Chỉ từ – Khái niệm, vai trò, và bài tập vận dụng

0
6626
chi-tu

Xin chào các em học sinh thân mến, chúng ta lại đến với một bài học mới nữa rồi, các em đã sẵn sàng chưa nào. Ở bài viết này, HOCMAI sẽ gửi tới các em kiến thức về chỉ từ, chắc hẳn các em đã biết đến kiến thức này rồi nhưng không phải bạn nào cũng nắm rõ lý thuyết và làm bài tập về chỉ từ mà không có chút sai sót nào. Hãy cùng nhau ôn lại các em nhé!

I. Khái niệm chỉ từ là gì?

Chỉ từ là các đại từ chỉ định, có chức năng chỉ, trỏ vào các sự vật, hiện tượng, giúp cho người đọc xác định được sự vật, hiện tượng đó trong một khoảng thời gian và không gian nhất định. Chỉ từ là một trong những từ loại trong từ vựng tiếng Việt được sử dụng cả trong văn nói và văn viết.

Một số chỉ từ thường dùng là: này, nọ, kia, kìa, đấy, ấy, đó, đây,…

II. Phân loại chỉ từ

Dựa vào mục đích sử dụng của người nói, chỉ từ được chia làm ba loại: 

  1. Chỉ từ chỉ vị trí: là những từ được dùng để chỉ mối quan hệ về không gian của sự vật được nói tới với người nói. Cách diễn giải khác, chỉ từ chỉ vị trí được dùng để định vị sự vật trong mối tương quan với người nói, người nghe hoặc giữa những sự vật với nhau. Đó là các từ: này, kia, kìa, ấy, đấy, đó, nọ, đây.
  • Chỉ từ chỉ vị trí khi sử dụng cần phải có vật quy chiếu. Vật quy chiếu ấy có thể là sự vật được người nói, người nghe đề cập tới hoặc vật quy chiếu cũng chính là người nói, người nghe.

Ví dụ: “Tôi không thích đôi giày này”. Chỉ từ “này” cho thấy vị trí của người nói đang ở gần đôi giày được nói đến.

  • Các chỉ từ chỉ vị trí vừa được dùng để chỉ vị trí xác định vừa để chỉ vị trí không xác định.

Ví dụ: “Tôi ra đằng này một chút”. Từ “này” ở đây vừa được sử dụng để chỉ địa điểm xác định vừa được dùng để chỉ địa điểm không xác định.

  1. Chỉ từ chỉ thời gian: là những từ được dùng để chỉ mối quan hệ thời gian của sự vật được nói tới. Đó là các từ: này, nay, kia, kìa, ấy, đấy, nọ, đây, bây giờ, bấy giờ, giờ.

Ta có thể thấy nhiều chỉ từ chỉ vị trí cũng là chỉ từ chỉ thời gian.

  • Chỉ từ chỉ thời gian có thời điểm quy chiếu. Thời điểm quy chiếu là một mốc thời gian, một thời điểm mà hành động được nhắc tới trong câu diễn ra. Những từ đó là:  đấy, ấy, đó, bây giờ.

Ví dụ: “Trước đây, đường phố đông đúc hơn bây giờ”.

  • Các chỉ từ dùng để chỉ một thời điểm nào đó đã xác định cụ thể hoặc không xác định được một cách cụ thể trong tương lai: kia, kìa.

Ví dụ: “Một ngày kia chúng tôi sẽ trở lại Hà Nội”.

  1. Chỉ từ đặc biệt: Những từ dùng để thay thế cho một trạng thái/sự kiện đã được nêu ra ở một đơn vị ngôn ngữ khác (từ, một vế câu, một câu hoặc một số câu). Đó là các từ: thế, vậy.

Ví dụ: Bạn giải bài như vậy là sai rồi.

III. Vai trò của chỉ từ

Chỉ từ có thể đảm nhiệm ba nhiệm vụ chính trong câu: Chỉ từ làm phụ ngữ, chỉ từ làm trạng ngữ, chỉ từ làm chủ ngữ.

1. Chỉ từ làm phụ ngữ trong câu

Ví dụ: “Ngôi nhà đó từ trước đến nay đều được mọi người trong gia đình trân trọng”.

Trong câu này, từ “đó” là chỉ từ có vai trò phụ ngữ đứng sau và bổ nghĩa cho danh từ “ngôi nhà”.

2. Chỉ từ làm trạng ngữ trong câu

Ví dụ: “Bữa kia, ba tôi hái được rất nhiều cà chua ngoài vườn”. 

Trong câu này, từ “kia” là chỉ từ đóng vai trò trạng ngữ bổ nghĩa thời gian cho “Bữa”.

3. Chỉ từ làm chủ ngữ trong câu

Ví dụ: “Đó không phải là điều mà tôi đang nói tới”.

Trong câu này, từ “đó” vừa là chủ ngữ, vừa là chỉ từ trỏ sự vật xác định theo không gian câu nói.

IV. Bài tập về chỉ từ

Bài tập 1: Em hãy viết một đoạn văn trong đó sử dụng ít nhất hai chỉ từ và phân loại những chỉ từ đó.

Bài mẫu:

Hôm nay cô giáo giao cho lớp chúng em một bài toán vô cùng khó. Bài này là một bài liên quan đến công thức lượng giác nâng cao. Cả lớp em ai nấy đều vò đầu bứt tóc, nghĩ mãi không ra. Tới giờ ra chơi, chúng em tiếp tục thảo luận và bàn bạc về bài toán  đó, cùng nhau tìm ra cách giải bài toán. Cuối cùng, bạn Giang, lớp trưởng của lớp đã tìm ra cách để giải bài và được cô giáo mời lên bảng chữa bài cho cả lớp. Bạn Giang chính là bạn học giỏi nhất và học chăm chỉ nhất lớp em. Chúng em đều rất ngưỡng mộ và coi bạn ấy như là tấm gương cho chúng em noi theo.

Chỉ từ đã được in đậm trong bài. Trong số đó thì “nay” là chỉ từ chỉ thời gian, “này”, “đó”, “ấy” là chỉ từ chỉ vị trí.

Bài tập 2: Các em hãy xác định chỉ từ trong những câu sau và phân loại.

  1. Chiếc bút chì này bị gãy rồi, bạn có thể cho mình mượn gọt bút chì được không?
  2. Ngày này năm sau là ngày cưới của chị gái tôi.
  3. Năm đó, chúng tôi đã ôm nhau và khóc vì biết sẽ không được gặp nhau nhiều. Tôi đi về Hà Nội còn người bạn ấy chuyển đến thành phố Hồ Chí Minh.
  4. Tôi rất mong đợi được tới ngày kia vì hôm đó là ngày khai trường.
  5. Bấy giờ, chúng tôi vẫn chưa lên đại học và còn chơi với nhau rất trong sáng.
  6. Tại sao ngày đó cậu không nói với tớ rằng cậu biết chơi đá bóng?
  7. Chiều hôm ấy, mẹ nói với tôi rằng mẹ sẽ tặng tôi một chiếc váy mới nếu tôi sắp xếp bàn học ngăn nắp.
  8. Nhìn kìa, cái giày kia thật đẹp cậu ạ.
  9. Mẹ ơi con muốn mua chiếc cặp sách này cơ.
  10. Cái đấy là bố mua hay mẹ mua vậy ạ? Tôi nghiêm trọng hỏi bố.

Hướng dẫn làm bài:

  1. Chiếc bút chì này bị gãy rồi, bạn có thể cho mình mượn gọt bút chì được không?

⇒ Chỉ từ chỉ vị trí.

  1. Ngày này năm sau là ngày cưới của chị gái tôi.

⇒ Chỉ từ chỉ thời gian.

  1. Năm đó, chúng tôi đã ôm nhau và khóc vì biết sẽ không được gặp nhau nhiều. Tôi đi về Hà Nội còn người bạn ấy chuyển đến thành phố Hồ Chí Minh.

⇒ “đó” là chỉ từ chỉ thời gian.

⇒ “ấy” là chỉ từ chỉ vị trí.

  1. Tôi rất mong đợi được tới ngày kia vì hôm đó là ngày khai trường.

⇒ “kia” là chỉ từ chỉ thời gian.

⇒ “đó” là chỉ từ chỉ thời gian

  1. Bấy giờ, chúng tôi vẫn chưa lên đại học và còn chơi với nhau rất trong sáng.

⇒ Chỉ từ chỉ thời gian.

  1. Tại sao ngày đó cậu không nói với tớ rằng cậu biết chơi đá bóng?

⇒ Chỉ từ chỉ thời gian

  1. Chiều hôm ấy, mẹ nói với tôi rằng mẹ sẽ tặng tôi một chiếc váy mới nếu tôi sắp xếp bàn học ngăn nắp.

⇒ Chỉ từ chỉ thời gian

  1. Nhìn kìa, cái giày kia thật đẹp cậu ạ.

⇒ “kìa” là chỉ từ chỉ vị trí.

⇒ “kia” là chỉ từ chỉ vị trí.

  1. Mẹ ơi con muốn mua chiếc cặp sách này cơ.

⇒ Chỉ từ chỉ vị trí.

  1. Cái đấy là bố mua hay mẹ mua vậy ạ? Tôi nghiêm trọng hỏi bố.

⇒ Chỉ từ chỉ vị trí.

Bài tập 3: Các em hãy đặt mười câu bất kỳ có sử dụng chỉ từ và nêu vai trò của chúng trong câu.

Hướng dẫn làm bài:

  1. Năm ấy, anh đã hứa sẽ mua cho em một con gấu bông thật to nhưng đến giờ anh ấy vẫn chưa thực hiện.

⇒ Chi từ làm phụ ngữ.

  1. Bấy giờ, tình hình cuộc chiến rất cam go, dù có lo sợ nhưng tất cả chiến sĩ chúng tôi đều quyết tâm chiến đầu giành lại độc lập Tổ quốc.

⇒Chỉ từ làm trạng ngữ.

  1. Ngày nọ, tôi vô tình đi ngang qua nhà của Lan và thấy bạn ấy đang tập múa ba lê. 

⇒Chỉ từ làm phụ ngữ.

  1. Đây này, bạn đã thấy chưa?

⇒Chỉ từ làm trạng ngữ.

  1. Mười ba năm ấy là quãng thời gian đẹp nhất của tôi cùng với ngôi nhà này.

⇒ Chỉ từ làm phụ ngữ.

  1. Đó là cái đẹp nhất.

⇒ Chỉ từ làm chủ ngữ.

  1. “Người thanh niên kia hãy đứng lại” công an la lớn.

⇒ Chỉ từ làm phụ ngữ.

  1. Đôi bàn tay ấy đã nuôi lớn tôi từng ngày.

⇒ CHỉ từ làm phụ ngữ.

  1. Này có nghĩa là gì vậy?

⇒ Chỉ từ làm chủ ngữ.

  1. Bạn giờ đã là bạn thân nhất của tôi.

⇒ Chỉ từ làm phụ ngữ.

Bài viết liên quan các em học sinh có thể tham khảo:

Vậy là bài học chỉ từ đã kết thúc. Các em học sinh thấy có dễ dàng không nào? Chúng ta hãy kiếm thêm thật nhiều bài tập để luyện thêm tại nhà, điều đó sẽ giúp các em nắm chắc kiến thức hơn. Các em đừng quên truy cập hoctot.hocmai.vn để tìm thêm những bài học thú vị tương tự cho mình nữa nhé!