Phân tích Con cò của Chế Lan Viên

0
16107
pha-tich-bai-tho-con-co-ava

Từ lâu, hình ảnh con cò đã đi vào trong câu ca dao, lời hát ru của những người mẹ, người bà Việt Nam. Trong bài viết này, cùng HOCMAI phân tích bài thơ Con Cò – một tác phẩm viết về con cò, đại diện cho người mẹ hiền luôn theo con của Chế Lan Viên để hiểu thêm về hình tượng con cò nhé!

 

Tham khảo thêm:

Phân tích bàn về đọc sách

Phân tích những đứa trẻ

Phân tích chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn La-Phông-Ten

 

I. Tác giả: Chế Lan Viên 

– Tên thật: Phan Ngọc Hoan, tên bút danh: Chế Lan Viên 

– Sinh năm: 1920; mất năm: 1989 

– Quê quán: Ông là người con xứ Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, nhưng lại lớn lên tại Bình Định – ngôi nhà thứ hai của ông.

– Chế Lan Viên được coi là một trong những nhà thơ trong nền văn học hiện đại hàng đầu Việt Nam trong thế kỷ XX.

– Ông cũng là một nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học có tiếng. 

Sự nghiệp sáng tác:

– Chế Lan Viên sáng tác từ rất sớm, khoảng 12, 13 tuổi. 

– Trước Cách mạng tháng 8, Chế Lan Viên đã sáng tác tập thơ “Điêu tàn”, xuất bản năm 1937. Tập thơ này thể hiện rõ phong cách nghệ thuật của ông; đưa ông vào hàng ngũ nhà thơ nổi tiếng trong phong trào “Thơ Mới”.

– Giai đoạn 1939 tới 1942, ông lặn lội từ Nam chí Bắc, đi khắp Hà Nội, Thanh Hóa, Sài Gòn để trau dồi kiến thức và kiếm sống. Năm 1942, ông viết tập văn “Vàng Sao” mang tính triết học huyền bí. 

– Sau Cách mạng tháng 8, ông giác ngộ lý tưởng Cách mạng, tham gia vào hàng ngũ Việt Minh và trở thành cán bộ lão thành Cách mạng. 

– Chế Lan Viên làm việc tại các đầu báo Việt Nam, đồng thời trở thành thư ký cho Hiệp hội Nhà văn Việt Nam và đại biểu Quốc hội các khóa IV, V và VI. 

– Trong hơn 50 năm sáng tác, Chế Lan Viên có những nghiên cứu, tìm tòi trong những tập thơ hay và đóng góp nhiều tập thơ cho nền Văn học Việt Nam và gây lên tiếng vang trong công chúng. 

– Năm 1996, trước các đóng góp của ông, nhà nước quyết định truy tặng Chế Lan Viên giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. 

Các tác phẩm nổi tiếng: 

– Tác phẩm thuộc thể loại thơ: Tập thơ “Điêu Tàn” (1937), Gửi các anh (1954), Hoa ngày thường – Chim báo bão (1967), Những bài thơ đánh giặc (1972), Hoa trước lăng Người (1976),,…

– Tác phẩm thuộc thể loại văn xuôi: Vàng sao (1942), Những ngày nổi giận (bút ký, 1966), Bác về quê ta (tạp văn, 1972)

Giờ của đô thành (bút ký, 1977),…

– Các bài phê bình văn học: Kinh nghiệm tổ chức sáng tác (1952), Nói chuyện thơ văn (1960), Suy nghĩ và bình luận (1971), Bay theo đường bay dân tộc đang bay (1976), Nghĩ cạnh dòng thơ (1981),…

Phong cách sáng tác: 

– Sinh ra trong thời đại có nhiều sự biến chuyển của xã hội và chính trị, phong cách thơ của Chế Lan Viên “trải qua nhiều biến động, bước ngoặt cùng những trăn trở, tìm tòi không ngừng”. 

– Trước Cách mạng tháng 8, thơ Chế Lan Viên mang tính hoài niệm và triết học cao, được xếp vào “trường thơ loạn”. Với những hình ảnh như xương, máu, sọ người cùng cảnh đổ nát; tập thơ “Điêu tàn” là một tác phẩm đáng chú ý trong thời gian này. 

– Sau Cách mạng tháng 8, thơ ông thấm nhuần ánh sáng Cách mạng. 

– Giai đoạn 1960 tới 1975, thơ ông mang chất sử thi và chính luận, mang tính thời sự cao. 

– Sau năm 1975, thơ Chế Lan Viên lại quay về dung dị đời sống, mang theo những trăn trở của cái “tôi” khi đối diện với cuộc đời rộng lớn.

⇒ Thơ Chế Lan Viên rõ nét, độc đáo. Thơ ông mang đầy trí tuệ, biểu hiện dưới khuynh hướng suy tưởng, triết lý. Ông thường khai thác các mặt tương quan đối lập, với năng lực sáng tạo hình ảnh độc đáo, phong phú, giàu tính biểu tượng. 

 

II. Thông tin về tác phẩm

1. Hoàn cảnh sáng tác

– Bài thơ Con cò được sáng tác năm 1962 như lời tâm tình của Chế Lan Viên dành cho con. Sau khi chia tay khỏi cuộc hôn nhân lần thứ nhất, Chế Lan Viên cưới bà Vũ Thị Thường năm 1961. Năm 1962, hai người có với nhau con đầu lòng. 

– Mãi tới năm 1967, tác phẩm này mới được ra mắt bạn đọc khi được in trong tập “Hoa ngày thường – Chim báo bão”. Tập thơ này bao gồm những bài thơ được Chế Lan Viên viết nhằm thể hiện tình yêu đằm thắm, dịu dàng của mình với vợ con.

2. Bố cục

Văn bản được chia thành 3 phần với các nội dung chính tương ứng như sau:

– Khổ 1: Con cò đại diện cho cuộc sống vất vả, lam lũ của người mẹ

– Khổ 2: Con cò trong tâm trí và đi theo con mọi nẻo đường

– Khổ 3: Ý nghĩa hình ảnh con cò trong lời hát ru của mẹ

3. Nhan đề bài thơ 

Nhan đề bài thơ mang nhiều ý nghĩa tượng trưng, biểu tượng:

– Con cò mang theo mình sự mộc mạc, bình dị với làng quê Việt Nam, như hình ảnh cánh cò trắng muốt sải cánh trên trời, như cảnh cò đi kiếm ăn tại các ruộng lúa. 

– Con cò còn đi vào trong câu ca dao, trong lời hát ru thân thuộc của các bà, các mẹ. “Con cò bay lả bay la / Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng”. 

 – Hình ảnh con cò là biểu tượng cho người mẹ vất vả tần tảo sớm hôm, đi kiếm ăn vì con. Cò đại diện cho tình mẫu tử thiêng liêng, bền bỉ. 

 

III. Phân tích bài thơ Con cò

1. Phân tích khổ 1: Con cò đại diện cho cuộc sống vất vả, lam lũ của người mẹ

Con cò đồng hành cùng con từ khi còn tấm bé qua lời ru ngọt ngào của mẹ: 

“Con còn bế trên tay

Con chưa biết con cò

Nhưng trong lời mẹ hát 

Có cánh cò đang bay”

– Trong lời hát ru của mẹ khi con còn nhỏ xíu, phải “bế trên tay” nựng ầu ơ ru ngủ đã có hình ảnh con cò. Cò đến với con trong lời tâm tình thủ thỉ của mẹ, cánh cò bay trong giấc ngủ của con. 

– Đứa con trong câu thơ không ai khác là bà Phan Thị Thắm, con đầu của Chế Lan Viên và Vũ Thị Thường. Hai người dành nhiều tình cảm dành cho con, để con khi còn thơ bé đã được nghe những lời ru mang hồn quê hương, đất nước. 

⇒ Tình yêu của người mẹ được thể hiện trong bốn câu thơ trên. Hình ảnh con cò mang bao tình yêu của người mẹ hiền dành cho người con bé bỏng cũng gián tiếp thể hiện tình cảm của Chế Lan Viên dành cho con. 

Trong lời ru của mẹ, con cò mang bóng hình của đất nước:

“Con cò bay la 

Con cò bay lả 

Con cò Cổng Phủ

Con cò Đồng Đăng” 

– Giấc ngủ con yên bình, hạnh phúc nhờ có những lời hát ru ngọt ngào của mẹ. Trong lời hát ru, có hình ảnh của hồn dân tộc, của đất nước và quê hương hữu tình, có tình cảm từ nông thôn dân dã tới  phố phường náo nhiệt.

– Hình ảnh cánh cò bay từ Cổng Phủ tới Đồng Đăng cho thấy cò có mang bóng hình đất nước, là hồn dân tộc. Con cò bay lả bay la gợi cuộc sống xưa cũ, thong thả nơi làng quê bóng cây rợp lá. Còn trong câu hát của mẹ mang ý nghĩa rộng lớn, cao cả. 

– Trong lời hát ru, con còn có thể cảm nhận được sự lam lũ, gian nan, nhọc nhằn của mẹ. Những cảm xúc yêu thương thấm đẫm trong lời hát ru chỉ chực dâng trào từ trong trái tim mẹ gửi gắm tới con. 

– Mẹ vất vả tần tảo sớm hôm, nhưng luôn ru con bằng điệu hồn dân tộc. Con dù bé thơ nhưng luôn được vỗ về trong vòng tay mẹ, trong những âm thanh ngọt ngào, sâu lắng, dịu dàng. 

– Dù vô thức nhưng con lại có thể đón nhận được tình cảm mẹ dành cho con nhờ trực giác của mình. Đó là những tình cảm thiêng liêng, cao cả chẳng lúc nào vơi.

⇒ Lời mẹ ru con mang bao tình cảm thắm đượm. Trong lời hát ru của mẹ có những bóng hình lớn lao của đất nước, của hồn dân tộc hùng tráng vĩ đại. Mẹ mong con có những phút giây thật đẹp và bình dị như cánh cò bay.

Con cò còn là biểu tượng cho những người nông dân, người phụ nữ phải vất vả kiếm sống:

Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn 

Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ

“Con cò ăn đêm

Con cò xa tổ 

Cò gặp cành mềm

Cò sợ xáo măng…”

pha-tich-bai-tho-con-co-1

HM10 2024 - GIẢI PHÁP LUYỆN THI TOÀN DIỆN
NẮM CHẮC KIẾN THỨC - KHÔNG LO BIẾN DỘNG ĐỀ THI
  • Lộ trình toàn diện - NẮM CHẮC NỀN TẢNG - TỔNG ÔN TOÀN DIỆN - LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU
  • ĐA DẠNG HÌNH THỨC HỌC - PHÙ HỢP VỚI MỌI NHU CẦU
  • TOP THẦY CÔ DANH TIẾNG, GIÀU KINH NGHIỆM
  • DỊCH VỤ HỖ TRỢ HỌC TẬP ĐÔNG HÀNH TRONG SUÔT QUÁ TRÌNH HỌC TẬP
Ưu đãi đặt chỗ sớm - Giảm đến 45%! Áp dụng cho PHHS đăng ký trong tháng này!

– Con cò lặn lội kiếm ăn đầy đáng thương, bởi cò phải đơn độc giữa màn đêm vắng lặng để kiếm ăn, chẳng có ai vỗ về. Lời ru mẹ hiền cất lên ngọt ngào, êm ái như đưa con vào giấc ngủ diệu kỳ. 

– Những hình ảnh trong lời hát của mẹ: “Con cò ăn đêm, con cò xa tổ, cò gặp cành mềm, cò sợ xáo măng,…” là cách nói biểu tượng cho những người nông dân, những người phụ nữ phải kiếm sống nhọc nhằn, tần tảo vất vả sớm hôm nhưng đầy tình yêu thương cao cả. 

– Mẹ thương con cò trong bài ca dao phải lận đận ngược xuôi, do vậy mẹ quyết dành cho con nhiều tình yêu, bảo bọc săn sóc. Con sẽ được sống yên vui hạnh phúc trong lòng mẹ.

– Người con thơ ngây, bé bỏng không phải nghĩ suy như con cò ngoài kia bởi đã có vòng tay mẹ bảo bọc, nâng đỡ. Tình mẹ lớn lao vô cùng, mẹ là người đã hy sinh giấc ngủ êm đềm để hát ru cho con, nhìn con chơi rồi ngủ lòng mẹ hạnh phúc biết bao. 

⇒ Con cò không chỉ mang hồn quê hương mà còn là hình ảnh biểu trưng cho những người nông dân, những người phụ nữ phải vất vả kiếm sống nhưng giàu tình cảm và đức hy sinh. 

Tình cảm của mẹ dành cho con là bao la, vô bờ bến: 

“Ngủ yên, ngủ yên, cò ơi, chớ sợ

Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng

Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân

Con chưa biết con cò con vạc

Con chưa biết những cành mềm mẹ hát 

Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân”

– Những hình ảnh hoán dụ đầy nghệ thuật này cho thấy tình mẫu tử bao la của mẹ dành cho con. Mẹ đã hy sinh vì con. Con nằm trong  vòng  tay dịu hiền của mẹ. Con nghe lời mẹ hát ru êm đềm. Con uống dòng sữa ngọt ngào từ mẹ.. – Nhịp thơ được Chế Lan Viên viết tựa như nhịp võng, như nhịp nôi mẹ nhẹ đưa, vỗ về con. 

– Những điệp ngữ như “ngủ yên”, “con chưa biết” và “con cò” lặp đi lặp lại nhiều lần làm giọng thơ trở nên đầm ấm, ngọt ngào. Dù trong giấc ngủ thơ ngây của người con, con chưa hiểu được, con chưa biết “con cò con vạc”, chưa hiểu “cành mềm” nhưng con sẽ cảm nhận được lời hát ngọt ngào cùng tình yêu thương che chở vỗ về của mẹ

⇒ Mẹ yêu thương con với tình yêu bao la mãnh liệt, sẵn sàng hy sinh vì con. Với hình ảnh con cò xuất hiện xuyên suốt lời ca ru ngủ của mẹ, con cò không chỉ mang hồn đất nước mà còn là biểu trưng cho những người phụ nữ, người nông dân lam lũ vất vả trong xã hội lúc bấy giờ.

⇒ Chế Lan Viên đã vận dụng sáng tạo hình ảnh, sử dụng hình ảnh biểu trưng cùng âm điệu từ ca dao dân ca trong từng câu thơ của mình.  

2. Phân tích khổ 2: Con cò trong tâm trí và đi theo con trên mọi nẻo đường

Con cò lại đến trong tiềm thức của con qua lời ru của mẹ:

Ngủ yên, ngủ yên, ngủ yên

Cho cò trắng đến làm quen

Cò đứng ở quanh nôi

Rồi cò vào trong tổ

Con ngủ yên thì cò cũng ngủ

Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi

– Sử dụng điệp từ “ngủ yên” tác giả đã thể hiện, con nghe mẹ ru ngay cả trong cơn mơ. Mẹ mong con ngủ ngoan để cò có thể đến ngắm con ngủ qua nôi, rồi cò vào trong tổ cùng ngủ với con. 

– Từ khi ở trong nôi, cò đã luôn là người bạn đồng hành cùng con, chăm sóc con từng giấc ngủ, trông con ngủ qua nôi, đắp chung đôi sưởi ấm cho con, làm quen với con, ngủ cùng con. Cò trong câu thơ trên là hình ảnh tượng trưng cho người mẹ, người sẽ luôn đồng hành nâng đỡ con, chăm sóc con từ tận trong giấc ngủ. 

– Lời ru nặng nghĩa và giàu tình cảm của mẹ đã làm nên chiều sâu trong tâm hồn con. Từ khi con còn bế trên tay tới lúc nằm nôi ngủ, mẹ vẫn luôn chăm sóc con, yêu thương con từng chút một. 

– Hình ảnh con cò được Chế Lan Viên sử dụng trong câu thơ vừa để âu yếm ru con ngủ vừa thể hiện sự chăm sóc âu yếm của mẹ dành cho con. 

– Cò cùng con “đắp chung đôi” là một cách thể hiện vòng tay mẹ ôm con ngủ. Cánh cò như cánh tay mẹ dang ra ôm lấy con, giữ con trong giấc ngủ say. 

⇒ Cò gần gũi, gắn bó với con từ trong nôi. Giấc ngủ con được bảo vệ bởi cò, cũng bởi người mẹ luôn tràn đầy tình yêu với con.  

Cánh cò theo con trong suốt cuộc đời con lớn khôn:

Con sẽ lớn khôn, con đến trường đi học.

Con khôn lớn, con theo cò đi học,

Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân. 

– Mẹ đồng hành cùng con, giúp con mỗi ngày thêm một hiểu biết. Con còn được mẹ chắp cho đôi cánh bay thật cao, thật xa. Từ thuở lọt lòng cho đến lúc nằm nôi, tới tuổi tập đi lững chững, tập nói bi bô, mẹ luôn ở cạnh con. Từng miếng ăn, miếng ngủ; mẹ đều lo cho con.

– Lời mẹ ru làm cánh cò phát triển hơn, tiến xa hơn cùng con. Cánh cò không chỉ tồn tại trong khúc hát ru mà đã bước ra ngoài, làm quen với con, trở thành người bạn, người đồng hành cùng con trên khắp mọi nẻo đường.

– Khi con tới tuổi đi học, cò sẽ đi cùng con. Cò trở thành bạn đồng hành trên chặng đường đi học của con. Cổng trường mở ra đối với con, niềm vui cũng đến trong lòng mẹ. Con được mẹ quan tâm dạy bảo, con học hành giỏi giang khiến mẹ hạnh phúc vui lòng. 

– Chế Lan Viên sử dụng hình ảnh con cò để thể hiện người mẹ gắn bó thân thiết với con, quan trọng đối với con, mẹ theo cùng con đến suốt cuộc đời. 

– Cò còn “theo gót đôi chân” con, mãi không rời xa. Giống như mẹ mãi dõi theo con, luôn trông con đi những bước chân trên chặng đường của mình, cùng gót chân con đi mãi. 

Lớn lên, lớn lên, lớn lên…

Con làm gì?

Con làm thi sĩ!

Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ

Trước hiên nhà

Và trong hơi mát câu văn…

– Nhìn con thơ ngủ ngoan trong nôi, lòng mẹ dào dạt mong ước. Chế Lan Viên cho người mẹ tự hỏi và tự trả lời, thể hiện ước muốn của mẹ gửi gắm tới con. Mẹ mong con nối chí cha, trở thành một người thi sĩ. Cuộc đời con đầy sáng tạo, với những cánh cò trắng vẫn bay hoài không nghỉ trong từng câu văn. 

– Dù con có lớn lên, mẹ vẫn là điểm tựa cho con. Cánh cò tiếp tục gắn bó với con, không xa rời. Cò xuất hiện trước hiên nhà, và cũng trong hơi mát câu văn. 

– Hình ảnh cánh cò trắng bay mang ý nghĩa biểu tượng, tượng trưng cho sự dìu dắt, dạy dỗ của mẹ dành cho con. Tình yêu và lời ru của mẹ trở thành nguồn dưỡng chất cho con khôn lớn, chắp cánh ước mơ cho con. 

– Giọng thơ tâm tình, thủ thỉ tha thiết thể hiện tình cảm của mẹ tới con. Mẹ sẽ mãi đồng hành cùng con dù con có lớn khôn, trưởng thành, như cánh cò trắng “bay lả bay la” không hề ngơi nghỉ

⇒ Qua hình ảnh thơ, tác giả đã khẳng định mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc đời con. Mẹ đem lại hạnh phúc vô bờ cho con. Mẹ hiện diện trong suốt quãng đường trưởng thành của con, từ thuở con còn được bế trên tay tới lúc con trưởng thành, theo đuổi ước mơ của mình. 

⇒ Cò đã thực sự trở thành người bạn đồng hành của con từ khi con ngủ trong nôi đến khi con khôn lớn trưởng thành. Hình ảnh cánh cò trắng luôn xuất hiện cùng con là biểu tượng cho người mẹ, cho tình mẫu tử thiêng liêng luôn gắn bó, che chở cho con trên suốt hành trình con lớn khôn.

3. Phân tích khổ 3: Ý nghĩa hình ảnh con cò trong lời hát ru của mẹ

Tấm lòng mẹ đối với con bao la trời biển, mẹ sẽ luôn dõi theo con:

Dù ở gần con,

Dù ở xa con

Lên rừng xuống bể,

Cò sẽ tìm con

Cò mãi yêu con

– Mang theo tình yêu sâu nặng của người mẹ, cò phát triển từ người bạn đồng hành thành biểu tượng to lớn hơn.

– Chế Lan Viên tiếp tục sử dụng hình ảnh biểu tượng: hình tượng con cò là người mẹ hiền luôn dõi theo con, theo bước chân con xa gần. Cánh cò giờ đây trở thành hình ảnh ẩn dụ cho tình yêu thương vô bờ bến của mẹ. 

– Vận dụng hình ảnh tương phản như khoảng cách “gần – xa”, địa điểm hiểm trở “lên rừng – xuống bể”, nhà thơ đã gợi ra cho người đọc thấy con có thể va vấp phải biết bao vất vả trong quá trình trưởng thành. Nhưng điều mẹ biết và sẽ làm, là dù con có ở đâu, bất cứ nơi nào, mẹ cũng tìm được con, mãi bên cạnh và yêu lấy con.

– Sử dụng điệp từ “dù”, “vẫn” giúp lời thơ dịu dàng, xúc động; đồng thời nhấn mạnh tình mẫu tử thiêng liêng, gắn bó. 

⇒ Mặc cho bao khó khăn gian khó, tình yêu của cò tới con càng ngày càng to lớn, như tình yêu mẹ dành cho con từ khi con còn thơ bé tới lúc trưởng thành.

Tình yêu của mẹ dành cho con trở thành quy luật tình cảm mang tính chất vĩnh hằng: 

Con dù lớn vẫn là con của mẹ 

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con

– Khi con lớn khôn trưởng thành, con minh mẫn đầy trí tuệ, xử trí thông minh hơn người, nhưng trong trái tim mẹ, con mãi là đứa trẻ bé bỏng cần mẹ che chở, yêu thương. 

– Câu thơ khẳng định với con, mẹ mãi là bến đỗ thân thương, là chốn bình yên để con trở về, để con tựa vào khi phải đối mặt với cuộc đời sóng gió, giông tố. 

– Mẹ sẽ luôn dang rộng vòng tay yêu thương, bởi “con dù lớn vẫn là con của mẹ”. Trong mắt mẹ, con vẫn nhỏ bé như ngày nào mẹ ru con nằm trong nôi, bởi vậy con cần được bao bọc, săn sóc. 

– Cả cuộc đời dài đằng đẵng, nhưng con không lo bởi đã có mẹ dõi theo con. Cuộc đời con có mẹ trông theo. Điều này cho thấy tình mẫu tử thiêng liêng, đáng quý của mẹ.

– Trên đời có rất nhiều mối tình cảm, nhưng tình mẹ vẫn là tình cảm bao la, sâu sắc, vô tận nhất. Con phải hiểu được tình mẹ và tấm lòng mẹ dành cho con, để lớn lên không phụ lòng mẹ.

⇒ Qua hai câu thơ, Chế Lan Viên đã xuất sắc thể hiện tấm lòng của mẹ, tình mẫu tử thủy chung, sâu nặng, vĩnh hằng và không thể đong đếm. Quy luật tình cảm mà nhà thơ đúc rút ra sẽ kéo dài mãi trong quan hệ mẹ con của các gia đình Việt. 

Những đúc kết từ hình tượng con cò trong lời hát ru của mẹ

À ơi!

Một con cò thôi,

Con cò mẹ hát

Cũng là cuộc đời

Ngủ đi! Ngủ đi!

Cho cánh cò, cánh vạc,

Cho cả sắc trời

Đến hát 

Quanh nôi

– Mở đầu bài thơ là bài hát ru con ngủ, phần kết Chế Lan Viên lại quay trở lại với những lời ru “À ơi”. Phần cuối bài thơ được viết với âm hưởng chậm rãi, từ đó đúc kết ra ý nghĩa hình tượng con cò trong lời ru của mẹ. 

– Những lời ru ngọt ngào này đưa con vào giấc ngủ êm đềm không mộng mị. Hình tượng con cò trong phần này mang ý nghĩa mộc mạc, giản dị mà gần gũi. Cò lại đơn độc lẻ bóng trong đêm, lại “đậu phải cành mềm”, “lộn cổ xuống ao”. Cò trong câu hát của mẹ giờ đây mang nhiều ý nghĩa hơn cả. 

– Con cò trong câu ca dao xưa giờ khiến mẹ trăn trở suy nghĩ. Liệu cuộc đời của con sau này khi không có mẹ sẽ phải đối mặt những gian nan thử thách ra sao, khi con vấp ngã liệu con có đủ vững tin để đứng dậy và bước tiếp? 

– Mẹ cũng thổn thức khi nghĩ tới những con cò nhỏ bé phải tự kiếm ăn, thật đáng thương nhưng rất đáng trân trọng. Bởi cò trắng đại diện cho chính bản thân mẹ, vất vả tần tảo sớm hôm nhưng đầy tình yêu dành cho con. 

– Một con cò mang cuộc đời của chính nó trong câu hát ru mẹ dành cho con chất chứa biết bao tâm tình, ước vọng của mẹ. Qua lời mẹ ru con ngủ, mẹ đang nuôi dưỡng tâm hồn con với tình yêu và lòng thương bao la. Cuộc đời con giờ đây có cánh cò, lời ru và lòng mẹ, cùng tâm hồn đất nước dân tộc cùng hòa quyện, đưa con khôn lớn trưởng thành. 

– Lời ru của mẹ đến với con đầy tự nhiên, dễ chịu. Dù con chưa hiểu, con vẫn có thể thấy được quê hương gần gũi thanh bình, tình mẹ thiêng liêng rộng lớn. Câu hát ru của mẹ đang dần hoàn thiện tâm hồn nhỏ bé của con, giúp con biết yêu và trân trọng những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

⇒ Con cò trong lời hát ru của mẹ không chỉ là cò trắng bay lả bay la, mà là cuộc đời, là hồn dân tộc hòa quyện cùng lời ru và tình mẹ dành cho con. Cò hóa thành biểu tượng to lớn, thành sự vật quan trọng trong cuộc đời con.

 

IV. Tổng kết

1. Giá trị nội dung 

Sử dụng thành công hình tượng con cò trong lời hát ru, bài thơ “Con cò” của nhà thơ Chế Lan Viên đã ca ngợi tình mẹ, giải thích ý nghĩa của lời ru trong cuộc đời con người. Qua đó, nhà thơ cũng nhắc nhở mỗi người cần trân quý tình mẫu tử thiêng liêng, có trách nhiệm trước lòng mẹ bao la, dạt dào trìu mến. Hãy biết báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. 

2. Giá trị nghệ thuật 

– Sử dụng thể thơ tự do, nhiều câu có dạng thể thơ 8 chữ, giúp nhà thơ thể hiện những cung bậc cảm xúc đầy tự nhiên, linh hoạt. 

– Sử dụng điệp ngữ, điệp cấu trúc cùng nhiều câu cảm thán giúp thể hiện và nhấn mạnh tình yêu mạnh mẽ của mẹ dành cho con. 

– Nghệ thuật xây dựng hình ảnh biểu tượng độc đáo. 

– Chế Lan Viên đã sử dụng linh hoạt, đa dạng các chất liệu dân gian vào trong câu thơ của mình, tạo nên thành công cho tác phẩm.

– Bài thơ mang âm điệu đồng giao, với nhịp thơ cùng giọng thơ thấm đẫm hồn ca dao dân ca; trở thành lời ru ngọt ngào của mẹ dành cho con. 

Trên đây là dàn ý phần tích bài thơ Con Cò của nhà thơ Chế Lan Viên. Từ hình ảnh con cò, Chế Lan Viên đã khai thác thành công chất liệu dân gian, qua đó khắc họa ơn nghĩa cao cả của tình mẫu tử trong cuộc đời con người. Bên cạnh đó, các bạn học sinh có thể tham khảo thêm phân tích đầy đủ các tài liệu văn học khác trong bộ tài liệu Soạn văn 9. Hy vọng HOCMAI đã tổng hợp dàn ý phù hợp, giúp hỗ trợ các bạn có quá trình học cùng ôn thi hiệu quả.