Soạn bài Sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh

0
3140
soan-bai-su-dung-yeu-to-mieu-ta-trong-van-ban-thuyet-minh

Với mục đích cung cấp thêm những thông tin cần thiết trong quá trình soạn văn, đặc biệt là các kiến thức liên quan tới văn bản thuyết minh trong chương trình Ngữ Văn 9, các bạn học sinh có thể theo dõi bài soạn Sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh trong bài viết dưới đây!

 

Tham khảo thêm:

Mở bài Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

Soạn Lục Vân Tiên gặp nạn

Soạn bài Các phương châm hội thoại

 

I. Tìm hiểu yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh

Câu hỏi (SGK Ngữ Văn 9 tập 1, trang 24 – 25)

Đọc văn bản: Cây chuối trong đời sống Việt Nam

Trả lời các câu hỏi sau:

a, Giải thích tựa đề văn bản

b, Tìm những câu trong văn bản thuyết minh về đặc điểm chính, tiêu biểu của cây chuối

c, Chỉ ra những câu văn có yếu tố miêu tả cây chuối, cho biết tác dụng của yếu tố miêu tả đó.

d, Theo yêu cầu tổng quan trong văn bản thuyết minh, văn bản “Cây chuối trong đời sống Việt Nam” có thể bổ sung những gì? Hãy kể thêm công dụng của thân cây chuối, lá chuối (tươi và khô), nõn chuối, bắp chuối,…

Hướng dẫn giải:

a, Giải thích tiêu đề của văn bản

– Tựa đề của văn bản: “Cây chuối trong đời sống Việt Nam”. 

– Với tựa đề này, người đọc có thể hiểu đối tượng thuyết minh chủ yếu trong bài là cây chuối, đặt trong mối quan hệ với đời sống của con người Việt Nam. 

– Đây không phải là một bài thuyết minh về cây chuối, một loài thực vật thuần túy. 

b, Những câu trong văn bản “Cây chuối trong đời sống Việt Nam” đề cập tới đặc điểm tiêu biểu của cây chuối: 

– Cây chuối ưa nước nên người ta thường trồng bên ao hồ để nhanh tươi tốt, còn bên những khe suối hay thung lũng, chuối mọc thành rừng bạt ngàn vô tận.

– Cây chuối phát triển nhanh, chuối mẹ đẻ chuối con, chuối con đẻ chuối cháu, cứ phải gọi là “con đàn cháu lũ”.

– Quả chuối là một món ăn ngon.

– Mỗi cây chuối đều cho một buồng chuối. 

c, Những câu văn có yếu tố miêu tả cây chuối và tác dụng của những yếu tố này:

– Thân chuối mềm vươn lên như những cột trụ nhẵn bóng, tỏa ra vòm tán lá xanh mướt che rợp vườn tược đến núi rừng.

– Chuối mọc thành rừng bạt ngàn vô tận. 

– Chuối phát triển rất nhanh, chuối mẹ đẻ chuối con, chuối con đẻ chuối cháu, cứ gọi là “con đàn cháu lũ”

– Chuối trứng cuốc – không phải quả tròn như trứng cuốc, mà khi chín vỏ chuối có những vệt lốm đốm như trứng cuốc

– Chuối xanh có vị chát, để sống cắt lát ăn cặp với thịt lợn luộc chấm tôm chua khiến miếng thịt ngon gấp bội phần.

– Không thiếu những buồng chuối dài từ ngọn cây, uốn trĩu đến gốc cây

Công dụng của yếu tố miêu tả được sử dụng trong văn bản:

– Giúp người đọc hình dung rõ ràng, cụ thể đặc điểm cây chuối. 

– Từ các yếu tố so sánh, miêu tả, người đọc có thể mường tượng ra hình ảnh quả chuối, cây chuối cùng những công dụng, cách sử dụng các sản phẩm từ cây chuối.

d, Theo yêu cầu chung của văn bản thuyết minh, văn bản “Cây chuối trong đời sống Việt Nam” có thể bổ sung thêm những đặc điểm như:

– Nơi đầu tiên trồng chuối

– Sự khởi đầu và phát triển của cây chuối

– So sánh cây chuối xưa và nay

– Số liệu về cây chuối và quả chuối 

⇒ Đây là một đoạn trích, nên không thể có nội dung thuyết minh hoàn chỉnh mọi mặt của cây chuối trong cuộc sống của người dân Việt Nam. 

Một số công dụng từ cây chuối:

– Thân cây chuối chặt ra để lắng từ một tới hai tiếng sẽ có nước sạch để dùng, loại non để cắt mỏng làm nộm rau sống, ăn với cơm hến thì hết sảy. Thân cây chuối già, trưởng thành lại được đốn về làm thức ăn cho lợn. 

– Lá chuối tươi xanh dùng để gói bánh chưng, bánh ú; còn lá chuối khô lại được dùng gói đồ cho các bà, các mẹ để đi chợ, vừa sạch lại vừa thơm. 

–  Bắp chuối có màu đỏ như búp măng lộn ngược, xắt ra làm nộm tai heo ăn rất ngon.

 

II. Soạn bài Sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh: phần luyện tập

Câu hỏi 1 (SGK Ngữ Văn 9 tập 1, trang 26)

Bổ sung các yếu tố miêu tả vào bài văn thuyết minh:

– Thân cây chuối có hình dáng…

– Lá chuối tươi…

– Lá chuối khô…

– Nõn chuối…

– Bắp chuối…

– Quả chuối…

Gợi ý: Liên tưởng, tưởng tượng các bộ phận của cây chuối, đưa các yếu tố miêu tả, biểu cảm vào câu văn

Hướng dẫn giải:

– Thân chuối mọc thành bụi, cứ xiên xọ vào nhau mà đứng, nhìn xa trông như những chiếc bút mà một đứa trẻ nghịch ngợm cắm vội vào, rồi chạy đi mất. 

– Lá chuối tươi như màu của đoạn lúa non, tươi mát xanh thường được dùng để gói bánh, đựng quà cho bọn trẻ con trong làng.

– Lá chuối khô ngả dần từ sắc xanh non sang vàng, rồi nâu. Kể cả khi già đi, chúng vẫn cứ héo rũ, bám chặt trên thân cây, chẳng rụng xuống như những loài cây khác.

– Nõn chuối mới nhú mịn màng, đang độ mới còn non, trông xa như phong thư được niêm kín.

– Bắp chuối có màu đỏ tươi ngả sang thẫm, mang hình dáng của một đốm lửa đỏ rực rỡ.

– Quả chuối khi còn trên buồng chỉ xuất hiện theo nải, có dáng cong hơi khum lên như dáng bàn tay con người, nâng đỡ, đan cài với nhau. 

Câu hỏi 2 (SGK Ngữ Văn 9 tập 1, trang 26)

Đọc đoạn văn trích trong tác phẩm “Làng nghề truyền thống Việt Nam” của tác phả Phạm Côn Sơn viết. 

Chỉ ra những yếu tố miêu tả được viết trong đoạn văn.

Hướng dẫn giải:

Những yếu tố miêu tả được viết trong đoạn văn:

– Tách là loại chén uống nước của Tây, nó có tai.

– Chén của ta không có tai.

– Khi mời ai uống trà thì bưng hai tay mà mời

⇒ Các yếu tố miêu tả có trong đoạn trích giúp làm nhấn mạnh hình ảnh cái chén, một sản phẩm sứ truyền thống của dân tộc Việt Nam và hình ảnh Bác Hồ. Người có trái tim luôn hướng về nguồn cội đất nước, cùng vốn sống, học thức phong phú, uyên bác.

Câu hỏi 3 (SGK Ngữ Văn 9 tập 1, trang 26 – 27)

Đọc văn bản “Trò chơi ngày xuân” và tìm ra các yếu tố miêu tả có trong văn bản 

Gợi ý: Rà soát từng dòng với bút chì để tìm ra yếu tố miêu tả có trong câu

Hướng dẫn giải:

Đoạn 1: Giới thiệu các trò chơi ngày xuân

– Câu 1: làng bàn Việt Nam rộn ràng tiếng trống hội xuân

Đoạn 2: Tục chơi quan họ

– Câu 1: quê hương của những làn điệu quan họ mượt mà

– Câu 9: Những con thuyền thúng nhỏ mang theo các làn điệu dân ca điểm thêm cho không khí ngày xuân nét thơ mộng, trữ tình

Đoạn 3: Múa lân

– Câu 4: Lân được trang trí công phu, râu ngũ sắc, lông mày bạc, mắt lộ to, thân hình có các họa tiết đẹp.

Đoạn 4: Kéo co

– Trong đoạn văn này, không có yếu tố miêu tả. 

Đoạn 5: Cờ người

– Câu 3: Hai ông tướng (tướng ông, tướng bà) của từng bên đều mặc trang phục xưa lộng lẫy, có cờ đuôi nheo đeo chéo phía sau và được che lọng

Đoạn 6: Thi nấu cơm

– Trong đoạn văn này, không có yếu tố miêu tả. 

Đoạn 7: Đua thuyền 

– Trong đoạn văn này, không có yếu tố miêu tả. 

Trên đây là Soạn bài Sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh do HOCMAI biên soạn và tổng hợp. Để học tập, ôn thi hiệu quả, các bạn học sinh có thể tham khảo chuỗi bài hướng dẫn các bài tập trong chương trình Ngữ văn 9. Rất mong rằng các bạn luôn ôn tập tốt cũng như chuẩn bị đủ kiến thức trong quá trình học tập bộ môn Ngữ Văn 9!