Soạn bài Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ chi tiết Ngữ văn 9

0
2514
soan-bai-nghi-luan-ve-mot-doan-tho-bai-tho

Hướng dẫn Soạn bài Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ được HOCMAI tìm hiểu, tổng hợp và biên soạn đầy đủ các nội dung về kiến thức và chi tiết đáp án các câu hỏi trong Ngữ văn lớp 9. Hy vọng với qua bài viết này, các em học sinh sẽ có thể chuẩn bị bài soạn văn nhanh chóng và tốt nhất. 

 

Bài viết tham khảo thêm:

 

I. Kiến thức cần nắm về Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

Khái niệm và yêu cầu của bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

a) Khái niệm

Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ là trình bày những nhận xét, đánh giá của bản thân về giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ đó.

b) Yêu cầu:

– Nội dung và nghệ thuật của một bài thơ, đoạn thơ được thể hiện qua hình ảnh, ngôn từ, giọng điệu,… Một bài nghị luận cần phải phân tích các yếu tố ấy để có được những nhận xét, đánh giá cụ thể và xác đáng.

– Bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ cần phải có bố cục mạch lạc và rõ ràng; có lời văn gợi cảm để thể hiện những rung động chân thành của người viết.

Các dạng đề bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

Có 4 dạng bài thường được người ra đề sử dụng khi ra đề làm một bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ là:

a) Dạng bài phân tích toàn bộ bài thơ

Ở dạng bài này, người ra đề thường lựa chọn những khóa cạnh hoặc một vấn đề nổi bật của bài thơ.

Ví dụ: Qua tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của tác giả Phạm Tiến Duật. Hãy phân tích hình ảnh người lính xuất hiện trong tác phẩm?

b) Dạng bài phân tích một đoạn thơ

Người ra đề thường chọn một đoạn thơ đặc sắc, nổi bật về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của bài thơ.

Ví dụ: Hãy viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về khổ thơ cuối cùng trong bài “Mùa xuân nho nhỏ” để làm rõ tình cảm của tác giả đối với quê hương, đất nước.

c) Dạng bài phân tích một hình ảnh có trong một đoạn thơ, bài thơ

Hình ảnh được người ra đề lựa chọn phải giàu giá trị nội dung và ý nghĩa biểu tượng.

Ví dụ: Ba câu kết của bài thơ “Đồng chí” do nhà thơ Chính Hữu sáng tác với hình ảnh “Đầu súng trăng treo” là một bức tranh đẹp về tình đồng chí, là  một biểu tượng đẹp đẽ về cuộc đời người lính. Em hãy viết một đoạn văn ngắn phân tích hình ảnh đặc sắc đó (khoảng 12 câu).

d) Dạng bài so sánh giữa hai đoạn thơ, bài thơ

Hai ngữ liệu được người ra đề lựa chọn sẽ mang nét tương đồng và gần gũi.

Ví dụ: Thanh Hải có viết trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”:

|“Ta làm con chim hót|

|Ta làm một nhành hoa|

|Ta nhập trong hòa ca|

|Một nốt trầm xao xuyến”|

Trong tư tưởng có những điểm gặp gỡ với nhà thơ Tố Hữu với bài thơ “Một khúc ca xuân”:

|”Nếu là con chim, chiếc lá|

|Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh|

|Lẽ nào có vay mà không có trả|

|Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”|

Em hãy so sánh hai khổ thơ trên đây để thấy được những điểm gặp gỡ của cả hai nhà thơ.

Trả lời câu hỏi | Trang 76 SGK Ngữ văn 9 | Tập 2

Đọc văn bản “Khát vọng hòa nhập, dâng hiến cho đời”  ở SGK và trả lời câu hỏi sau:

a. Văn bản này có vấn đề nghị luận là gì?
b. Văn bản trên nêu lên những luận điểm gì về hình ảnh của mùa xuân trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”? Những luận cứ nào được người viết sử dụng để làm sáng tỏ các luận điểm trên?
c. Chỉ ra phần Mở bài, phần Thân bài và phần Kết bài của văn bản. Từ đó đưa ra nhận xét của mình về bố cục của văn bản.
d. Cách diễn đạt được sử dụng trong từng đoạn của văn bản có làm nổi bật được các luận điểm hay không?

Gợi ý:

a. Vấn đề nghị luận: Hình ảnh về mùa xuân với ý nghĩa về niềm khát vọng hòa nhập, được dâng hiến cho đời trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải.

b.

– Những luận điểm về hình ảnh mùa xuân có trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ:

  • Hình ảnh về mùa xuân trong bài thơ của tác giả Thanh Hải mang nhiều tầng ý nghĩa, tất cả đều có sức gợi cảm và đáng yêu.
  • Bức tranh của mùa xuân với cả màu sắc lẫn thanh âm, hiện lên trong cảm xúc thiết tha, đằm thắm, trìu mến, dịu dàng.
  • Hình ảnh về “Mùa xuân nho nhỏ – Lặng lẽ dâng cho đời” thể hiện một khát vọng được hòa nhập và dâng hiến.

– Để làm sáng tỏ các luận điểm nói trên, người viết đã chọn bình giảng các câu thơ, các hình ảnh đặc sắc cũng như phân tích kết cấu và giọng điệu trữ tình của bài thơ.

c.

  • Mở bài: Từ đầu → “ước nguyện cống hiện thật đáng trân trọng”.
  • Thân bài: Tiếp theo → “các hình ảnh của mùa xuân” => Trình bày đánh giá, cảm nhận của người viết về hình ảnh mùa xuân và tình cảm thiết tha của nhà thơ Thanh Hải. Đây cũng chính là phần triển khai các luận điểm.
  • Kết bài: Phần còn lại => Đánh giá chung bài thơ và giữa các phần nói trên của văn bản đều có sự liên kết tự nhiên về cả mặt ý nghĩa lẫn diễn đạt.

d. Cách diễn đạt của người viết ở từng đoạn của văn bản đã làm nổi bật được luận điểm. Bài viết giàu cảm xúc giúp truyền đạt tinh tế những tình cảm, suy nghĩ của người viết.

 

II. Luyện tập

Trả lời câu hỏi | Trang 79 SGK Ngữ văn 9 | Tập 2

Ngoài những luận điểm đã nêu về hình ảnh của mùa xuân trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ ở văn bản trên, em hãy suy nghĩ và nêu thêm những luận điểm khác nữa về bài thơ đặc sắc này.

Gợi ý: 

Một số luận điểm khác: 

Bức tranh thiên nhiên về mùa xuân tươi đẹp trong óc tưởng tượng của tác giả:

  • Các hình ảnh đặc trưng về mùa xuân: sông xanh, hoa tím, bầu trời cao rộng,…
  • Âm thanh của tiếng chim chiền chiện.
  • Giọt long lanh: Sử dụng hình ảnh ẩn dụ chuyển đổi cảm giác độc đáo.

=> Tác giả đắm say trong mùa xuân của thiên nhiên đất trời với một tâm thế đón nhận và trân trọng.

– Vẻ đẹp của mùa xuân đất nước

  • Hình ảnh của lộc xuân trên “nương mạ”: Cuộc sống lao động, xây dựng đất nước của lực lượng sản xuất.
  • Hình ảnh người chiến sĩ cầm súng: Niềm tin vào một ngày mai hòa bình.
  • Từ láy “hối hả” và từ láy “xôn xao”: Thể hiện một nhịp sống lao động đầy vội vã, khẩn trương nhưng không kém phần nhộn nhịp, vui vẻ được kết hợp hài hòa với nhau.
  • Những hình ảnh đẹp đẽ, kì vĩ được so sánh với hình ảnh của đất nước.
  • Nhắc nhở mọi người nhớ về những ngày tháng gian khổ trong cách mạng.
  • Phụ từ “cứ” được kết hợp với động từ “đi lên” thể hiện một quyết tâm cao độ, hiên ngang tiến lên phía trước dù có khó khăn gian khổ.

=> Sự tin tưởng, lạc quan của nhà thơ ca ngợi sức sống, sự vươn lên mạnh mẽ của  dân tộc, đất nước cho dù phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ trước mắt. 

 

Bài viết này là toàn bộ nội dung hướng dẫn chi tiết Soạn bài Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ do HOCMAI biên soạn. Mong rằng với phần hướng dẫn trên, các em có thêm hiểu biết về bài Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ. Chúc các em có một bài soạn văn tốt nhất!