Động từ là gì? Các dạng bài tập về động từ

0
32033

Cô Trần thị Vân Anh, giáo viên Tiếng Việt tại HOCMAI giải đáp các vấn đề liên quan bài tập về động từ: Cách ghi nhớ dễ dàng các kiến thức về động từ thông qua sơ đồ tư duy, làm quen với ba dạng bài tập cơ bản về từ loại trong Tiếng Việt 4.

Bài tập về loại từ không chỉ là một nội dung trong phần luyện từ và câu, mà còn là vấn đề quan trọng để xây dựng kỹ năng dùng từ và hành văn. Động từ là loại từ vựng Tiếng Việt cơ bản và quan trọng thường xuyên đi kèm với danh từ để tạo thành câu. Để học sinh có được kiến thức tổng quan và phân dạng về động từ, cô Trần Thị Vân Anh đã có những hướng dẫn chi tiết ở dạng bài này qua video bài giảng dưới đây.

Khái niệm về động từ, động từ là gì?

Cô Vân Anh chia sẻ: “Thực chất các em học sinh đã được tiếp xúc với bài tập về động từ ở nội dung về từ chỉ hoạt động và từ chỉ trạng thái (chương trình lớp 2,3). Tới chương trình lớp 4, những từ chỉ hoạt động và trạng thái này sẽ được gọi là động từ”.

Khái niệm về động từ:

Trong từ vựng Tiếng Việt động từ là từ loại quan trọng và xuất hiện rất nhiều trong cả trong giao tiếp và văn viết. Mặc dù động từ là một khái niệm phổ thông nhưng để hiểu rõ động từ là gì thì nhiều bạn học sinh tiểu học hay ngay cả THCS chưa đưa ra được định nghĩa chính xác dẫn đến chưa chính xác trong quá trình sử dụng. Hiện nay theo SGK của Bộ GD&ĐT đã định nghĩa:

Động từ là những từ chỉ trạng thái, hoạt động của sự vật, hiện tượng…

Có thể hiểu theo cách đơn giản hơn thì những sự vật nào có trạng thái chuyển động, di chuyển hay thay đổi vị trí thì những từ chỉ trạng thái hoạt động đó là động từ. Bên cạnh đó, những thay đổi về mặt tâm lý, tình cảm, trạng thái cũng là động từ.

Ví dụ:                                                                     

Hoạt động: bay, chạy, nhảy, đi, làm,…

Trạng thái: yêu, ghét, ngủ, nghỉ,…

Cùng tham khảo video bài giảng của cô Trần Thị Vân Anh ngay tại: https://www.youtube.com/watch?v=uFzyWDtqLBs&feature=youtu.be

Các loại động từ thường gặp

Phân loại động từ: Cũng giống như danh từ được phân ra thành hai dạng (danh từ chỉ sự vật và danh từ chỉ đơn vị), động từ cũng bao gồm hai loại cơ bản, để học sinh dễ ghi nhớ và theo dõi, cô Vân Anh đã xây dựng sơ phân dạng động từ:

Dựa vào sơ đồ trên ta thấy: động từ bao gồm động từ chỉ hoạt động và động từ chỉ trạng thái. Trong đó:

Động từ chỉ hoạt động

Động từ chỉ hoạt động để chỉ các hoạt động mà ta dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường hoặc cảm nhận được qua các giác quan).

Ví dụ về động từ chỉ hoạt động: Đi, đá,

Động từ chỉ trạng thái

Động từ chỉ trạng thái là những từ chỉ hoạt động mà ta không thể nhìn thấy hay cảm nhận được bằng giác quan thông thường.

Ví dụ về động từ chỉ trạng thái: Yêu, thương, quên,…

Ngoài ra, động từ thường đi kèm với các từ: đã, sẽ, đang,… Đây cũng là một trong những từ được sử dụng để nhận biết động từ trong câu.

Ví dụ: Mẹ đã về/Bố đang đi làm/Tôi sẽ đi ngủ,…

Chức năng của động từ trong câu

  • Trong một câu hoàn chỉnh động từ thường có chức năng chính làm vị ngữ của câu, có chức năng chính là bổ sung ý nghĩa cho tính từ hoặc danh từ

Ví dụ:  Mặt trời đang mọc trên mặt biển

Trong câu động từ “ đang mọc” có tác dụng bổ sung ý nghĩa cho danh từ mặt trời.

  • Bên cạnh đó động từ cũng có một số chức năng khác trong câu bao gồm có:

+ Động từ đóng vai trò làm chủ ngữ trong câu đơn

Ví dụ: Lái xe là công việc hàng ngày của anh ấy

Động từ “lái xe” có vai trò là chủ ngữ của câu

+ Trong một số trường hợp đặc biệt, động từ còn có chức năng là định ngữ trong câu

Ví dụ: Máy bay đang bay qua nhà tôi.

Động từ “đang bay” đóng vai trò là định ngữ trong câu.

+ Động từ còn có thể đóng vai trò là trạng ngữ trong câu

Ví dụ: Làm vậy, anh ấy cảm thấy không ổn với lương tâm.

Động từ “làm vậy” đóng vai trò là trạng ngữ của câu

 

Các dạng bài cơ bản về động từ

Để học sinh có thể luyện tập và thực hành vững hơn, cô Vân Anh đã đưa ra và giải quyết một số bài tập điển hình liên quan đến động từ, bao gồm ba dạng cơ bản sau:

Dạng 1: Xác định động từ trong đoạn văn cho trước (bài tập nhận biết).

Đây là dạng bài tập cơ bản giúp học sinh ôn luyện và vận dụng khái niệm để xác định từ loại chính xác. Yêu cầu đề bài thường ở dạng liệt kê các động từ xuất hiện và có thể đi kèm một số yêu cầu khác nữa. Học sinh phải xác định đúng và không được bỏ sót các động từ xuất hiện trong bài, đồng thời nên căn cứ lý thuyết và dấu hiệu đã học để tìm đúng và đủ yêu cầu.

Ví dụ: Tìm các động từ có trong đoạn văn sau:

“Trên nương, mỗi người một việc, người lớn thì đánh trâu ra cày. Các cụ già nhặt cỏ, đốt lá. Mấy chú bé đi tìm chỗ ven suối để bắc bếp thổi cơm. Các bà mẹ cúi lom khom tra ngô”.

Đáp án: “đánh”, “cày”, “nhặt”, “đốt”, “đi tìm”, “bắc”, “thổi”, “cúi”, “tra”.

Dạng 2: Xác định từ thuộc động từ chỉ trạng thái hay động từ chỉ hoạt động (bài tập phân loại động từ).

Bài tập này thường nằm trong yêu cầu thêm sau khi học sinh đã xác định được động từ trong bài. Để làm đúng, ta căn cứ vào đặc điểm của hai loại động từ:

Động từ chỉ hoạt động – nhìn thấy bằng mắt hoặc cảm nhận được qua giác quan khác.

Động từ chỉ trạng thái – không nhìn hay cảm nhận được.

Để dễ hình dung, phụ huynh có thể giúp con vận dụng vào thực tế bằng cách làm mẫu các hoạt động bên ngoài như chạy, đi, nhảy… (động từ chỉ hoạt động) để con phát hiện chúng, từ đó phân biệt với loại vận động không thể hiện ra ngoài (động từ chỉ trạng thái).

Ví dụ: Phân loại động từ có trong các câu sau:

“Mẹ đang đi chợ Đồng Xuân” => “Đi”: động từ chỉ hoạt động

“Cha giận tôi nhiều nhưng không hề mắng tôi”. => “giận”: động từ chỉ trạng thái, “mắng”: động từ chỉ hoạt động.

Dạng 3: Bài tập phân loại từ (bài tập tổng hợp).

Dạng tổng hợp là bài tập thường xuyên xuất hiện và cũng là dạng nâng cao nhất trong các bài về loại từ. Học sinh phải có đầy đủ kiến thức về các từ loại khác nhau và phân biệt chúng thật rõ ràng. Trong đó, danh từ và động từ là hai từ loại cơ bản nhất. Để học sinh dễ dàng phân biệt danh từ và động từ, cô Vân Anh đưa ra lưu ý về đặc điểm nhận dạng tiêu biểu giữa chúng:

Danh từ thường đi sau các từ  chỉ số lượng (gọi là từ kiểm chứng) như: một, mỗi, thứ nhất, tất cả,…

Động từ thường đi kèm các từ mang tính chất về thì như: đã, sẽ, đang, sắp,…

Ví dụ: Tìm danh từ và động từ nếu có trong đoạn văn sau:

“Mỗi ngày, mẹ sẽ thức dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị bữa sáng cho gia đình”

“ngày” là danh từ, đi liền trước có từ kiểm chứng “mỗi”.

“thức dậy” là động từ, đi liền trước là từ “sẽ” để bổ nghĩa cho động từ.

Nắm chắc lý thuyết và luyện tập khoa học là phương pháp học hiệu quả giúp học sinh hiểu và ghi nhớ sâu bài học. Với cách trình bày khoa học, sử dụng sơ đồ để đơn giản hóa kiến thức và giải quyết sáu bài tập cơ bản về động từ  video bài giảng về chuyên đề động từ của cô Vân Anh sẽ là nội dung hữu ích giúp học sinh ôn tập, giành trọn điểm bài kiểm tra.

Đừng để con tạo lỗ hổng kiến thức vì bỏ quên các bài học sau những ngày hè vui chơi. Cha mẹ tham khảo ngay Chương trình Học Tốt với các khóa học từ cơ bản đến nâng cao cho con thỏa sức học tập, bứt phá năm học mới nhé!

Tham khảo thêm:

Danh từ là gì