Cách làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) chi tiết Ngữ văn 9

0
9113
soan-bai-cach-lam-bai-nghi-luan-ve-tac-pham-truyen-hoac-doan-trich

Ở bài viết trước, HOCMAI đã tổng hợp và biên soạn tài liệu Soạn bài Soạn bài Nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) chi tiết để gửi đến các em học sinh. Trong bài viết Soạn bài Cách làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) này, HOCMAI sẽ cùng các em học sinh tìm hiểu cách làm kiểu bài nghị luận này và trả lời các câu hỏi trong SGK Ngữ văn 9.

 

Tham khảo thêm bài viết:

 

I. Đề bài Nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)

Lý thuyết cần nắm

a) Định nghĩa

Nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) là trình bày các nhận xét, đánh giá của chính mình về sự kiện, chủ đề, nghệ thuật hay nhân vật trong một tác phẩm cụ thể.

b) Yêu cầu khi làm bài Nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)

– Các đánh giá, nhận xét về truyện phải xuất phát từ số phận, tính cách, của nhân vật, ý nghĩa của cốt truyện, và nghệ thuật ở trong tác phẩm được người viết phát hiện ra và khái quát.

– Các đánh giá, nhận xét về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) trong một bài nghị luận phải đúng đắn, rõ ràng, có các luận cứ, luận điểm và lập luận phải thuyết phục.

– Một bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) cần phải có một bố cục mạch lạc, lời văn cần chuẩn xác và gợi cảm.

Trả lời câu hỏi: Trang 65 | SGK Ngữ văn 9 – Tập 2

Tìm hiểu 4 đề bài sau và trả lời các câu hỏi:

Đề 1: Suy nghĩ về thân phận của người phụ nữ trong xã hội xưa cũ qua hình tượng nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của tác giả Nguyễn Dữ.

Đề 2: Phân tích diễn biến cốt truyện ở truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân.

Đề 3: Suy nghĩ về thân phận của nàng Thuý Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều của nhà văn Nguyễn Du.

Đề 4: Suy nghĩ về cuộc sống tình cảm gia đình trong thời kỳ chiến tranh qua truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của tác giả Nguyễn Quang Sáng.

Câu hỏi:

a) Những đề bài này đã nêu ra vấn đề nghị luận gì của tác phẩm truyện?

b) Các từ “suy nghĩ”,phân tích” trong đề bài yêu cầu bài làm cần phải có sự khác nhau như thế nào?

Gợi ý:

a) Các vấn đề nghị luận được nêu ra trong 4 đề bài là:

  • Thân phận của người phụ nữ trong xã hội xưa cũ qua hình tượng nhân vật Vũ Nương ở tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương.
  • Diễn biến cốt truyện ở truyện ngắn Làng của Kim Lân
  • Thân phận của nàng Thúy Kiều ở đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều.
  • Đời sống tình cảm gia đình trong thời kỳ chiến tranh qua truyện ngắn Chiếc lược ngà của tác giả Nguyễn Quang Sáng.

b) Các từ “suy nghĩ”,phân tích” trong đề bài yêu cầu ở người đọc cần có những thao tác làm bài khác nhau. Cụ thể là:

  • Suy nghĩ: Cần thể hiện được những nhận định, suy nghĩ của mình về một vấn đề nào đó trong tác phẩm.
  • Phân tích: Cần phân tích một khía cạnh nào đó trong tác phẩm để từ đó rút ra được những giá trị của tác phẩm.

 

II. Các bước làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)

Giống như các thể loại văn nghị luận khác, để hoàn thiện một bài bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích), chúng ta cần phải thực hiện lần lượt 4 bước. Bao gồm:

Bước 1: Tìm hiểu đề và tìm ý

Cần xác định 3 yêu cầu chính:

– Yêu cầu về mặt nội dung: Tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) cần được bàn luận. Các ý chính cần được triển khai trong bài viết.

– Yêu cầu về phương pháp sử dụng: Các thao tác nghị luận chính ta cần sử dụng (phân tích, giải thích, chứng minh, bình luận,…)

– Yêu cầu về phạm vi của dẫn chứng: Trong một tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích).

Bước 2: Lập dàn bài

Dàn bài cần đảm bảo đầy đủ 3 phần của một bài văn nghị luận:

Mở bài: Giới thiệu về tác phẩm (tùy theo yêu cầu cụ thể được nêu ở đề bài) và đưa ra đánh giá sơ bộ, ý kiến của mình.

Thân bài: Nêu ra những luận điểm chính về nội dung, nghệ thuật của tác phẩm, có phân tích và chứng minh bằng các luận cứ tiêu biểu, xác thực.

Kết bài: Đưa ra đánh giá, nhận định chung của bản thân về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích.

Bước 3: Viết bài

– Triển khai bài viết theo hệ thống các luận điểm, luận chứng, luận cứ đã tìm hiểu và xây dựng (theo dàn ý). 

– Trong quá trình triển khai các luận cứ, luận điểm cần thể hiện được ý kiến riêng và  sự cảm thụ của chính người viết về tác phẩm.

– Giữa các đoạn, các phần của bài văn cần có sự liên kết một cách tự nhiên và hợp lí.

Bước 4: Đọc lại bài viết và sửa chữa

– Đọc lại toàn bộ bài viết một lần.

– Kiểm tra lại và sửa các lỗi cơ bản về: chính tả, dấu câu,…

Ví dụ: Lập dàn bài cho bài nghị luận: Phân tích đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”:

(1) Mở bài

– Giới thiệu tác giả Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều.

– Giới thiệu đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.

(2) Thân bài

a) Cảnh vật ở chốn lầu Ngưng Bích

Tác giả miêu tả khung cảnh thiên nhiên theo góc nhìn từ trên cao xuống:

  • “Khóa xuân”: 

Là khóa kín tuổi xuân, ý nói đến “cấm cung” (Người con gái trong nhà quyền quý trong xã hội xưa thường bị cấm ra khỏi phòng) – Nhưng ở đây chỉ việc Kiều bị giam lỏng.

  • Hình ảnh đối lập của thiên nhiên: “non xa” và “trăng gần” – 

Kiều đứng ở trên lầu cao nhìn xuống các dãy núi xa và mảnh trăng như ở đang cùng một trong một vòm trời.

  • Từ “Bốn bề” được kết hợp với từ láy “bát ngát” 

Gợi mở một không gian thiên nhiên vô tận, rộng lớn của trước lầu Ngưng Bích.

  • “Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia” – 

Những sự vật được nêu tưởng chừng như chẳng hề có sự liên kết nào.

=> Trước lầu Ngưng Bích tuy khung cảnh thiên nhiên rộng lớn thật đấy lại thật vắng lặng. Kiều như một con người đơn độc trước không gian đó.

b) Nỗi nhớ cha mẹ, nhờ người thương của Thúy Kiều

– Hoàn cảnh của Kiều:

  • “Bẽ bàng”: cảm giác tủi nhục, xấu hổ của Thúy Kiều trước hoàn cảnh trong lúc này của mình.
  • Thành ngữ “mây sớm đèn khuya”: Chỉ thời gian tuần hoàn của vạn vật.
  • “Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”: Nỗi lòng của Thúy Kiều như bị chia ra làm hai nửa. Một nửa là nỗi nhớ cha mẹ, một nở là nói nhớ chàng Kim.

– Nỗi nhớ người yêu:

  • “Người dưới nguyệt chén đồng”: Hồi tưởng về hình ảnh nàng Kiều và chàng Kim Trọng cùng nhau đính ước được Thúy Kiều hồi tưởng lại.
  • “Tin sương luống những rày trông mai chờ”: Khi Kim Trọng trở về nơi quê nhà, liệu đã nghe được tin Kiều phải bán mình để chuộc cha hay vẫn còn nhớ mong, đợi chờ.
  • Thành ngữ “bên trời góc bể” kết hợp cùng từ láy “bơ vơ” gợi ra sự xa xôi, cách trở giữa nàng Kiều và Kim Trọng.
  • “Tấm son”: Tấm lòng son sắt, chung thủy của nàng Kiều biết đến bao giờ mới được “gột rửa cho phai”.

=> Nàng Kiều khi nhớ đến chàng Kim Trọng vẫn gìn giữ được tấm lòng chung thủy, son sắc.

– Nỗi nhớ người thân:

  • “Xót người tựa cửa hôm mai”: Chỉ sự xót xa, đau đớn không biết cha mẹ ở nhà lúc này có thấy lo lắng cho Kiều không.
  • “Quạt nồng ấp lạnh”: Gợi hình ảnh quạt cho cha mẹ ngủ lúc mùa hè trời nóng, mùa đông trời lạnh thì vào nằm ủ ấm trước trong giường để khi cha mẹ ngủ.

=> Tấm lòng hiếu thảo của nàng Kiều khi nhớ về cha mẹ.

  • “Sân Lai cách mấy nắng mưa/Có khi gốc tử đã vừa người ôm”: Chỉ  việc cha mẹ đã có tuổi rồi, cần người ở bên phụng dưỡng nhưng Kiều lại không thể bên cạnh.

=> Nỗi đau đớn, xót xa khi Kiều không thể ở bên hiếu thảo với cha mẹ.

c) Nỗi lo lắng của bản thân trước cuộc sống tương lai 

– Điệp ngữ “buồn trông” được kết hợp với các hình ảnh về thiên nhiên:

  • “cửa bề chiều hôm | Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”: Hình ảnh “con thuyền” gợi nhớ cho nàng về quê hương, nàng mong muốn được trở về nhưng  đến khi nào thì không biết.
  • “mặt nước mới sa | Hoa trôi man mác biết là về đâu”: Hình ảnh về những cánh hoa trôi giữa dòng nước giống như cuộc đời bị vùi dập của nàng.
  • “nội cỏ rầu rầu | Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”: Dường như thiên nhiên cũng nhuốm màu tâm trạng, màu xanh không phải của hy vọng mà là màu xanh của tuyệt vọng, mất phương hướng.
  • “gió cuốn mặt duềnh | Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”: Dường như Kiều nghe được âm thanh của tiếng sóng vỗ. Đó là dự cảm của Kiều về những sóng gió của cuộc đời đang bủa vây lấy nàng. Kiều có thể cảm nhận được, cảm thấy đau đớn và xót xa.

=> Bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc của Nguyễn Du cho ta thấy nỗi buồn cũng như những dự cảm của nàng Kiều trước tương lai của mình.

(3) Kết bài

– Đánh giá, suy nghĩ của bản thân về giá trị nội dung và nghệ thuật qua đoạn trích.

Xem bài hướng dẫn soạn văn chi tiết tại: Soạn bài Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích tác phẩm Truyện Kiều)

 

III. Luyện tập

Trả lời câu hỏi: Trang 68 | SGK Ngữ văn 9 – Tập 2

Đề bài: Suy nghĩ của bản thân về truyện ngắn “ Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao. Hãy viết phần Mở bài và một đoạn phần của phần Thân bài.

Gợi ý:

a) Mở bài: 

Nam Cao – Một nhà văn hiện thực xuất sắc với những sáng tác để lại trong lòng người đọc nhiều ám ảnh và day dứt. Mỗi câu chuyện của Nam Cao đều mang hình bóng của một kiếp người, một đời người lầm than trong xã hội cũ. Ông tập trung khai thác số phận bế tắc, cùng cực của người nông dân trước cách mạng tháng Tám, những điều đã khiến cho cuộc đời họ chìm trong nước mắt. Trong những tác phẩm đó, truyện ngắn “Lão Hạc” là một trong những câu chuyện cảm động về hình ảnh nghèo khó của người nông dân, đồng thời qua đó toát lên được vẻ đẹp tinh thần đáng quý của họ.

b) Một đoạn của thân bài:

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cái chết của lão Hạc. Trước tiên chính là xuất phát từ lòng tự trọng của lão Hạc. Lão không muốn phải gây phiền hà cho lối xóm bà con nên đã âm thầm tự lo liệu mọi đường cho cái chết của mình. Từ sau khi bán cậu Vàng, lão đã gửi lại toàn bộ số tiền để dành, nhịn ăn, nhịn tiêu để nhờ ông giáo đem ra và nói với hàng xóm lo giúp cho hậu sự khi lão chết. Con người hiền hậu ấy cũng là một con người hết sức tự trọng, biết kiếm sống bằng đôi bàn tay lao động của mình chứ quyết không nhận của bố thí của người khác. Tình cảnh đói khổ, túng quẫn ngày càng đe dọa và đẩy lão vào con đường chết, khiến lão phải tìm một lối thoát cuối cùng. Với cái chết đau đớn dữ dội mà lão tự chọn cho mình, lão Hạc đã thể hiện trong mình một khí tiết cao quý, một ý thức nhân phẩm rất cao. Lão Hạc là một con người “đói cho sạch – rách cho thơm”, thà “chết vinh hơn sống nhục”, là con người coi trọng nhân phẩm của mình hơn cả cuộc sống. Nhưng suy cho cùng, việc lão tìm đến cái chết vì con cũng là một cách tự nguyện. Nên nhớ rằng, khi đó lão Hạc sở hữu ba mươi đồng bạc (một khoản tiền khá lớn trong thời ấy) và một mảnh vườn ba sào. Nhưng lão nhất quyết không sử dụng vào cái vốn liếng cuối cùng mà lão đã để dành cho con trai lão. 

 

Vừa rồi là chi tiết bài viết Soạn bài Cách làm bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí do HOCMAI biên soạn. Hy vọng rằng bài viết này sẽ là tài liệu học tập hữu ích giúp các em học sinh chuẩn bị tốt nhất bài soạn văn của mình trong Ngữ văn 9.