Soạn bài Xưng hô trong hội thoại

0
1607
soan-bai-xung-ho-trong-hoi-thoai

Với mong muốn giúp đỡ các bạn trong phần Tiếng Việt trong chương trình Ngữ Văn 9, HOCMAI sẽ cung cấp thêm cho các bạn những gợi ý tham khảo. Các bạn có thể theo dõi bài soạn Xưng hô trong hội thoại trong bài viết dưới đây!

 

Tham khảo thêm:

Soạn Lục Vân Tiên gặp nạn

Soạn bài Các phương châm hội thoại

Soạn bài Sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh

 

I. Từ ngữ xưng hô và việc lựa chọn từ ngữ xưng hô

Câu hỏi 1 (SGK Ngữ văn 9 tập 1, trang 38)

Gợi ý: Chú ý đến những từ ngữ xưng hô thông dụng 

Hướng dẫn giải:

Một số từ ngữ dùng để xưng hô trong tiếng Việt:

  • Xưng hô theo ngôi thứ nhất: tôi, tao, tớ, chúng tôi, chúng ta,…
  • Xưng hô theo ngôi thứ hai: bạn, mày, mi, chúng mày, chúng mi,…
  • Xưng hô theo ngôi thứ ba: nó, hắn, cô ấy, anh ấy, họ, chúng nó,…
  • Xưng hô suồng sã: mày, tao, mi,…
  • Xưng hô thân mật: anh-chị-em, tớ-cậu, mình-bạn,…
  • Xưng hô trang trọng: quý ngài, quý bà, quý cô, quý khách, quý vị…

⇒ Tiếng Việt có hệ thống từ ngữ xưng hô phong phú, đa dạng và giàu sắc thái biểu cảm.

 

Câu hỏi 2 (SGK Ngữ văn 9 tập 1, trang 38)

Đọc các đoạn trích trong SGK, xác định các từ ngữ xưng hô và phân tích sự thay đổi về cách xưng hô (Giải thích)?

Gợi ý: Chú ý đến xưng hô trong đoạn hội thoại của Dế Mèn và Dế Choắt

Hướng dẫn giải:

Dế Mèn sử dụng ngôi thứ nhất xưng “tôi” để kể chuyện.

Trong đoạn trích (a): 

– Nhân vật Dế Choắt xưng hô với Dế Mèn: xưng “em” – gọi “anh”.

– Nhân vật Dế Mèn xưng hô với Dế Choắt: xưng “ta” – gọi “chú mày”.

⇒ Hai nhân vật xưng hô không bình đẳng, thể hiện mối quan hệ giữa kẻ mạnh hách dịch và kẻ yếu.

Trong đoạn trích (b):

– Cả hai nhân vật Dế Mèn và Dế Choắt đều xưng “tôi” – gọi “anh”

⇒ Xưng hô giữa Dế Choắt và Dế Mèn là cách xưng hô bình đẳng.

Cách xưng hô của hai nhân vật đã có sự thay đổi giữa hai đoạn trích vì tình huống giao tiếp đã thay đổi:

– Đoạn trích (a): cách xưng hô của kẻ yếu (Dế Choắt) cảm thấy mình thấp hèn, cần nhờ vả Dế Mèn và kẻ mạnh (Dế Mèn) kiêu căng, hách dịch.

– Đoạn trích (b): Dế Choắt không còn cảm thấy mình thấp hèn hay phải nhờ vả Dế Mèn nữa mà trăng trối như một người bạn. Đồng thời, Dế Mèn nhận ra lỗi của mình nên không còn hách dịch.

⇒ Trong giao tiếp, người nói cần căn cứ vào tình huống và đối tượng giao tiếp để lựa chọn từ ngữ xưng hô sao cho phù hợp.

 

II. Soạn bài Xưng hô trong hội thoại: Phần luyện tập

Câu hỏi 1 (SGK Ngữ văn 9 tập 1, trang 39)

Hướng dẫn giải:

Nữ học viên đã có sự nhầm lẫn khi sử dụng từ “chúng ta” trong xưng hô:

– Từ xưng hô “chúng ta” bao gồm cả người nói và người nghe.

– Từ xưng hô “chúng tôi/chúng em” chỉ bao gồm người nói, không bao gồm người nghe.

Nguyên nhân: 

– Do cô học viên chưa hiểu rõ từ xưng hô.

– Do trong ngôn ngữ châu Âu, họ sử dụng từ “we” khi dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “chúng tôi” hay “chúng ta” tùy theo ngữ cảnh hội thoại.

⇒ Từ xưng hô “chúng ta” dễ gây hiểu lầm rằng: cô học viên và giáo sư sẽ làm lễ thành hôn. Do đó, cô học viên cần sử dụng từ “chúng tôi” hoặc “chúng em” thay thế cho từ “chúng ta”.

 

Câu hỏi 2 (SGK Ngữ văn 9 tập 1, trang 40)

Hướng dẫn giải:

Dù khi tác giả của văn bản chỉ là một người nhưng không xưng “tôi” mà vẫn xưng “chúng tôi” bởi vì hai lý do sau:

– Lý do 1: việc sử dụng từ “chúng tôi” giúp tăng tính khách quan cho văn bản khoa học 

– Lý do 2: việc sử dụng từ “chúng tôi” thể hiện sự khiêm tốn của tác giả.

 

Câu hỏi 3 (SGK Ngữ văn 9 tập 1, trang 40)

Hướng dẫn giải:

Đoạn văn được trích từ văn bản “Thánh Gióng”, nhân vật cậu bé chính là Thánh Gióng.

– Xưng hô giữa Thánh Gióng với mẹ: Xưng “con” – gọi “mẹ”.

⇒ Đây là cách xưng hô thông thường nhằm thể hiện Thánh Gióng chỉ là một cậu bé, một đứa con đối với người mẹ.

– Xưng hô giữa Thánh Gióng với sứ giả: Xưng “ta” – gọi “ông”.

⇒ Điều này cho thấy, Thánh Gióng là một đứa trẻ chững chạc, đặc biệt. Dự đoán cậu bé này sẽ làm những chuyện phi thường và trở thành anh hùng của cả đất nước.

 

Câu hỏi 4 (SGK Ngữ văn 9 tập 1, trang 40)

Hướng dẫn giải:

– Cách xưng hô của một vị danh tướng với người thầy giáo cũ: Xưng “con” – gọi “thầy”.

⇒ Dù địa vị hiện tại của vị danh tướng đã thay đổi nhưng ông vẫn xưng con gọi thầy. Điều này thể hiện phẩm chất tôn sư trọng đạo của một người học trò cũ với người thầy của mình.

– Cách xưng hô của người thầy giáo cũ: Gọi “ngài”.

⇒ Cách xưng hô thể hiện sự tôn trọng, lịch sự của một người thầy giáo với một người lạ nói riêng và với mọi người xung quanh nói chung.

 

Câu hỏi 5 (SGK Ngữ văn 9 tập 1, trang 40)

Hướng dẫn giải:

– Trước năm 1945, Việt Nam là quốc gia theo chế độ thực dân nửa phong kiến. Người đứng đầu nhà nước là vua xưng “trẫm” với bề tôi, với nhân dân. 

⇒ Cách xưng hô thể hiện rõ sự cách biệt giữa người bề trên với người bề dưới là nhân dân.

– Cách xưng hô của Bác với nhân dân: Xưng “tôi” – gọi “đồng bào”.

⇒ Cách xưng hô thể hiện sự gần gũi giữa người đứng đầu nhà nước Việt Nam lúc bấy giờ với toàn bộ nhân dân.

 

Câu hỏi 6 (SGK Ngữ văn 9 tập 1, trang 41)

Hướng dẫn giải:

Các từ ngữ xưng hô trong đoạn trích được chị Dậu sử dụng và sử dụng với cai lệ và ngược lại.

Trong đoạn trích thứ nhất, 

– Chị Dậu gọi tên cai lệ bằng “ông”, xưng “cháu”, “nhà cháu”. ⇒ Cách xưng hô thể hiện sự nhún nhường, hạ mình của người dân thấp cổ bé họng.

– Tên cai lệ xưng “ông”, gọi “mày” và “thằng kia”. ⇒ Cách xưng hô thể hiện sự hống hách, cậy quyền cậy thế.

Trong đoạn trích thứ hai,

– Ban đầu, chị Dậu xưng “tôi” – gọi “ông”.

– Sau đó, chị Dậu xưng “bà” – gọi “mày”.

⇒ Sự thay đổi cách xưng hô của chị Dậu phản ánh sự “tức nước vỡ bờ” dẫn đến thay đổi trong hành vi ứng xử của nhân vật. Điều đó thể hiện chị Dậu không còn nhún nhường mà quyết liệt phản kháng đứng lên bảo vệ chồng mình.

Trên đây là Soạn bài Xưng hô trong hội thoại được HOCMAI tổng hợp. Để quá trình học tập và ôn thi trở nên hiệu quả hơn, các bạn hãy tham khảo chuỗi bài hướng dẫn Soạn văn 9. Chúc các bạn học sinh trang bị đầy đủ kiến thức trên hành trình chinh phục môn Ngữ Văn!