Đề cương ôn thi học kì 1 Ngữ Văn 6 Kết nối tri thức (Đầy đủ nhất)

0
5647
de-cuong-thi-hoc-ki-1-ngu-van-6-ket-noi-tri-thuc

Vậy là học kì I đang dần kết thúc, đây cũng là khoảng thời gian các em học sinh ôn luyện lại kiến thức để chuẩn bị tốt nhất cho kì thi cuối HK1. Để giúp các em chuẩn bị tốt nhất trong thời gian này, HOCMAI đã tổng hợp Đề cương ôn thi học kì 1 ngữ văn 6 Kết nối tri thức đầy đủ và chi tiết nhất. Bên cạnh đề cương ôn luyện, các em có thể ôn luyện thêm cùng với các đề thi có trong bài. Nào chúng ta cùng bắt đầu nhé!

Tham khảo thêm:

I – ĐỀ CƯƠNG ÔN THI HỌC KÌ 1 NGỮ VĂN 6 KẾT NỐI TRI THỨC

TÀI LIỆU ÔN TẬP BÀI 1: TÔI VÀ CÁC BẠN

1. Văn bản

Tác phẩm

Tác giả Nội dung

Nghệ thuật

Bài học đường đời đầu tiên – trích Dế Mèn phiêu lưu kí Tô Hoài Miêu tả vẻ đẹp của Dế Mèn cường tráng nhưng tính cách còn kiêu căng, xốc nổi. Chính tính cách này đã gây ra cái chết của Dế Choắt. Sau khi gây ra cái chết cho Dế Choắt, Dế Mèn hối hận và rút ra bài học đường đời đầu tiên cho mình. Đó là bài học về thái độ sống khiêm tốn, lễ độ, tôn trọng người khác; về cách ứng xử, lối sống thân ái, chan hòa, yêu thương giúp đỡ bạn bè; đó còn là bài học về sự tự chủ, biết ăn năn hối lỗi khi sai lầm. – Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, theo lời của nhân vật Dế Mèn. – Miêu tả loài vật sinh động, nghệ thuật nhân hoá đặc sắc, ngôn ngữ miêu tả chính xác, lời văn giàu hình ảnh, cảm xúc. – Xây dựng hình tượng nhân vật gần gũi với trẻ thơ.
Nếu cậu muốn có một người bạn – trích Hoàng tử bé Ăngtoan đơ Xanh-tơ Ê-xu-pêri Truyện kể về cuộc gặp gỡ tình cờ giữa hoàng tử bé đến từ một hành tinh khác và con cáo trên Trái Đất. Cuộc gặp gỡ này đã mang đến cho cả hai những món quà quý giá. Truyện gửi gắm bài học về cách kết bạn, về cách nhìn nhận, đánh giá và trách nhiệm với bạn bè. – Kể kết hợp với miêu tả, biểu cảm. – Xây dựng hình tượng nhân vật phù hợp với tâm lí, suy nghĩ của trẻ thơ. – Nghệ thuật nhân hoá đặc sắc.
Bắt nạt Nguyễn Thế Hoàng Linh Bài thơ nói về hiện tượng bắt nạt – một thói xấu cần phê bình và loại bỏ. Qua đó, mỗi người cần có thái độ đúng đắn trước hiện tượng bắt nạt, xây dựng môi trường học đường lành mạnh, an toàn, hạnh phúc. – Thể thơ 5 chữ. – Giọng điệu hồn nhiên, dí dỏm, thân thiện. Giọng điệu này giúp câu chuyện dễ tiếp nhận hơn, mang đến một cách nhìn thân thiện, bao dung.
Những người bạn – trích Tôi là Bê-tô Nguyễn Nhật Ánh – Câu chuyện gồm 10 chương, kể về cuộc sống của chú chó Bê-tô cùng hai bạn Bi-nô và Lai-ca. Chủ của Bê-tô và Bi-nô là chị Ni, còn Lai-ca sống ở nhà của bà cố chị Ni. Đoạn trích kể về tình cảm yêu mến, gắn bó Bê-tô dành cho laica và Bi-nô. Thông điệp của tác phẩm: 

+ Mỗi người bạn trong cuộc đời sẽ đem lại những trải nghiệm khác nhau. 

+ Tình bạn không phân biệt bởi sự khác nhau về ngoại hình, hành động hay khoảng cách. 

+ Tình bạn được tạo nên từ những kỉ niệm, thời gian cạnh nhau.

– Truyện được kể theo ngôi thứ nhất bằng lời của chú chó Bê-tô xưng “tôi”. Lời đối thoại, cử chỉ, hành động của nhân vật giúp khắc họa rõ nét tính cách nhân vật: 

– Lai-ca: nhai giày của ba chị Ni, đánh cắp cụ xà phòng trong nhà tắm và hơn hở tha vào gầm tủ, bày cho “tôi” trò nhảy chồm chồm trong giờ ăn. 

→ Lai-ca là một chú chó nghịch ngợm. 

– Bi-nô: mở tung cửa sổ để đón nhận những cảm xúc tuyệt vời khi mưa, lặng lẽ ngắm mưa rơi. 

→ Bi-nô là một chú chó nhẹ nhàng, điềm tĩnh, thông thái và sâu sắc.

 

* Thể loại

– Truyện: là loại tác phẩm văn học kể lại một câu chuyện, có cốt truyện, nhân vật, không gian, thời gian, hoàn cảnh diễn ra các sự việc.

– Truyện đồng thoại: là truyện viết cho trẻ em, có nhân vật thường là loài vật hoặc đồ vật được nhân cách hoá. Các nhân vật này vừa mang những đặc tính vốn có của loài vật hoặc đồ vật vừa mang đặc điểm của con người. 

* Cốt truyện

Cốt truyện là yếu tố quan trọng của truyện kể, gồm các sự kiện chính được sắp xếp theo một trật tự nhất định; có mở đầu, diễn biến và kết thúc.

* Nhân vật

– Nhân vật là đối tượng có hình dáng, cử chỉ, hành động, ngôn ngữ, cảm xúc, suy nghĩ,… được nhà văn khắc họa trong tác phẩm.

– Nhân vật thường là con người nhưng cũng có thể là thần tiên, ma quỷ, con vật, đồ vật,…

* Người kể chuyện

Người kể chuyện là nhân vật do nhà văn tạo ra để kể lại câu chuyện. Người kể chuyện có thể trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm, xưng “tôi” (người kể chuyện ngôi thứ nhất), kể về những gì mình chứng kiến hoặc tham gia. Người kể chuyện cũng có thể “giấu mình” (người kể chuyện ngôi thứ ba), không tham gia vào câu chuyện nhưng lại có khả năng “biết hết” mọi chuyện.

* Lời người kể chuyện và lời nhân vật

– Lời người kể chuyện đảm nhận việc thuật lại các sự việc trong câu chuyện, bao gồm cả việc thuật lại mọi hoạt động của nhân vật và miêu tả bối cảnh không gian, thời gian của các sự việc, hoạt động ấy.

– Lời nhân vật là lời nói trực tiếp của nhân vật (đối thoại, độc thoại), có thể được trình bày tách riêng hoặc xen lẫn với lời người kể chuyện.

2. Tiếng Việt

2.1. Từ đơn và từ phức

– Từ đơn là từ chỉ có một tiếng.

– Từ phức là từ có hai tiếng trở lên. Những từ phức được tạo nên bằng cách ghép các tiếng, giữa các tiếng có quan hệ với nhau về nghĩa được gọi là từ ghép. Những từ phức mà các tiếng chỉ có quan hệ với nhau về âm (lặp lại âm đầu, vần hoặc lặp lại cả âm đầu và vần) được gọi là từ láy.

2.2. Nghĩa của từ ngữ

– Từ có thể có một nghĩa hoặc nhiều nghĩa. Muốn xác định nghĩa của từ, ta phải đặt nó trong văn cảnh.

– Thành ngữ là loại cụm từ có cấu tạo cố định, biểu thị một ý nghĩa hoàn chỉnh.

– Để giải nghĩa từ, có thể dựa vào từ điển, nghĩa của từ dựa vào câu văn, đoạn văn mà từ đó xuất hiện. Với từ Hán Việt, có thể giải nghĩa từng thành tố cấu tạo nên từ.

2.3. So sánh

– So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

– Mô hình cấu tạo đầy đủ của một phép so sánh gồm:

  • Vế A (nêu tên sự vật, sự việc được so sánh).
  • Vế B (Nêu tên sự vật, sự việc dùng để so sánh với sự vật, sự việc nói ở vế A).
  • Từ ngữ chỉ phương diện so sánh.
  • Từ ngữ chỉ ý so sánh.

– Có hai loại so sánh: so sánh ngang bằng và so sánh không ngang bằng.

2.4. Điệp ngữ

– Điệp ngữ là một biện pháp lặp lại từ ngữ hay cả một câu văn để làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh.

– Điệp ngữ có 3 dạng:

  • Điệp ngữ nối tiếp.
  • Điệp ngữ cách quãng.
  • Điệp ngữ chuyển tiếp (điệp ngữ vòng).

2.5. Từ ghép, từ láy

– Những từ phức được tạo nên bằng cách ghép các tiếng, giữa các tiếng có quan hệ với nhau về nghĩa được gọi là từ ghép.

– Những từ phức mà các tiếng chỉ có quan hệ với nhau về âm (lặp âm đầu, vần hoặc lặp lại cả âm đầu và vần) được gọi là từ láy.

3. Tập làm văn

3.1. Yêu cầu với đối bài văn kể lại một trải nghiệm

– Được kể từ người kể chuyện ngôi thứ nhất.

– Giới thiệu được trải nghiệm đáng nhớ.

– Tập trung vào sự việc đã xảy ra.

– Thể hiện được cảm xúc của người viết trước sự việc được kể.

3.2. Các bước tiến hành

Bước 1: Trước khi viết

– Lựa chọn đề tài.

– Tìm ý:

  • Câu chuyện xảy ra khi nào? Ở đâu?
  • Những ai liên quan đến câu chuyện? Họ đã nói và làm gì?
  • Điều gì đã xảy ra?
  • Vì sao câu chuyện lại xảy ra như vậy?
  • Em có cảm xúc gì khi câu chuyện diễn ra và khi kể lại câu chuyện?

– Lập dàn ý

+) Mở bài: Giới thiệu câu chuyện.

+) Thân bài:

  • Kể diễn biến câu chuyện.
  • Giới thiệu thời gian, không gian, những nhân vật có liên quan đến câu chuyện đó.
  • Kể lại các sự việc trong câu chuyện.

+) Kết bài: Kết thúc câu chuyện và cảm xúc của bản thân.

Bước 2: Viết bài

– Nhất quán về ngôi kể.

– Sử dụng những yếu tố của truyện như cốt truyện, nhân vật.

Bước 3: Chỉnh sửa bài viết

– Đọc và sửa lại bài viết.

TÀI LIỆU ÔN TẬP BÀI 2: GÕ CỬA TRÁI TIM

Tác phẩm Tác giả Nội dung Nghệ thuật
Chuyện cổ tích về loài người Xuân Quỳnh Tác phẩm kể về sự xuất hiện của loài người, sự trưởng thành, phát triển tiến tới xã hội văn minh. Bài thơ đã bộc lộ tình yêu mến đối với con người nhất là với trẻ em. Trẻ em cần được yêu thương, được chăm sóc, dạy dỗ. Mọi sự sinh ra trên đời này là vì trẻ em, vì cuộc sống hôm nay và cuộc sống mai sau của trẻ em. – Bài thơ viết theo thể thơ ngũ ngôn (năm chữ)

– Bài thơ có sử dụng các biện pháp tu từ để làm nổi bật.

– Ngôn ngữ ngắn gọn, cô đọng, súc tích và dễ hiểu.

Mây và sóng Ta-go – Thông qua cuộc trò chuyện giữa em bé với mẹ, bài thơ Mây và sóng của Ta-go ngợi ca về tình mẫu tử thiêng liêng sâu sắc.

– Bài thơ chứa đựng những triết lý giản dị nhưng đúng đắn về hạnh phúc ở trong cuộc đời.

– Sử dụng hình ảnh giàu chất trữ tình và mang ý nghĩa biểu tượng.

– Kết cấu bài thơ giống như một câu chuyện kể tạo ấn tượng thú vị với hình thức đối thoại lồng ở trong lời kể của em bé.

– Nghệ thuật đối lập, ẩn dụ, nhân hóa,…

Bức tranh của em gái tôi Tạ Duy Anh Qua câu chuyện về người anh và cô em gái có tài năng về hội họa, truyện cho thấy: Tình cảm trong sáng, hồn nhiên và lòng nhân hậu của cô em gái đã giúp cho người anh nhận ra phần hạn chế ở chính mình. – Ngôi kể thứ nhất → giọng điệu hồn nhiên đầy chân thực.

– Lối kể hồn nhiên này đã góp phần tạo nên độ tin cậy và tính chân thực cho người đọc. Đặc biệt trong truyện tác giả đã miêu tả rất tinh tế về diễn biến tâm lí nhân vật. Người đọc như được hóa thân thành những nhân vật qua từng câu chữ của tác giả.

 

TÀI LIỆU ÔN TẬP BÀI 3: YÊU THƯƠNG VÀ CHIA SẺ

Tác phẩm Tác giả Nội dung

Nghệ thuật

Cô bé bán diêm An-đéc-xen Truyện kể về một cô bé bán diêm nghèo khổ, cô đơn, bất hạnh trong đêm giao thừa giá rét. Qua đó tác giả muốn gửi gắm một thông điệp giàu tính nhân đạo: hãy biết yêu thương và để trẻ thơ được sống trong hạnh phúc.  – Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, đan xen giữa yếu tố thực tế và huyền ảo với các tình tiết diễn biến hợp lý

– Kết hợp tự sự, miêu tả và biểu cảm.

– Kết cấu truyện theo lối đối lập, tương phản 

Gió lạnh đầu mùa Thạch Lam Qua câu chuyện cho áo và cho vay tiền mua áo, Thạch Lam ca ngợi những tấm lòng thơm thảo thương yêu nhau, giúp đỡ nhau trong cảnh bần hàn. Nghệ thuật tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm tinh tế cùng các thủ pháp đối lập, miêu tả tâm lí xuất sắc.
Con chào mào Mai Văn Phấn Bài thơ “Con chào mào” là tiếng lòng yêu thiên nhiên cùng với khao khát tự do của tác giả. Bài thơ khắc họa hình ảnh chim chào mào với bút pháp tả thực ngập tràn màu sắc và âm thanh. Đồng thời thấy được sự thay đổi ở trong ý nghĩ, cảm xúc, tình yêu dành cho thiên nhiên của nhân vật “tôi” khi hiểu rằng con chim chào mào mà mình yêu quý sẽ chỉ hạnh phúc trong cuộc sống tự do, tự nhiên giữa thiên nhiên.  Thể thơ tự do kết hợp cùng với bút pháp miêu tả linh hoạt, biện pháp tu từ điệp ngữ, ẩn dụ,… đặc sắc.

 

TÀI LIỆU ÔN TẬP BÀI 4: QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU

1. Văn bản

Tác phẩm

Nội dung

Nghệ thuật

Chùm ca dao về quê hương đất nước Chùm ca dao thể hiện tình yêu tha thiết và lòng tự hào của tác giả dân gian đối với vẻ đẹp của quê hương đất nước. – Bài 1, 2: mang những đặc điểm nghệ thuật của thơ lục bát. – Bài 3: mang những đặc điểm nghệ thuật của lục bát biến thể.
Chuyện cổ nước mình Bài thơ thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào của nhà thơ về những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc được thể hiện qua tình yêu đối với những câu chuyện cổ. – Dùng thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc để nói về những giá trị truyền thống, nhân văn. – Giọng thơ nhẹ nhàng, tâm tình, thể hiện tình yêu quê hương tha thiết, đằm sâu, nhưng đầy tự hào.
Cây tre Việt Nam Bài thơ khẳng định vai trò, sự gắn bó và ý nghĩa quan trọng của cây tre đối với đời sống của con người Việt Nam từ xưa đến nay. Qua đó, tác giả thể hiện tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào của mình về những phẩm chất đẹp đẽ, cao quý đã trở thành một biểu tượng của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam. – Lời văn giàu hình ảnh, nhạc điệu. – Sử dụng nhiều các biện pháp tu từ, điệp ngữ, hoán dụ

        

* Thơ

Thơ là một hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống với những cảm xúc chất chứa, cô đọng, những tâm trạng dạt dào, những tưởng tượng mạnh mẽ, trong ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh, và nhất là có nhịp điệu.

* Thơ lục bát

– Thơ lục bát (6 – 8) là thể thơ mà các dòng thơ được sắp xếp thành từng cặp, một dòng sáu tiếng và một dòng tám tiếng.

– Vần trong thơ lục bát: Tiếng cuối của dòng sáu vần với tiếng thứ sáu của dòng tám; tiếng cuối của dòng tám lại vần với tiếng cuối của dòng sáu tiếp theo.

– Thanh điệu trong thơ lục bát: Trong dòng sáu và dòng tám, các tiếng thứ sáu, thứ tám là thanh bằng còn tiếng thứ tư là thanh trắc. Riêng trong dòng tám, mặc dù tiếng thứ sáu và thứ tám đều là thanh bằng nhưng nếu tiếng thứ sáu là thanh huyền thì tiếng thứ tám là thanh ngang và ngược lại.

– Nhịp trong thơ lục bát: Thơ lục bát thường ngắt nhịp chẵn (2/2/2, 2/4, 4/4,…).

* Lục bát biến thể

Lục bát biến thể không hoàn toàn tuân theo luật thơ của lục bát thông thường, có sự biến đổi số tiếng trong các dòng, biến đổi cách gieo vần, cách phối thanh, cách ngắt nhịp,…

2. Tiếng Việt

2.1. Từ đồng âm và từ đa nghĩa

– Từ đồng âm là những từ có âm giống nhau nhưng nghĩa khác nhau, không có mối liên hệ nào với nhau.

– Từ đa nghĩa là từ có hai hoặc nhiều hơn hai nghĩa, các nghĩa này có liên quan với nhau.

2.2. Hoán dụ

Hoán dụ là biện pháp tu từ dùng từ ngữ vốn chỉ sự vật, hiện tượng này để gọi tên sự vật, hiện tượng khác có mối quan hệ tương cận (gần nhau) nhằm tăng khả năng gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

2.3. Thành ngữ

Thành ngữ là loại cụm từ có cấu tạo cố định, biểu thị một ý nghĩa hoàn chỉnh.

2.4. So sánh

So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

2.5. Nhân hoá

Nhân hóa là gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật,… bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người; làm cho thế giới loài vật, cây cối, đồ vật,… trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người.

2.6. Ẩn dụ

Ẩn dụ là biện pháp tu từ gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó, nhằm tăng khả năng gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

3. Tập làm văn

3.1. Tập làm thơ lục bát

a) Yêu cầu đối với một bài tập làm thơ lục bát

– Đúng luật của thơ lục bát.

– Nội dung gần gũi, phù hợp với lứa tuổi, bộc lộ những tình cảm đẹp đẽ, chân thành.

– Ngôn ngữ thích hợp, sinh động, gợi cảm.

b) Các bước tiến hành

– Khởi động viết:

  • Tập gieo vần
  • Xác định đề tài.

– Thực hành viết.

– Chỉnh sửa.

3.2. Đoạn văn thể hiện cảm xúc về một bài thơ lục bát

1. Yêu cầu đối với đoạn văn thể hiện cảm xúc về một bài thơ lục bát

– Giới thiệu bài thơ, tác giả (nếu có).

– Nêu được cảm xúc về nội dung chính hoặc một số khía cạnh nội dung của bài thơ.

– Thể hiện được cảm nhận về một số yếu tố hình thức nghệ thuật của bài thơ (thể thơ, từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ,…).

2. Các bước tiến hành

a) Trước khi viết

* Lựa chọn đề tài

– Nhớ lại những bài thơ lục bát mà em đã học, đã đọc hoặc tìm đọc một bài thơ lục bát mới.

– Bài thơ được chọn có thể là một bài ca dao (khuyết danh) hoặc là sáng tác của một nhà thơ.

* Tìm ý

– Đọc bài thơ nhiều lần, ghi lại suy nghĩ và cảm xúc khi đọc.

– Có thể tìm ý bằng cách tự đặt ra và trả lời các câu hỏi: Cảm nhận chung khi đọc bài thơ là gì? Bài thơ biểu hiện những điều gì? Bài thơ có những từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ,… nào nổi bật?

* Lập dàn ý

– Mở đoạn: Giới thiệu ngắn gọn về bài thơ, tác giả (nếu có).

– Thân đoạn: Trình bày cảm xúc về bài thơ.

  • Nêu cảm xúc về nội dung chính của bài thơ.
  • Nêu ý nghĩa, chủ đề của bài thơ.
  • Nêu cảm nhận về một số yếu tố hình thức nghệ thuật của bài thơ.

– Kết đoạn: Khái quát lại những ấn tượng, cảm xúc về bài thơ.

b) Viết bài

Bám sát dàn ý khi viết bài. Cần lưu ý:

– Chú trọng những yếu tố đã khơi gợi cảm xúc của em như nhan đề bài thơ, thể thơ (lục bát), nhịp thơ, vẫn thơ, từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ,…

– Lựa chọn từ ngữ để diễn tả cảm xúc của em về bài thơ. Kết nối các ý thành đoạn văn. Mỗi ý nên diễn đạt thành hai, ba câu.

– Bảo đảm cách trình bày của một đoạn văn: Lùi đầu dòng ở chỗ mở đầu đoạn, chữ đầu viết hoa và có dấu chấm câu kết thúc đoạn. Bố cục đoạn văn bao gồm ba phần mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Nội dung các câu trong đoạn cần hướng về một chủ đề chung.

c) Chỉnh sửa bài viết

Rà soát, tự chỉnh sửa bài viết của mình.

TÀI LIỆU ÔN TẬP BÀI 5: NHỮNG NẺO ĐƯỜNG XỨ SỞ

1. Văn bản

Tác phẩm Tác giả Nội dung

Nghệ thuật

Cô Tô Nguyễn Tuân Nhà văn Nguyễn Tuân đã tái hiện thật sinh động vẻ đẹp của thiên nhiên đảo Cô Tô và cảnh sinh hoạt lao động của những con người nơi đây. Qua đó, đoạn trích còn bộc lộ tấm lòng yêu thiên nhiên, tha thiết với những vẻ đẹp kì vĩ của đất nước, cũng như tấm lòng sâu nặng, ngợi ca của tác giả với vẻ đẹp của con người trong công cuộc lao động đổi mới và xây dựng đất nước. – Miêu tả tinh tế, chính xác, từ ngữ giàu hình ảnh và cảm xúc. 

– Những trường liên tưởng độc đáo, bất ngờ. 

– Sử dụng các biện pháp so sánh, ẩn dụ,…

Hang Én Hà My Văn bản cho thấy vẻ đẹp hoang dã, nguyên sơ của hang Én và tình yêu, sự trân trọng, ngưỡng mộ của con người trước vẻ đẹp của thiên nhiên. – Sử dụng các từ ngữ giàu hình ảnh, cảm xúc. 

– Trí liên tưởng, tưởng tượng độc đáo. 

– Lối kể tuyến tính phù hợp với thể kí giúp câu chuyện trở nên gần gũi, sống động, chân thực với người đọc.

Cửu Long Giang ta ơi Nguyên Hồng Bài thơ bắt đầu từ hình ảnh chật chội của lớp học để đưa đến hình ảnh rộng lớn của dòng sông Mê Kông, đem đến cho người đọc những hiểu biết về dòng sông cùng con người Nam Bộ Thể thơ tự do với kết cấu đặc biệt cùng các biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ, điệp,… 

 

* Kí

– Kí là loại tác phẩm văn học chú trọng ghi chép sự thực.

– Trong kí có kê sự việc, tả người, tả cảnh, cung cấp thông tin và thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của người viết. Có những tác phẩm nghiêng về kể sự việc, có những tác phẩm nghiêng về thể hiện cảm xúc.

– Với một số thể loại kí, tác giả thường là người trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến sự việc. Sự việc thường được kể theo trình tự thời gian. Tác giả có thể xưng “tôi”, có vai trò như người kể chuyện. Khi kế, tác giả kết hợp trình bày suy nghĩ, cảm xúc, sự quan sát, liên tưởng, tưởng tượng của mình về sự việc.

* Du kí

Du kí là thể loại kí ghi chép về những chuyến đi tới các vùng đất, các xứ sở nào đó. Người viết kể lại hoặc miêu tả những điều mắt thấy tai nghe trên hành trình của mình.

* Thơ

– Khái niệm: Thơ là một hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống với những cảm xúc chất chứa, cô đọng, những tâm trạng dạt dào, những tưởng tượng mạnh mẽ, trong ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh, và nhất là có nhịp điệu.

– Một số đặc điểm của thơ:

  • Mỗi bài thơ thường được sáng tác theo một thể thơ nhất định với những đặc điểm riêng về số tiếng trong mỗi dòng, số dòng trong mỗi bài,…
  • Ngôn ngữ thơ cô đọng, giàu nhạc điệu và hình ảnh, sử dụng nhiều biện pháp tu từ (so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ,…).
  • Khi phân tích thơ, phải gắn nội dung với hình thức nghệ thuật, chú ý đến các đặc điểm như: vần, nhịp, thanh điệu, âm điệu,…
  • Nội dung chủ yếu của thơ là tình cảm, cảm xúc của nhà thơ trước cuộc sống. Thơ có thể có yếu tố tự sự (kể lại một sự kiện, câu chuyện) và miêu tả (tái hiện những đặc điểm nổi bật của đối tượng) nhưng những yếu tố ấy chỉ là phương tiện để nhà thơ bộc lộ tình cảm, cảm xúc.

2. Tiếng Việt

2.1. So sánh

So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

2.2. Nhân hoá

Nhân hóa là gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật,… bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người; làm cho thế giới loài vật, cây cối, đồ vật,… trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người.

2.3. Ẩn dụ

Ẩn dụ là biện pháp tu từ gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó, nhằm tăng khả năng gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

2.4. Dấu ngoặc kép

– Đánh dấu từ ngữ, đoạn dẫn trực tiếp, lời đối thoại.

– Đánh dấu tên tác phẩm, tờ báo, tập san,… được dẫn.

– Đánh dấu từ ngữ được hiểu theo nghĩa đặc biệt.

2.5. Dấu phẩy

– Đánh dấu ranh giới giữa các từ ngữ có cùng chức vụ trong câu.

– Đánh dấu ranh giới giữa các thành phần phụ của câu với chủ ngữ và vị ngữ.

– Đánh dấu ranh giới giữa một từ ngữ với bộ phận chú thích của nó.

– Đánh dấu ranh giới giữa các vế của một câu ghép.

2.6. Dấu gạch ngang

– Đặt ở giữa câu để đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích trong câu.

– Đặt đầu dòng để đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật hoặc để liệt kê.

– Nối các từ nằm trong một liên danh.

3. Tập làm văn

a) Yêu cầu đối với bài văn tả cảnh sinh hoạt

– Giới thiệu được cảnh sinh hoạt.

– Tả bao quát quang cảnh (không gian, thời gian, hoạt động chính).

– Tả hoạt động cụ thể của con người.

– Sử dụng từ ngữ phù hợp để miêu tả cảnh sinh hoạt một cách rõ nét, sinh động.

– Nêu được cảm nghĩ về cảnh sinh hoạt.

b) Các bước tiến hành

* Trước khi viết

– Lựa chọn đề tài: Cảnh sinh hoạt.

* Tìm ý

– Hình dung các chi tiết về cảnh sinh hoạt theo trí nhớ của em: thời gian, địa điểm; quang cảnh chung và những hoạt động cụ thể; những người tham gia và hành động lời nói của họ.

– Sưu tầm các tư liệu liên quan.

* Lập dàn ý

– Mở bài: Giới thiệu cảnh sinh hoạt.

– Thân bài: Miêu tả cảnh sinh hoạt.

  • Tả bao quát khung cảnh và ấn tượng chung về cảnh sinh hoạt.
  • Tả cụ thế cảnh sinh hoạt theo trình tự thời gian; hoạt động cụ thể của những người tham gia.
  • Thể hiện cảm xúc khi quan sát, chứng kiến hoặc tham gia cảnh sinh hoạt.

– Kết bài: Nêu suy nghĩ, đánh giá của người viết.

* Viết bài

– Bám sát dàn ý khi viết bài.

– Cần lưu ý:

  • Tả những gì em đã quan sát. Nên tả cụ thể hình dáng, màu sắc, âm thanh, mùi vị,… Chú ý dùng các biện pháp tu từ như so sánh, nhân hoá đề bài viết thêm sinh động.
  • Sử dụng những từ ngữ thể hiện chân thực tình cảm, suy nghĩ của em

* Chỉnh sửa bài viết

Rà soát, tự chỉnh sửa bài viết của mình.

II – TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI ÔN TẬP VÀ TỰ ĐÁNH GIÁ CUỐI HỌC KÌ I – SGK NGỮ VĂN 6 KẾT NỐI TRI THỨC

Dưới đây là đáp án tất cả những câu hỏi bài ôn tập và tự đánh giá cuối học kì I trong sách giáo khoa ngữ văn 6 Kết nối tri thức tập 1 do giáo viên tại HOCMAI hướng dẫn. Các em học sinh hãy tham khảo kỹ để việc ôn luyện cũng như chuẩn bị bài soạn văn tốt nhất nhé!

III – ĐỀ THI ÔN TẬP CUỐI HỌC KÌ 1 NGỮ VĂN LỚP 6 KẾT NỐI TRI THỨC

Dưới đây là 6 đề ôn thi học kì I ngữ văn lớp 6 bộ sách Kết nối tri thức do HOCMAI tổng hợp gửi tới các em. Để sử dụng bộ tài liệu tốt nhất, các em hãy photo ra giấy để có thể thực hành trực tiếp nhé!

Trên đây là Đề cương ôn thi học kì 1 ngữ văn 6 Kết nối tri thức do HOCMAI tổng hợp và biên soạn chi tiết nhất gửi đến các em học sinh. Các em hãy ôn tập thật kỹ, luyện đề nhiều lần để có thể đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi cuối HK1 sắp tới nhé!