Đề cương ôn thi giữa học kì 2 ngữ văn 7 mới nhất

0
4849
on-thi-giua-hoc-ki-2-ngu-van-7

Các em học sinh khối 7 thân mến, kỳ thi giữa học kì 2 sắp tới rồi. Để quá trình ôn tập được suôn sẻ và dễ dàng hơn, các em có thể tham khảo bài viết Đề cương ôn thi giữa học kì 2 ngữ văn 7 mới nhất này nhé. Chúng ta cùng vào bài thôi nào!

A. PHẦN VĂN BẢN – ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP GIỮA KÌ 2 VĂN 7

I. Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất.

+ Giá trị nội dung:

Những câu tục ngữ của ông cha ta viết về lao động sản xuất và thiên nhiên đã phản ánh và truyền đạt rất nhiều kinh nghiệm quý báu của nhân dân ta từ xa xưa trong việc quan sát, ghi nhận những hiện tượng thiên nhiên và những hiện tượng trong lao động sản xuất. Tất cả những kinh nghiệm ấy đều được đúc rút và truyền lại qua mọi thế hệ sau này.

+ Giá trị nghệ thuật:

  • Sử dụng cách diễn đạt hàm súc, ngắn gọn và cô đúc.
  • Sử dụng phép liệt kê, gieo vần lưng, cách nói giàu nhịp điệu, ngắn gọn…
  • Sử dụng cách thức diễn tả, biểu đạt theo kiểu đối xứng, tính chất nhân quả của hiện tượng và cách đối diện cần thiết.
  • Tạo vần, tạo nhịp cho câu văn dễ ghi nhớ, dễ dàng vận dụng.

II. Tục ngữ về con người và xã hội.

+ Giá trị nội dung:

Tục ngữ về xã hội và loài người; luôn tập trung vào việc tôn vinh giá trị của con người, đưa ra những lời khuyên, nhận xét, bình phẩm về những lối sống và phẩm chất mà con người cần phải có.

+ Giá trị nghệ thuật:

  • Những câu tục ngữ về xã hội và về con người sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ, hình ảnh so sánh, hình ảnh nhân hóa nhằm làm tăng thêm giá trị biểu đạt.
  • Những câu tục ngữ mà có ý nghĩa đối lập nhưng không bị loại trừ nhau mà chúng thậm chí bổ sung cho nhau.

III. Tinh thần yêu nước của nhân dân ta – của Chủ tịch Hồ Chí Minh

+ Giá trị nội dung:

Văn bản đã ca ngợi về niềm tự hào, tự tôn và tinh thần yêu nước. Từ đó, đã kêu gọi được mọi người liên tục phát huy được truyền thống yêu nước, đùm bọc lẫn nhau quý báu của toàn dân tộc.

+ Giá trị nghệ thuật:

  • Xây dựng được luận điểm xúc tích và ngắn gọn; lập luận rất chặt chẽ; dẫn chứng đầy tính toàn diện, chọn lọc tiêu biểu theo nhiều phương diện khác nhau:vùng miền, lứa tuổi, giới tính, tầng lớp…
  • Sử dụng những từ ngữ gợi tả hình ảnh như: “làn sóng”, “lướt qua”,… và những câu văn nghị luận một cách hiệu quả.
  • Sử dụng thành thạo phép so sánh, phép liệt kê để nêu tên những vị anh hùng dân tộc ở trong lịch sử chống giặc ngoại xâm hào hùng của nước ta, nêu những biểu hiện của lòng yêu nước cao cả.

IV. Đức tính giản dị của Bác Hồ – của tác giả Phạm Văn Đồng

+ Giá trị nội dung:

  • Qua văn bản này chúng ta hiểu được rằng: cùng với rất nhiều phẩm chất cao quý khác, thì lối sống giản dị chính là đức tính nổi bật ở nơi Bác Hồ. Giản dị ở trong đời sống, ở trong cả quan hệ với mọi người, Bác Hồ cũng giản dị cả trong bài viết và lời nói. Ở Bác Hồ, Bác có đời sống vật chất cũng rất giản dị và hoà hợp với đời sống tinh thần đầy phong phú, với tư tưởng cao quý và tình cảm cao đẹp.
  • Tác giả không những trình bày những điều mà bản thân biết về Bác Hồ mà tác giả còn biểu hiện được biết bao tình cảm kính yêu, kính mến, trân trọng với Bác, những bài học đạo đức đầy cao đẹp mà bản thân đã tiếp nhận được từ vị cố Chủ tịch Hồ Chí Minh.

+ Giá trị nghệ thuật:

  • Có dẫn chứng rất cụ thể, bình luận lý lẽ sâu sắc, đầy sức thuyết phục.
  • Lập luận theo một trình tự rất hợp lý.
  • Hệ thống luận cứ xác đáng, đầy đủ, chặt chẽ.
  • Bình luận tận tâm, sâu sắc, chứa đựng nhiều tình cảm của tác giả.

V. Ý nghĩa của văn chương.

+ Giá trị nội dung:

  • Bài có luận điểm thật rõ ràng, luận chứng cũng được viết rất minh bạch và đầy sức thuyết phục, phản ánh đầy đủ rõ ràng góc nhìn của người viết. Có một cách dẫn chứng đa dạng là: Khi trước khi sau, khi thì hòa làm một với luận điểm, khi thì là một câu truyện ngắn.
  • Diễn đạt bằng lời văn thật giản dị, giàu cảm xúc, giàu tính hình ảnh.

+ Ý nghĩa văn bản:

Văn bản thể hiện được một quan niệm sâu sắc của nhà văn về vấn đề văn chương.

VI. Sống chết mặc bay

+ Giá trị Nghệ thuật:

  • Xây dựng một tình huống tương phản đối lập – tăng cấp và có cái kết thúc bất ngờ, ngôn ngữ đối thoại hàm súc, ngắn gọn và rất sinh động.
  • Lựa chọn một ngôi kể khách quan.
  • Lựa chọn một ngôi kể, tả, khắc họa được chân dung của nhân vật thật sinh động.

+ Ý nghĩa văn bản:

Phê phán cái thói sống bàng quan vô lương tâm, vô trách nhiệm đến nỗi góp phần gây nên nạn lớn cho những người nhân dân của viên quan phụ mẫu – đại diện cho bọn cầm quyền Pháp thuộc. Tác giả bày tỏ sự đồng cảm, sự xót thương với tình cảnh thê thảm, khổ sở của những người nhân dân lao động do thiên tai tự nhiên và do thái độ vô cảm, vô trách nhiệm, máu lạnh của những kẻ cầm quyền gây nên.

Giải thích ý nghĩa nhan đề “Sống chết mặc bay”:

  • Nhan đề bài “sống chết mặc bay” bộc lộ rõ được thái độ thờ ơ, máu lạnh, vô trách nhiệm, vô cảm của một tên quan đi hộ đê trước hàng vạn tính mạng của người dân nghèo vô tội, vơ vét của cải của dân rồi đâm đầu vào những cuộc chơi đàng điếm, bài bạc. Bằng nhan đề này, tác giả Phạm Duy Tốn đã phê phán, lên án một xã hội Việt Nam vào những năm trước thời gian Cách mạng Tháng tám năm 1945 với cuộc sống đầy khổ cực, nheo nhóc, tăm tối của muôn dân và một lối sống thờ ơ vô trách nhiệm của những tên quan lại phong kiến.

B. PHẦN TIẾNG VIỆT – ĐỀ CƯƠNG ÔN THI GIỮA HỌC KÌ 2 NGỮ VĂN 7

I. Rút gọn câu

– Khái niệm → Câu rút gọn là kiểu câu đã lược bỏ một thành phần nào đó ở trong câu, có thể là Vị ngữ hoặc chủ ngữ, hoặc cả hai chủ vị.

Ví dụ:

– Ai ngồi đây?

– Tôi.

→ Rút gọn vị ngữ

– Tác dụng câu rút gọn:

  • Làm cho câu gọn hơn, ngắn hơn, vừa thông tin được nhanh chóng, vừa tránh trùng lặp với những từ đã xuất hiện ở những câu trước.
  • Nói chung chung; Ngụ ý đặc điểm, hành động được nói ở trong câu là về/của/cho chung mọi người.

– Cách sử dụng câu rút gọn: Khi rút gọn câu thì cần lưu ý hai điều:

  • Không làm cho người đọc, người nghe hiểu sai hoặc hiểu không đầy đủ, hiểu không đúng, hiểu nhầm nội dung câu nói.
  • Không biến câu nói thành một câu khiếm nhã, thiếu tôn trọng, cộc lốc.

Tìm hiểu thêm về thành phần chủ ngữ và vị ngữ tại bài viết:

II. Câu đặc biệt

– Khái niệm → là loại kiểu câu không có cấu tạo theo mô hình Chủ – Vị.

VD: Nắng. Mưa. Trải mượt khắp cả cánh đồng.

– Tác dụng:

  • Bộc lộ cảm xúc.
  • Thông báo hoặc liệt kê về sự tồn tại của những sự vật, những hiện tượng.
  • Nêu lên nơi chốn, thời gian diễn biến, diễn ra sự việc được đề cập đến trong đoạn.
  • Gọi đáp.

– Phân biệt hai loại câu: câu rút gọn và câu đặc biệt:

Câu đặc biệt Câu rút gọn
– Câu không có (không thể) cấu tạo theo mô hình Chủ – Vị.

– Câu đặc biệt không thể khôi phục Chủ – Vị vì không có cấu tạo đó.

– Câu rút gọn là kiểu câu đầy đủ Chủ – Vị bình thường, sau đó bị lược bỏ đi mỗi Chủ ngữ hoặc lược đi mỗi Vị ngữ hoặc lược bỏ cả hai/.

– Có thể khôi phục lại Chủ ngữ và Vị ngữ.

III. Thêm trạng ngữ cho câu

– Một số loại trạng ngữ thường gặp như: Trạng ngữ để xác định: nơi chốn, thời điểm, phương tiện, mục đích, nguyên nhân và cách thức sự việc diễn ra được nêu ở trong câu.

– Vị trí của trạng ngữ có trong câu:

  • Trạng ngữ có thể được đặt ở vị trí cuối câu, giữa câu, đầu câu.
  • Giữa trạng ngữ và Vị ngữ, Chủ ngữ thì thường có thêm một dấu phẩy khi viết hoặc có thêm một quãng nghỉ khi nói.

– Công dụng của trạng ngữ:

  • Xác định được hoàn cảnh và điều kiện để diễn ra sự việc (vật) được nêu trong câu, góp phần để làm cho nội dung của câu thêm chi tiết, đầy đủ.
  • Nối kết các đoạn văn, các câu văn lại với nhau,góp phần làm cho bài văn, đoạn văn được thêm liền mạch, mạch lạc.

– Tách bộ phận trạng ngữ thành một câu riêng: Mục đích để nhấn mạnh ý hoặc chuyển ý hoặc bộc lộ cảm xúc, thể hiện những tính huống nhất định. Ta có thể tách riêng bộ phận trạng ngữ, đặc biệt là để trạng ngữ đứng ở cuối câu, tách thành câu riêng.

Xem thêm về trạng ngữ tại bài viết:

IV. Chuyển đổi câu chủ động sang câu bị động

– Câu chủ động là kiểu câu có phần chủ ngữ ám chỉ người hoặc chỉ vật thực hiện một hành động, hoạt động, lời nói để hướng vào người khác, vật khác (chủ ngữ là chủ thể của hoạt động)

– Câu bị động là kiểu câu có phần chủ ngữ ám chỉ người (vật) được hoạt động của người (vật) khác hướng tới (chủ ngữ là đối tượng của hoạt động)

– Mục đích để chuyển đổi câu chủ động sang kiểu câu bị động và ngược lại là: Nhằm liên kết những câu có trong đoạn trở thành một mạch văn liền mạch, thống nhất.

– Quy tắc để chuyển câu chủ động thành kiểu câu bị động là: 2 cách:

  • Chuyển từ (hoặc cụm từ) dùng để chỉ đối tượng của một hoạt động lên vị trí ở đầu câu và thêm những từ bị động như từ “được” hoặc “bị” vào phía sau từ (hoặc cụm từ) ấy.
  • Chuyển từ (hoặc cụm từ) dùng để chỉ đối tượng của một hoạt động lên vị trí ở đầu câu, đồng thời sẽ lược bỏ hoặc biến từ (hoặc cụm từ) dùng để chỉ chủ thể của hoạt động biến thành một bộ phận không bắt buộc ở trong câu.

– Không hẳn câu nào có các từ “bị”, “được” cũng là kiểu câu bị động.

V. Dùng cụm chủ – vị để mở rộng câu

– Mục đích của việc sử dụng cụm chủ-vị để mở rộng câu là: Khi viết hoặc nói có thể sử dụng những cụm từ có hình thức biểu hiện giống một câu đơn bình thường (đó gọi là cụm chủ-vị) để làm một thành phần của câu hoặc một cụm từ để mở rộng câu.

– Những trường hợp sử dụng cụm chủ-vị để mở rộng mệnh đề là: Những thành phần câu như vị ngữ, chủ ngữ và các phụ ngữ trong những cụm động từ, cụm tính từ, cụm danh từ đều có thể được cấu tạo thành bằng một cụm chủ-vị.

C. PHẦN TẬP LÀM VĂN – ĐỀ CƯƠNG VĂN LỚP 7 GIỮA HỌC KÌ 2

I. KIẾN THỨC VĂN NGHỊ LUẬN LỚP 7

1) Khái niệm văn nghị luận

Văn nghị luận là kiểu văn được viết ra nhằm mục đích xác lập, truyền tải cho người nghe, người đọc một tư tưởng, hệ tư duy, ý kiến, quan điểm nào đó đối với những sự việc, hiện tượng ở trong đời sống hay ở trong văn học bằng những luận cứ, luận điểm và lập luận.

2) Đặc điểm của văn nghị luận

Luận điểm là quan điểm của người viết (nói) đưa ra nhằm truyền tải, xác lập cho người đọc (nghe) một tư tưởng, một quan điểm nào đó.

Luận cứ là hành động đưa ra lý lẽ và dẫn chứng nhằm mục đích sáng tỏ luận điểm.

3) Bố cục một bài văn nghị luận

– Đặt vấn đề (mở bài): Giới thiệu vấn đề, nêu khái quát qua về tầm quan trọng của vấn đề, nêu lên được luận điểm cơ bản của vấn đề cần giải quyết.

– Giải quyết vấn đề (thân bài): Triển khai những luận điểm, sử dụng lý lẽ và dẫn chứng, lập luận để thuyết phục được người đọc theo quan điểm, ý kiến đã trình bày.

– Kết thúc vấn đề (kết bài): Khẳng định được tầm quan trọng và ý nghĩa của vấn đề này.

4) Những phương pháp lập luận gồm:

– Phương pháp chứng minh: Mục đích là làm sáng tỏ vấn đề, sử dụng lý lẽ và dẫn chứng để khẳng định được tính đúng đắn, tính thuyết phục của vấn đề.

– Phương pháp giải thích: Chỉ ra những nguyên nhân, quy luật, lý do của hiện tượng, sự việc được nêu ra trong luận điểm. Trong bài văn nghị luận, phương pháp giải thích là đề làm sáng tỏ một nhận định, một quan điểm, một câu, một từ.

– Phương pháp phân tích: Là cách thức lập luận trình bày từng bộ phận, từng phương diện của một vấn đề nhằm mục đích chỉ ra nội dung của hiện tượng, sự vật. Để phân tích được nội dung của một hiện tượng, sự vật thì người ta có thể vận dụng những biện pháp nêu lên giả thiết, những so sánh đối chiếu,… và vận dụng cả phép lập luận giải thích, phép chứng minh.

– Phương pháp tổng hợp: Là phép lập luận mà mục đích là rút ra một cái chung từ những điều đã phân tích ở trên. Lập luận tổng hợp thường được đặt ở vị trí cuối đoạn hoặc cuối bài, ở phần kết luận của một phần, một đoạn hoặc của toàn bộ văn bản.

III. ĐỀ THI GIỮA KÌ 2 VĂN 7 (ĐỀ THAM KHẢO THÊM)

Đề 1: Em chứng minh câu tục ngữ sau: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”

Đề 2: Em hãy chứng minh rằng nhân dân Việt Nam ta từ ngàn xưa đến nay luôn luôn sống theo đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn”; “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Đề 3: Dân gian ta có câu tục ngữ sau “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Em hãy chứng minh nội dung của câu tục ngữ này.

Đề 4: Chứng minh rằng việc bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên chính là bảo vệ cuộc sống của con người.

Đề 5: Em hãy chứng minh đúng đắn cho câu tục ngữ sau:

“Một cây làm chẳng lên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Đề 6: Rừng quý giá vì đã mang lại nhiều lợi ích cho toàn Trái Đất nói chung và cho con người nói riêng. Em hãy chứng minh luận điểm đó, và sau đó nêu lên trách nhiệm của mọi người đối với việc bảo vệ rừng.

Đề 7: Giải thích câu nói nổi tiếng: “Học, học nữa, học mãi” của Lê-nin.

Đề 8: Em hiểu gì về ý nghĩa nội dung và ý nghĩa nghệ thuật của câu tục ngữ này: “Thất bại là mẹ thành công”.

Đề 9: Tục ngữ ông cho ta đã có câu: “Không thầy đố mày làm nên” nhưng cũng có câu “Học thầy không tày học bạn”. Em hiểu như thế nào về lời dạy của người xưa qua hai câu ca dao trên.

Đề 10: Ít lâu nay, một số bạn ở trong lớp ta có phần lơ là học tập. Em hãy viết một bài văn nhằm thuyết phục bạn: “Nếu khi ta còn trẻ ta không chịu khó học tập thì sau này lớn lên sẽ chẳng thể làm được việc gì có ích!”

D. ĐỀ THI GIỮA HỌC KÌ 2 LỚP 7 MÔN VĂN CÓ ĐÁP ÁN

Bài viết tham khảo thêm:

Bài viết Đề cương ôn thi giữa học kì 2 ngữ văn 7 mới nhất đã kết thúc. Các em học sinh đã nắm được hết lượng kiến thức mà HOCMAI đã tổng hợp trên bài chưa nhỉ? Các em hãy cố gắng nằm lòng những kiến thức trên và áp dụng vào đề thi thử nhé. Chúc các em may mắn!