[NGỮ VĂN 9]: 3 điểm cần lưu ý khi phân tích “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”

0
7478
"Bài thơ về tiểu đội xe không kính" là một trong những tác phẩm trọng tâm ở môn Ngữ văn lớp 9. (Ảnh minh họa).

“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là một trong nhiều tác phẩm trọng tâm của chương trình Ngữ văn lớp 9. Trong bài viết dưới đây, thầy Đặng Ngọc Khương – giáo viên môn Ngữ văn tại HOCMAI sẽ giúp học sinh hiểu biết sâu hơn về tác giả, tác phẩm để có cách viết độc đáo, thu hút khi phân tích bài thơ này.

 

Tham khảo thêm:

Phân tích bài thơ về tiểu đội xe không kính

Tác giả Phạm Tiến Duật

Phạm Tiến Duật là một trong những gương mặt tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đó là những người chàng trai 15, 16 tuổi chuẩn bị kết thúc cuộc đời học sinh và bước vào giảng đường đại học nhưng nghe theo tiếng  gọi của Tổ quốc, họ đã sẵn sàng xếp bút nghiên và những ước mơ, hoài bão của cuộc đời sinh viên để nhập ngũ, đi vào chiến trường khốc liệt.

Theo thầy Đặng Ngọc Khương, khi học “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” học sinh cần nắm được 3 nét chính liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của ông. 

Cụ thể: năm sinh – năm mất (1941-2007); là gương mặt tiêu biểu của thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; ông sống và chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn khốc liệt.

Những bài thơ của Phạm Tiến Duật chủ yếu viết về hình ảnh người lính, thanh niên xung phong ở Trường Sơn. Bởi vậy những gì mà ông viết là xuất phát từ chính trải nghiệm của bản thân và của đồng đội ở chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bởi vậy, thơ của ông mang sự tự nhiên, chân thật và nóng hổi của đời sống hiện thực. Giọng thơ tự nhiên, tinh nghịch mà sôi nổi, tươi trẻ là  những điểm nổi bật trong phong cách thơ của ông.

Một số tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến như: “Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây”, “Gửi em cô thanh niên xung phong”; Lửa đèn…

Tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”

Bài thơ được viết vào năm 1969 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bắt đầu bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Đế quốc Mỹ phát hiện ra đường Trường Sơn – tuyến đường huyết mạch tiếp tế chi viện cho miền Nam nên chúng ra sức bắn phá. Con đường huyền thoại trở thành túi bom của giặc Mỹ. Những người lính chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn chịu nhiều hi sinh mất mát nhất, trong đó có Phạm Tiến Duật.

Xuất xứ: Bài thơ thuộc chùm thơ đạt giải Nhất báo Văn nghệ (1969-1970), in trong tập “Vầng trăng quầng lửa” (1970).

Tri thức bổ trợ khi phân tích bài thơ

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1954, đất nước ta bị chia cắt làm 2 miền. Miền Bắc đi lên xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, miền Nam tiếp tục đấu tranh chống  chính quyền Mỹ – Diệm và đế quốc Mỹ để tiến tới thống nhất đất nước.

Bác Hồ đã từng nói: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý không bao giờ thay đổi”. Thực hiện lời người răn dạy: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập, từ năm 1954-1975 miền bắc song song thực hiện hai nhiệm vụ: vừa xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa tích cực cung ứng tất cả các nguồn lực (binh lực, lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược…) cho chiến trường miền Nam chiến đấu.

Không thể sử dụng tuyến đường quốc lộ 1 để vận chuyển đồ tiếp tế, từ năm 1959 Đảng, Nhà nước và Bác Hồ đã quyết định mở tuyến đường Trường Sơn (đường mòn Hồ Chí Minh) nối liền từ Bắc vào Nam.

Tuyến đường Trường Sơn được mở ra dựa trên những con đường mòn có sẵn và được nối với nhau để tạo thành tuyến đường huyết mạch xuyên suốt dãy Trường Sơn phía Tây (giáp Lào và Campuchia) để vào đến miền Nam.

Trên tuyến đường này, hàng vạn những chuyến xe ngày đêm đưa binh lực, vũ khí, thuốc men… nhưng đến năm 1969 thì bị giặc phát hiện và trở thành điểm nóng ném bom của đế quốc Mỹ. Điều này cũng đã được Đảng và Nhà nước, Bác Hồ nhận định từ trước đó. Bởi vậy ngay lúc này chúng ta đã có thêm tuyến đường Trường Sơn trên biển với những chuyến tàu không số kịp thời chi viện cho miền Nam.

Nhà thơ Tố Hữu đã từng miêu tả sự khắc nghiệt của tuyến đường lịch sử này bằng hai câu thơ sau:

“Trường Sơn Đông nắng Tây mưa

Ai chưa đến đó thì chưa biết mình”.

Trên đây, thầy Đặng Ngọc Khương đã giúp học sinh hệ thống lại 3 điểm cần chú ý khi học sinh phân tích “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Đây đều là những điểm rất quan trọng và không thể thiếu để bài viết đủ ý và giành được điểm cao.

Bên cạnh đó, học sinh có thể tham khảo chương trình HỌC TỐT dành cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 của Hệ thống Giáo dục HOCMAI. Với hai khóa học Trang bị kiến thức và Ôn luyện, các em sẽ được củng cố lại những kiến thức đã được học trên lớp đồng thời nâng cao kỹ năng phân tích, cảm nhận về các tác phẩm truyện ngắn, thơ xuất hiện trong chương trình. Từ những bài giảng này, học sinh sẽ tự tin bứt phá về điểm số trong các bài kiểm tra trên lớp và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.