Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố nghị luận chi tiết Ngữ văn 9

0
9817
soan-bai-luyen-tap-viet-doan-van-tu-su-co-su-dung-yeu-to-nghi-luan

Người viết có thể kết hợp và sử dụng yếu tố nghị luận trong khi viết một bài văn tự sự. Chính vì điều đó, trong chương trình Ngữ Văn lớp 9, các em học sinh sẽ được thực hành luyện tập bằng việc viết đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố nghị luận. Để chuẩn bị tốt nhất, HOCMAI xin gửi đến các em bài viết hướng dẫn Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố nghị luận.

 

Bài viết tham khảo thêm:

 

I. Thực hành tìm hiểu yếu tố nghị luận trong đoạn văn tự sự

Câu 1 | Trang 160 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1

Đọc đoạn văn ở trong Sách giáo khoa

soan-bai-luyen-tap-viet-doan-van-tu-su-co-su-dung-yeu-to-nghi-luan-1

Câu 2 | Trang 160 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1

Yếu tố nghị luận được thể hiện ở những câu nào ở đoạn văn trên? Chỉ ra vai trò của các yếu tố đó trong việc làm nổi bật nội dung cho đoạn văn.

Gợi ý:

– Yếu tố nghị luận trong đoạn văn trên thể hiện ở những câu văn:

  • “Những điều viết lên cát sẽ mau chóng bị xóa nhòa theo thời gian … trong lòng người”
  • “Vậy mỗi chúng ta hãy nên học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát và hãy khắc ghi những ân nghĩa lên đá”

– Vai trò của các yếu tố đó trong việc làm nổi bật nội dung của đoạn văn => Giúp cho câu chuyện giàu tính triết lí và thêm sâu sắc hơn.

 

II. Thực hành viết đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố nghị luận

Câu 1 | Trang 161 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1

Viết đoạn văn ngắn kể lại một buổi sinh hoạt lớp. Trong buổi sinh hoạt lớp ấy, em đã phát biểu những ý kiến để chứng minh Nam chính là người bạn rất tốt. 

Gợi ý:

Nội dung chính cần xác định được:

  • Buổi sinh hoạt lớp được diễn ra như thế nào: Địa điểm, thời gian, thành phần tham dự,…
  • Nội dung chính của buổi sinh hoạt: Vấn đề em đã phát biểu, nguyên nhân vì sao lại phát biểu,…
  • Em đã đưa ra ý kiến thuyết phục Nam chính là một người bạn tốt như thế nào?

Đoạn văn mẫu 1:

Hôm qua là ngày thứ sáu, cô giáo chủ nhiệm đã yêu cầu lớp tôi tổ chức một buổi sinh hoạt lớp vào cuối buổi chiều. Mục đích của buổi sinh hoạt lớp là để tổng kết lại những thành tích của lớp đã đạt được và những hạn chế trong tháng vừa qua. Đến với hạng mục “Anh hùng của tháng” – Tôi đã đại diện các bạn trong tổ 4 đề cử bạn Nam – Một thành viên của tổ. Tôi đã đưa ra ý kiến để thuyết phục cả lớp hãy bầu chọn cho Nam vì cậu ấy là một người bạn rất tốt. Tôi đã chứng minh nhận định đó qua những dẫn chứng cụ thể bao gồm: Nam là một học sinh sở hữu thành tích học tập tốt; bạn thường xuyên tham gia các hoạt động tập thể, hay giúp đỡ mọi người: giảng bài, kèm cặp cho những bạn học kém trong lớp, tiết kiệm tiền để ủng hộ cho trẻ em nghèo, ủng hộ sách vở cũ cho các em học sinh lớp dưới có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt nhất là trong suốt tháng vừa qua, chắn hẳn không ai trong cả lớp quên được hình ảnh khi bạn Nam cõng bạn Hoàng – Bị gãy chân tới trường học. Bởi vậy, Nam chính là tấm gương về lòng tốt ở trong lớp học, rất xứng đáng với danh hiệu “anh hùng của tháng”.

Đoạn văn mẫu 2:

Buổi sinh hoạt hôm ấy luôn xuất hiện trong kí ức làm em không bao giờ quên. Nguyên do là vào giờ ra chơi ngày hôm đó, hai bạn Huy và Nam có xảy ra cuộc ẩu đả dữ dội. Lý do vì bạn Nam đã vô tình không nộp lại bài kiểm tra của bạn Thắng cho giáo viên. Giờ sinh hoạt đến mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía Nam thể hiện một thái độ bất bình và rất nhiều bạn đã lên tiếng kết tội. Bạn Nam chỉ cúi đầu im lặng và nghe mọi người phán xử chứ không hề thanh mình hay giải thích gì cả. Em đã đứng lên phát biểu, em đã làm cho tất cả mọi người trong lớp bất ngờ sửng sốt ngay từ lời mở đầu: “Nam không phải là người có lỗi trong việc này mà Nam chính là người bạn tốt”. Mọi người đều đổ dồn ánh mắt về em và chăm chú theo. Tâm trạng của em lúc đó khá run và xúc động, em tự trấn an bản thân: Phải thật bình tĩnh, bởi vì mình đang bảo vệ cho lẽ phải, mình đang minh oan cho một người bạn tốt thì không có gì phải run sợ”. Em bắt đầu đưa ra các lập luận: Thứ nhất, ở trong lớp từ trước tới nay bạn Nam chưa bao giờ gây sự, xảy ra mâu thuẫn với ai. Thứ hai, việc làm đó chỉ là sự vô tình. Thứ ba, Nam đã xin lỗi Thắng ngay sau khi sự việc xảy ra và giúp Thắng nộp lại bài. Chúng ta không thể cứ thế kết tội một người bạn như vậy. Sau khi em vừa dứt lời thì tiếng vỗ tay của cả lớp vang lên như sấm, kèm theo đó là những lời tán thưởng: “Đồng ý ! Đồng ý !” Nam nhìn em với ánh mắt trìu mến, đầy biết ơn.

Câu 2 | Trang 161 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1

Viết đoạn văn ngắn kể lại các việc làm hoặc các lời dạy bảo giản dị nhưng sâu sắc của người bà kính yêu. 

Gợi ý:

Nội dung chính cần được đảm bảo:

  • Đối tượng được kể đến: Người bà
  • Hoàn cảnh diễn ra điều đó như thế nào?
  • Những việc làm, những lời dạy bảo của bà là gì?
  • Bài học mà bản thân đã rút ra được qua những việc làm, lời dạy đó.

Đoạn văn mẫu 1:

Năm nay bà ngoại của tôi đã ngoài bảy mươi tuổi, tuy vậy nhưng bà vẫn còn đang minh mẫn lắm. Mỗi lần khi được về quê thăm bà, tôi lại cảm thấy vô cùng vui vẻ và thích thú. Bởi tôi đã được học rất nhiều câu chuyện, bài học bổ ích từ bà ngoại. Tại nhà bà ngoại có một vườn cây rộng lớn với đa dạng cây trái như na, ổi xoài,… Vào mỗi buổi sáng, tôi dậy thật sớm để cùng bà ra thăm vườn cây sai trĩu quả của bà. Bà tẩn mẩn dạy tôi cách chăm sóc mỗi một loại cây như thế nào để chúng có thể nhanh ra quả. Mặc dù tôi không thể nào nhớ hết được tất cả những kiến thức ấy, nhưng qua cách chăm sóc cây cối rất cẩn thận của bà, tôi biết trân trọng hơn từng quả ngọt mà mình được thưởng thức và thêm yêu quý thiên nhiên hơn. Không chỉ vậy, bà ngoại còn dạy tôi nấu ăn. Bà bảo với tôi rằng: “Là con trai dù cho thế nào cũng phải biết nấu một vài món ăn đơn giản mới có thể tự chăm sóc tốt cho bản thân mình mà không cần phải phụ thuộc vào người khác”. Đối với tôi, những bài học của bà ngoại tuy đơn giản nhưng lại rất ý nghĩa.

Đoạn văn mẫu 2:

Bà nội tôi, người bà hiền hậu thân thương luôn hiển hiện bên trong tâm trí tôi. Những lúc rảnh rỗi, bà nội thường dạy cho tôi học bài. Có một lần khi đang dạy tôi làm phép chia, bà nói: “Trong cả bốn phép tính nhân chia cộng trừ thì phép chia là khó nhất. Có những người khi lớn lên, đã thành đạt rồi mà vẫn không thể làm nổi phép tính chia thông thường”. Tôi cứ suy nghĩ mãi về câu nói đó… Mỗi khi có đồ ăn ngon, bà thường chia sẻ cho gia đình tôi và những người hàng xóm xung quanh. Có người bảo rằng bà dại nhưng bà hay nói với tôi là: “Biết chia sẻ với những người xung quanh cũng là một cách để cộng lấy niềm vui, nhân lên niềm hạnh phúc cho mình và trừ đi những nỗi lo lắng trong lòng. Cháu có thấy không, tính chia thật là kì diệu”. Phép tính chia của bà chỉ như thế thôi nhưng khiến cho những người hàng xóm được xích lại gần nhau hơn. Phép tính chia của bà, chia cả khổ đau bất hạnh, chia cả niềm hạnh phúc, chia cả sự cảm thông với tất cả mọi người chung quanh đã giúp tôi hiểu thêm ý nghĩa của cuộc sống nghĩa tình. Có phải chính vì vậy mà mỗi lần được ở cạnh bên bà, tôi lại cảm thấy được sự bình yên? Thì ra phép chia còn giúp con người ta trở nên cao đẹp! Bài học đó của bà tôi luôn mang theo bên mình, coi nó như là hành trang bước vào cuộc sống. Bà chính là một người tuyệt vời trong tôi.

 

Trên đây là bài viết hướng dẫn Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố nghị luận được biên soạn trước tiếp bởi HOCMAI. Các em học sinh hãy tham khảo thật kỹ nội dung bài viết trên và dùng tài liệu này để chuẩn bị phần soạn văn sắp tới trên lớp thật tốt nhé!