Soạn Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

0
2999
soan-luc-van-tien-cuu-kieu-nguyet-nga

Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga nằm ở phần mở đầu tác phẩm truyện thơ Lục Vân Tiên nổi tiếng của nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu. Qua đoạn trích chúng ta thấy được khát vọng làm việc nghĩa không quản nguy nan của chàng trai Lục Vân Tiên cũng như phẩm chất tốt đẹp của hai nhân vật cũng là hình mẫu lí tưởng của cái đẹp theo quan niệm của tác giả. Soạn bài Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga giúp các em học sinh nắm bắt được nội dung chính và chuẩn bị tốt hơn cho bài học của mình trên lớp. 

 

Tham khảo thêm:

Phân tích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

Soạn bài Kiều báo ân báo oán

 

I. Soạn văn Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga: Tìm hiểu chung

1. Tác giả Nguyễn Đình Chiểu

1.1 Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu

– Nguyễn Đình Chiểu sinh năm 1822 mất năm 1888, có tên tự là Mạch Trạch và hiệu là Trọng Phủ, Hối Trai. Quê quán của ông ở làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. 

– Nguyễn Đình Chiểu xuất thân trong gia đình có truyền thống nho học, ông đỗ tú tài năm 1843 tại Gia Định. 

– Khi chuẩn bị cho kỳ thi năm 1846, trên đường đến kinh thành Huế, ông biết tin mẹ mất nên đã bỏ thi quay về quê hương để chịu tang. Dọc đường quay trở về, Nguyễn Đình Chiểu bị đau mắt rất nặng và bị mù từ đó. 

-Tuy không còn đôi mắt nhưng Nguyễn Đình Chiểu chư bao giờ chịu khuất phục trước số phận, ông mở trường dạy học tại quê nhà đồng thời bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân quanh đấy. Từ đó danh tiếng ông Đồ Chiểu vang danh khắp lục tỉnh. 

– Trong thời kỳ kháng Pháp, Nguyễn Đình Chiểu rất tích cực tham gia bày mưu tính kế cho nghĩa quân cho dù ông bị quân giặc mua chuộc như thế nào ông cũng khẳng khái từ chối. 

-Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương về nghị lực phi thường cũng như đạo đức tốt đẹp. Đặc biệt là cuộc đời gắn bó đấu tranh chiến đấu chống giặc ngoại xâm của ông không mệt mỏi vì lợi ích của nhân dân. 

1.2 Sự nghiệp sáng tác 

– Nguyễn Đình Chiểu để lại sự nghiệp thơ văn với nhiều tác phẩm nổi tiếng được viết chủ yếu bằng chữ Nôm bao gồm: 

  • Truyện thơ: Lục Vân Tiên và Dương Tử – Hà Mậu. Hai tác phẩm truyện thơ này được sáng tác trước khi thực dân Pháp xâm lược. 
  • Tác phẩm văn học sáng tác trong thời kỳ Pháp xâm lược: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, chạy giặc, ngư tiều y thuật vấn đáp… 

– Nội dung thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu  

  • Mang tư tưởng đạo đức nhân nghĩa của đạo Nho nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Hình tượng nhân vật trong thơ văn của ông là những người nhân hậu, ngay thẳng dám đứng ra đấu tranh
  • Lòng yêu nước: Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu đã ghi lại thời kỳ đau thương của dân tộc khi giặc Pháp xâm lược đồng thời biểu dương những nghĩa sĩ, anh hùng đứng lên bảo vệ tổ quốc. 

–  Nghệ thuật trong thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu: Đậm đà bản sắc Nam Bộ và hơi thở cuộc sống, lối thơ văn của ông thiên về kể diễn xướng. 

 

2. Tác phẩm

2.1 Hoàn cảnh sáng tác

– Tác phẩm truyện thơ Lục Vân Tiên được sáng vào những năm 50 của thế kỷ 19 . 

– Truyện được lưu truyền rộng rãi dưới nhiều hình thức như kể thơ, nói thơ, hát thơ ở các vùng Nam Kì và Nam Trung Kì. 

– Truyện Lục Vân Tiên được Trương Vĩnh Ký xuất bản lần đầu tiên vào năm 1889 và được dịch sang tiếng Pháp năm 1899. 

2.2 Thể loại, vị trí đoạn trích

– Thể loại: Truyện thơ Nôm, về số lượng câu thơ có nhiều phiên bản khác nhau nhưng hiện nay phổ biến nhất là bản 2082 câu thơ. Truyện được viết dưới thể thơ lục bát có kết cấu chương hồi. 

– Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga nằm ở phần mở đầu của câu chuyện. 

2.3 Bố cục Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga được chia thành 2 phần: 

  • Phần 1: Từ đầu đến đoạn “ Bị Tiên một gậy thác rày thân vong”: Miêu tả cảnh Lục Văn Tiên đánh đuổi bọn cướp. ( 14 câu thơ đầu) 
  • Phần 2: Đoạn thơ còn lại: Lục Vân Tiên trò chuyện cùng Kiều Nguyệt Nga sau khi giải cứu nàng. 

2.4 Nội dung, nghệ thuật của đoạn trích

– Nội dung: Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga đã khắc họa những phẩm chất tốt đẹp của hai nhân vật chính là Vân Tiên và Nguyệt Nga. Thông qua đó đã thể hiện được khát vọng hành đạo giúp đời, cái ác sẽ bị trừng trị của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. 

– Nghệ thuật: 

  • Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng hình tượng nhân vật lí tưởng với đầy đủ phẩm chất tốt đẹp cùng nghệ thuật so sánh vô cùng độc đáo. Xây dựng nhân vật  theo 3 phương thức cử chỉ, hành động và lời nói. 
  • Ngoài ra ngôn ngữ sử dụng trong truyện thơ cũng rất mộc mạc, giản dị gần gũi với nhân dân lao động và tâm lý nhân vật 
  • Giọng điệu trong thơ Nguyễn Đình Chiểu: có sự thay đổi linh hoạt để phù hợp với tình tiết truyện

 

II. Soạn lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga: Đọc hiểu văn bản

Câu 1 trang 115 SGK Ngữ Văn 9 tập 1

Đề bài: Kết cấu truyện Lục Vân Tiên

Hướng dẫn giải

– Kết cấu trong truyện Lục Vân Tiên theo khuôn mẫu truyền thống. Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính,  người tốt gặp nạn, bị hãm hại nhưng được cứu giúp và được đền đáp xứng đáng. Còn những kẻ xấu thì bị trừng trị thích đáng. Kết cấu truyện như vậy thể hiện khát vọng của nhân dân: cái thiện sẽ chiến thắng cái ác và ước mơ về sự công bằng chính nghĩa. 

Câu 2 trang 115 SGK Ngữ Văn 9 tập 1

Đề bài: Cảm nhận về con người Lục Vân Tiên

Hướng dẫn giải

– Qua đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, chúng ta có thể thấy Lục Vân Tiên là một chàng trai rất trượng nghĩa và tài giỏi. 

– Hành động của Lục Vân Tiên: 

  • Lục Vân Tiên chỉ có tay không nhưng vẫn can đảm xông vào đám cướp.
  • Nhanh trí, gan dạ khi “ bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô”
  • Trước khi ra tay cứu Kiều Nguyệt Nga, Lục Vân Tiên đã đưa ra lý do chính đáng, đây là hành động của bậc quân tử, không phải hành vi đánh lén bỉ ổi 
  • Câu thơ “ bốn phía bủa vây mịt mùng” đã miêu tả cảnh trận đánh diễn ra vô cùng gay cấn và nguy hiểm.
  • Tuy có nhiều nguy cơ nhưng Lục Vân Tiên vẫn “ tả xung hữu đột” phá tan vòng vây. 

=> Nguyễn Đình Chiểu đã so sánh Lục Vân Tiên với hình ảnh Triệu Tử để miêu tả tài năng, sức mạnh của nhân vật. Lục Vân Tiên đã phá vỡ vòng vây và giết chết tên thủ lĩnh Phong Lai. Hình ảnh Lục Vân Tiên đứng ra trừng trị bọn cướp thể hiện ước mơ của nhân dân, trong thời buổi hỗn loạn có người dám đứng ra cứu nạn giúp đời. 

– Lục Vân Tiên trò chuyện với Kiều Nguyệt Nga: 

  • Lục Vân tiên hỏi thăm người trên xe, khi biết là hai cô gái thì đã lên tiếng khẳng định bản thân đã đuổi bọn cướp đi => trấn an tinh thần người ngồi trên xe ngựa 
  • Khi biết là hai cô gái trên xe, Lục Vân Tiên đã ngăn cản hai người xuống xe, giữ vững chuẩn mực đạo đức nho gia : nam nữ thụ thụ bất thân qua hai câu thơ: “Khoan khoan ngồi đó chớ ra/Nàng là phận gái ta là phận trai”
  • Lục Vân Tiên hỏi thăm Kiều Nguyệt Nga tên tuổi, xuất thân và nguyên do gặp nạn. 
  • Lục Vân Tiên đã từ chối lời mời của Kiều Nguyệt Nga đến gặp cha để đền ơn cho chàng : “ Làm ơn há dễ trông người trả ơn… Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”. Lục Vân Tiên cũng từ chối trâm vàng của Nguyệt Nga, chàng ra tay nghĩa hiệp không phải vì chờ mong được đền đáp. 

=> Qua cách nói chuyện với Kiều Nguyệt Nga, chúng ta thấy được Lục Vân Tiên là chàng trai trọng lễ nghĩa, có học thức. Bên cạnh đó còn thể hiện phương châm sống thấy việc nghĩa không làm thì không phải anh hùng của Lục Vân Tiên. 

Câu hỏi 3 trang 115 SGK Ngữ Văn 9 tập 1

Đề bài: Vẻ đẹp tâm hồn của Kiều Nguyệt Nga qua cử chỉ, ngôn ngữ 

Hướng dẫn giải

Qua ngôn ngữ, cử chỉ của Kiều Nguyệ Nga, chúng ta dễ dàng nhận ra đây là một tiểu thư khuê các và có học thức. Điều đó được thể hiện qua: 

– Sau khi biết bản thân được cứu bởi một chàng trai trẻ, Nguyệt Nga đã trả lời rõ ràng chi tiết câu hỏi của Lục Vân Tiên : Nàng là con gái của tri phủ miền Hà Khê, quê gốc ở quận Tây Xuyên. Khi nhận được thư của cha đến Hà Khê để định việc hôn nhân, trên đường đi cùng tì nữ Kim Liên thì gặp nạn và được Lục Vân Tiên nghĩa hiệp ra tay cứu giúp. Trước mặt ân nhân cứu giúp, Kiều Nguyệt Nga giãi bày rất chân thành: 

Trước xe quân tử tạm ngồi

Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa

– Sau khi kể rõ mọi chuyện, Kiều Nguyệt Nga còn muốn đền tạ công ơn của Lục Vân Tiên bằng cách mời chàng cùng đi gặp cha của mình:

Gẫm câu báo đức thù công

Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi

=> Kiều Nguyệt Nga không chỉ là một tiểu thư khuê các mà nàng còn là người con gái biết trước sau, hiếu nghĩa, là đại diện cho vẻ đẹp lý tưởng, nhân văn trong Truyện Lục Vân Tiên. 

Câu 4 trang 115 SGK Ngữ Văn 9 tập 1

Đề bài: Cách miêu tả các nhân vật trong đoạn trích 

Hướng dẫn giải:

– Các nhân vật trọng đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga được miêu tả chủ yếu qua hành động, cử chỉ, ngôn ngữ. Trong truyện không có yếu tố miêu tả nội tâm. 

– Truyện Lục Vân Tiên gần giống với thể loại truyện cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ nôm bình dân. Bởi kết cấu kể chuyện theo trình tự thời gian, các nhân vật cũng phân chia thiện ác rõ ràng. 

Câu 5 trang 115 SGK Ngữ Văn 9 tập 1

Đề bài: Nhận xét ngôn ngữ tác giả trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

Hướng dẫn giải

– Nguyễn Đình Chiểu sử dụng ngôn ngữ rất bình dân, giản dị gần gũi với người dân Nam Bộ. 

– Việc sử dụng ngôn ngữ như vậy khiến nhân dân dễ tiếp nhận, dễ hiểu, dễ nhớ. Điều này này khiến truyện Lục Vân Tiên lưu truyền trong dân gian và được rất nhiều người yêu thích. 

 

IV. Soạn văn bài Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga: Hướng dẫn luyện tập 

Đề bài: Sắc thái riêng từng lời thoại của mỗi nhân vật trong đọan trích (Phong Lai, Vân Tiên, Nguyệt Nga).

Hướng dẫn giải

Sắc thái của mỗi nhân vật trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga được thể hiện: 

– Phong Lai: Nhân vật phản diện, là kẻ đứng đầu toán cướp. Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng hình tượng một tên cướp ngông nghênh, hung dữ, gian ác, không có học thức. Khi nói chuyện thì giọng điệu ngang tàng, kiêu căng và hống hách. 

– Lục Vân Tiên: Là tuyến nhân vật chính, Lục Vân Tiên được Nguyễn Đình Chiểu xây dựng hình tượng như một anh hùng với sự mạnh mẽ, dứt khoát với toán cướp. Bên cạnh đó, Lục Vân Tiên cũng có những phẩm chất của học trò Nho gia đó là sự hiểu biết lễ nghĩa, có học thức, khi trò chuyện cùng Kiều Nguyệt Nga thì nhã nhặn, giữ khoảng cách và thể hiện sự quan tâm. 

– Kiều Nguyệt Nga: Là đại diện cho hình ảnh người con gái con quan thời kỳ phong kiến với sự dịu dàng, đoan trang, khuê các, hiếu nghĩa, biết trước biết sau. Khi nói chuyện với Lục Vân Tiên – người đã cứu mình thì rất nhẹ nhàng, cảm kích, biết ơn và đầy thiện cảm.   

Trên đây HOCMAI đã cung cấp cho các em học sinh bài soạn Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga chi tiết nhất, giúp các em hiểu rõ hơn về đoạn trích trước khi bước vào bài học trên lớp.