Đề cương ôn thi học kì 2 ngữ văn 9 mới nhất

0
21223
on-thi-hoc-ki-2-ngu-van-9

Bài viết dưới đây là bài Đề cương ôn thi học kì 2 ngữ văn 9 mới nhất. Những kiến thức và đề thi mẫu trong bài sẽ là những người đồng đội quý giá, giúp đồng hành cùng các em học sinh khối 9 trong quá trình ôn thi kỳ thi cuối kỳ. Các em tham khảo và ôn thi thật chăm chỉ nhé!

A. ÔN TẬP NGỮ VĂN 9 HỌC KÌ 2 – PHẦN VĂN BẢN

Các tác phẩm văn học lớp 9 học kì 2

TT Tác

Phẩm

Tác giả Năm Thể loại Những nét chính về
Nội dung, ý nghĩa Nghệ thuật
1 Viếng lăng Bác Viễn Phương 1976 Thơ

tám chữ

Niềm xúc động cùng với lòng thành kính sâu sắc của nhà thơ đối với Hồ Chủ tịch trong một chuyến từ Nam ra để viếng lăng Bác. Giọng điệu tha thiết, xúc động nhưng vẫn đầy sự trang trọng; sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp và gợi cảm xúc, ngôn ngữ cô đúc, bình dị.
2 Mùa xuân nho nhỏ Thanh Hải 1980 Thơ năm chữ Cảm xúc đối với mùa xuân của thiên nhiên và của đất nước, thể hiện ước nguyện đầy chân thành đóng góp phần mùa xuân nhỏ của đời mình (nhà thơ) vào mùa xuân chung của đất nước. Thể thơ năm chữ, có âm tiết nhạc điệu thiết tha, trong sáng, gần với hình ảnh dân ca; hình ảnh thơ đẹp giản dị, những ẩn dụ, so sánh đầy sáng tạo.
3 Sang thu Hữu Thỉnh 1977 Thơ năm chữ Cảm nhận đầy tinh tế của nhà thơ về khoảnh khắc thiên nhiên khúc giao mùa từ cuối hạ chuyển đầu thu. Cùng với đó là những đắn đo, suy tư về cuộc đời, con người và tình yêu với quê hương, niềm tin yêu đối với cuộc sống của nhà thơ. Nhịp thơ chầm chậm, âm điệu có phần nhẹ nhàng. Hình ảnh thơ đẹp, chút mộng mơ, đặc sắc và gợi cảm về thời điểm chuyển giao mùa hạ – thu ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Từ ngữ gợi cảm, gợi tả.
4 Nói với con Y Phương 1980 Thơ tự do Tình cảm đầy trìu mến, thương yêu, tin cậy, tha thiết của người cha người mẹ dành cho con mình và niềm tự hào, tình yêu với lịch sử, truyền thống và vẻ đẹp của quê hương. Giọng điệu tâm tình, thủ thỉ, thiết tha và đầy trìu mến. Xây dựng nên những hình ảnh thơ vừa có tính cụ thể vừa mang tính khái quát đầy mộc mạc mà vẫn giàu tính thơ.
5 Những ngôi sao xa xôi Lê Minh Khuê 1971 Truyện

Ngắn

Truyện ca ngợi vẻ đẹp của tâm hồn (trẻ trung, lãng mạn, duyên dáng, kiên cường, dũng cảm, gắn bó cùng với đồng đội…) của những người con gái thanh niên xung phong – thế hệ trẻ Việt Nam – trong cuộc kháng chiến chống bọn Mỹ ở Trường Sơn. – Kể ở ngôi thứ nhất, người kể là nhân vật trong truyện.

– Miêu tả, lột tả tâm lý nhân vật tinh tế, sinh động.

– Giọng văn tươi tắn, trẻ trung, ngôn ngữ nhân vật đậm tính chất khẩu ngữ, đối thoại tự nhiên. Lời trần thuật.

 

B. ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP NGỮ VĂN 9 HỌC KÌ 2 CHI TIẾT

I. Khởi ngữ

Cách nhận diện:

  • Là thành phần câu đứng phía trước thành phần chủ ngữ của câu có tác dụng nêu lên đề tài được nói đến ở trong câu.
  • Ở trước khởi ngữ thường có các từ như: về, với, đối với, còn về,..

Công dụng: Nêu lên chủ đề, đề tài của câu.

Ví dụ:

  • Đối với việc bạn đã làm, tôi không thể nào chấp nhận chuyện đó.
  • Đối với những bạn học sinh vượt khó, có ý chí, nhà trường sẽ tổ chức một buổi trao thưởng và tuyên dương.

II. Các thành phần biệt lập

Thành phần biệt lập Công dụng Đặc điểm
Là những bộ phận trong câu nhưng không tham gia diễn đạt nghĩa miêu tả trong câu. Tình thái Được sử dụng để thể hiện rõ nét hơn cách nhìn của người nói về  sự việc được nói đến ở trong câu. Thường được diễn đạt bằng những từ ngữ sau: dường như, hình như, có lẽ, chắc chắn, thì ra, có thể, nghe đâu, có vẻ như, nhé, nghe nói, ạ…
Cảm thán Được sử dụng để bộc lộ tâm lý, cảm xúc của nhân vật nói. Thường được diễn đạt bằng những từ ngữ cảm thán như sau: chao ôi, ôi, a, trời ơi, ối, than ôi,…
Gọi-đáp Được sử dụng để tạo lập hoặc để duy trì sự quan hệ giao tiếp. Thường đứng ở vị trí đầu câu; thường được diễn đạt bằng những từ như: dạ, này, nè,ơi, ừ, ê, vâng,…
Phụ chú Được sử dụng để bổ sung một vài chi tiết cho nội dung chính của câu.

Ngoài ra còn có những công dụng khác.

Thành phần phụ chú thường được đặt ở giữa hai dấu gạch ngang, ở giữa hai dấu phẩy, ở giữa hai dấu ngoặc đơn hoặc ở giữa một dấu gạch ngang với một dấu phẩy. Có lúc thành phần phụ chú còn được đặt ở sau dấu hai chấm.

III. Nghĩa tường minh và hàm ý

Tường minh: Là phần nội dung, thông báo được diễn đạt trực tiếp bằng ngôn từ, nói sao nghĩa là vậy, không có ẩn ý.

Hàm ý: Là phần thông báo, nội dung không được diễn đạt trực tiếp bằng từ ngữ câu, câu nói ấy có ẩn ý (hàm ý) cần phải suy luận ra.

Ví dụ:

Tường minh:

  • Trời sắp mưa rồi đấy!
  • Ra cất quần áo vào đi.
  • Mang theo áo mưa  đi.

Hàm ý:

Ôi phòng cậu lạnh thế! → câu này có thể hiểu là “cậu tắt điều hòa hộ tớ.”

IV. Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Phép liên kết câu → là cách sử dụng những từ ngữ, tổ hợp từ ngữ khác nhau nhưng cùng chỉ một đối tượng việc, người, hiện tượng, vật,… nhằm để thay thế cho nhau ở những câu khác nhau, qua đó tạo được sự liên kết giữa những câu chứa chúng.

C. ÔN TẬP PHẦN TẬP LÀM VĂN LỚP 9 HỌC KÌ 2

I. Ôn thi học kì 2 ngữ văn 9 – Phần nghị luận xã hội:

– Ôn tập, cách thức để viết một đoạn văn nghị luận xã hội về một hiện tượng, một sự việc trong đời sống; một tư tưởng, một đạo lý nhân sinh.

– Cấu trúc của đoạn văn bao gồm: mở đoạn (bài) – khai triển đoạn (bài) – kết thúc đoạn (bài).

– Thường sẽ có câu chủ đề ngắn gọn ở đầu đoạn hoặc ở cuối đoạn văn. Những câu triển khai đoạn có nhiệm vụ triển khai để làm sáng tỏ chủ đề của toàn đoạn. Câu kết thúc của đoạn thường rút ra được một bài học hoặc một ý nghĩa nhân sinh nào đó.

– Đoạn văn có thể được trình bày theo ba cách chính: quy nạp, diễn dịch, tổng-phân-hợp,…

Tham khảo thêm bài viết:

II. Ôn thi học kì 2 ngữ văn 9 – Phần nghị luận văn học:

Dựa theo những văn bản đã học ở trong chương trình Ngữ văn lớp 9 học kì II rèn luyện cách viết bài văn nghị luận văn học: Nghị luận về một đoạn thơ (bài thơ), Nghị luận về đoạn trích (tác phẩm truyện).

Tham khảo thêm bài viết:

III. Đề thi tham khảo ngữ văn 9 cuối học kì 2 

Đề tham khảo ôn thi học kì 2 ngữ văn 7

Đọc dữ liệu và trả lời những câu hỏi sau:

Một cô giáo ở trường công đã giúp cho tôi hiểu rõ ý nghĩa phức tạp nhưng cao quý của việc cho và nhận.

Khi nhìn vào cách tôi cầm sách ở trong giờ tập đọc, hiển nhiên cô giáo đã nhận thấy có gì đó không bình thường ở đây; cô liền thu xếp đưa tôi đi khám mắt. Cô giáo không đưa tôi đến bệnh viện mà dẫn tôi thẳng tới bác sĩ nhãn khoa riêng của cô ấy, không phải kiểu giúp đỡ làm việc thiện mà như với một người bạn vậy. Thật ra, tôi rất ngạc nhiên về hành động ấy đến nỗi không thể nhận biết được chuyện gì đã và đang xảy ra, cho tới một ngày kia cô giáo đưa cho tôi một cặp kính.

“Em không thể nhận được đâu. Em không có tiền trả đâu cô ạ”, tôi nói và cảm thấy xấu hổ vì hoàn cảnh nhà mình nghèo.

Cô liền kể chuyện xưa của cô cho tôi nghe: “Hồi cô còn nhỏ như em, một người hàng xóm đã mua cặp kính cho cô. Bà ấy bảo một ngày kia cô sẽ trả lại cặp kính đó bằng cách tặng kính cho một cô bé khác. Em có thấy không, cặp kính này đã được trả tiền ngay cả trước khi em ra đời.”

Thế rồi cô nói thêm với tôi những lời nồng hậu nhất mà chưa một ai từng nói với tôi: “Một ngày nào đó em sẽ mua một cặp kính cho một cô bé khác”.

Cô nhìn tôi như một người cho đi. Cô làm tôi trở thành người có trách nhiệm. Cô tin rằng tôi có thể có một cái gì đó để trao cho người khác. Cô chấp nhận rằng tôi như thành viên của cùng một thế giới mà cô giáo đang sống. Tôi bước ra khỏi căn phòng, giữ chặt chiếc kính ở trong tay, không phải như một kẻ vừa nhận lấy một món quà, mà là như một người chuyển tiếp món quà ấy cho kẻ khác với một tấm lòng tận tụy.

(Theo “Bin-li Đa-vít, trong Trái tim người thầy”, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, năm 2004)

Câu 1: Nêu lên phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?

Câu 2: Hãy xác định nội dung chính của văn bản trên?

Câu 3: Hãy đặt nhan đề phù hợp cho văn bản?

Câu 4: Hãy viết một bài văn nghị luận ngắn (khoảng chừng một mặt giấy thi) trình bày những suy nghĩ của em về bài học cuộc sống ý nghĩa mà em đã rút ra từ ngữ liệu có trong phần đọc hiểu trên.

Hướng dẫn trả lời:

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản là: Tự sự.

Câu 2: Nội dung chính của văn bản là: Văn bản kể câu chuyện về 1 người cô giáo đã giúp cho học sinh của cô (nhân vật tôi) hiểu rõ sâu sắc ý nghĩa của việc cho đi và nhận lại.

Câu 3: Đặt nhan đề cho văn bản (Học sinh tự đặt được nhiều nhan đề khác nhau, nhưng yêu cầu nhan đề bắt buộc phải thể hiện được nội dung của văn bản), Ví dụ như: Cho đi và nhận lại, ….

Câu 4:

Mở bài: Dẫn dắt vào bài; giới thiệu về vấn đề cần nghị luận ở đây: (cho và nhận…)

Thân bài: Trình bày, giải thích, chứng minh và làm rõ vấn đề.

Giải thích:

  • Cho là sự chia sẻ, giúp đỡ, thương yêu xuất phát từ tấm lòng chân thành của một người. Nhận là sự được đáp trả, sự được đền ơn.
  • Cho và nhận là một mối quan hệ nhân quả, tương hỗ tương trợ, bổ sung qua lại cho nhau.

Biểu hiện:

  • Sự sẻ chia và đỡ đần những mảnh đời khó khăn hơn mình, bất hạnh, đau khổ.
  • Chúng ta trao đi tình thương yêu và sẽ nhận lại được sự thanh thản và niềm vui, an lạc trong tâm hồn.
  • Điều nhận lại thì đôi khi không phải chỉ trong phút chốc, biểu lộ hiển hiện ngay trước mắt mà có khi phải là cả một quá trình.

Ý nghĩa: Cho và nhận là hai hành động đều đáng được ngợi ca với tinh thần là: “mọi người vì một người; một người vì mọi người”

Phê phán: Những kẻ có lối sống, lối tư duy, suy nghĩ tham lam, ích kỷ, chỉ nghĩ cho mình, sống tàn nhẫn, chỉ muốn vay, muốn nhận thật nhiều mà không muốn trả lại,không muốn cho đi.

Bài học: Cuộc sống của mỗi con người sẽ trở nên thật tầm thường nếu chỉ có biết nhận mà không biết trả lại/ cho đi. Cho đi là điều mà chúng ta nên làm thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày, đó đã chính là nhận lại. Mỗi người hãy cho đi thật nhiều hơn để nhận lại thật nhiều hơn.

Kết bài: Khẳng định lại ý nghĩa của bức thông điệp của sự cho đi và sự nhận lại,qua đó liên hệ với kinh nghiệm bản thân.

D. ĐỀ THI CUỐI KÌ 2 LỚP 9 MÔN VĂN CÓ ĐÁP ÁN

Bài viết tham khảo thêm:

Trên đây là bài viết Đề cương ôn thi học kì 2 ngữ văn 9 mà HOCMAI muốn gửi tới các em học sinh. Các em hãy coi bài viết này như là bí kíp gối đầu, bởi những kiến thức trong bài đã được HOCMAI chắt lọc rất kỹ càng, và sát sườn với phân phối chương trình trên trường của các em. Chúc các em ôn thi thật hiệu quả và đạt được điểm cao nhé!