“Lợn cưới, áo mới” là tác phẩm văn học dân gian trọng tâm ở chương trình Ngữ văn lớp 6 học kỳ 1. Trong bài giảng hôm nay, thầy Nguyễn Phi Hùng sẽ phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm này để các em dễ học và làm bài tập nhé.
Nội dung chính của “Lợn cưới, áo mới”
Theo thầy Nguyễn Phi Hùng – Giáo viên môn Ngữ văn THCS tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, trước khi tìm hiểu nội dung của tác phẩm này học sinh cần nắm được khái niệm về “tính khoe của”.
Tính khoe khoang là thói quen trưng ra bên ngoài những thứ mà mình đang có, có hơn người khác để nhận được lời khen từ họ. Trong cuộc sống người ta có thể khoe về tài năng, địa vị, tiền bạc, sự giàu có… thể hiện cụ thể qua cách ăn mặc, xây cất, bài trí nhà cửa, nói năng, giao tiếp.
Qua hai nhân vật trong tác phẩm “Lợn cưới, áo mới”, tác giả dân gian phê phán thói hay khoe của cải của người đời. Đây là thói xấu, thường có ở những người giàu, đặc biệt là những người mới trở nên giàu có, thích học đòi (trọc phú).
Nhân vật “có lợn cưới”
Hoàn cảnh khoe khoang: nhà anh đang có đám cưới, đó là sự kiện trọng đại và mọi người đều đang rất bận rộn để làm cơm tiếp đãi khách. Nhưng đang bắt lợn để thịt thì lợn lại bị sổng chuồng càng khiến cho công việc trở nên bối rối. Ở trong hoàn cảnh này người ta càng thêm bận rộn, vội vàng đi tìm và bắt lợn về ngay để tiếp tục công việc và chẳng có thời gian để mà thở chứ chưa nói đến rảnh rỗi để khoe khoang, khoác lác.
Ấy vậy nhưng ngay trong hoàn cảnh “trăm công nghìn việc” này, anh cũng tận dụng cơ hội để khoe của.
Cách khoe của của anh gây sự chú ý với người nghe: “Bác có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua đây không?”
Điều đáng cười ở đây là nếu chỉ để hỏi về tung tích, hướng chạy của con lợn thôi, anh này rõ ràng có thể hỏi một câu ngắn gọn và đúng mục đích hơn như: “Bác có thấy con lợn của tôi chạy qua đây không?”
Nhưng vì tính vốn thích khoe của nên anh cố tình cho thêm một từ nữa là “cưới” vào câu hỏi khiến cho cả câu thừa thãi mà không đi vào mục đích chính là tìm kiếm con lợn.
Bên cạnh đó, từ “cưới” được thêm vào câu nói cũng không giúp người nghe xác định được con lợn này như thế nào: to hay bé, béo hay gầy, đực hay cái… để có thể chỉ đường. Mặc dù không phục vụ cho mục đích tìm kiếm con lợn nhưng khi thêm từ “cưới” vào lại có tác dụng giúp anh khoe khoang về cả con lợn và đám cưới của gia đình. Thói thích khoe của của anh được thể hiện trong cả tình huống khó tin nhất khi mà lợn chạy mất và đám cưới đang rất bận rộn.
Nhân vật “có áo mới”
Nhưng “kẻ cắp gặp bà già”, anh “có lợn cưới” lại gặp phải một cao thủ hơn trong “nghề” khoe của là anh “có áo mới”
Hoàn cảnh khoe: Việc mua và mặc một chiếc áo mới vốn dĩ là điều rất bình thường trong cuộc sống nhưng ở trong câu chuyện này, tình huống mặc áo mới lại trở nên lố bịch, kệch cỡm thông qua cử chỉ và câu nói của nhân vật.
Anh “có áo mới” mặc ngay chiếc áo mới mua của mình không phải để ướm xem có ngắn – dài, chật – vừa… không, cũng không mặc vào các dịp quan trọng như lễ tết và “mặc ngay” khi vừa mới mua rồi ra đứng ở cửa cả ngày để chờ mọi người đi qua cất lời khen ngợi.
Ẩn ý trong bài viết này còn thông qua độ tuổi của nhân vật trong bài viết, anh không đủ để già nhưng cũng không còn là trẻ nhỏ. Nhưng niềm vui của nhân vật đang ở độ tuổi trưởng thành lại như một đứa trẻ.
Chờ đợi cả một ngày dài mà không có ai nói gì, cuối cùng anh “có áo mới” cũng gặp được đúng người để khoe khoang.
Anh dùng cử chỉ: “giơ vạt áo mình lên” ý rằng mình có áo mới để thu hút sự chú ý của anh “mất lợn cưới” vào chiếc áo mới mua của mình.
Đồng thời, câu trả lời của nhân vật này cũng hàm chứa sự khoe của: “từ lúc tôi mặc cái áo mới này đến giờ,…” mà không nhằm mục đích thông tin về hướng chạy của con lợn.
Qua câu chuyện này, tác giả dân gian khuyên răn con người không nên có thói quen khoe khoang khoác lác, đặc biệt là khoe của. Nếu khoe mang hàm nghĩa là những giá trị xuất phát từ chính sự nỗ lực cố gắng, năng lực, phẩm chất của mình thì khoe đó mang ý nghĩa là sự tự hào. Còn nếu chỉ khoe vật chất, sự hào nhoáng bên ngoài thì không nên khoe. Mỗi người cần luyện cho mình đức khiêm tốn và đừng bao giờ có những hành động khoe của để dẫn đến những hành động trò cười cho thiên hạ.
Giá trị nghệ thuật
Câu chuyện tạo sự hấp dẫn trong việc tạo ra tình huống song trùng khi cả hai cùng chung một thói quen xấu, cùng chung tính cách khoe của một cách lố bịch. Họ cùng tham gia một cuộc chạy đua để thể hiện thói khoe của của mình. Ngôn ngữ ngắn gọn, hàm súc cùng với tình huống gây cười tạo ấn tượng, hài hước cho tác phẩm.
Như vậy, trong bài giảng trên thầy Nguyễn Phi Hùng đã phân tích những giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện dân gian “Lợn cưới, áo mới”. Học sinh có thể đăng ký nhận bài giảng môn Ngữ văn miễn phí của thầy Hùng TẠI ĐÂY
Bên cạnh đó, HOCMAI hiện đang triển khai chương trình Học tốt 2020-2021 dành cho học sinh từ lớp 6 – 9 bao gồm khóa Trang bị kiến thức và Ôn luyện. Khi đăng ký tham gia chương trình, học sinh sẽ được thỏa sức học với kho hơn 8.000 câu hỏi và tài liệu miễn phí.
Đối với những phần kiến thức còn chưa hiểu, các em có thể đặt câu hỏi ngay dưới mỗi bài giảng và được các biên tập viên giải đáp nhanh chóng thông qua dịch vụ Hỏi đáp 24/7. Phụ huynh nắm sát tình hình học tập của con qua điểm của các bài kiểm tra định kỳ được gửi thường xuyên qua học bạ điện tử.
THÔNG TIN CHI TIẾT VỀ CHƯƠNG TRÌNH, PHỤ HUYNH ĐĂNG KÝ TẠI ĐÂY