Đề cương ôn thi giữa học kì 2 ngữ văn 9 mới nhất

0
11512
on-thi-giua-hoc-ki-2-ngu-van-9

HOCMAI gửi tới các em học sinh khối 9 bài viết Đề cương ôn thi giữa học kì 2 ngữ văn 9. Những kiến thức trong bài viết được biên soạn đầy đủ, chi tiết, sát sườn với phân phối chương trình trên trường của các em. Vậy nên các em hãy yên tâm tham khảo nhé. Chúng ta cùng vào bài thôi nào!

A.ĐỀ CƯƠNG ÔN THI NGỮ VĂN 9 GIỮA HỌC KÌ 2: PHẦN VĂN BẢN

1. Bàn về đọc sách

– Tác giả: Chu Quang Tiềm

– Nội dung

  • Tầm quan trọng của việc đọc sách và ý nghĩa của nó trong đời sống
  • Chúng ta sẽ dễ gặp những khó khăn và thiên hướng sai lệch của việc đọc trong tình trạng công nghệ và mạng xã hội phát triển như hiện nay
  • Bàn luận về phương pháp chọn sách phù hợp và đọc sách hiệu quả

– Nghệ thuật

  • Tác phẩm nghị luận đem lại sức thuyết phục cao do bởi lời lẽ thấu tình đạt lý, ngôn ngữ giá trị hình ảnh cao, lời lẽ hấp dẫn, bố cục chặt chẽ

2. Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La – phông – ten

– Tác giả: H -Ten

– Nội dung

  • Thông qua hình tượng chó sói và cừu, tác giả đã làm rõ đặc trưng của sáng tác nghệ thuật cái tôi cá nhân riêng của tác giả, là phải in đậm dấu ấn về cách nghĩ, cách nhìn, cảm xúc riêng của mình.

– Nghệ thuật

  • Cách lập luận khéo léo, chặt chẽ; giọng văn lôi cuốn, sinh động, nghệ thuật so sánh đối chiếu rất đặc sắc

3. Con cò

– Tác giả: Chế Lan Viên

– Nội dung

  • Từ hình tượng con cò ở trong những lời hát ru, ngợi ca tình mẹ thiêng liêng và ý nghĩa lời ru trong đời sống của mỗi con người

– Nghệ thuật

  • Vận dụng sự sáng tạo trong hình ảnh và giọng điệu lời ru của bài ca dao

4. Mùa xuân nho nhỏ

– Tác giả: Thanh Hải

– Nội dung:

  • Vẻ đẹp thật trong trẻo, đầy ắp sức sống của thiên nhiên đất trời mùa xuân và cảm xúc ngây ngất, say sưa của nhà thơ.
  • Sức sống và vẻ đẹp của đất nước qua hàng nghìn năm lịch sử.
  • Mong ước, khát vọng  được sống có ý nghĩa, có giá trị, được cống hiến cho đất nước của tác giả.

– Nghệ thuật:

  • Bài thơ viết theo thể 5 chữ, nhạc điệu gần gũi, trong sáng, tha thiết với dân ca.
  • Kết hợp những hình ảnh tự nhiên rất đỗi giản dị, đi từ thiên nhiên với những câu từ, hình ảnh giàu ý nghĩa khái quát biểu trưng
  • Cấu tứ của bài rất chặt chẽ, dựa theo sự phát triển của hình ảnh mùa xuân.
  • Giọng điệu bài thơ thể hiện được đúng tâm trạng và cảm xúc của tác giả.

5. Tiếng nói của văn nghệ

– Tác giả: Nguyễn Đình Thi

– Nội dung

  • Nội dung của văn nghệ
  • Sức mạnh diệu kỳ của văn nghệ trong đời sống
  • Con đường tới người tiếp nhận, tạo nên sức mạnh diệu kỳ của văn nghệ

– Nghệ thuật

  • Bố cục chặt chẽ
  • Lập luận đầy sắc bén và thuyết phục
  • Cách dẫn dắt tự nhiên
  • Giọng văn thật chân thành và truyền cảm 

6. Viếng lăng Bác

– Tác giả: Viễn Phương

– Nội dung

  • Tâm trạng xúc động vô cùng của một người con từ chiến trường miền Nam được ra Bắc viếng Bác.
  • Tấm lòng thành kính thiêng liêng sâu sắc trước công lao vĩ đại và tâm hồn thanh cao, sáng trong của Người.
  • Nỗi thương xót tột cùng của nhân dân ta nói chung, của nhà thơ nói riêng khi Bác đã mãi mãi ra đi
  • Tâm trạng lưu luyến cùng với mong muốn được ở mãi bên Bác

– Nghệ thuật

  • Bài thơ có một bố cục gọn rõ, giọng điệu rất phù hợp với nội dung cảm xúc: vừa rất đỗi trang nghiêm, sâu lắng, vừa rất thiết tha, đau xót xen lẫn với cảm xúc đầy tự hào.
  • Thể thơ: chủ yếu là có tám tiếng, riêng khổ thứ ba thì chỉ có bảy tiếng và dòng cuối của khổ hai là chín tiếng và có phép điệp cấu trúc
  • Hình ảnh thơ sáng tạo rất nhiều, nhất là có sự kết hợp giữa hình ảnh thực cùng với hình ảnh ẩn dụ giàu tính biểu tượng, nổi bật là các ẩn dụ – biểu tượng

7. Sang thu

– Tác giả: Hữu Thỉnh

– Nội dung

  • Bài thơ thể hiện được những cảm nhận tinh tế với tâm trạng ngỡ ngàng và cảm xúc bâng khuâng của nhà thơ khi mà chợt nhận ra được những tín hiệu báo thu sang.
  • Những suy ngẫm sâu sắc mang đậm tính triết lý về cuộc đời và con người của tác giả lúc sang thu làm nên đặc điểm của một cái tôi trữ tình sâu sắc thể hiện trong bài thơ.

– Nghệ thuật

  • Khắc hoạ một hình ảnh thơ đẹp, gợi cảm, gợi tình, đặc sắc trong thời điểm giao mùa hạ – thu ở khu vực nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ.
  • Sáng tạo ở trong việc sử dụng ngôn từ, dùng biện pháp nhân hoá và ẩn dụ

8. Nói với con

– Tác giả: Y Phương

– Nội dung

  • Cội nguồn sự sinh dưỡng của mỗi con người (con được sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương của cha và mẹ, ở trong cuộc sống lao động, ở trong thiên nhiên thơ mộng và nghĩa tình sâu rộng của quê hương).
  • Những đức tính thật cao đẹp mang tính truyền thống, thể hiện sức sống mạnh mẽ và bền bỉ và mong muốn rằng con mình hãy kế tục truyền thống ấy của người cha.

– Nghệ thuật

  • Giọng điệu tâm tình, tha thiết, thủ thỉ, trìu mến.
  • Xây dựng nên hình ảnh thơ vừa cụ thể, lại vừa mang tính khái quát, mộc mạc mà vẫn giàu tính thơ.
  • Có bố cục chặt chẽ, và lối dẫn dắt tự nhiên

 

B. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM ÔN THI GIỮA KÌ 2 NGỮ VĂN 9: PHẦN TIẾNG VIỆT

1. Khởi ngữ

– Là thành phần câu với vị trí đứng trước chủ ngữ để nêu lên được đề tài được nói đến trong câu.

– Trước khởi ngữ, thường đi kèm các từ như: còn, về, đối với,…

– Công dụng: Nêu lên đề tài được đề cập đến trong câu.

VD: Còn tôi thì tôi không rõ…

2. Các thành phần biệt lập

– Thành phần biệt lập là thành phần trong câu nhưng không tham gia vào việc diễn đạt sự việc. Gồm:

+ Thành phần tình thái là thành phần được sử dụng để thể hiện cách nhìn, cách nghĩ của người nói đối với sự việc được đề cập đến trong câu.

VD: Mời u xơi khoai đi ạ! ( Ngô Tất Tố)

+ Thành phần cảm thán là thành phần được sử dụng để biểu lộ tâm lý, thái độ, tình cảm, suy nghĩ của người nói (buồn, giận, mừng, vui,…); sử dụng những từ ngữ như: ôi, chao ôi, a, ô, ơi, trời ơi, ối… Thành phần cảm thán có thể tách thành một câu riêng đặc biệt.

VD: Ôi! Lũy tre làng xanh xanh thật hoài niệm.

+ Thành phần gọi – đáp là thành phần biệt lập được dùng để tạo lập hoặc duy trì quan hệ giao tiếp; có sử dụng những từ dùng để gọi – đáp.

VD: Vâng, mời bác và cô lên chơi. (Nguyễn Thành Long)

+ Thành phần phụ chú là một thành phần biệt lập được sử dụng để bổ sung một số chi tiết cho nội dung chính ở trong câu; thường được đặt ở vị trí giữa hai dấu phẩy, hai dấu gạch ngang, hai dấu ngoặc đơn hoặc là giữa dấu gạch ngang với dấu phẩy.

Ví dụ: Bà không hiểu tôi, tôi nghĩ vậy, và tôi ngày càng buồn thêm.

3. Nghĩa tường minh và hàm ý

– Nghĩa tường minh là thành phần thông báo được trực tiếp diễn đạt bằng từ ngữ ở trong câu, đây cũng chính là nghĩa thực và ai cũng có thể hiểu được.

– Nghĩa hàm ý là thành phần thông báo tuy rằng không được trực tiếp diễn đạt bằng từ ngữ ở trong câu nhưng có thể được suy ra được từ những từ ngữ ấy.

– Hàm ý là những nội dung mang ý nghĩa mà người nói có ý định bộc lộ, truyền bá, truyền đạt cho người nghe nhưng không nói thẳng ra trực tiếp, chỉ ngụ ý để người nghe tự suy luận ra căn cứ vào nghĩa tường minh, ngữ cảnh, căn cứ cả vào những phương châm hội thoại.

– Tác dụng của cách nói hàm ý:

+ Tạo ra được hiệu quả sâu sắc, mạnh mẽ hơn so với cách nói bình thường.

+ Giữ được thể diện và sự lịch sự của người nói/ người nghe.

+ Làm cho lời nói hàm súc, có ý vị.

+ Người nói có thể không cần phải chịu trách nhiệm về hàm ý.

– Điều kiện để có thể sử dụng hàm ý:

+ Người nói (hoặc viết) có ý thức đưa được hàm ý vào câu.

+ Người nghe (hoặc đọc) có năng lực để giải đoán hàm ý.

– Lưu ý những trường hợp mà không nên sử dụng nghĩa hàm ý:

+ Khi cần thông báo về một sự kiện hay một tin tức hay một thông tin cho công chúng vì sử dụng nghĩa hàm ý rất dễ gây hiểu lầm.

+ Trong những văn bản hành chính công vụ và văn bản khoa học.

+ Những câu tuyên truyền, câu khẩu hiệu.

C. ÔN TẬP NGỮ VĂN 9 GIỮA KÌ 2: PHẦN TẬP LÀM VĂN

1. Lý thuyết ôn thi ngữ văn 9 giữa học kì 2

  • Nắm được một số phép lập luận được dùng trong văn nghị luận như: tổng hợp, phân tích. Học thuộc, ghi nhớ.
  • Phân biệt được những kiểu bài nghị luận về một hiện tượng sự việc đời sống, nghị luận về một vấn đề đạo lý tư tưởng, nghị luận văn học (Nghị luận tác phẩm truyện và nghị luận về thơ)
  • Biết liên kết vế, câu, liên kết đoạn văn trong văn bản để viết được đoạn văn, bài văn rõ ràng, mạch lạc có tính liên kết .

2. Một số dạng đề thực hành văn nghị luận lớp 9 học kì 2

Câu 1: Chép lại nguyên văn khổ thơ cuối của bài “Viếng lăng Bác” của nhà thơ Viễn Phương. Em hãy cho biết nghệ thuật đặc sắc trong khổ thơ đó.

Câu 2: Chép lại khổ thơ cuối bài “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh. Nêu giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của khổ thơ.

Câu 3: Những hình ảnh ẩn dụ “vầng trăng”, “trời xanh”, “mặt trời” trong bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương có tác dụng như thế nào trong việc bộc lộ tình cảm, cảm xúc của nhà thơ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Câu 4: Suy nghĩ của em về tình cha con trong “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Câu 5: Phát biểu cảm nghĩ của em về nhân vật Phương Định trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”.

Câu 6: Em hãy làm sáng tỏ nhận định sau: “Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là tiếng lòng thể hiện khát vọng được cống hiến cho đời và tình yêu cuộc sống của nhà thơ Thanh Hải”.

Câu 7: Suy nghĩ của cá nhân em về nhan đề của bài thơ: “Mùa xuân nho nhỏ”.

Câu 8: Nêu những nét chính về nhà thơ Thanh Hải và hoàn cảnh ra đời của bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”.

3. Bài tham khảo: Nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) 

Cảm nhận của em về bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”của Thanh Hải.

* Gợi ý:

a) Mở bài:

  • Khái quát về cuộc đời tác giả và hoàn cảnh sáng tác bài thơ.
  • Cảm nhận chung về bài thơ trước mùa xuân của thiên nhiên, của đất nước và khát vọng đẹp đẽ muốn được làm “một mùa xuân nho nhỏ” dâng hiến cho cuộc đời.

b) Thân bài:

  • Mùa xuân của thiên nhiên thật đẹp, đầy sức sống và tràn ngập những niềm vui rạo rực: Qua âm thanh, màu sắc, hình ảnh,…
  • Mùa xuân của đất nước: “Người cầm súng, người ra đồng” là hình ảnh biểu trưng cho hai nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ và lao động dựng xây lại quê hương sau quãng thời gian đau thương mất mát.

→ Âm hưởng thơ khẩn trương, hối hả với nhiều điệp từ, điệp ngữ láy ở đầu câu.

  • Tâm niệm, suy ngẫm của nhà thơ trước mùa xuân của đất nước là khát vọng được hòa hợp vào cuộc sống cống hiến cho đất nước tươi đẹp.

→ Thể hiện cảm xúc chân thành trong những hình ảnh giản dị, tự nhiên.

  • Cách cấu tứ lặp lại như vậy nhằm tạo ra sự đối ứng chặt chẽ và đem lại một ý nghĩa mới: Niềm mong ước muốn được sống có ích,cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên như con chim mang đến tiếng hót, bông hoa tỏa hương thơm cho đời.

c) Kết luận:

  • Ý nghĩa đúc rút từ bài thơ.
  • Cảm xúc đẹp về mùa xuân, gợi lên suy nghĩ về một lẽ sống thanh cao của một tâm hồn thi sĩ trong sáng.

Những bài viết tham khảo về văn nghị luận học kì 2 lớp 9:

D. ĐỀ THI GIỮA KÌ 2 NGỮ VĂN 9

Bài viết tham khảo thêm:

Vậy là chúng ta đã cùng nhau ôn luyện xong Đề cương ôn thi giữa học kì 2 ngữ văn 9 rồi các em học sinh thân mến. Các em hãy chăm chỉ áp dụng những kiến thức trên để giải những bài tập đề cương ở bài viết trên nhé, chỉ có chăm chỉ mới cho các em kết quả mà mình mong muốn. Chúc các em thành công!