Thầy Nguyễn Phi Hùng hướng dẫn 5 dạng bài phổ biến phần văn bản học kì 1 môn Ngữ văn 8

0
3293

Ngoài văn bản truyện, kí Việt Nam thì các tác phẩm nước ngoài, văn bản nhật dụng và thơ là những nội dung học sinh cần chú ý trong bài thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 8. Để giúp học sinh chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới, thầy Nguyễn Phi Hùng (giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI) hướng dẫn 5 dạng bài thường gặp dưới đây. 

Với các văn bản nước ngoài 

Trong chương trình học kì 1 phần văn bản nước ngoài, học sinh được tìm hiểu 4 tác phẩm: “Cô bé bán diêm”, “Đánh nhau với cối xay gió”, “Chiếc lá cuối cùng” và “Hai cây phong”. Yêu cầu cơ bản đầu tiên học sinh cần nắm được những nét chính về tác giả, hoàn cảnh sáng tác, nội dung và nghệ thuật. Từ đó học sinh đi vào một số dạng bài hay xuất hiện trong đề kiểm tra học kì 1. 

Thầy Nguyễn Phi Hùng hướng dẫn 5 dạng bài phổ biến phần văn bản môn Ngữ văn 8.

Dạng 1: Nêu ý nghĩa của các chi tiết nghệ thuật độc đáo

Ví dụ 1: Nêu ý nghĩa các hình ảnh cô bé bán diêm tưởng tượng ra sau mỗi lần quẹt diêm? 

Các hình ảnh tưởng tượng sau các lần quẹt diêm gồm: Lần 1: Cô bé bán diêm thấy hiện ra trước mắt mình là một căn phòng với lò sửa ấm áp. Lần 2: Trong căn phòng đó có một bàn ăn thịnh soạn được dọn ra. Lần 3: Hình ảnh cây thông Noel với những món quà. Lần 4: Hình ảnh người bà thân yêu hiện lên trong bóng lửa chập chờn. Lần 5 và những lần sau nữa: cô bé quẹt diêm để níu kéo hình ảnh người bà.

Điều đó thể hiện khát khao cháy bỏng của cô bé được mặc ấm, ăn ngon, vui chơi, được quan tâm chăm sóc và bộc lộ được niềm thương xót của nhà văn dành cho cô bé. 

Ví dụ 2: Nêu ý nghĩa cái chết của cô bé bán diêm? 

Nguyên nhân của cái chết của cô bé bán diêm là do cái rét của đất trời, cái đói đang hành hạ cô bé (nguyên nhân trực tiếp). Nguyên nhân sâu xa là sự cô độc do em phải sống trong sự lạnh lùng, thờ ơ của xã hội. 

Ta bắt gặp hình ảnh cái chết: cô bé với đôi má hồng hào, miệng nở một nụ cười mãn nguyện. Em bé nằm co ro trong một góc phố đông người qua lại ngay trong ngày đầu năm mới. Điều này có ý nghĩa tố cáo và phê phán xã hội mà con người quá lạnh lùng, vô cảm với nỗi đau của đồng loại, với những hoàn cảnh cơ cực, nhọc nhằn trong cuộc đời. Câu chuyện kết thúc tạo ra một dư vị ngọt ngào mà chát đắng, để lại nhiều suy nghĩ, cảm xúc cho người đọc. 

Ví dụ 3: Ý nghĩa hình ảnh hai cây phong trong tác phẩm cùng tên. 

Nguồn gốc hai cây phong: do hai thầy trò Đuy-sen trồng để gửi gắm những ước mơ, kỳ vọng của thầy giáo trong sự nghiệp trồng người, mong cho lớp lớp học trò sẽ khôn lớn, vững vàng và trở thành những người có ích. Hai cây phong có vai trò quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của dân làng Ku-ku-rêu. Nó chính là một phần không thể tách rời, dấu hiệu đặc trưng của quê hương mình – một hình ảnh thân thương vẫn còn sống mãi trong lòng người dân làng Ku-ku-rêu, đặc biệt là những người đi xa nhớ về quê hương. Còn với những đứa trẻ con, cây phong là cả một thế giới kỳ diệu với biết bao tưởng tượng hồn nhiên. 

Dạng 2: Phân tích nghệ thuật xây dựng chân dung nhân vật và cảm nhận về nhân vật. 

Ví dụ: Diễn biến tâm lý của Giôn – xi trong tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng” 

Ban đầu, Giôn – xi chán nản khi biết mình mắc bệnh, vì đây là một bệnh nặng, không có tiền chạy chữa. Sau đó, cô mất dần hy vọng (không ăn, không uống thuốc, không tin rằng mình có thể khỏi bệnh, thậm chí cô trở nên gần sát với tuyệt vọng, sự buông xuôi đầu hàng). Cô nhìn sang bên kia cửa và tự nói với lòng mình, khi chiếc lá thường xuân cuối cùng rơi xuống cũng là lúc cô lìa đời. Cô gắn liền tính mạng sự sống của mình với chiếc lá khi mà những cơn gió đang ào ạt thổi về.  

Cuối cùng, cô đã tìm lại được niềm tin và hy vọng khi thấy chiếc lá cuối cùng kia không rơi xuống. Nó vẫn kiên cường chống lại với gió bão. Hình ảnh chiếc lá cuối cùng ấy đã tạo nên kỳ tích và phép màu giúp con người tìm lại sự sống. 

Với các văn bản nhật dụng 

Các văn bản nhật dụng đề cập đến những vấn đề bức xúc trong cuộc sống hằng ngày. Văn bản “Thông tin về ngày Trái Đất năm 2000” đề cập đến vấn đề rác thải gây ô nhiễm môi trường. Bài “Ôn dịch, thuốc lá” bàn về tác hại của khói thuốc lá và “Bài toán dân số” đặt ra vấn đề sự gia tăng quá nhanh của dân số thế giới dẫn đến các hệ lụy khó giải quyết. 

Dạng bài: Nêu ý nghĩa của một số chi tiết

Ví dụ 1: Giải thích ý nghĩa nhan đề “Ôn dịch, thuốc lá” 

Ôn dịch: là những căn bệnh nguy hiểm vì nó có khả năng lây lan nhanh trên diện rộng và giết người hàng loạt. Khói thuốc lá là một thứ quen thuộc, gần gũi với cuộc sống hằng ngày. Từ việc so sánh khói thuốc lá giống như ôn dịch, tác giả muốn cảnh báo nguy cơ, tác hại khủng khiếp do khói thuốc lá gây nên đối với sức khỏe con người. Nó cũng thể hiện thái độ phê phán gay gắt những hành vi hút thuốc.

Ví dụ 2: Tại sao nói về tình trạng tăng dân số trên thế giới, tác giả lại xuất phát từ bài toán cổ? 

Xuất phát từ bài toán cổ, tác giả giúp người đọc dễ hình dung tốc độ gia tăng dân số theo cấp số nhân của nhân loại, đồng thời cảnh báo những hậu quả của việc mất kiểm soát tốc độ tăng dân số. Ngoài ra, tác giả giúp người đọc liên tưởng việc tăng dân số như một bài toán khó giải, đòi hỏi sự góp sức của tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới. 

Với các văn bản thơ

Học sinh được học 4 tác phẩm gồm: “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác”, “Đập đá ở Côn Lôn”, “Muốn làm thằng cuội” và “Hai chữ nước nhà”. 

Dạng 1: Phát hiện và phân tích những nét đặc sắc nghệ thuật trong câu thơ. 

Ví dụ: Phân tích những nét đặc sắc nghệ thuật trong câu thơ: “Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu/Chạy mỏi chân thì hẵng ở tù”.

Biện pháp tu từ điệp ngữ “vẫn” – sự tiếp diễn về tài năng, khí phách, bản lĩnh hơn người (hào kiệt) với phong thái ung dung, nhàn nhã, tự do tự tại. Điều này đối lập với thân tù tội, cái án chết mà nhà thơ sắp nhận. Từ đó khẳng định bản lĩnh, khí phách can trường, tư thế ung dung ngẩng cao đầu của người chí sĩ cách mạng dù đang lâm vào cảnh tội tù. 

Dạng 2: Cảm nhận về một câu thơ, đoạn thơ, nhân vật trữ tình trong bài thơ 

Ví dụ: Cảm nhận về hai câu thơ: “Tháng ngày bao quản thân sành sỏi, Mưa nắng càng bền dạ sắt son”.

Hai câu thơ nêu lên những thử thách ở chốn lao tù con người phải trải qua thử thách mà thời gian dài lâu tính bằng tháng ngày. Nó đến từ không gian khắc nghiệt “mưa nắng” của thiên nhiên. Đây thực sự là các thử thách đối với sức chịu đựng, bản lĩnh và ý chí của người chiến sĩ cách mạng. Tuy nhiên, câu trả lời như một khẳng định chắc chắn: “thân sành sỏi” – sự mạnh mẽ cường tráng về sức chịu đựng và “dạ sắt son” – thể hiện sự thủy chung, kiên định con đường đã chọn và lý tưởng mình đang đi. Tác giả nhấn mạnh bản lĩnh, khí phách phi thường của người chí sĩ cách mạng. 

Trên đây là tổng hợp các kiến thức chuyên đề văn bản trong chương trình Ngữ văn 8 học kì 1. Thông qua những nội dung thầy Nguyễn Phi Hùng chia sẻ, hy vọng học sinh sẽ làm bài tập dạng này một cách hiệu quả nhất. 

Ngoài ra, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi học kì sắp tới, quý phụ huynh và học sinh có thể tham khảo CHƯƠNG TRÌNH HỌC TỐT của HOCMAI. Các khóa học bao gồm đầy đủ các môn: Ngữ văn, Toán, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh…và khái quát toàn bộ nội dung sách giáo khoa cùng trọng tâm kiến thức cần nhớ trong chương trình bên cạnh hệ thống bài tập tự luyện, bài kiểm tra định kỳ. 

3-ky-nang-quan-trong-giup-hoc-sinh-tu-tin-chinh-phuc-bai-thi-cuoi-ky (2)

▶▶ Tham khảo thêm thông tin: TẠI ĐÂY