Đề cương ôn thi học kì 2 ngữ văn 7 mới nhất

0
3614
on-thi-hoc-ki-2-ngu-van-7

Dưới đây là bài Đề cương ôn thi học kì 2 ngữ văn 7 mới nhất, dành cho các em học sinh khối 7 đang chuẩn bị cho kỳ thi cuối kỳ. Để vượt qua kỳ thi này, các em cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thuộc lòng kiến thức và chăm chỉ luyện đề. Mọi thứ các em cần đều có trong bài viết dưới đây. Các em tham khảo nhé!

A. CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC LỚP 7 HỌC KÌ 2

1. Văn bản – “Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất”

a) Nghệ thuật:

– Sử dụng cách thức diễn đạt cô đúc, ngắn gọn.

– Sử dụng cách thức diễn đạt theo kiểu nhân quả, đối xứng, với nhiều hiện tượng và những ứng xử cần thiết.

– Tạo nhịp, vần cho câu văn được vận dụng dễ dàng hơn, dễ nhớ hơn.

b) Ý nghĩa văn bản:

Có không ít câu tục ngữ nói về thiên nhiên và về lao động sản xuất là những bài học vô giá của nhân dân nước Nam ta.

2. Văn bản – “Tục ngữ về con người và xã hội”

a) Nghệ thuật:

– Sử dụng cách thức diễn đạt cô đúc, ngắn gọn.

– Sử dụng nhiều phép tu từ: ẩn dụ, so sánh, đối, điệp ngữ, điệp từ,…

– Tạo nhịp, vần cho câu văn được vận dụng dễ dàng hơn, dễ nhớ hơn.

b) Ý nghĩa văn bản:

Có không ít câu tục ngữ là những kinh nghiệm đúc kết vô giá của nhân dân ta về cách sống, cách giao tiếp, cách đối nhân xử thế.

3. Văn bản – “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” (Hồ Chí Minh)

a) Nghệ thuật:

– Xây dựng được luận điểm súc tích, ngắn gọn, lập luận sắc bén, dẫn chứng toàn diện, bao quát, tiêu biểu, chọn lọc theo nhiều phương diện:

+ Lứa tuổi.

+ Nghề nghiệp.

+ Vùng miền…

– Sử dụng những từ ngữ gợi hình ảnh (lướt qua, nhấn chìm, làn sóng,..), những câu văn nghị luận hiệu quả (những câu có quan hệ từ…”đến”…)

– Sử dụng tài tình biện pháp liệt kê, nêu tên những anh hùng dân tộc trong lịch sử chống ngoại xâm của nước nhà, nêu tên những biểu hiện về lòng yêu nước của toàn nhân dân ta.

b) Ý nghĩa văn bản:

Truyền thống yêu nước nồng nàn, đùm bọc lẫn nhau của nhân dân ta cần được duy trì và phát huy đến mãi sau này.

4. Văn bản – “Đức tính giản dị của Bác Hồ” (Phạm Văn Đồng)

a) Nghệ thuật:

– Có lí lẽ bình luận sâu sắc, dẫn chứng cụ thể, đầy sức thuyết phục.

– Lập luận theo một trình tự rất hợp lý.

b) Ý nghĩa văn bản:

– Ca ngợi những phẩm chất cao quý, đức tính giản dị cả trong đời sống lẫn công việc của chủ tịch Hồ Chí Minh.

– Bài học về việc rèn luyện và học tập nói theo tấm gương chủ tịch Hồ Chí Minh sáng ngời.

5. Văn bản – “Ý nghĩa của văn chương”

a) Nghệ thuật:

– Có luận điểm rõ ràng, những luận chứng minh bạch, rõ ràng và đầy tính thuyết phục, có các dẫn chứng đa dạng: Khi là một mẩu truyện ngắn, khi hòa với luận điểm, khi trước khi sau.

– Diễn đạt bằng những lời văn giản dị, giàu cảm xúc, giàu hình ảnh.

b) Ý nghĩa văn bản:

Văn bản thể hiện sâu sắc quan niệm của nhà văn với văn chương.

6. Văn bản – “Sống chết mặc bay” (Phạm Duy Tốn)

a) Nghệ thuật:

+ Xây dựng được tình huống tăng cấp – tương phản với một kết thúc bất ngờ, ngôn ngữ đối thoại sinh động, ngắn gọn.

+ Ngôi kể khách quan.

+ Chân dung nhân vật được khắc họa sinh động.

b) Ý nghĩa văn bản:

Phê phán cái thói bàng quan, vô lương tâm, vô trách nhiệm tới mức góp phần gây nên nạn lớn cho toàn dân của bọn viên quan phụ mẫu – đại diện cho lũ cầm quyền Pháp thuộc. Đồng cảm xót xa với hoàn cảnh thê thảm, cùng quẫn của người nhân dân lao động do thiên tai và do thái độ vô trách nhiệm, máu lạnh của những kẻ cầm quyền gây nên.

c) Ý nghĩa nhan đề:

– “ Sống chết mặc bay” là nhan đề của truyện ngắn mà tác giả Phạm Duy Tốn đặt tên cho tác phẩm của mình; là để nói lũ quan lại làm tay sai cho giặc Pháp là những kẻ máu lạnh, vô trách nhiệm, vô lương tâm, chỉ vơ vét của dân nghèo rồi lao vào những cuộc chơi đàng điếm, bài bạc.

7. Văn bản – “Ca Huế trên sông Hương” (Hà Ánh Minh)

a) Nghệ thuật:

– Ngôn ngữ giàu cảm xúc, giàu tính thơ, giá trị hình ảnh cao.

– Yếu tố miêu tả tái hiện chân thật, sinh động cảnh vật, âm thanh của con người.

b) Ý nghĩa văn bản:

Qua việc ghi chép lại một buổi ca Huế ở trên sông Hương, tác giả đã thể hiện được lòng yêu mến, tự hào về dòng ca Huế, một di sản văn hóa thật độc đáo của Huế nói riêng và của toàn dân tộc Việt Nam nói chung, nhắc nhở chúng ta cần phải biết gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc.

B. PHẦN TIẾNG VIỆT – ĐỀ CƯƠNG VĂN LỚP 7 HỌC KÌ 2

1. Biện pháp liệt kê

– Khái niệm: Sắp xếp nối tiếp nhau những loạt từ hoặc cụm từ cùng loại để có thể diễn tả được sâu sắc hơn, chi tiết hơn nhiều khía cạnh khác nhau của sự vật, sự việc, sự kiện, câu chuyện nào đó.

– Các kiểu liệt kê:

  • Theo cấu tạo: Liệt kê không theo từng cặp hoặc liệt kê theo từng cặp một.
  • Theo ý nghĩa: Liệt kê không tăng tiến hoặc liệt kê tăng tiến.

2. Các kiểu câu và cấu tạo câu

2.1. Các kiểu câu

a) Rút gọn câu

– Khi nói hoặc khi viết, có thể lược bỏ đi một số thành phần câu, tạo thành một câu rút gọn. Việc lược bỏ đi một số thành phần câu thường có mục đích là:

  • Làm cho câu văn gọn hơn, vừa dẫn thông tin được nhanh, vừa tránh bị lặp những từ ngữ mà đã xuất hiện ở câu đứng trước.
  • Ngụ ý về hành động, đặc điểm nói ở trong câu là của chung số đông mọi người (lược bỏ đi chủ ngữ)

– Khi rút gọn câu, thì cần phải chú ý:

  • Không làm cho người đọc (người nghe) hiểu sai, hiểu lệch, hoặc hiểu không đầy đủ, nắm không hết nội dung của câu nói.
  • Không nên biến câu nói thành một câu ngắn cộc lốc, thiếu tế nhị, khiếm nhã.

b) Câu đặc biệt

– Khái niệm: Câu đặc biệt là kiểu loại câu không có cấu tạo theo mô hình thông tường: chủ ngữ-vị ngữ

– Tác dụng của câu đặc biệt:

  • Xác định về thời gian, nơi chốn mà diễn ra sự việc được nói đến ở trong đoạn.
  • Thông báo, liệt kê về sự tồn tại của hiện tượng, của sự vật.
  • Bộc lộ cảm xúc.
  • Gọi đáp.

c) Câu chủ động: Câu có phần chủ ngữ chỉ người, chỉ vật thực hiện một hoạt động/hành động hướng vào một người, một vật khác (chỉ chủ thể của hành động)

d) Câu bị động: Câu có phần chủ ngữ chỉ người, chỉ vật được (bị) hoạt động/hành động của một người, một vật khác hướng vào (chỉ đối tượng bị hành động hướng tới)

2.2. Cấu tạo câu

a) Thêm trạng ngữ cho câu

– Đặc điểm của trạng ngữ:

  • Về ý nghĩa: trạng ngữ trong câu có tác dụng nhằm xác định yếu tố nơi chốn, thời gian, mục đích, phương tiện, nguyên nhân, cách thức diễn ra sự việc được nêu ở trong câu.
  • Về hình thức: Trạng ngữ đứng được ở cả vị trí cuối câu, đầu câu hoặc giữa câu; và giữa trạng ngữ với vị ngữ và chủ ngữ thường sẽ có  một dấu phẩy khi viết hoặc một quãng nghỉ khi nói.

– Tác dụng của trạng ngữ:

  • Xác định được điều kiện, hoàn cảnh diễn ra sự việc nêu ở trong câu, góp phần giúp cho nội dung của câu được đầy đủ và chính xác hơn.
  • Nối kết, liên kết các câu, các đoạn lại với nhau, góp phần làm cho bài văn, đoạn văn được nuột hơn, mạch lạc hơn.
  • Trong một vài trường hợp, để chuyển ý, nhấn mạnh ý hoặc thể hiện ra những cảm xúc, tình huống nhất định, người ta có thể tách thành phần trạng ngữ, đặc biệt là trạng ngữ đứng ở vị trí cuối câu, trở thành những câu riêng.

b) Dùng cụm chủ – vị để mở rộng câu

  • Khi nói hoặc khi viết, có thể sử dụng những cụm từ có hình thức giống như một câu đơn bình thường, đó gọi là cụm chủ – vị (tắt là cụm C–V), sử dụng để mở rộng câu hoặc làm thành phần của câu.
  • Những thành phần câu như vị ngữ, chủ ngữ và những phụ ngữ trong cụm tính từ, cụm động từ, cụm danh từ thì đều có thể được cấu tạo bằng một cụm C – V.

3. Dấu câu

3.1. Dấu chấm lửng

– Vị trí: Có thể xuất hiện ở vị trí cuối, giữa hoặc đầu câu.

– Tác dụng:

  • Tỏ ý còn nhiều hiện tượng, sự vật tương tự chưa được liệt kê hết
  • Thể hiện ở cách ngập ngừng, ngắt quãng, nói không hết ý
  • Làm giãn nhịp điệu của câu văn, báo hiệu về sự xuất hiện của một câu chuyện bất ngờ, hài hước hoặc châm biếm.

3.2. Dấu chấm phẩy

– Sử dụng để đánh dấu ranh giới giữa hai vế trong một câu ghép mà có cấu tạo phức tạp.

– Sử dụng trong phép liệt kê phức tạp.

3.3. Dấu gạch ngang

– Tác dụng của dấu gạch ngang:

  • Đặt ở vị trí giữa câu để đánh dấu bộ phận giải thích, chú thích ở trong câu.
  • Đặt ở vị trí đầu dòng để đánh dấu đây là lời nói trực tiếp của nhân vật hoặc mục đích để liệt kê.
  • Nối các từ mà nằm trong cùng một liên danh.

– Phân biệt dấu gạch nối với dấu gạch ngang:

  • Dấu gạch nối không được cho là một dấu câu. Nó chỉ sử dụng để nối các tiếng trong từ mượn gồm có nhiều tiếng.
  • Dấu gạch ngang dài hơn dấu gạch nối.

C. TẬP LÀM VĂN – ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP NGỮ VĂN 7 CUỐI KÌ 2

1. Văn nghị luận

1.1. Những bước để làm bài văn nghị luận:

  • Tìm hiểu đề và tìm ý
  • Lập dàn ý
  • Viết bài
  • Đọc và sửa bài

1.2. Dàn ý cho một bài văn lập luận chứng minh

– Mở bài: Nêu luận điểm cần được chứng minh

– Thân bài:

  • Giải thích vấn đề (nếu cần): Giải thích nghĩa đen – nghĩa bóng
  • Nêu lí lẽ và dẫn chứng để chứng tỏ luận điểm là đúng đắn

– Kết bài: Nêu lên ý nghĩa mà luận điểm đang chứng minh. Chú ý, lời văn ở phần kết bài nên hô ứng với lời văn ở phần mở bài.

1.3. Dàn ý cho một bài văn lập luận giải thích

– Mở bài: Giới thiệu về vấn đề cần giải thích và gợi ra những phương hướng giải thích.

– Thân bài:

  • Giải thích về khái niệm và ý nghĩa của vấn đề
  • Giải thích lý do tại sao cần phải làm thế
  • Cần phải làm những gì để thực hiện được điều đó?
  • Bài học rút ra

– Kết bài: Nêu ý nghĩa của vấn đề đang được giải thích.

2. Văn bản hành chính – công vụ

2.1. Văn bản đề nghị

– Khái niệm: Kiểu văn bản có chức năng đề xuất ý kiến của người viết về một nhu cầu, một quyền lợi chính đáng của cá nhân hoặc tập thể (thường là cho tập thể) đến những cá nhân, tổ chức có thẩm quyền.

– Phần nội dung cần chú ý các mục sau: Ai đề nghị? Đề nghị tới ai (nơi nào)? Đề nghị về điều gì?            

– Các mục của một văn bản đề nghị:

  • Quốc hiệu và tiêu ngữ
  • Thời gian, địa điểm làm đề nghị
  • Tên văn bản là: Giấy đề nghị (hoặc Bản kiến nghị)
  • Nơi nhận đề nghị
  • Người (hoặc tổ chức) đề nghị
  • Nêu sự việc, lý do, nguyên nhân và ý kiến
  • Chữ ký và họ tên của người đề nghị

2.2. Văn bản báo cáo

– Khái niệm: Kiểu loại văn bản được sử dụng để tổng hợp về tình hình, sự việc và những kết quả đạt được của một cá nhân hoặc một tập thể.

– Nội dung cần phải chú ý của các mục: Báo cáo của ai? Báo cáo cho ai? Báo cáo với ai? Báo cáo về vấn đề gì? Kết quả như thế nào?

– Dàn mục của một văn bản báo cáo:

  • Quốc hiệu và tiêu ngữ
  • Thời gian và địa điểm làm báo cáo
  • Tên của văn bản: Báo cáo về…
  • Nơi nhận báo cáo
  • Người (tổ chức) báo cáo
  • Báo cáo về lí do, sự việc và những kết quả đã làm được
  • Chữ ký và họ tên của người báo cáo

D. DÀN Ý ÔN THI NGỮ VĂN 7 CUỐI KÌ 2

– Đề 1: Hãy giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ nổi tiếng: “Thất bại là mẹ thành công”.

Dàn ý chi tiết

1) Mở bài:

– Giới thiệu về câu tục ngữ “Thất bại là mẹ của thanh công”, sau đó nêu ý nghĩa của câu. Câu tục ngữ là một kinh nghiệm được đúc kết từ ngàn đời của nhân dân ta từ cuộc sống thực tế, đồng thời đây cũng là lời khuyên hữu ích cho mỗi chúng ta.

2) Thân bài:

– Giải thích về ý nghĩa của câu tục ngữ: Những thất bại, sai lầm, những lần vấp ngã chính là tiền đề cho sự thành công sau này.

– Khẳng định tính đúng đắn của câu tục ngữ và giải thích lý do tại sao đúng?

+ Vì mỗi người muốn đạt được một thành tựu nào đó, thì giai đoạn đầu sẽ luôn phải trải qua những khó khăn.

+ Vì trong cuộc sống thường nhật không phải lúc nào con người chúng ta cũng luôn êm xuôi, thuận lợi.

+ Vì sau mỗi lần thất bại, chúng ta đều rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá.

– Chứng minh (bằng dẫn chứng từ thực tế hoặc từ sách báo): Đứa trẻ tập đi ban đầu hay vấp ngã; lần đầu tiên chơi học một môn thể thao mới hoặc tập bơi dễ bị lúng túng, chưa thành công; những nhà kinh tế, nhà khoa học lớn trên khắp thế giới cũng đã từng thất bại nhiều lần sau này mới có thể đạt được thành công và sự nổi tiếng.

– Bàn luận, mở rộng: Phê phán những người luôn sống tự ti, thiếu sự lạc quan, dễ cảm thấy chán nản trong cuộc sống.

– Yếu tố quan trọng để đạt được thành công sau nhiều lần vấp ngã: Sự ý thức cao, sự tự nhận thức của con người; nghị lực, ý chí vươn lên ở trong cuộc sống; lòng can đảm, kiên trì đối mặt với cả thử thách và chiến thắng được nỗi sợ hãi của bản thân mình.

3) Kết bài:

– Tóm lược lại về ý nghĩa của câu tục ngữ.

– Bài học kinh nghiệm rút ra cho bản thân.

– Đề 2: Em hãy giải thích câu nói nổi tiếng của Lê-nin: Học, học nữa, học mãi.

Dàn ý chi tiết

1) Mở bài: Giới thiệu về lời khuyên nổi tiếng của ông Lê – Nin “ Học, học nữa, học mãi”

2) Thân bài:

  • Giải thích như thế nào là: “ Học, học nữa, học mãi”

– Học: là hành động thu nạp kiến thức mới, tiếp thu kinh nghiệm từ người đi trước hoặc tự mình khám phá ra một điều mới.

– Học nữa: “học nữa” thúc giục ta phải không ngừng học tập tiếp nữa, bởi học không bao giờ là đủ, kiến thức bao la như bầu trời.

– Học mãi: Việc học không được phép dừng lại, nó cần được tiếp diễn tới mãi mãi sau này, dù ta có đang ở độ tuổi nào, làm công việc gì đi chăng nữa.

  • Ý nghĩa của việc “ Học, học nữa, học mãi”

– Học tập là chính là giá trị cốt lõi, giúp cho xã hội con người phát triển tới được như hiện tai.

– Xã hội luôn luôn vận động, luôn thay đổi và phát triển. Nếu ta ngừng học tập thì ta sẽ bị tụt hậu so với xã hội.

– Học tập càng nhiều thì khả năng có thể cống hiến càng lớn, ngày một cống hiến nhiều thêm giá trị cho xã hội.

  • Nên học tập ở đâu và phương pháp học:

– Trường lớp, bạn bè, thầy cô, sách báo, internet,…

– Học trong cuộc sống, học trong công việc,…

– Bất cứ đâu, bất cứ lúc nào đều có thể kiến thức để học.

  • Nêu những lối học sai lầm

– Học tủ, học vẹt,….

– Học vì lợi ích

– Học vì ép buộc

3) Kết bài:

  • Khẳng định việc học là quan trọng, thiết yếu của mỗi con người.
  • Chúng ta đều phải “Học, học nữa, học mãi” .

E. ĐỀ THI HỌC KÌ 2 NGỮ VĂN 7 (CÓ ĐÁP ÁN)


Bài viết tham khảo thêm:

Trên đây là bài viết Đề cương ôn thi học kì 2 ngữ văn 7 mới nhất của các em học sinh khối 7. Các em học sinh hãy chăm chỉ học thuộc kiến thức sau đó áp dụng vào giải đề thi ở bên trên nhé. HOCMAI chúc các em đạt được điểm thật cao, xứng đáng với công sức mà mình đã bỏ ra nhé!