Để viết bài văn nghị luận đạt điểm số cao trong các bài thi, bài kiểm tra, học sinh hãy lưu lại ngay những hướng dẫn của cô Nguyễn Thị Thu Trang – Giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI về phương pháp làm bài văn nghị luận. Hy vọng bài viết sẽ giúp các em học sinh có thêm kiến thức cần thiết phục vụ cho việc ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ Văn hiệu quả và chất lượng nhất.
Những kiến thức cần nhớ về văn nghị luận
Nghị luận là đưa ra quan điểm, tư tưởng với những luận điểm rõ ràng, lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra trong đời sống. Các dạng tồn tại của văn nghị luận có thể là ý kiến trong cuộc họp, bình luận, phê bình, xã luận…
Cô Trang chia sẻ về phương pháp viết văn nghị luận đạt điểm cao: “Để làm tốt dạng văn nghị luận, học sinh cần trang bị kiến thức xã hội sâu rộng để đưa vào bài văn để làm cho bài văn thuyết phục, hấp dẫn hơn. Đồng thời, học sinh cần nắm chắc đặc điểm của từng kiểu bài nghị luận, các cách lập ý, các thao tác khi viết bài.”
Khi học về văn nghị luận, học sinh cần nắm được những khái niệm cơ bản:
- Luận điểm: Là ý chính, quan điểm xuyên suốt cả bài viết
- Luận cứ: Là những lí lẽ, dẫn chứng làm cơ sở cho luận điểm
- Lí lẽ: Là những đạo lí, lẽ phải đã được thừa nhận
- Dẫn chứng: Sự việc, số liệu, bằng chứng để làm sáng tỏ luận điểm.
Lập luận: Là cách chọn lựa, sắp xếp, trình bày các luận điểm, luận cứ theo một trình tự hợp lí, rõ ràng, thuyết phục.
>> Phụ huynh và học sinh tham khảo các bài giảng học thử môn Ngữ văn TẠI ĐÂY.
Hai phép lập luận cơ bản trong bài văn nghị luận:
Phép lập luận chứng minh
Trong đời sống, chứng minh là dùng sự thật (chứng cứ xác thực) để chứng tỏ một điều gì đó là đáng tin. Trong văn nghị luận, chứng minh là một phép lập luận dùng những lí lẽ, bằng chứng đã được thừa nhận để làm sáng tỏ quan điểm.
Các lí lẽ, bằng chứng dùng trong phép lập luận chứng minh phải được lựa chọn, thẩm tra, phân tích thì mới có sức thuyết phục. Dẫn chứng đưa ra giúp bài văn của học sinh vừa đủ ý, vừa sinh động, thu hút được người đọc, người xem.
Học sinh nên có những dẫn chứng khi viết văn nghị luận để bài văn đúng và hay.
Phép lập luận giải thích
Giải thích trong văn nghị luận là làm cho người đọc, người nghe hiểu rõ các tư tưởng, đạo lí, phẩm chất, quan hệ… cần được giải thích nhằm nâng cao nhận thức, trí tuệ, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cho con người.
Các cách giải thích:
- Nêu định nghĩa
- Liệt kê các biểu hiện
- So sánh, đối chiếu
- Chỉ ra các mặt lợi – hại
- Nêu nguyên nhân
Các bước làm bài văn nghị luận hay
Trước tiên, học sinh cần đọc kỹ và phân tích đề bài yêu cầu nghị luận về vấn đề gì. Sau đó, tìm ý cho bài viết gồm các luận điểm luận cứ gì, sử dụng dẫn chứng nào, thao tác lập luận ra sao.
- Bước 1: Xác lập luận điểm
- Bước 2: Tìm luận cứ
- Bước 3: Xây dựng lập luận
Sau khi đã tìm ý, học sinh tiến hành lập dàn ý học sinh xây dựng 3 phần:
- Mở bài: Nêu vấn đề nghị luận
- Thân bài: Làm sáng tỏ vấn đề nghị luận bằng luận cứ, lập luận chặt chẽ và lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục
- Kết bài: Khẳng định và khái quát lại quan điểm của mình.
Trên cơ sở dàn bài đã xây dựng, học sinh triển khai thành bài văn hoàn chỉnh. Sau khi viết xong, học sinh cần kiểm tra lại bài để chắc chắn bài viết đã đúng và đủ ý. Ngoài việc kiểm tra cách diễn đạt, sửa lỗi cần phải kiểm tra lại xem bài văn đã làm sáng tỏ vấn đề chưa, hoặc đã tạo được sự thuyết phục với người đọc.
Đồng thời, phụ huynh và học sinh tham khảo thêm Chương trình Học tốt 2021-2022 tại HOCMAI giúp con tự học tại nhà hiệu quả ngay từ hè, sẵn sàng bứt phá điểm số khi vào năm học mới. Khóa học được thiết kế với chu trình học 4 bước HỌC – LUYỆN – HỎI – KIỂM TRA, toàn bộ kiến thức bám sát chương trình SGK của Bộ GD&ĐT giúp các bạn học sinh học tập chủ động và tiếp thu kiến thức nhanh chóng, hiệu quả hơn.
>> Đăng kí nhận tài liệu và suất học thử miễn phí tại: https://hocmai.link/Baigiang-va-tailieu-on-thi-Van