Phương pháp ghi trọn điểm phần văn bản thơ Ngữ văn 8 mà teen cần biết

0
9786

Để đạt điểm cao bài thi học kỳ II, môn Ngữ văn lớp 8 thì trong quá trình ôn tập học sinh cần nắm chắc kiến thức và các dạng bài tập của hai thể loại văn bản lớn là thơ và văn bản nghị luận.

Trong cấu trúc đề thi học kỳ II môn Ngữ văn 8, phần văn bản thơ thường xuất hiện trong câu đọc hiểu và chiếm trọng số điểm từ 3 – 4 điểm, hoặc xuất hiện độc lập ở phần tập làm văn với số điểm dao động từ 4 – 5 điểm. Nhằm giúp học sinh ghi trọn điểm phần kiến thức này, thầy Nguyễn Phi Hùng – Giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống giáo dục HOCMAI sẽ tư vấn về phương pháp học và cách làm các dạng bài tập về văn bản thơ để học sinh nắm được, đồng thời tích lũy và trau dồi kỹ năng làm bài.

Hệ thống kiến thức trọng tâm phần văn bản thơ

Theo đó, trong chương trình học kì II của Ngữ văn 8, học sinh được học 7 bài thơ thuộc phong trào thơ mới và thơ cách mạng, gắn liền với hai giai đoạn lịch sử khác nhau của dân tộc. Ba bài thơ mới: “Nhớ rừng”, “Ông đồ”, “Quê hương” được sáng tác trong thời kì 1932-1945 có những nét đặc trưng rất riêng so với bốn bài thơ: “Khi con tu hú”, “Tức cảnh Pác Bó”, “Ngắm trăng”, “Đi đường”  thuộc thể loại thơ cách mạng của các tác giả Tố Hữu, Hồ Chí Minh.

Khi ôn một bài thơ, điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất là học sinh cần phải thuộc lời, tác giả và hoàn cảnh sáng tác của bài thơ đó. Tiếp theo, để làm tốt các dạng câu đọc hiểu và tập làm văn, học sinh cần nắm rõ nội dung và nghệ thuật của bài thơ. Nội dung gồm có chủ đề, hệ thống nhân vật trữ tình, cảm xúc của nhân vật trữ tình, những hình ảnh đặc sắc, ấn tượng, sống động và mang yếu tố biểu tượng. Đối với nghệ thuật, cần lưu ý đến thể thơ, vần thơ, nhịp thơ, ngôn ngữ và biện pháp tu từ được sử dụng.

Bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên

Luyện tập dạng bài cảm nhận về nhân vật hoặc hình ảnh thơ

Dạng bài cảm nhận về nhân vật hoặc hình ảnh thơ là dạng bài phổ biến, cơ bản và thường xuyên xuất hiện nhất trong các đề thi, đề kiểm tra. Đối với dạng bài này, đề bài sẽ thường có yêu cầu là cảm nhận về một nhân vật hoặc một hình ảnh thơ độc đáo, đặc sắc, và liên quan nhiều đến nội dung tác phẩm.

Khi cảm nhận về nhân vật trữ tình, học sinh phải cảm nhận được những tâm tư, tâm trạng, tình cảm của nhân vật. Nhân vật trữ tình trong các tác phẩm thơ cũng có đầy đủ tính cách, lai lịch, hoàn cảnh, cử chỉ, ngôn ngữ,… nhưng được đề cao yếu tố cảm xúc. Đó có thể là chính tác giả, bộc lộ cảm xúc một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua một nhân vật được sáng tạo và tưởng tượng. Ví dụ, nhân vật trữ tình của bài thơ “Quê hương” (Tế Hanh) là chính tác giả, ngược lại, ở bài thơ “Nhớ rừng”, nhân vật trữ tình là con hổ được nhà thơ Thế Lữ xây dựng một cách độc lập.

Cũng giống như dạng bài cảm nhận về một nhân vật văn học nói chung, khi viết dạng bài cảm nhận về nhân vật hoặc hình ảnh thơ, học sinh cần triển khai theo 2 bước:

Bước 1: Tái hiện lại đặc điểm nổi bật của nhân vật, thể hiện sống động hình ảnh bằng ngôn ngữ, lời văn của mình.

Bước 2: Sau khi hoàn thành bước tái hiện, giúp cho người đọc, người nghe đã hiểu rõ về nhân vật, thì mới có cơ sở để trình bày suy nghĩ, cảm nhận, đánh giá của bản thân về nhân vật hoặc hình ảnh đó.

Đối với phần này thầy Nguyễn Phi Hùng đặc biệt lưu ý học sinh: ”Các em nếu làm đủ hai bước trên thì bài làm sẽ rất chặt chẽ, chắc chắn và đầy đủ. Bước thứ nhất chiếm phần lớn dung lượng và có điểm số cao hơn. Bước thứ hai nằm ở phần cuối, ngắn gọn, trong bài viết đoạn văn các em chỉ cần viết một hai câu để nêu nhận định.”

Ví dụ: Cảm nhận về nhân vật con hổ trong bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ:

Thầy Hùng hệ thống những ý chính khi cảm nhận nhân vật con hổ bằng sơ đồ tư duy

Dạng bài cảm nhận về những nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ.

Một bài thơ có hay, đặc sắc hay không phụ thuộc rất lớn vào những nét nghệ thuật được tác giả sử dụng trong bài thơ đó. Do vậy để làm dạng bài này, học sinh cần khai thác triệt để các biện pháp tu từ, đây là nội dung quan trọng, thường xuyên được sử dụng, ngoài ra còn có thể thơ, cách gieo vần,… Đặc điểm chung của những nét nghệ thuật này là đều thể hiện tâm tư, tình cảm, cảm xúc của nhân vật và tạo sức lôi cuốn, gợi cảm.

Ví dụ: Đề bài yêu cầu xác định biện pháp tu từ và nêu tác dụng của biện pháp tu từ ấy trong 2 câu thơ:

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu

                                              (Ông đồ – Vũ Đình Liên)

Từ yêu cầu của đề bài, học sinh cần làm theo hai bước:

Bước 1: Xác định biện pháp tu từ

Trong hai câu thơ trên, tác giả sử dụng biện pháp nhân hóa, dùng từ ngữ chỉ tình cảm, cảm xúc của con người cho những đồ vật như giấy, mực, nghiên.

Bước 2: Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ.

Ở hai câu thơ này có hai lớp nghĩa. Ban đầu, tác giả tả thực: giấy, mực, nghiên đều là đồ dùng gắn bó với ông đồ đang bị bỏ không, bị nhạt màu đi, mực đọng lại. Nhưng đằng sau lớp nghĩa tả thực ấy ta nhận ra lớp nghĩa biểu cảm: gợi tâm trạng buồn tủi, cô đơn của ông đồ khi bị người đời lãng quên.

Bước này chiếm phần lớn điểm số, do vậy, học sinh cần đặc biệt chú ý, trình bày cẩn thận và tránh bỏ sót các ý gây mất điểm đáng tiếc.

Thầy Hùng hướng dẫn học sinh các bước làm bài tập làm văn về nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ.

Ngoài ra, năm học 2020 – 2021 sắp kết thúc, đây là thời điểm thích hợp để bắt tay vào chuẩn bị cho năm học mới. Đặc biệt, đối với học sinh chuẩn bị lên lớp 9 rất cần có sự đầu tư, tập trung kĩ càng cả về mặt thời gian và kiến thức.

Chương trình Học tốt 2021-2022 của HOCMAI là một giải pháp hiệu quả giúp học sinh ÔN CHẮC kiến thức cũ và HỌC SỚM năm mới ngay TẠI NHÀ. Học sinh được học tập với các thầy cô giỏi, nhiều năm kinh nghiệm trong việc luyện thi. Khóa học giúp trang bị đầy đủ kiến thức bám sát chương trình sách giáo khoa và tự tin giành điểm tối đa khi làm các bài kiểm tra, bài thi định kì.

Quý phụ huynh và học sinh đăng kí nhận tư vấn MIỄN PHÍ ngay từ hôm nay để nhận ngay nhiều ƯU ĐÃI HẤP DẪN từ HOCMAI nhé.

>>> Đăng kí khóa học ngay tại đây: https://hocmai.link/Hoc-tot-Nguvan-lop8

Hoặc gọi đến hotline 0936 585812 để nhận tư vấn chi tiết về khóa học.