Tập làm văn lớp 3 – Hướng dẫn viết về đội thiếu niên Tiền phong và điền vào giấy tờ in sẵn

0
10074

Trong phần Tập làm văn môn Tiếng Việt lớp 3, học sinh sẽ được làm quen với cách viết một bài văn nói về đội thiếu niên Tiền phong và cách điền vào giấy tờ in sẵn. Vậy, làm thế nào để hoàn thành yêu cầu đề bài trên đặt ra? Phụ huynh và học sinh cùng xem bài viết dưới đây để được hướng dẫn chi tiết. 

Để học tốt phần Tập làm văn môn Tiếng Việt lớp 3, học sinh phải hiểu rõ cách viết một bài văn hoàn chỉnh cần những yếu tố nào? Từ cách lập dàn ý, liệt kê nội dung chính cho đến khi hoàn thành bài văn, cần có phương pháp học rõ ràng. Sau đây, cô Đoàn Kiều Anh – Giáo viên môn Tiếng Việt tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, sẽ hướng dẫn cách làm bài và lời giải chi tiết để giúp học sinh làm tốt phần Tập làm văn này.

Đề bài: Hãy nói những điều em biết về đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh

Phương pháp làm bài

Học sinh cần liệt kê các câu hỏi cần trả lời, sau đó thu thập thông tin trên báo đài hoặc sách để trả lời những câu hỏi đó.
– Đội thành lập ngày nào?
– Những đội viên đầu tiên của Đội là ai?
– Hãy cho biết những lần đổi tên của Đội.
– Hãy nói rõ về huy hiệu Đội, khăn quàng, Đội ca và các phong trào của Đội.

Hướng dẫn làm bài

Để viết về một bài văn nào đó, điều đầu tiên học sinh cần làm là đọc kĩ đề và nắm được nội dung mà đề yêu cầu: “đó là những hiểu biết của em về Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh”. Để làm tốt bài này, học sinh cần đọc qua tư liệu tham khảo “Điều lệ Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh”. Đọc kỹ điều lệ và ghi lại những nội dung chính có liên quan đến hệ thống câu hỏi gợi ý, trình tự trả lời từng câu hỏi. Cuối cùng, học sinh liên kết nội dung các câu trả lời lại bằng những từ ngữ chuyển tiếp, hình thành một bài văn hoàn chỉnh. 

Lời giải chi tiết

– Đội thành lập ngày nào?

Tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh được thành lập ngày 15 – 5 – 1941 tại Pác Bó, Cao Bằng. Lúc đầu, Đội mang tên: “Hội nhi đồng cứu quốc”, tập hợp những thiếu niên có độ tuổi từ 9 đến 14, sinh hoạt trong các chi đội Thiếu niên Tiền phong. Người thành lập đội là Bác Hồ, với lý tưởng “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, làm theo sức của mình” Bác mong muốn các bạn đội viên góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc.

Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đội viên thiếu niên đoàn nghệ thuật thiếu nhi Liên khu X và đội thiếu sinh quân tại Việt Bắc, năm 1950 (Nguồn: TTXVN)

– Những đội viên đầu tiên của Đội là ai?

Khi mới thành lập, Đội chỉ có 5 đội viên. Người Đội trưởng là Nông Văn Dền (bí danh là Kim Đồng). Bốn đội viên khác là: Nông Văn Thàn (bí danh là Cao Sơn), Lý Văn Tịnh (bí danh là Thanh Minh), Lý Thị Nì (bí danh là Thanh Thủy) và Lý Thị Xậu (bí danh là Thủy Tiên).

– Hãy cho biết những lần đổi tên của Đội.

Ngày thành lập, Đội có tên là “Đội Nhi đồng cứu quốc”. Trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Đội, “Đội Nhi đồng cứu quốc” được đổi tên là “Đội Thiếu nhi tháng Tám” vào ngày 15-5-1951. Năm năm sau, vào tháng 2 – 1956, Đội lại được đổi thành “Đội Thiếu niên Tiền phong. Và ngày 30-1-1970, thể theo nguyện vọng của thế hệ mầm non trong cả nước, Đội được mang tên “Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh”.

– Hãy nói rõ về huy hiệu Đội, khăn quàng, Đội ca và các phong trào của Đội.

Dấu hiệu tượng trưng cho tổ chức Đội là Huy hiệu măng non. Huy hiệu vẽ một búp măng màu xanh khỏe mạnh trên nền cờ Tổ Quốc mà mỗi đội viên luôn đeo trên ngực mình cùng với chiếc khăn quàng màu đỏ trên vai mỗi khi đến lớp, đến trường hay trong những ngày lễ hội, coi đó là một niềm vinh dự của tuổi thơ. Bài hát do nhạc sĩ Phong Nhã sáng tác được gọi là “Đội ca” thường mở đầu một cách nghiêm trang và hùng tráng trong dịp kỷ niệm sinh nhật Đội hoặc trong những ngày lễ hội thi tài đua sức của tuổi thơ do nhà trường hay Đoàn thanh niên tổ chức. Từ khi Đội được thành lập đến nay có rất nhiều các phong trào thi đua được phát động trong cả nước. Tiêu biểu như phong trào: “Công tác Trần Quốc Toản” phát động năm 1947, phong trào ‘‘Thiếu nhi làm nghìn việc tốt” phát động năm 1981.

Hình ảnh các bạn đội viên đang mặc trang phục và thực hiện nghi thức đội TNTP Hồ Chí Minh

Dựa vào tất cả các thông tin trên, học sinh xâu chuỗi lại và viết thành một bài văn hoàn chỉnh gồm có ba phần: Mở bài, thân bài, kết bài. Một bài văn tốt cần được viết mạch lạc, từ ngữ phong phú và mang đầy đủ thông tin của yêu cầu đề bài đặt ra. 

Điền vào giấy tờ in sẵn

Đề bài: Chép mẫu đơn và điền các nội dung cần thiết

Phương pháp làm bài:

Em điền đầy đủ và chính xác thông tin của bản thân vào mẫu đơn cho sẵn.

Hướng dẫn làm bài:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Yên Bái, ngày 20 tháng 1 năm 2004

ĐƠN XIN CẤP THẺ ĐỌC SÁCH
Kính gửi: Thư viện Trường Tiểu học Kim Đồng
Em tên là: Lưu Tường Vân
Sinh ngày: 22-6-1995   Nam (nữ) : Nữ
Nơi ở : Yên Bái
(Lưu ý: Phần nơi ở học sinh nên ghi rõ địa chỉ cụ thể số nhà, Phường, Quận, Tỉnh mà mình sinh sống.)
Học sinh lớp : 3C
Trường: Tiểu học Kim Đồng
Em làm đơn này đề nghị Thư viện cấp cho em thẻ đọc sách năm học 2004-2005
Được cấp thẻ đọc sách, em xin hứa thực hiện đúng mọi quy định của Thư viện.
Em xin trân trọng cảm ơn.

Người làm đơn
Vân
Lưu Tường Vân

Từ bài học trên, chúng ta có thể xác định được một lá đơn thường có 3 phần: Phần mở đầu gồm (quốc huy, ngày tháng, tên đơn), phần giới thiệu gồm (tên tuổi, nơi ở, lớp, trường học), phần cuối là phần ghi nguyện vọng, lời hứa và chữ ký của bản thân. Dựa vào đó, học sinh có thể tự viết được các lá đơn khác như “Đơn xin phép nghỉ học”, “Đơn xin vào đội”,…

Với những kiến thức đã chia sẻ, phụ huynh và học sinh nhớ lưu lại để áp dụng thực hành nhiều hơn phần Tập làm văn của môn Tiếng Việt lớp 3. Đây cũng chính là phần kiến thức cơ bản mà học sinh cần phải nắm được, để rèn luyện viết văn hay hơn và biết cách viết những lá đơn đơn giản cần thiết trong thực tế cuộc sống hằng ngày.

Nhằm đồng hành cùng quý phụ huynh – học sinh xây dựng phương pháp học tốt môn Tiếng Việt lớp 3 trong năm học 2020-2021, Hệ thống Giáo dục HOCMAI tổ chức CHƯƠNG TRÌNH HỌC TỐT để giúp học sinh tháo gỡ những khó khăn và thêm yêu môn học này. Đến với khóa học này, học sinh không những nắm vững các bài học trong sách giáo khoa, mà còn biết cách xây dựng câu, từ, làm văn cũng như tránh mắc phải các sai lầm về chính tả trong chương trình Tiếng Việt lớp 3.

Phụ huynh ĐĂNG KÝ NHẬN BÀI GIẢNG MIỄN PHÍ cho con ngay tại đây: https://hocmai.link/Bai_giang_mien_phi_hoc_mai


Đăng ký Chương trình Học Tốt 2020 – 2021

  • Trang bị kiến thức toàn diện với hệ thống bài giảng bám sát SGK, thay thế việc học thêm.
  • Hệ thống đề kiểm tra và bài tập tự luyện có ĐÁP ÁN và HƯỚNG DẪN GIẢI.
  • Đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm giảng dạy.
  • Giúp học sinh tăng cơ hội giành điểm 9 – 10 trong các bài thi, bài kiểm tra.

Thông tin chi tiết về khóa học, phụ huynh và học sinh hãy gọi ngay hotline 0936 5858 12 để được tư vấn miễn phí.