Tổng hợp 10 cách mở bài Tức nước vỡ bờ ấn tượng nhất sẽ gợi ý cho các bạn học sinh tiếp cận tác phẩm theo nhiều hướng khác nhau. Một mở bài hay khẳng định được chất lượng của bài văn và quyết định phần lớn việc mọi người có đọc tiếp đoạn văn của bạn hay không. Đối với chính người viết, sẽ giúp có thêm cảm hứng cho bài viết, hỗ trợ viết bài trôi chảy hơn vào những đoạn sau. Còn với người đọc, sẽ tạo được sự ấn tượng, thích thú và cuốn hút. Hocmai chia sẻ các cách mở bài tác phẩm “Tức nước vỡ bờ” ấn tượng nhất, mời các bạn cùng tham khảo!
Tham khảo thêm:
Cách mở bài Tức nước vỡ bờ trực tiếp
Mở bài Tức nước vỡ bờ trực tiếp số 1
Tác giả Ngô Tất Tố sinh năm 1893 (mất năm 1954), quê ở làng Lộc Hà, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, ngoại thành Hà Nội). Ông xuất thân là một nhà nho gốc nông dân được thụ hưởng một nền giáo dục Nho học từ khi còn nhỏ sau đó lại tiếp cận với tri thức và văn hóa thế giới tiến bộ.
Là một nhà văn giao thời, một ngòi bút hiện thực xuất sắc chuyên viết về nông thôn trước cách mạng. Qua ngòi bút của mình, ông thể hiện rõ những thay đổi của lớp người trí thức trong giai đoạn giao thời, sự dung hòa tương thích giữa nền văn hóa mới và cũ.
Tác giả Ngô Tất Tố được biết đến là nhà văn hàng đầu của trào lưu hiện thực phê phán ở Việt Nam trước 1945, nổi bật với chủ nghĩa hiện thực về người nông dân, lột tả toàn diện và sâu sắc, đầy trăn trở và xúc động về cảnh ngộ và số phận người nông dân Việt Nam.
“Tức nước vỡ bờ” là đoạn trích thuộc chương XVIII của tiểu thuyết Tắt đèn – tác phẩm tiêu biểu nhất của tác giả Ngô Tất Tố. Lấy bối cảnh từ một vụ thu sưu thuế ở làng Đông Xá để qua đó phản ánh số phận khổ đau tột cùng của những người nông dân trong xã hội phong kiến đồng thời tố cáo giai cấp thống trị. Đặc biệt qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ, mâu thuẫn đỉnh điểm của giai cấp khác nhau đã tạo ra sự thu hút với người đọc, khiến họ thương cảm cho nhân vật chị Dậu và dấy lên sự tức tối, lòng thù hận với giai cấp thống trị.
Mở bài Tức nước vỡ bờ trực tiếp số 2
Tắt đèn là một trong những tác phẩm nổi tiếng để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng người đọc của nhà văn Ngô Tất Tố – một nhà văn có sức ảnh hưởng lớn tại Việt Nam trong giai đoạn những năm 1954. Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” thể hiện sự đấu tranh, chống cự của người nông dân dưới những áp bức, bất công của xã hội phong kiến.
Với cảm quan hiện thực mạnh mẽ, tác giả Ngô Tất Tố thực sự đã dự báo được trước cơn bão táp của quần chúng nông dân nổi dậy dưới sự tập hợp, lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ sẽ hất phăng chế độ thực dân phong kiến mục nát, đòi lại chế độ tự do, dân chủ công bằng hơn, tươi sáng hơn.
Mở bài Tức nước vỡ bờ trực tiếp số 3
Nổi tiếng trên lĩnh vực báo chí và văn chương trong giai đoạn đầu thế kỉ XX, tác giả Ngô Tất Tố với tác phẩm tiêu biểu trong trào lưu văn học hiện thực trước Cách mạng tháng Tám 1945 – “Tắt đèn”.
“Tức nước vỡ bờ” là đoạn trích thuộc chương XVIII của tiểu thuyết Tắt đèn, để đặt vào mạch chung của cuốn tiểu thuyết thì đây là chương truyện có những tình huống kịch tính được đẩy lên cao trào nhất. Mười bảy chương truyện trước đó đã thể hiện những phân cảnh cùng cực, khốn đốn của vợ chồng chị Dậu trong những ngày sưu thuế, thì đến phân đoạn này những tình tiết thực sự đỉnh điểm đã khiến sự kháng cự của chị Dậu bắt đầu được bộc lộ một cách rõ ràng và thuyết phục.
Mở bài Tức nước vỡ bờ trực tiếp số 4
Tác giả Ngô Tất Tố là nhà báo nổi tiếng, là một học giả có những công trình khảo cứu về triết học phương Đông và về văn học cổ có giá trị được ghi nhận. Ông còn là nhà văn có tâm có tài, luôn gần gũi với những người nông dân “thấp cổ, bé họng”. Trong tác phẩm “Tắt đèn” với cái nhìn tinh tế và ngòi bút sắc sảo, kỹ năng chọn lựa những nhân vật điển hình, nhà văn đã tái hiện hình ảnh thảm sầu của một vùng quê Việt Nam mùa sưu thuế, đồng thời đây cũng chính là bản “cáo trạng” kể về tội ác của bọn quan lại, địa chủ và cường hào ác bá thời thực dân – phong kiến.
Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” là đoạn trích nổi bật đem lại nhiều những ám ảnh và trăn trở cũng như kích động tinh thần tự vệ của những con người yếu thế trong xã hội xưa.
Mở bài Tức nước vỡ bờ trực tiếp số 5
Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” là câu chuyện khắc họa rõ nét sự tàn ác và bất nhân của xã hội thực dân phong kiến phản ánh xã hội thối nát lúc bấy giờ đẩy con người yếu thế vào hoàn cảnh khốn khổ.
Có lẽ chính nhà văn Ngô Tất Tố cũng không cầm được nước mắt khi khai thác sự phẫn nộ với giai cấp bóc lột và lòng thương người mênh mông qua việc khắc họa mỗi nhân vật.
Hình tượng nhân vật chị Dậu – một người phụ nữ Việt Nam kiên cường, giàu tình yêu thương với sức sống tiềm tàng mạnh mẽ, ngay cả trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất thì cuối cùng vẻ đẹp đó vẫn được tỏa sáng.
Cách mở bài Tức nước vỡ bờ gián tiếp
Mở bài Tức nước vỡ bờ gián tiếp số 1
Nhà văn tồn tại ở trên đời mang trách nhiệm giống như kẻ đi dệt ước mơ cho những con người cùng đường, bị cái ác hoặc số phận dồn họ đến chân tường. Những con người cả tâm hồn và thể xác đều bị hắt hủi và đọa đày đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào xã hội và cuộc đời.
“Nhà văn tồn tại ở trên đời để bênh vực cho những con người không có ai bênh vực.” – (Nguyễn Minh Châu)
Với hình tượng nhân vật chị Dậu trong tác phẩm “Tắt đèn” – tác giả Ngô Tất Tố đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh ấy. Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” là phân cảnh kịch tính và bộc lộ rõ nét nhất những chuyển biến tâm lý của nhân vật khiến đọc giả thực sự bị cuốn hút theo câu chuyện của nhân vật này.
Mở bài Tức nước vỡ bờ gián tiếp số 2
Văn học là cuộc đời và cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học. Mỗi nhà văn thực thụ đều ý thức được mối quan hệ chặt chẽ giữa văn học và đời sống. Đời sống là nguồn đề tài – không bao giờ vơi cạn cho những sáng tác mang sức ảnh hưởng lớn.
Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” thuộc chương XVIII của tiểu thuyết Tắt đèn – tác phẩm tiêu biểu nhất của tác giả Ngô Tất Tố, với cốt truyện “rất đời”, tình huống truyện kịch tính hấp dẫn, nghệ thuật kể chuyện hài hước châm biếm nhưng vô cùng khéo léo đã giúp tác phẩm này đi cùng năm tháng trong lòng đọc giả qua bao thế hệ vẫn giữ lại nguyên vẹn giá trị của nó.
Mở bài Tức nước vỡ bờ gián tiếp số 3
Xây dựng một hình tượng nhân vật chân thực đã vô cùng khó, nhưng để nhân vật đó có sức lay động và chiếm trọn trái tim người đọc còn khó hơn rất nhiều. Tuy nhiên tác giả Ngô Tất Tố vô cùng thành công trong việc khắc họa các nhân vật trong đoạn trích “Tức nước vỡ bờ”. Đặc biệt nhân vật chị Dậu của ông đã thực sự để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc về hình ảnh của một người phụ nữ rất mực dịu dàng nhưng cũng thông minh, sắc sảo. Dưới sự áp bức của xã hội, chị luôn chịu đựng, nhẫn nhục nhưng không thuộc loại người yếu đuối, chỉ biết than khóc. Qua ngòi bút của tác giả, hình ảnh chị Dậu hiện lên khỏe khoắn, quyết liệt ẩn chứa một khả năng phản kháng tiềm tàng.
Mở bài Tức nước vỡ bờ gián tiếp số 4
Tình huống kịch tính, khắc họa những tính cách sắc nét, đi sâu những cảnh áp bức bóc lột, những số phận thương tâm, tác giả Ngô Tất Tố đã thực sự thành công với cách xây dựng tình huống căng thẳng, thể hiện tập trung cao độ mối xung đột gay gắt trong xã hội ở nông thôn trước cách mạng trong đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” (trích Tắt đèn). Diễn biến mạch truyện dẫn đến tình huống bùng nổ dữ dội của nhân vật được tác giả diễn tả hợp lí, tự nhiên.
Để sau đó để lại ấn tượng, sự đồng cảm sâu sắc nơi người đọc một cách tự nhiên nhưng cũng lắng đọng vô cùng.
Mở bài Tức nước vỡ bờ gián tiếp số 5
Khi mà xã hội tàn bạo, vô lý và tàn nhẫn đến cực độ, người dân ắt phải phản kháng đấu tranh, không tránh được sự “nổi loạn” để đòi lại sự công bằng.
Tác phẩm Tắt đèn là một bức tranh thu nhỏ của nông thôn Việt Nam dưới thời Pháp thuộc dưới ngòi bút hiện thực sắc sảo của nhà văn Ngô Tất Tố. Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” miêu tả không khí ngột ngạt, căng thẳng của mùa sưu thuế, bộ mặt tàn ác của giai cấp thống trị và nỗi khốn cùng của người nông dân nghèo…
Hy vọng với 10 cách mở bài tác phẩm “Tức nước vỡ bờ” ấn tượng mà Hocmai chia sẻ sẽ giúp các bạn học sinh có thêm tài liệu tham khảo để áp dụng vào cách viết mở bài của mình hiệu quả nhất! Tham khảo ngay bộ tài liệu tổng hợp Soạn văn 8 để giúp các em học tốt bộ môn này hơn trong tương lai.