Soạn bài Đấu tranh cho một thế giới hòa bình ngắn gọn

0
6492

Đấu tranh cho một thế giới hòa bình là một tác phẩm mang tính thời sự cho đến tận ngày hôm nay cho dù đã ra đời hơn 30 năm. Hướng dẫn soạn bài đấu tranh cho một thế giới hòa bình giúp các bạn học sinh nắm bắt được nội dung bài học, phục vụ cho quá trình giảng dạy của giáo viên cũng như quá trình học tập của các em học sinh trong chương trình Ngữ Văn lớp 9 

Tham khảo thêm:

Phân tích Đấu tranh cho một thế giới hòa bình

Soạn bài Phong cách Hồ Chí Minh

Soạn bài Đấu tranh cho một thế giới hòa bình: Tìm hiểu chung

1. Tác giả

  • Nhà văn Ga-bri-en Gác-xi-a Mác-két sinh năm 1928 tại một thị trấn bên bờ biển Caribe miền Bắc Colombia tên là Aracataca. Ông mất năm 2014 tại Mexico, nơi ông sinh sống suốt 30 năm cuối đời. 
  • Nhà văn Ga-bri-en Gác-xi-a Mác-két không chỉ là một nhà văn nổi tiếng mà ông còn là một nhà hoạt động chính trị, một nhà báo ưu tú. 
  • Năm 1982, ông vinh dự nhận giải Nobel văn học, giải thưởng cao quý nhất đối với các nhà văn. 
  • Các tác phẩm của Ga-bri-en Gác-xi-a Mác-két chủ yếu là các tập truyện ngắn viết theo khuynh hướng hiện thực huyền ảo và xoay quanh các chủ đề như sự cô đơn, lòng yêu thương giữa con người với con người, mặt trái của tình đoàn kết… 
  • Một vài tác phẩm tiêu biểu của Ga-bri-en Gác-xi-a Mác-két có thể kể đến như tác phẩm Trăm năm cô đơn, Tình yêu thời thổ tả, Tướng quân giữa mê hồn trận… 

2. Tác phẩm 

a. Hoàn cảnh sáng tác

Đấu tranh cho một thế giới hòa bình được trích trong một bài tham luận của tác giả  Ga-bri-en Gác-xi-a Mác-két năm 1986 trong buổi gặp gỡ giữa nguyên thủ quốc gia 6 nước tại Mexico nhằm kêu gọi chấm dứt các cuộc chạy đua vũ trang đảm bảo an toàn và hòa bình thế giới. 

Tên của tác phẩm được người biên soạn đặt tên dựa trên nội dung của đoạn trích. 

b. Bố cục văn bản

Văn bản Đấu tranh cho một thế giới hòa bình được chia thành ba phần như sau: 

  • Phần 1: Từ đầu đến đoạn mất đi khả năng sống tốt đẹp hơn: Chiến tranh hạt nhân và những nguy cơ 
  • Phần 2: Tiếp theo đến đoạn bao nhiêu triệu năm trở lại điểm xuất phát của nó:  Sự tốn kém khi chạy đua vũ trang và sự đi ngược lại tiến bộ xã hội. 
  • Phần 3 : Đoạn còn lại: Nhiệm vụ tránh chiến tranh hạt nhân xảy ra của mọi người. 

c. Tóm tắt văn bản 

Văn bản Đấu tranh cho một thế giới hòa bình được trích trong bản tham luận của tác giả Ga-bri-en Gác-xi-a Mác-két trong một cuộc họp với 6 nguyên thủ quốc gia. Ở đoạn trích này, Mác-két đã đề cập đến một vấn đề vô cùng nóng bỏng thời điểm đó là cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân. Ông đã đưa ra những luận điểm, những dẫn chứng vô cùng thuyết phục về nguy cơ chiến tranh hạt nhân đe dọa sự sống, hòa bình của nhân loại. Mối đe dọa này không chỉ về tiền bạc mà còn phá hủy sự sống đi ngược lại với mong muốn của con người và tự nhiên. Và cuối cùng, Ga-bri-en Gác-xi-a Mác-két đã đưa ra lời kêu gọi mọi người hãy hành động cùng chống lại cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân vì một thế giới hòa bình, bảo vệ sự sống trên hành tình của chúng ta. 

 

Soạn bài Đấu tranh cho một thế giới hòa bình: Phần đọc hiểu

Câu 1 trang 20, SGK Ngữ văn 9 tập 1

Nêu luận điểm và luận cứ của văn bản Đấu tranh cho một thế giới hòa bình

Luận điểm: Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang đe dọa toàn thể loài người và sự sống trên trái đất, vì vậy đấu tranh vì hòa bình, ngăn chặn và xóa bỏ nguy cơ chiến tranh hạt nhân là trách nhiệm, nghĩa vụ cấp thiết của mỗi người trên toàn thế giới. 

Luận cứ: 

  • Số lượng vũ khí hạt nhân tàng trữ trong kho để phá hủy tất cả các hành tinh quay quanh mặt trời, cộng thêm bốn hành tinh nữa và phá vỡ sự cân bằng của hệ mặt trời
  • Cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân cướp đi cuộc sống tốt đẹp của toàn thế giới. Tác giả đã đưa ra các dẫn chứng như: So sánh chi phí của các lĩnh vực trong đời sống xã hội, viện trợ y tế, hỗ trợ sản xuất lương thực, thực phẩm, phát triển giáo dục… với chi phí khổng lồ của cuộc chạy đua vũ trang vũ khí hạt nhân chứng tỏ bản chất điên rồ và phi lý của những hoạt động này
  • Chạy đua vũ trang không chỉ đi ngược lại với mong muốn của con người, mà còn vi phạm quy luật tiến hóa tự nhiên, phản văn minh và sự tiến bộ của xã hội loài người.
  • Vì vậy, chúng ta phải chống lại các cuộc chạy đua vũ trang  hạt nhân để đấu tranh cho một thế giới không có vũ khí và một cuộc sống hòa bình và công bằng.

Câu 2 trang 20, SGK Ngữ văn 9 tập 1

Lập luận của tác giả về nguy cơ chiến tranh hạt nhân 

Để làm rõ tính nghiêm trọng của nguy cơ chiến tranh hạt nhân đối với sự phát triển của loài người và Trái Đất, tác giả đã đưa ra những lập luận vô cùng thuyết phục như sau:

  • Thời điểm cụ thể đưa ra thông tin: Ngày 08/08/1986
  • Đưa ra số liệu về đầu đạn hạt nhân tính đến thời điểm đưa ra thông tin: 50.000 đầu đạn rải rác trên khắp hành tinh 
  • Giải thích về sự nguy hiểm của đầu đạn hạt nhân: Mỗi người đang ngồi trên 4 tấn thuốc nổ, hủy diệt Trái Đất 12 lần, tàn phá các hành tinh xoay quanh trong hệ Mặt trời. hủy diệt thêm bốn hành tinh khác và làm mất cân bằng hệ Mặt trời

Bằng cách sử dụng phương pháp thống kê số liệu, đưa ra những phép tính đơn giản dễ hiểu nhưng có sức công phá mạnh mẽ đến độc giả. Bên cạnh đóm việc đưa ra các lập luận trực tiếp, rõ ràng mạch lạc giúp người đọc có ấn tượng sâu sắc và mạnh mẽ về mối nguy hại của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân. 

Câu 3 trang 20, SGK Ngữ văn 9 tập 1

Bằng chứng cho sự tốn kém và phi lý của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân

Tác giả Ga-bri-en Gác-xi-a Mác-két đã đưa ra một loạt dẫn chứng chứng minh cho sự tốn kém và phản xã hội của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân. Bằng các dẫn chứng thuyết phục này, tác giả muốn nhấn mạnh vào sự hoang phí của cuộc chiến, điều không thể làm thế giới tốt đẹp lên như những người khởi xướng chiến tranh mong muốn: 

  • Hơn 100 tỷ đô la được chi ra để phục vụ cho 100 máy bay ném bom B1B của Mỹ và 7000 tên lửa vượt đại châu
  • 10 chiếc tàu sân bay đủ để bảo vệ 1 tỷ người khỏi bệnh sốt rét, cứu sống 14 triệu trẻ em và thực hiện được các chương trình phòng bệnh trong vòng 14 năm
  • Chi phí cho 149 tên lửa MX thể cung cấp số lượng calo trung bình cần thiết cho mỗi người trên thế giới
  • Chỉ với 2 tàu ngầm vũ khí hạt nhân có đủ chi phí xóa mùa chữ cho toàn thể nhân loại. 

Câu 4 trang 20, SGK Ngữ văn 9 tập 1

Chiến tranh hạt nhân đi ngược lại với lí trí con người và tự nhiên 

Chiến tranh hạt nhân đi ngược lại với lí trí con người bởi chúng ta sinh ra có suy nghĩ, có bộ não thông minh để phục vụ cho cuộc sống ngày càng tốt hơn, hạnh phúc hơn, đủ đầy hơn. Nhưng nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra, nó sẽ phá hủy toàn bộ những gì mà chúng ra đã làm ra : Những tòa nhà, trường học, bệnh viện… phá hủy mọi thành quả lao động của nhân loại. 

Không chỉ đi ngược lại với mong muốn của nhân loại, cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân còn đi ngược với tự nhiên. Điều này được tác giả cách đưa ra dẫn chứng sự hình thành của tự nhiên cần thời gian hàng trăm triệu năm “ 380 triệu năm con bướm mới bay được, 180 triệu năm hoa mới nở, bốn kỷ địa chất con người mới hát hay hơn chim”  

Vậy mà chỉ một nút bấm sẽ đưa tất cả những công trình vĩ đại của tự nhiên trở về với cát bụi. Một cuộc chạy đua vũ trang phi lý để phục vụ lợi ích của một nhóm cá nhân nhỏ nhưng hủy hoại cả một nền văn minh nhân loại liệu có xứng đáng? 

Câu 5 trang 20, SGK Ngữ văn 9 tập 1

Lý do đoạn trích được đặt tên “ Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” 

Người soạn bài lấy tên “ Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” cho đoạn trích của bài tham luận của tác giả Ga-bri-en Gác-xi-a Mác-két bởi văn bản không những chỉ ra những mối đe dọa của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mà còn muốn nhấn mạnh vào việc mỗi cá nhân cần có trách nhiệm ngăn chặn nguy cơ đó xảy ra. Tiêu đề của văn bản giống như một lời kêu gọi hành động, hướng toàn nhân loại đến một cuộc sống nhân văn hơn, tích cực hơn. 

 

Soạn bài Đấu tranh cho một thế giới hòa bình: Hướng dẫn luyện tập 

Cảm nghĩ của học sinh khi đọc văn bản “ Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” của tác giả Ga-bri-en Gác-xi-a Mác-két

Gợi ý đáp án:

Đấu tranh cho một thé giới hòa bình của tác giả Ga-bri-en Gác-xi-a Mác-két đã gióng lên hồi chuông cảnh báo: Đã đến lúc chúng ta phải đứng lên đấu tranh cho cuộc sống của chính chúng ta, của con em chúng ta mai sau. Xuyên suốt đoạn trích này là những dẫn chứng, lập luận vô cùng thuyết phục của tác giả về mối nguy của các cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân. Sự tốn kém và tính hủy diệt của vũ khí hạt nhân gây ra những ảnh hưởng trực tiếp đến từng cá nhân và cả hệ sinh thái tự nhiên. Tác giả đã nhấn mạnh rằng chiến tranh hạt nhân là cuộc chiến phi nhân loại, phi tự nhiên đi ngược lại với mong muốn hòa bình của toàn thể nhân loại. Bởi vậy, mỗi cá nhân cần có sự nhận thức đúng đắn và có trách nhiệm đẩy lùi cuộc chiến này. Tác phẩm ra đời hơn 30 năm nhưng cho đến tận thời điểm này vẫn giữ nguyên những giá trị thời sự của nó. Đây là lời kêu gọi của tác giả gửi đến toàn bộ độc giả trên toàn thế giới, hãy chung tay bảo vệ hòa bình, bảo vệ cuộc sống và Trái Đất này trước hiểm họa của chiến tranh hạt nhân. Và cuối cùng, văn bản Đấu tranh cho một thế giới hòa bình còn giúp nuôi dưỡng tinh thần trân trọng cuộc sống, yêu hòa bình của mỗi cá nhân trong thời đại mới ngày hôm nay. 

Đấu tranh cho một thế giới hòa bình là trách nhiệm của mỗi cá nhân trong thời đại mới hiện nay. Hy vọng soạn bài đấu tranh cho một thế giới hòa bình là một phần chuẩn bị tốt cho bài học của các bạn học sinh. 

 

Tham khảo thêm:

Các tác phẩm ôn thi vào lớp 10