tính cách đặc trưng của nhân vật:

  • Thúy Vân: “Vân xem trang trọng khác vời/Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” gợi tính cách của một người con gái trầm tĩnh, dịu dàng, đoan trang, quý phái.
  • Thúy Kiều: “Làn thu thủy nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh” gợi lên tâm hồn nhạy cảm qua đôi mắt đa sầu, đa cảm của Kiều

– Qua đặc trưng ngoại hình, tác giả đã có những ẩn ý nhằm tiên đoán về số phận nhân vật về sau:

  • Trong câu thơ miêu tả Thúy Vân: “Hoa cười ngọc thốt đoan trang/ Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da” tác giả đã ẩn ý tiên đoán về một cuộc đời êm đềm, ít sóng gió.
  • Trong câu thơ miêu tả Thúy Kiều: “Làn thu thủy nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” tác giả đã cho thấy sự ghen tức của thiên nhiên trước vẻ đẹp của nàng Kiều. Điều này đã dự báo một cuộc đời đầy sóng gió, gian truân phía trước đang chờ Kiều.

– Qua miêu tả ngôn ngữ, hành động để gợi lên tính cách nhân vật:

  • Đối với nhân vật Từ Hải: “Quyết lời dứt áo ra đi/ Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi” đều là những hành động dứt khoát, mạnh mẽ, thể hiện tính cách điểm hình của một đấng trượng phu.
  • Đối với nhân vật Mã Giám Sinh: “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”, đây là hành động huênh hoang, thô lỗ, không có giáo dục, biểu hiện điển hình của “quân buôn thịt, bán người”.

– Sử dụng thủ pháp độc thoại nội tâm tác giả đã diễn tả chân thật tâm trạng nhớ thương của Kiều với Kim Trọng, với cha mẹ. Từ lo lắng cho cha mẹ đến xót xa khi nghĩ về phẩm hạnh của bản thân, số phận của nàng Kiều dường như đã bị đẩy đến bước đường cùng

Phân tích nghệ thuật tả cảnh sinh động:

– Nghệ thuật tả cảnh thiên nhiên được thể hiện qua:

  • Thiên nhiên được gợi lên qua các chi tiết tạo hình: “Ngày xuân con én đưa thoi/ Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”.
  • Chọn những nét điểm nhấn đặc biệt, miêu tả một vài chi tiết đặc sắc nhưng vẫn phác họa lên được khung cảnh thiên nhiên đất trời tuyệt đẹp: “Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.
  • Thiên nhiên được tả trong tương quan giữa không gian và thời gian khác nhau: “Tà tà bóng ngả về tây/ Chị em thơ thẩn dan tay ra về”.

– Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình độc đáo:

  • Sử dụng cảnh thiên nhiên để thể hiện nội tâm nhân vật: “Buồn trông gió cuốn mặt duềnh/ Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”.
  • Qua tâm trạng của nhân vật để phản chiếu khung cảnh thiên nhiên: “Buồn trông nội cỏ rầu rầu/ Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”.

=> Sử dụng nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, ta có thể thấy, cảnh vật dù có đẹp đến mấy nhưng qua con mắt của người sống trong đau buồn, cô đơn như Thúy Kiều thì cũng chỉ tràn ngập 1 màu ảm đạm, u ám, cô liêu.

b. Nghệ thuật sử dụng ngôn từ

– Ngôn ngữ được chắt lọc từ những tinh hoa của dân tộc: trong sáng, mỹ lệ và đa dạng, linh hoạt sắc thái biểu cảm.

– Ngôn từ trong tác phẩm không chỉ làm tốt chức năng biểu đạt, biểu cảm mà còn có toát lên vẻ đẹp, sức hút của ngôn ngữ dân tộc

– Ngôn ngữ là sự kết hợp hài hòa giữa bình dân và bác học, giúp tạo nên một giọng điệu thơ ca vừa hàm súc vừa trang nhã, giản dị.

=> Qua những giá trị nghệ thuật mà tác phẩm mang lại, không ngoa khi nói “Truyện Kiều” xứng đáng là “quốc hồn quốc túy” của nền văn học Việt Nam

III. Tổng kết chung phân tích Truyện Kiều của Nguyễn Du

1. Một số câu hỏi thường gặp

Câu hỏi số 1: Truyện Kiều có tên gọi khác là gì?

“Truyện Kiều” hay còn được biết đến với tên chữ hán là “Đoạn trường tân thanh”, dịch là “tiếng kêu mới về nỗi đau lòng đứt ruột”. Tuy nhiên, tên gọi Truyện Kiều được dịch từ tiếng Nôm và được biết đến rộng rãi hơn. 

Câu hỏi số 2: Truyện kiều của Nguyễn Du gồm bao nhiêu câu?

“Truyện Kiều” bao gồm 3254 câu thơ được viết bằng chữ Nôm, thể thơ lục bát. Đây được xem là truyện thơ nổi tiếng nhất, thuộc hàng kinh điển trong văn học Việt Nam. 

Thực chất, số câu thơ lục bát có trong Truyện Kiều vẫn đang là câu hỏi gây tranh cãi. Tuy nhiên có thể nói, thể thơ lục bát đóng vai trò chủ chốt trong việc hình thành nên cấu trúc của toàn bộ tác phẩm. Việc lựa chọn sử dụng thể thơ lục bát đã giúp tác phẩm năng cao tính nghệ thuật dân gian và tôn vinh thể thơ đặc sắc của văn học Việt Nam. Thêm vào đó, sử dụng thể thơ lục bát còn đem lại hiệu quả đọc và nhớ, vừa súc tích vừa đặc sắc. 

Câu hỏi số 3: Giá trị nhân đạo của Truyện Kiều là gì?

Với một kiệt tác nghệ thuật ngàn đời như Truyện Kiều thì giá trị nhân đạo chính là yếu tố giúp tác phẩm trường tồn theo thời gian. Qua Truyện Kiều, ta có thể cảm nhận được khái quát các giá trị nhân đạo trong bài như:

Lên án và phê phán thực trạng xã hội bất công, tàn ác, chà đạp lên quyền sống của con người:

  • Vạch trần, tố cáo bộ mặt tàn ác, xấu xa của bọn quan lại, những kẻ buôn hợm hĩnh, coi trọng đồng tiền hơn giá trị con người, kiếm tiền bằng việc làm trái với đạo lí
  • Lên án xã hội đồng tiền đã chà đạp phẩm giá, hạnh phúc của con người.

– Ngợi ca và tôn vinh vẻ đẹp của con người:

  • Sử dụng hình tượng nhân vật chị em Thúy Kiều để đại diện cho hình ảnh những người phụ nữ trong xã hội cũ
  • Ca ngợi, trân trọng vẻ đẹp tâm hồn con người

– Lòng đồng cảm, xót thương sâu sắc trước những số phận bất hạnh:

  • Xót thương cho những kiếp người tài hoa nhưng bạc mệnh
  • Xót thương trước những con người hiền lành, lương thiện, bị chà đạp, bị ức hiếp và dồn vào bước đường cùng tuyệt vọng

=> Giá trị nhân đạo của Truyện Kiều đem lại nhiều nét mới mẻ: đề cao những người phụ nữ tài năng, đồng thời kế thừa và phát huy tốt những giá trị nhân đạo truyền thống, lên tiếng bảo vệ những con người nhỏ bé, bị dày vò trong xã hội giai cấp thối nát.

Câu hỏi số 4: Truyện Kiều gồm mấy phần?

Truyện Kiều gồm 3 phần:

– Phần một – Gặp gỡ và đính ước: Kể về diễn biến câu chuyện tình giữa Thúy Kiều và Kim Trọng

– Phần hai – Gia biến và lưu lạc: Cuộc đời bấp bênh, thăng trầm của Kiều sau khi gia đình nàng gặp biến cố lớn

– Phần ba – Đoàn tụ: Cái kết có hậu cho cuộc tình của Thúy Kiều và Kim Trọng

2. Sơ đồ tư duy Truyện Kiều

Để có thể khái quát nội dung phân tích tác phẩm Truyện Kiều một cách dễ dàng hơn, các bạn học sinh có thể tham khảo sơ đồ tư duy phân tích Truyện Kiều dưới đây.

so-do-tu-duy-phan-tich-truyen-kieu
Sơ đồ tư duy Truyện Kiều của Nguyễn Du

 

So-Do-Phan-Tich-Truyen-Kieu
Sơ đồ tư duy phân tích giá trị nhân đạo Truyện Kiều của Nguyễn Du

Trên đây là toàn bộ nội dung Phân tích tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ngoài tác phẩm Truyện Kiều, các bạn có thể tham khảo thêm bài phân tích khác tại Soạn văn 9 để hỗ trợ ôn tập văn học tốt hơn. Hy vọng với phần phân tích trên, HOCMAI đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về nội dung tác phẩm kinh điển trong văn học, đồng thời hiểu hơn về các giá trị nghệ thuật nhân văn mà tác giả muốn truyền tải đến ngàn đời. HOCMAI chúc các bạn có một kỳ ôn tập hiệu quả!

 

Tham khảo thêm:

Phân tích những ngôi sao xa xôi