Bài tập về ẩn dụ (có lời giải)

0
54156
bai-tap-ve-an-du

 

Biện pháp tu từ ẩn dụ mặc dù đã được đưa vào chương trình học từ lớp 6 nhưng đối với nhiều em học sinh kể cả đang học THPT, cũng luôn là một thử thách đối với các em trong các bài kiểm tra ngữ văn. Dưới đây là một số bài tập về ẩn dụ từ cơ bản đến nâng cao để các em có thể hiểu rõ hơn về biện pháp tu từ này nhé.

Ẩn dụ là gì?

1. Khái niệm 

Ẩn dụ là một biện pháp tu từ gọi tên của sự vật, hiện tượng này bằng tên của sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng giữa 2 đối tượng về tính chất, trạng thái nhằm tăng sức gợi hình và gợi cảm cho sự diễn đạt.

2. Những hình thức ẩn dụ chính

  • Ẩn dụ hình thức:

Ẩn dụ hình thức là biện pháp tu từ mà qua đó giấu đi một phần ý nghĩa của sự vật hoặc sự việc mà từ đó biểu thị.

  • Ẩn dụ phẩm chất: 

Biện pháp tu từ ẩn dụ phẩm chất là sử dụng phẩm chất của sự vật, hiện tượng này để nói về phẩm chất của sự vật, hiện tượng khác mà có sự tương đồng với nhau.

  • Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác:

Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác chính là cách thức nhận biết bằng giác quan của một sự vật, hiện tượng được diễn đạt hoặc miêu tả lại  thông qua  từ ngữ để chỉ giác quan khác.

  • Ẩn dụ cách thức:

Đây là hình thức ẩn dụ mà thông qua đó, người viết gửi gắm được hai hoặc nhiều quan điểm khác nhau, điều đó biến cho câu từ trở nên đa nghĩa.

Chi tiết các kiến thức về phương pháp tu từ ẩn dụ, các em học sinh có thể tham khảo thêm bài viết: Ẩn dụ là gì?

Bài tập về ẩn dụ

Biện pháp tu từ ẩn dụ được sử dụng trong rất nhiều trong các điển tích, bài thơ, các câu ca dao – tục ngữ hay ngay cả trong các tác phẩm văn học,… Dưới đây là một số bài tập về ẩn dụ mà các em học sinh có thể tham khảo.

Bài 1: Hãy tìm phép ẩn dụ trong những câu thơ dưới đây:

a.

“Trăng cứ tròn vành vạnh

Kể chi người vô tình”

(Ánh trăng – Nguyễn Duy)

b.

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”

(Viếng lăng Bác – Viễn Phương)

Hướng dẫn giải

  1. Hình ảnh “trăng cứ tròn vành vạnh” ẩn dụ: trước sau như một, sự chung thủy, vẹn nguyên của thiên nhiên quê hương.
  2. Hình ảnh “mặt trời” trong câu thứ hai là một biện pháp tu từ ẩn dụ. Tác giả đã dùng hình ảnh “mặt trời” để chỉ Bác Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ dân tộc vĩ đại. Bác chính là ánh sáng dẫn lối cho dân tộc ta, giành lại độc lập và tự do cho Tổ quốc.

 

Bài 2: Người xưa có câu:

-Nói ngọt lọt đến xương.

-Nói nặng quá.

Ẩn dụ ở đây thuộc kiểu nào?

Một số ví dụ tương tự?

Hướng dẫn giải

– Đây là kiểu ẩn dụ chuyển đổi cảm giác – lấy vị giác để chỉ thính giác.

– Một số ví dụ khác như:

+ giọng chua, giọng ấm,…

+ Nói nhẹ, nói đau,…

+ màu nóng, màu lạnh,…

 

Bài 3: Các từ “kim cương”, “ngôi sao sáng” trong các câu thơ sau có phải là biện pháp tu từ ẩn dụ không? Phân tích giá trị?

“Nghe dào dạt mười bốn triệu Miền Nam đang tỉnh thức

Khôn! Ba mươi triệu kim cương của thiên hà Tổ quốc

Không! Hàng nghìn triệu ngôi sao sáng anh em đang chiếm lĩnh bầu trời

Hứa một mùa gặt lớn ngày mai.”

Hướng dẫn giải

– Những từ “Kim cương”, “ngôi sao sáng” trong đoạn trích là ẩn dụ để biểu thị những cái quý giá trong nhân phẩm, tính cách con người.

Bài 4: Các em hãy nêu ra ý nghĩa của những phép ẩn dụ trong những câu thơ sau:

a. “Về thăm nhà Bác làng sen

Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng”

Trong ví dụ trên, từ “thắp” chính là ẩn dụ hình thức để ám chỉ hình ảnh “nở hoa” (cụ thể là nói về hoa râm bụt nở hoa).

b. “Mẹ tôi mái tóc bạc,

mẹ tôi lưng đã còng…

Thay vì nói trực tiếp tuổi của mẹ đã già, ở đây đã sử dụng ẩn dụ phẩm chất – lấy hình ảnh “mái tóc bạc” và hình ảnh “lưng đã còng”, giúp cho người đọc có thể ngầm hiểu được rằng người mẹ ấy đã có tuổi.

c. “Trời hôm nay nắng giòn tan.”

Hình thức ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được sử dụng trong trường hợp này với mục đích diễn tả cái nắng chói chang, mọi thứ dường như có thể cháy khô đến giòn tan. Ở đây, tác giả đã sử dụng giác quan về thị giác để cảm nhận về ánh nắng, nhưng khi miêu tả trong câu lại sử dụng từ “giòn tan” – từ được sử dụng cho vị giác.

d. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.”

Câu trên có thể được hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là “kẻ trồng cây” là ám chỉ người lao động, những người đã làm ra thành quả để thế hệ, người sau thừa hưởng hay sử dụng (ăn quả). Nghĩa thứ hai là muốn nhắc nhở chúng ta phải nhớ đến công lao của họ, những người đã tạo ra những thành quả để chúng ta thừa hưởng và sử dụng ngày nay.

 

Bài 5: Bài tập trắc nghiệm:

Câu 1: Câu nào dưới đây có sử dụng biện pháp ẩn dụ?

  1. Mẹ đã đi làm về
  2. Bông hoa nở rộ
  3. Màu này nóng quá
  4. Tiếng cười rộn vang

Đáp án: C. Màu này nóng quá (phép ẩn dụ ở từ “nóng”)

Câu 2: Những kiểu ẩn dụ thường gặp là:

  1. Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác
  2. Ẩn dụ phẩm chất, ẩn dụ cách thức
  3. Ẩn dụ hình thức
  4. Cả A, B, C

Đáp án: D. (Cả A, B, C)

Câu 3: Hình ảnh mặt trời được sử dụng trong những câu dưới đây, hình ảnh nào là phép ẩn dụ?

  1. Mặt trời mọc ở hướng Đông
  2. Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
  3. Mặt trời lặn ở đằng Tây
  4. Cả A, B, C

Đáp án: B. Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ (Phép ẩn dụ ở từ “mặt trời”)

Mong rằng những bài tập về ẩn dụ trên giúp cho các em học sinh giải đáp mọi thắc mắc về biện pháp tu từ này. Ngoài ra, các em có thể truy cập đường link https://hoctot.hocmai.vn/ để xem thêm nhiều kiến thức bổ ích nữa nhé. Chúc các em học tập thật tốt!