Những kiến thức cơ bản cần nhớ chuyên đề văn nghị luận Ngữ văn 8 

0
9779

Văn nghị luận là phần kiến thức trọng tâm trong chương trình Ngữ văn lớp 8 và thường xuất hiện trong các bài kiểm tra, đề thi học kỳ. Nhận thấy tầm quan trọng của dạng bài tập này, cô Nguyễn Thị Thu Trang (giáo viên môn Văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI) đưa ra hệ thống kiến thức cơ bản nhất trong chuyên đề văn nghị luận để học sinh có thể dễ dàng ôn tập. 

▶▶ Xem thêm: Trọng tâm kiến thức Ngữ văn 8 học kì 1: Ôn tập truyện Việt Nam từ năm 1930 – 1945

Những kiến thức cơ bản về văn nghị luận 

Luận điểm 

Nói đến bài văn nghị luận thì ta không thể không nhắc đến luận điểm. Nó là yếu tố quan trọng nhất cấu thành nên một bài văn nghị luận. Luận điểm là các ý kiến thể hiện tư tưởng, quan điểm của người viết đối với vấn đề trong bài văn.

Với đề bài: Trình bày ý kiến của em về vai trò của Internet trong đời sống, học sinh có thể đưa ra những ý kiến, luận điểm của mình như: Internet thực sự quan trọng với đời sống giải trí của con người; Internet giúp con người mở mang kiến thức và kết nối mọi người với nhau. 

Theo cô Nguyễn Thị Thu Trang, luận điểm chính là yếu tố quan trọng trong một bài văn nghị luận. 

Hình thức của luận điểm có thể là câu khẳng định, câu phủ định được diễn đạt sáng tỏ, dễ hiểu và nhất quán. “Internet không chỉ tác động tích cực mà còn có những ảnh hưởng tiêu cực đời sống con người” – đây là luận điểm thể hiện ý kiến có cả yếu tố khẳng định và phủ định. 

Quan hệ giữa luận điểm với các vấn đề cần giải quyết và giữa các luận điểm trong một bài văn nghị luận 

Với vấn đề nghị luận trong bài, học sinh có thể đưa ra nhiều luận điểm khác nhau nhưng phải đủ và phù hợp với dung lượng bài văn. Ngoài ra, các luận điểm ấy phải có sự liên kết chặt chẽ, phân biệt với nhau và được sắp xếp theo một trình tự nhất định. Quay trở lại với ví dụ về vai trò của Internet với đời sống con người, học sinh có thể đưa ra 3 luận điểm như đã nêu ở phần trên bởi chúng có sự liên kết với nhau vì cùng nói đến chủ đề bài viết. Ngoài ra, chúng còn có sự trình bày theo một trật tự, trật tự ấy có thể trong tư duy, theo yếu tố thời gian hay không gian…

Để bài văn nghị luận được chặt chẽ thì học sinh cần làm sáng tỏ các luận điểm chính trong bài thông qua các luận cứ (gồm lý lẽ và dẫn chứng). Lý lẽ là những lập luận người viết đưa ra để thuyết phục người đọc tin vào những điều họ trình bày. Dẫn chứng trong bài là các ví dụ minh họa, tấm gương thực tế, số liệu trong đời sống nhằm tăng tính khách quan cho bài văn nghị luận. 

Yếu tố biểu cảm trong bài văn nghị luận

Bên cạnh các yếu tố giải thích, chứng minh thì để bài văn nghị luận thuyết phục người đọc, học sinh cần đưa vào các yếu tố biểu cảm. Để làm được điều đó, trước hết người viết phải có cảm xúc với nội dung cần nghị luận và diễn tả chúng bằng những câu văn có sức truyền cảm. Sự biểu đạt ấy phải chân thực và không làm phá vỡ tính mạch lạc của bài văn nghị luận. 

Trong văn bản “Hịch tướng sĩ” của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, tác giả thể hiện sự yêu nước, căm thù giặc thông qua câu văn giàu sức biểu cảm như: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng”. Sự căm thù giặc bên cạnh lòng yêu nước sâu sắc được tác giả gói gọn trong câu văn giàu sức biểu cảm thể hiện được rõ nét nỗi lo lắng với vận mệnh đất nước của vị chủ tướng. Như vậy, có thể nói, việc lồng ghép các yếu tố biểu cảm vào bài văn nghị luận làm cho bài thuyết phục hơn bởi nó chạm được đến trái tim của người đọc.

4 bước làm bài văn nghị luận ngắn gọn, súc tích

Sau khi đã nắm chắc các kiến thức cơ bản về văn nghị luận, học sinh cần sơ đồ hóa dàn bài bài văn nghị luận theo thứ tự mở bài, thân bài và kết bài. Bên cạnh đó, để bài văn được hoàn thiện, học sinh nên lưu ý các bước làm bài văn nghị luận dưới đây. 

Bước 1: Tìm hiểu đề và tìm ý 

Đây là bước học sinh thường bỏ qua, vì sau khi đọc đề xong học sinh hay bắt tay vào viết bài luôn. Tuy nhiên, việc tìm hiểu đề và tìm ý sẽ giúp học sinh nắm chắc vấn đề cần nghị luận và các ý chính sẽ triển khai. Cách đơn giản nhất là hãy gạch những từ khóa trong đề bài. 

Bước 2: Lập dàn ý 

Ở bước này, học sinh không cần làm quá chi tiết mà chỉ cần lập dàn ý sơ lược. Cụ thể như sau: 

Bước 3: Viết bài 

Học sinh sẽ tiến hành viết bài theo hệ thống dàn ý đã lập ở bước 2 (mỗi luận điểm là một đoạn văn). 

Bước 4: Đọc lại và chỉnh sửa 

Sau khi viết bài xong, học sinh cần đọc lại bài để tránh những lỗi chính tả hay thiếu luận điểm gây mất điểm một cách đáng tiếc. Ngoài ra, học sinh cần phân phối thời gian làm các bước sao cho hợp lý để bài văn có chất lượng tốt nhất. 

Trên đây là hệ thống một số kiến thức trọng tâm cần nhớ ở nội dung “Văn nghị luận”. Hy vọng qua những chia sẻ của cô Nguyễn Thị Thu Trang, học sinh sẽ dễ dàng chinh phục dạng bài tập này và tự tin đạt điểm cao trong bài thi học kỳ sắp tới. 

Ngoài ra, để chuẩn bị tốt cho bài thi học kỳ 1, quý phụ huynh và học sinh có thể tham khảo CHƯƠNG TRÌNH HỌC TỐT của HOCMAI. Các khóa học trải dài ở các môn: Ngữ văn, Toán, Hóa học, Sinh học…và bao quát toàn bộ nội dung sách giáo khoa cùng trọng tâm kiến thức cần nhớ trong chương trình bên cạnh hệ thống bài tập tự luyện, bài kiểm tra định kỳ. 

Quý phụ huynh và học sinh quan tâm đừng quên để lại thông tin theo link dưới đây để được TƯ VẤN LỘ TRÌNH HỌC hiệu quả nhất: https://bit.ly/tuyet-chieu-hoc-tot