Sách giáo khoa lớp 6 sẽ được lựa chọn thế nào?

0
1358

Việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 6 mới sử dụng kể từ năm học 2021 – 2022 sẽ được thực hiện theo các quy định tại Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT.

Thay đổi chủ thể lựa chọn SGK trong năm học 2021 – 2022

Điểm mới đáng chú ý nhất tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT là quy định: “Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập, giúp UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.”

Theo đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt các sách giáo khoa lớp 6 mới để các địa phương lựa chọn, sử dụng cho năm học tới. Việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 6 thực hiện theo Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT. Quyền quyết định thuộc về UBND tỉnh, thay vì thẩm quyền là các nhà trường như quy định tại Thông tư 01 năm 2020.

Cụ thể, mỗi môn học của một cấp học tại 01 tỉnh thành lập 01 Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 15 người, trong đó có ít nhất 2/3 số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học của cấp học đó.

Người đã tham gia biên soạn, chỉ đạo biên soạn, thẩm định, xuất bản, in sách giáo khoa thuộc danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt không được tham gia Hội đồng.

Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 6 sẽ do UBND tỉnh, thành phố thành lập.

Quy trình 6 bước lựa chọn SGK

Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT nêu rõ quy trình lựa chọn sách giáo khoa được triển khai theo 6 bước:

Bước 1. Cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn sách giáo khoa.

Bước 2. Phòng Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự sách giáo khoa có số cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp.

Bước 3. Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, chuyển giao cho Hội đồng lựa chọn danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự sách giáo khoa có số cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp.

Bước 4. Hội đồng tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.

Bước 5. Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các Hội đồng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Bước 6. Căn cứ vào kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các Hội đồng do Sở Giáo dục và Đào tạo trình, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương.

Theo đó, có một số mốc thời gian cụ thể các địa phương cần nắm rõ, bởi theo quy định tại Thông tư 25, việc lựa chọn sách giáo khoa của các địa phương phải hoàn thành trước khai giảng năm học mới tối thiểu 5 tháng. Do vậy, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT tổ chức lựa chọn sách giáo khoa tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thành lựa chọn sách giáo khoa mới trước ngày 5/4. Sau đó sẽ báo cáo danh mục sách giáo khoa lựa chọn về Bộ GD&ĐT trước ngày 10/4 tới.

Hội đồng lựa chọn SGK sẽ được thành lập mới hàng năm, các địa phương có thể thay đổi SGK nếu không phù hợp.

Theo quy định về tổ chức thực hiện lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT, hàng năm thành lập mới hội đồng chọn SGK, nhưng đảm bảo có ít nhất 1/3 số thành viên đã tham gia các hội đồng những năm trước. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm các địa phương có thể kiến nghị thay đổi SGK nếu không phù hợp.

Việc này cũng đặt ra những vấn đề mà chính các địa phương băn khoăn. Nhiều người lo lắng năm trước trường chọn sách giáo khoa này những năm tới tỉnh sẽ chọn sách giáo khoa khác rất có thể sẽ ảnh hưởng đến việc dạy và học. Đại diện Sở GD&ĐT Cà Mau cho rằng, điều này cũng có thể sẽ tạo ra một số luồng ý kiến tranh luận  nếu tỉnh chọn một bộ sách giáo khoa khác năm trước, đi ngược với mong muốn chung là sách giáo khoa phải ổn định, lâu dài.

Giải đáp thắc mắc này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ có quy định cấu trúc bài học trong sách giáo khoa mới, bao gồm 4 thành phần cơ bản: mở đầu, kiến thức mới, luyện tập và vận dụng. Các sách giáo khoa đều phải tuân thủ yêu cầu này trong quá trình biên soạn sách. Nếu học sinh lớp 1 đang học bộ sách giáo khoa A nhưng lên lớp 2 chuyển sang học bộ sách giáo khoa B cũng không gặp khó khăn.

Trong thông tư 25, Bộ có quy định việc chuyển tiếp và kế thừa để UBND khi lựa chọn sách giáo khoa sẽ không phủ nhận việc chọn sách giáo khoa của cấp trường ở năm học trước đó. Điều này nhằm hạn chế việc thay đổi đột ngột, trừ khi chính trường đó muốn thay đổi.

Vụ trưởng lấy ví dụ, Thông tư 25 quy định hằng năm thành lập mới hội đồng chọn sách giáo khoa nhưng đảm bảo có ít nhất 1/3 số thành viên đã tham gia các hội đồng những năm trước- đó là điều Bộ GD&ĐT đã tính đến.

Có thể thấy, chủ trương một chương trình giáo dục, nhiều bộ SGK sẽ cho phép các địa phương tự chủ lựa chọn bộ SGK phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, trong những năm đầu triển khai, có thể sẽ không tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ.

Song hành với những bước chuyển mình của giáo dục, ngay từ khi Bộ GD&ĐT công bố kế hoạch về chương trình Giáo dục phổ thông mới, Hệ thống Giáo dục HOCMAI – Nền tảng giáo dục trực tuyến số 1 tại Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng về chương trình, để nhanh chóng cập nhật các mô hình, phương pháp dạy học hiện đại phù hợp với thực tiễn giáo dục trong thời đại mới. Được biên soạn bởi các thầy cô uy tín, giàu kinh nghiệm ở cả 2 miền Bắc – Nam, chương trình Học tốt 6 đem đến rất nhiều thay đổi về cả hình thức lẫn nội dung, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Các con sẽ sớm được tiếp cận với những kiến thức và kĩ năng theo chuẩn chương trình mới, từ đó hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng.

Đặc biệt, chương trình Học tốt 6 của HOCMAI với các khóa học đa dạng, đáp ứng đầy đủ kiến thức theo 3 đầu sách giáo khoa đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt là Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống sẽ là người bạn đồng hành cùng học sinh, giúp các em nhanh chóng thích nghi với những thay đổi trong năm học tới, đồng thời cũng là tài liệu tham khảo hữu ích cho thầy cô giáo trong việc dạy và học theo chương trình mới.

Thầy cô, phụ huynh theo dõi ngay Fanpage Chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 6 và Group Đồng hành cùng con học tốt chương trình lớp 6 mới để để cập nhật thông tin và cùng thảo luận các thông tin liên quan.