Soạn Lục Vân Tiên gặp nạn

0
690
soan-luc-van-tien-găp-nan

Với mục đích giúp các em học sinh nắm bắt kiến thức đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn trích trong Truyện Lục Vân Tiên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, HOCMAI đã tổng hợp và soạn bài Lục Vân Tiên gặp nạn đầy đủ và chi tiết nhất. 

 

Tham khảo thêm:

Phân tích Lục Vân Tiên gặp nạn

Soạn bài Kiều báo ân báo oán

Soạn bài Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

Tổng hợp tác phẩm ôn thi vào 10

 

I. Soạn Lục Vân Tiên gặp nạn ( Trích Truyện Lục Vân Tiên): Tìm hiểu chung

1.1 Về tác giả Nguyễn Đình Chiểu 

– Nguyễn Đình Chiểu sinh năm 1822 mất năm 1888. Ông có tên tự là  Mạch Trạch, hiệu là Trọng Phụ, Hối Trai. Ông là người con của tỉnh Gia Định, sinh sống tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương. 

– Nguyễn Đình Chiểu xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học, ông đỗ tú tài vào năm 1843, khi đó Nguyễn Đình Chiểu chỉ mới 21 tuổi còn rất trẻ và tài năng. 

-Năm 1846, trên đường đến Cố đô Huế để chuẩn bị cho kỳ thi tiếp theo, Nguyễn Đình Chiểu nghe tin mẹ mất, ông đã bỏ kỳ thi và quay về quê chịu tang. Trên đường trở về, Nguyễn Đình Chiểu bị mù do bệnh đau mắt nặng. 

– Dù mất đi đôi mắt nhưng Nguyễn Đình Chiểu  không bao giờ khuất phục trước số phận, ông đã mở trường dạy học ở quê nhà để dạy học, đồng thời phát thuốc trị bệnh cho những người xung quanh. Kể từ đó, danh tiếng của ông Đồ Chiểu đã lan rộng khắp sáu tỉnh Nam Bộ. 

– Trong chiến tranh chống Pháp xâm lược, Nguyễn Đình Chiểu đã tích cực tham gia vào việc lập kế hoạch, bày mưu tính kế cho quân khởi nghĩa, và cho dù bị kẻ thù mua chuộc, ông cũng kiên quyết từ chối.

– Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương về nghị lực sống phi thường và những đạo đức tốt đẹp. Đặc biệt là cuộc đấu tranh bền bỉ chống giặc ngoại xâm, không mệt mỏi vì lợi ích của nhân dân. 

– Nguyễn Đình Chiểu đã để lại sự nghiệp thơ văn với nhiều tác phẩm nổi tiếng được viết chủ yếu bằng chữ Nôm, bao gồm:

  • Thơ: Lục Vân Tiên và Dương Tử – Hà Mẫu. Hai bài thơ này được sáng tác trước khi thực dân Pháp xâm lược.
  • Văn: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, chạy giặc, ngư tiều y thuật vấn đáp … được viết vào thời điểm sau khi quân Pháp tiến đánh nước ta. 

– Nội dung trong thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu: 

  • Mang tư tưởng đạo đức nhân văn của Nho giáo nhưng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc. Nhân vật trong các bài thơ của ông là những người nhân hậu, ngay thẳng, dám đứng lên đấu tranh vì dân. 
  • Lòng yêu nước: Thơ văn Nguyễn Đình Châu ghi lại thời kỳ đau thương của dân tộc khi giặc Pháp xâm lược và cũng ca ngợi các nghĩa sĩ, các anh hùng đã vùng lên bảo vệ Tổ quốc.

– Nghệ thuật trong thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu: Mang đậm bản sắc Nam bộ và cuộc sống nơi đây, phong cách thơ của ông thiên về diễn xướng.

1.2 Về tác đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn

1.2.1 Thông tin về tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên

– Truyện thơ Lục Vân Tiên được sáng tác vào khoảng những năm 50 của thế kỷ 19, truyện được lưu truyền rộng rãi trong dân gian dưới nhiều hình thức truyền miệng khác nhau như kể thơ, hát thơ, nói thơ. Đặc biệt truyện Lục Vân Tiên rất phổ biến ở khu vữ Nam Kỳ và Nam Trung Kỳ. 

– Truyện Lục Vân Tiên được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1889 bởi Trương Vĩnh Ký. 10 năm sau tức năm 1899 truyện đã được dịch sang tiếng Pháp. 

-Truyện Lục Vân Tiên được viết theo thể thơ lục bát, có kết cấu chương hồi sử dụng chữ Nôm truyền thống. Về số lượng câu thơ có nhiều dị bản khác nhau nhưng phổ biến nhất hiện nay là bản thơ 2082 câu. 

1.2.2 Vị trí đoạn trích

– Đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn nằm ở phần hai của truyện Lục Vân Tiên. Đoạn trích có nội dung chính là: Lục Vân Tiên bị mù phải bơ vơ ở nơi đất khách quê người thì gặp được người bạn Trịnh Hâm. Tuy nhiên do bản tính đố kỵ, Trịnh Hâm đã lên kế hoạch hãm hại Lục Vân Tiên. 

1.2.3 Bố cục đoạn trích

Đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn có thể chia thành 2 phần như sau: 

Phần 1: Từ đầu đến đoạn thơ : “Đều thương họ Lục xót xa tấm lòng”: Cảnh Lục Vân Tiên gặp gỡ Trịnh Hâm và bị hắn hãm hại. 

Phần 2: Đoạn thơ còn lại: Lục Vân Tiên được cứu bởi giao long và được Ngư ông cưu mang, giúp đỡ. 

 

II. Soạn Lục Vân Tiên gặp nạn: Phần đọc hiểu văn bản

Câu 1 trang 121 SGK Ngữ Văn 9 tập 1

Đề bài: Chủ đề của đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn 

Hướng dẫn giải:

– Chủ đề của đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn đã nói lên sự đối lập giữa thiện và ác, giữ nhân cách cao cả và những toan tính thấp hèn. Nguyễn Đình Chiểu đã thể hiện niềm tin vào những điều tốt đẹp ở đời qua đoạn trích trên. 

  • Cái ác: Là âm mưu hãm hại Lục Vân Tiên của Trịnh Hâm vì sự ghen ghét đố kị cho dù Lục Vân Tiên đã không thể cản trở hắn trên con đường công danh do bị tàn tật 
  • Cái thiện: Sự giúp đỡ ông Ngư là việc làm nhân đức, thể hiện nhân cách cao cả. 

Câu 2 trang 121 SGK Ngữ Văn 9 tập 1

Đề bài: Phân tích tâm địa độc ác của Trịnh Hâm

Hướng dẫn giải

– Tâm địa độc ác của Trịnh Hâm được thể hiện qua: 

  • Sự độc ác, bất nhân: Hãm hại Lục Vân Tiên khi chàng bị mùa lòa và phải bơ vơ giữa nơi đất khách quê người, bị lang băm lừa hết tiền tài. Lục Vân Tiên lúc này không có khả năng chống trả lại sự hãm hại của Trịnh Hâm. 
  • Sự bất nghĩa: Vốn dĩ Lục Vân Tiên và Trịnh Hâm đều là những người bạn của nhau. Cả hai đã từng trà rượu và làm thơ cùng nhau và Lục Vân Tiên cũng đã có lời cậy nhờ Trịnh Hâm giúp đỡ trong cơn hoạn nạn. Nhưng hắn đã phản bội lại bạn bè và lời hứa của chính mình để hãm hại Lục Vân Tiên. 
  • Hành động hãm hại Lục Vân Tiên là có toan tính: Với bản chất đố ky, Trịnh Hâm đã lên kế hoạch kỹ lưỡng để hãm hại Lục Vân Tiên. Hắn đã lừa tiểu đồng trói trong rừng rồi đưa Lục Vân Tiên xuống thuyền để tiện bề hãm hại. Trịnh Hâm đã lựa chọn thời điểm đêm khuya với không gian giữa khoảng trời nước mênh mông, mịt mờ sương bay để thực hiện kế hoạch. Trịnh Hâm đê hèn đến mức sau khi xô ngã Lục Vân Tiên xuống sông không ai có thể cứu được, hắn mới giả vờ la làng và dùng những lời nói để che nấp tội ác của mình 

=> Với bản tính ghen ghét đố kỵ với tài năng của Lục Vân Tiên, Trịnh Hâm đã không từ thủ đoạn để hãm hại chàng. Có thể thấy sự độc ác của Trịnh Hâm đã ngấm vào máu khi Lục Vân Tiên hoàn toàn không thể đe dọa đến con người công danh của hắn nữa. Hắn không hề cắn rứt lương tâm với những điều mình đã làm. 

– Giá trị nghệ thuật: Một tội ác tày trời của tên Trịnh Hâm với kế hoạch được lên từ trước nhưng Nguyễn Đình Chiểu chỉ cần sử dụng 8 dòng thơ để miêu tả. Các tình tiết trong đó được sắp xếp rất hợp lý, diễn biển tội ác của Trịnh Hâm diễn ra nhanh chóng. Lời thơ của Nguyễn Đình Chiểu vẫn mộc mạc, giản dị nhưng vẫn lột tả đầy đủ sự độc ác, máu lạnh của Trịnh Hâm. 

Câu 3 trang 121 SGK Ngữ Văn 9 tập 1

Đề bài: Sự lương thiện đã được thể hiện như nào trong đoạn trích

Hướng dẫn giải

– Đối lập với các ác của tên Trịnh Hâm thì đó chính là sự lương thiện của gia đình Ngư ông khi cứu vớt Lục Vân Tiên. Điều đó đã được thể hiện qua các chi tiết: 

  • Ngư ông và cả gia đình sau khi cứu được Lục Vân Tiên từ dưới sông đã hết mực lo lắng thuốc thang, chăm sóc tận tình chu đáo cho dù giữa họ và Lục Vân Tiên là những người xa lạ, không hề quen biết nhau. 
  • Những ân tình của cả một gia đình Ngư ông bao gồm vợ chồng, con cái dành cho Lục Vân Tiên – người gặp nạn xa lạ thể hiện qua hai câu thơ “ Hối con vầy lửa một giờ/ Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày” 
  • Dù cuộc sống của Ngư ông cũng chẳng dư giả, nhưng họ vẫn rất sẵn lòng cưu mang Lục Vân Tiên. Hơn hết, khi thấy hoàn cảnh đôi mắt không rõ đường của Lục Vân Tiên, họ đã mời chàng ở lại cùng, tuy cuộc sống đạm bạc nhưng vẫn ấm no tình người. 
  • Cả gia đình Ngư ông làm ơn nhưng không hề mong đợi sự báo đáp khi Lục Vân Tiên ngỏ ý muốn báo đáp công ơn. 

=> Qua đoạn thơ miêu tả sự lương thiện của gia đình Ngư ông, Nguyễn Đình Chiểu đã gửi gắm vào đó niềm tin và khát vọng về sự lương thiện, về bản chất tốt đẹp của người lao động. Đây cũng là một quan điểm rất tiến bộ của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, luôn tin tưởng tấm lòng, sự nhân ái của người dân lao động. 

Câu 4 trang 121 SGK Ngữ Văn 9 tập 1

Đề bài: Chọn những câu thơ bản thân thấy hay nhất và nêu cảm nhận về cảm xúc, ngôn ngữ của tác giả

Hướng dẫn giải

-Các em học sinh có thể lựa chọn đoạn thơ mình thích nhất để nêu nên cảm nhận của bản thân. 

-Gợi ý một đoạn thơ trong đoạn trích: 

Ngư rằng: “Lòng lão chẳng mơ

Dốc lòng nhơn nghĩa há chờ trả ơn?

Nước trong rửa ruột sạch trơn,

Một câu danh lợi chi sờn lòng đây.

  • Ngôn ngữ: giản dị, cách nói chuyện khoáng đạt không màng đến danh lợi 
  • Cảm xúc của tác giả: Nguyễn Đình Chiểu đã thể hiện sự ngưỡng mộ đối với Ngư ông – một con người lao động giàu lòng nhân ái và không màng đến danh lợi.  

III. Soạn bài Lục Vân Tiên gặp nạn: Phần hướng dẫn luyện tập 

Câu hỏi: Trong truyện Lục Vân Tiên còn có những nhân vật nào có thể xếp vào cùng một loại với ông Ngư ở đoạn trích này? Họ có những đặc điểm chung gì? Tác giả muốn gửi gắm ý tưởng gì thông qua các nhân vật ấy?

Hướng dẫn giải:

– Trong Truyện Lục Vân Tiên, những nhân vật có thể xếp vào cùng một loại với ông Ngư trong đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn có thể kể đến như giao long, du thần, ông tiều, Hớn Minh, bà lão dệt vải, tiểu đồng … 

– Đặc điểm chung của những nhân vật này: Họ đều là những người đã dang tay cứu giúp Lục Vân Tiên khi chàng gặp nạn, gặp khó khăn. Một điểm chung nữa là những nhân vật này đều có tấm lòng nhân hậu, vị tha, trọng nghĩa khinh tài và nhân cách cao cả. 

-Điều mà tác giả Nguyễn Đình Chiểu muốn gửi gắm thông qua các nhân vật trên: Thể hiện niềm tin của tác giả vào công lý, chính nghĩa và tấm lòng nhân ái của con người, niềm tin vào tầng lớp nhân dân lao động cho dù khó khăn, gian khổ nhưng vẫn không hề đánh mất bản tính lương thiện của mình. 

Kết lại, qua nội dung soạn bài Lục Vân Tiên gặp nạn trích trong Truyện Lục Vân Tiên của tác giả Nguyễn Đình Chiểu mà HOCMAI vừa trình bày ở trên, hy vọng các em học sinh đã nắm bắt được nội dung, tư tưởng mà đoạn trích truyền tải. Ngoài ra, các em có thể tham khảo kho tài liệu Soạn văn 9 để tham khảo toàn bộ kiến thức chương trình ngữ văn 9. Chúc các em học sinh có một bài học hay và dễ hiểu trên lớp sau khi đã chuẩn bị bài soạn kỹ lưỡng ở nhà.