Phân tích truyện ngắn Làng tác giả Kim Lân – HOCMAI

0
40505
phan-tich-truyen-ngan-lang-ava

Nhằm giúp các bạn học sinh tổng những bài Phân tích tác phẩm văn học ôn thi vào lớp 10, trong bài viết này, cùng HOCMAI Phân tích truyện ngắn Làng của tác giả Kim Lân để làm rõ hơn về tình yêu làng, yêu nước của người nông dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Mời các bạn học sinh cùng tham khảo ngay dưới đây nhé!

I. Thông tin về tác giả – tác phẩm

1. Tác giả: Kim Lân

– Tên thật: Nguyễn Văn Tài

– Sinh năm 1920, mất năm 2007

– Quê quán: làng Phù Lưu, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh

Tiểu sử và sự nghiệp văn học của nhà văn Kim Lân

Kim Lân bắt đầu sự nghiệp sáng tác từ năm 1941. Do gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên Kim Lân chỉ học hết bậc tiểu học rồi phải đi làm.

Tác phẩm của ông thường mang tính chất tự truyện. Nội dung chủ yếu lấy cảm hứng từ miền nông thôn Việt Nam, đồng thời khắc họa cuộc sống lam lũ, vất vả của người nông dân trong giai đoạn lịch sử đó.

Trước cách mạng tháng Tám, Kim Lân ghi dấu tên tuổi trong nền văn học kể từ khi các tác phẩm của ông viết về những đề tài mới mẻ liên quan đến văn hóa phong phú ở thôn quê. Mục đích tái hiện lại đời sống bình dị của làng quê Việt Nam trước cách mạng với những thú vui như: thả chim, đánh vật, chọi gà,…

Sau Cách mạng tháng Tám, phong cách sáng tác của Kim Lân không có nhiều thay đổi. Ông vẫn viết về đề tài làng quê Việt Nam. Bởi lẽ đây là mảng hiện thực mà ông có hiểu biết sâu sắc nhất, gắn bó lâu dài nhất. Qua những tác phẩm này, Kim Lân muốn khám phá một phần vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân, tuy đời sống khổ cực, nghèo khó nhưng vẫn giữ niềm yêu đời, trong sáng, tài hoa.

Trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác, tuy không có nhiều tác phẩm nhưng trong mỗi giai đoạn lịch sử, Kim Lân đều có những tác phẩm hay. Một số tác phẩm nổi bật của Kim Lân có thể kể đến như: truyện Đôi chim thành, Chó săn, Con mã mái, tập truyện Nên vợ nên chồng, truyện ngắn Vợ nhặt (thuộc tập truyện ngắn Con chó xấu xí), truyện ngắn Làng,..

Phong cách nghệ thuật

Kim Lân phong cách viết truyện tự nhiên, chậm rãi; giọng điệu nhẹ nhàng, hóm hỉnh nhưng vẫn giàu cảm xúc; sử dụng hình ảnh liên tưởng và miêu tả rất gần gũi và chân thực. Thêm vào đó, khả năng phân tích tâm lí nhân vật là một trong số những biệt tài sáng tác của Kim Lân

2. Tác phẩm truyện ngắn Làng

a. Hoàn cảnh sáng tác truyện ngắn Làng 

-Tác phẩm được xuất bản lần đầu trên Tạp chí Văn nghệ (1948)

– Truyện ngắn “Làng” được ra đời vào năm 1948 – thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta

– Trong thời gian này, đất nước ta phải đối diện với muôn vàn khó khăn thử thách như: thiết lập chính quyền cách mạng, chế độ dân chủ nhân dân; diệt tận gốc giặc đói, giặc dốt; khôi phục tài chính. Đây đều là những nhiệm vụ cấp bách cần được giải quyết, song song với cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, nội phản. Mục đích là để bảo vệ chính quyền, duy trì và giữ vững thành quả có được sau cách mạng, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực cuộc chiến đấu lâu dài chống thực dân Pháp.

b. Ý nghĩa nhan đề tác phẩm Làng – Kim Lân

– “Làng” là tên gọi được đặt cho đơn vị dân cư nhỏ nhất ở vùng nông thôn tại khu vực đồng bằng và trung du Việt Nam. Trong làng, người dân thường có đời sống văn hóa, tập tục và lối sống mang nét đặc trưng riêng

– Nội dung tác phẩm là câu chuyện diễn ra tại “làng chợ Dầu”. Tuy nhiên, thay vì đặt nhan đề là “Làng chợ Dầu”, Kim Lân chỉ lấy 1 từ “Làng” duy nhất để đặt tên. 

– Nguyên nhân là do tác giả không muốn chủ đề và tư tưởng của truyện bị hạn chế trong một khu vực hay đối tượng cụ thể. Nếu tên tác phẩm là “Làng chợ Dầu” thì dường như câu chuyện sẽ chỉ mang ý nghĩa về một cái làng cụ thể. Khi đó, nhân vật chính ông Hai sẽ trở thành một người nông dân cụ thể của làng chợ Dầu ấy. Điều này làm mất đi tính khái quát mà Kim Lân muốn truyền tải.

– Danh từ chung là “Làng” có thể xem là nhan đề mang ý nghĩa khái quát, phù hợp nhất với tác phẩm. Trong đó, câu chuyện trong “Làng” chính câu chuyện điển hình tại những làng quê Việt Nam trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhân vật ông Hai chính là hình ảnh biểu tượng cho những người nông dân Việt Nam với tình yêu dành cho làng, dành cho đất nước. 

c. Ngôi kể chính

– Truyện được kể theo ngôi thứ ba, tạo sự khách quan và cảm giác chân thực cho người đọc

 

II. Tóm tắt văn bản Làng

Truyện ngắn Làng xoay quanh câu chuyện về lòng yêu làng, yêu nước của ông Hai – một người nông dân cần cù, chất phác và vô cùng gắn bó với làng Dầu – quê hương ông.

Trong kháng chiến, ông buộc phải rời làng để đi tản cư. Sống ở nơi tản cư, ngày nào ông cũng nghĩ về làng trong một tâm trạng day dứt. Ông theo dõi tin tức về làng mỗi ngày ở phòng thông tin. Không đọc được chữ nên ông chỉ giả vờ xem tranh ảnh, rồi chờ người khác đọc để nghe lỏm. Trong thời gian đó, ông đã nghe được bao nhiêu là tin hay về những chiến thắng của làng Dầu của ông, làm ruột gan ông lão phấn khởi hẳn lên, trong đầu hiện ra bao ý nghĩ vui thích.

Tại quán nước, khi nghe tin làng chợ Dầu của ông theo Tây, đã rất khổ tâm và xấu hổ. Về nhà ông chỉ biết nằm vật ra giường nhìn lũ con, nước mắt cứ trào ra. Lòng ông đau xót và khổ tâm khi nghĩ đến sự khinh bỉ của mọi người dành cho gia đình ông. Ông vừa căm giận dân làng, vừa lo sợ không biết tương lai gia đình ông sẽ phải sinh sống thế nào.

Mấy ngày sau đó, ông Hai xấu hổ đến mức chỉ ru rú ở nhà. Bà chủ nhà biết tin đã cố tình đuổi khéo gia đình ông. Ông Hai từ đó lâm vào tình cảnh bế tắc, chỉ biết tâm sự với con trai về nỗi oan ức mình phải chịu. Chỉ khi nghe thấy tin làng của ông đã bị giặc đốt, làng bị cháy và tin đồn được cải chính thì ông mới vui vẻ và phấn chấn trở lại. Ông chạy đi khắp nơi khoe về làng ông, hai tay cứ múa cả. Ông khoe với họ rằng: giặc đốt nhà ông, phá làng của ông. Rồi ông lại tiếp tục khoe về cái làng của mình với bác Thứ và những người khác.

III. Phân tích bài Làng

1. Phân tích tình huống truyện Làng

Tình huống có trong truyện bao gồm:

Tình huống 1: Ông Hai là một người nông dân có tình yêu làng tha thiết nhưng phải rời làng để tản cư đi xa

Tình huống 2: Ông Hai nghe tin làng chợ Dầu của mình làm Việt gian theo Tây

Tình huống 3: Mọi chuyện tường minh khi tin đồn làng chợ Dầu theo Tây được cải chính

Nhận xét về tính huống truyện:

– Đặt nhân vật chính vào tình huống đối nghịch với tính cách nhân vật giúp làm nổi bật tình cảm, niềm tự hào về người nông dân Việt Nam

– Yếu tố bất ngờ đặt trong tình huống cụ thể giúp bộc lộ một cách mạnh mẽ tình yêu làng, yêu nước và tinh thần kháng chiến của nhân vật chính – ông Hai

Ý nghĩa của tình huống truyện ngắn Làng:

– Về kết cấu: phù hợp với diễn biến của truyện, thể hiện rõ nét tình yêu dành cho làng, cho quê hương, đất nước sâu đậm của người nông dân Việt Nam. Trong đó, nhân vật ông Hai là hình tượng tiêu biểu điển hình 

– Về nghệ thuật: tạo thắt nút cho câu chuyện, từ đó giúp bộc lộ sâu sắc tâm trạng và phẩm chất của nhân vật chính, góp phần thể hiện chủ đề bao quát của tác phẩm.

 

2. Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng

a. Phân tích tình yêu Làng của ông Hai

Tình yêu làng của ông Hai thể hiện qua cách ông Hai kể về làng chợ Dầu với niềm say mê, náo nức đến lạ thường:

– Khoảng thời gian trước Cách mạng tháng Tám: Ông khoe với mọi người về cơ sở vật chất quê ông, nơi có con đường làng được “lát toàn đá xanh”, “trời mưa đi chẳng lấm chân”; thậm chí ông còn tự hào khoe sinh phần của một vị quan tổng đốc trong làng, mà không có một làng nào có được…. bằng một giọng điệu đầy hãnh diện

– Khoảng thời gian kháng chiến bùng nổ: Ông khoe rằng người dân làng Dầu ông đều đi theo kháng chiến làm cách mạng; ông thuộc một cách rành rọt những hộ, những ụ, những giao thông hầm hào nơi quê ông để chứng minh làng ông là một làng quê giàu tinh thần chiến đấu và yêu nước.

Tình yêu làng của ông Hai còn thể hiện nỗi nhớ làng da diết trong thời gian ông và gia đình phải đi tản cư:

Ông thường xuyên sang nhà bác Thứ sau mỗi buổi tối, chỉ để kể lể đủ thứ tin tức ông nghe được về làng, để vơi đi cái nỗi nhớ làng da diết trong lòng ông

– Ông nghĩ về làng khi ông cuốc đất, trồng trọt, ông nhớ những ngày “cùng làm việc với anh em”

– Ông mặc cho người nghe có hứng thú với lời của ông hay không, ông cứ kể, kể cho sướng cái miệng, cho vơi nỗi nhớ

– Dù không đọc được báo nhưng ông vẫn tìm cách theo dõi tình hình của làng cũng như tình hình chiến sự một cách thường xuyên: Ông khâm phục hình ảnh “một em nhỏ trong ban tuyên truyền xung phong bơi ra giữa hồ Hoàn Kiếm cắm quốc kỳ lên Tháp Rùa”, khâm phục sự hi sinh anh dũng của “một anh đội trưởng sau khi giết được bảy tên giặc”. 

– Khi nghe được những tin tức nói về thất bại của kẻ thù, ông đều bộc lộ sự hả hê. Trái lại, mỗi lần nghe thấy ở đâu báo quân ta thắng lớn thì ông đều vui mừng, đến nỗi “ruột gan ông cứ múa cả lên.”

▶ Qua tình huống truyện độc đáo và cách miêu tả khéo léo, Kim Lân đã khắc họa một cách rất tự nhiên, chân thực hình ảnh nhân vật ông Hai – một người nông dân có chất phác, sống giản dị, có tấm lòng gắn bó sâu đậm với làng quê và kháng chiến.

phan-tich-truyen-ngan-lang-2
Phân tích nhân vật Ông Hai
HM10 2024 - GIẢI PHÁP LUYỆN THI TOÀN DIỆN
NẮM CHẮC KIẾN THỨC - KHÔNG LO BIẾN DỘNG ĐỀ THI
  • Lộ trình toàn diện - NẮM CHẮC NỀN TẢNG - TỔNG ÔN TOÀN DIỆN - LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU
  • ĐA DẠNG HÌNH THỨC HỌC - PHÙ HỢP VỚI MỌI NHU CẦU
  • TOP THẦY CÔ DANH TIẾNG, GIÀU KINH NGHIỆM
  • DỊCH VỤ HỖ TRỢ HỌC TẬP ĐÔNG HÀNH TRONG SUÔT QUÁ TRÌNH HỌC TẬP
Ưu đãi đặt chỗ sớm - Giảm đến 45%! Áp dụng cho PHHS đăng ký trong tháng này!

b. Diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc

– Ngay khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc từ người đàn bà mới lên tản cư, ông Hai như chết lặng vì đau đớn, tức tưởi, nhục nhã, tủi hồ

– Ông bàng hoàng đến nỗi không thể điều khiển được cơ thể của mình: “Cổ ông lão nghẹn đắng lại, da mặt tê rân rân”, ông lặng đi tưởng như không thở được

Mâu thuẫn nội tâm đầu tiên xảy ra trong ông Hai: nên tin hay không tin vào việc làng mình theo Tây

– Cái tin “cả làng chúng nó Việt gian theo Tây” ấy đến quá bất ngờ. Đến khi trấn tĩnh lại, ông không tin vào những gì mình vừa nghe nên ông phải hỏi đi hỏi lại người đàn bà kia

– Những người tản cư khẳng định rằng họ “vừa ở dưới ấy lên”, “mắt thấy tai nghe”. Người phụ nữ còn kể lại bằng giọng hết sức rành rọt rằng: lúc Tây vào làng, dân làng “chúng nó” bảo nhau vác cờ thần ra hoan hô, trong ấy có cả thằng chánh Bệu,… Chính vì toàn những người làng mà ông Hai biết mặt biết tên cả nên ông đành chấp nhận việc làng ông theo Tây là sự thật, rồi lẳng lặng bỏ đi

Sau giây phút chấp nhận tin tức ấy là sự thật, tất cả niềm tin trong ông dường như sụp đổ, tâm trí ông chứa đầy những nỗi ám ảnh và day dứt:

– Ông giả vờ lảng ra chỗ khác, rồi lẳng lặng đi thẳng về nhà

– Trên đường về, cứ hễ nghe tiếng chửi bọn Việt gian, ông lại “cúi gằm mặt mà đi” vì quá xấu hổ

– Về đến nhà, ông mất hết sức lực, chỉ có thể “nằm vật ra giường”, nhìn lũ con, trong lòng tủi thân đến nỗi “nước mắt ông cứ tràn ra”.

Từ đó, trong tâm trí ông bỗng ùa về muôn vàn nỗi lo âu mà không có lời giải đáp:

– Ông lo cho số phận của những đứa con của ông. Lũ con ông cũng từ làng Dầu mà ra, rồi chúng sẽ bị khinh bỉ, bị xỉa xói và hắt hủi vì sinh ra ở làng Việt gian: “Chúng nó cùng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu”

– Ông lo những người tản cư làng ông sau này tin tức bị lan ra cũng sẽ bị ghét bỏ, tẩy chay, thù hằn, ghê tởm: “Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian!… Suốt cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước…”

– Ông lo cho tương lai của gia đình của ông. Chưa biết gia đình sau này sẽ đi đâu, về đâu, làm ăn sinh sống ra sao khi mang trên mình cái danh “dân làng Việt gian”.

▶ Một loạt những câu hỏi gợi lên tâm trạng khủng hoảng, rối rắm, không có lối thoát của ông Hai.

Sự phẫn nộ tột độ của ông Hai được bộc lộ thông qua lời nói và suy nghĩ trong ông:

– Trong trạng thái giận dữ, ông nắm chặt hai tay mà rít lên đầy xót xa: “chúng bay ăn miếng cơm hay ăn miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”.

– Vốn là một người yêu làng sâu đậm nên khi niềm tin bị phản bội, ông bắt đầu nghi ngờ những người làng Dầu mà ông biết từ trước đến nay: “ông kiểm điểm từng người trong óc”.

– Một mặt ông không tin làng ông theo giặc vì thấy ai cũng có tinh thần yêu nước cả nên ông vẫn không tin lại có ai làm điều nhục nhã ấy

Mấy ngày sau, ông chuyển sang trạng thái sợ hãi, hoang mang khi nghĩ đến việc đối diện với mọi người xung quanh:

– Ông không dám đi đâu, cứ quanh quẩn ru rú trong nhà và nghe ngóng tình hình bên ngoài

– Ông trở nên nhạy cảm với mọi người hơn. Chỉ một đám đông túm lại bàn tán cũng có thể khiến ông chột dạ vì nghĩ rằng người ta đang bàn tán đến câu chuyện nhục nhã ấy của làng ông. Mỗi lần thoáng nghe những tiếng Tây, Việt gian, cam nhông… là ông cúi gằm mặt mà lùi ra một góc, im lặng quan sát

– Ông không dám nói chuyện với vợ, không dám nhìn thẳng vào thực tế phũ phàng đang làm ông phải khổ sở

Khi mụ chủ nhà nghe được tin làng chợ Dầu của ông theo giặc, bà đã tỏ rõ thái độ không muốn cho gia đình ông ở lại nhà mình nữa. Chính vì vậy mà ông Hai lúc này rơi vào tình trạng khủng hoảng, tuyệt vọng và dường như bế tắc hoàn toàn

Mâu thuẫn nội tâm tiếp theo xảy ra trong ông Hai: lựa chọn quay trở về hay bỏ làng

– Ông thoáng có ý nghĩ trở về làng nhưng khi ý nghĩ đó vừa loé lên thì ông lão đã vội gạt đi rồi. Bởi “làng đã theo Tây, về làng là rời bỏ kháng chiến”, ông không thể chấp nhận gạt bỏ lòng tự tôn dân tộc của mình để về làng được 

– Khi bắt buộc phải đưa ra lựa chọn một trong hai, ông đã tự xác định một cách đau đớn nhưng cũng đầy quyết đoán, dứt khoát: “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây rồi thì phải thù”.

▶ Tác giả đã để cho nhân vật của mình trải qua một xung đột nội tâm vô cùng gay gắt để rồi cuối cùng đi đến quyết định là phải từ bỏ làng quê vì tình yêu dành cho đất nước, dành cho cách mạng lớn hơn bất kể điều gì khác. Có thể đối với ông Hai, làng Dầu là một nơi rất đỗi thiêng liêng, là mảnh đất nơi ông đã sinh ra, là nguồn cội tổ tiên, gia đình mà tưởng chừng như suốt cuộc đời không thể nào từ bỏ được. Nhưng khi đặt tình yêu làng và tình yêu nước lên để so sánh, ông Hai vẫn quyết tâm lựa chọn làm theo lý tưởng cách mạng, tuyệt đối không bao giờ trở thành VIệt gian. Chính cái quyết định đầy đau đớn ấy đã khẳng định lòng dạ thuỷ chung với cách mạng, với Bác Hồ của người nông dân trong kháng chiến.

Nhưng dù đã dứt khoát đưa ra lựa chọn, ông vẫn không thể dứt bỏ tình cảm với làng Dầu, nơi mà ông đã sinh ra, lớn lên và chứa đựng những kỷ niệm đẹp nhất của cuộc đời ông. Vì vậy, sau khi ra quyết định bỏ làng, ông muốn được tâm sự, như một cách để ông phân bua, minh oan, cởi bỏ nỗi lòng, lý giải cho quyết định của mình:

– Ông thủ thỉ, tâm sự với đứa con út (thằng Húc) về tình cảm của ông dành cho làng Chợ Dầu, về tấm lòng thủy chung với kháng chiến để vơi đi sự dằn vặt và nỗi đau đớn

– Ông muốn đứa con ngây thơ, bé bỏng của mình phải khắc sâu, ghi nhớ rằng làng Chợ Dầu là quê hương của con, là nơi chôn rau cắt rốn của cha và con

– Ông khẳng định tình cảm sâu nặng mà ông dành cho làng cho cách mạng là tình cảm đúng đắn, chân chính mang một lý tưởng cao đẹp: “Cái lòng của bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai”.

▶ Cuộc trò chuyện tâm sự với đứa con dường như là lời tự vấn nhằm tự minh oan và khẳng định tấm lòng thủy chung của mình với làng, với cách mạng. Cuộc trò chuyện cũng là để giúp ông vơi đi những khổ tâm, mâu thuẫn nội tâm đã dằn vặt ông bấy lâu nay.

▶ Ở nhân vật ông Hai, tình yêu nước, lợi ích của đất nước được đặt cao hơn tình làng và lợi ích của cá nhân

▶ Tác giả đã khám phá và làm nổi bật những nét đẹp nét đẹp truyền thống mang tinh thần thời đại cách mạng của người nông dân Việt Nam. Ở họ, từ tình yêu làng, quê hương tha thiết đã chuyển biến thành tình yêu nước sâu đậm nhờ sự soi rọi bởi lý tưởng cách mạng. Tình yêu làng đã hòa quyện cùng với tình yêu đất nước. 

c. Phân tích tâm trạng ông Hai sau khi nghe tin làng cải chính

– Khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc chỉ là một tin đồn thất thiệt. Ông Hai như được hồi sinh trở lại, khiến thái độ ông thay đổi hẳn, từ buồn thiu sang “tươi vui, rạng rỡ hẳn lên”.

– Tin cải chính từ chủ tịch làng đã giúp ông rũ sạch mọi đau khổ, tủi nhục để đưa ông trở lại với “thói quen” trước kia – thói quen khoe làng với mọi người. Ông lật đật đi khắp nơi khoe rằng nhà ông bị Tây đốt nhẵn

– Ông phấn khởi mua quà cho các con, thậm chí còn có ý định nuôi con lợn để ăn mừng ngày tin được cải chính

Khi niềm tin và tình yêu bị phản bội và con người bị đẩy vào bước đường cùng sẽ rất dễ khiến con người ta có những suy nghĩ khác thường:

– Đối với người nông dân, căn nhà vốn là cả cơ nghiệp, tốn biết bao công sức cày cuốc để dựng lên. Vậy mà trong cái lúc nghe được tin nhà ông bị Tây đốt nhẵn, ông lại bộc lộ sự sung sướng khôn xiết, vui mừng đến mức loan tin khắp nơi rằng “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ, đốt nhẵn!” bằng một giọng đầy tự hào, hạnh phúc

– Thực chất, ông Hai không hề tiếc nuối về ngôi nhà của mình. Điều mà ông quan tâm là làng chợ Dầu không theo giặc. Tức là làng ông vẫn trong sạch, ông không phải người con từ làng Việt gian. Từ giờ, ông có thể tiếp tục ngẩng cao đầu mà sống, tiếp tục khoe khoang về làng

– Nhà ông Hai bị đốt đã giúp chứng minh cho làng ông, cho gia đình ông và những người tản cư trên đây không theo giặc, vẫn một lòng yêu nước, sẵn sàng hi sinh tất cả cho kháng chiến.

▶ Tuy chỉ là một người nông dân bình thường nhưng ông Hai đã có tư tưởng hy sinh, hy sinh tài sản cá nhân để cống hiến cho thành công của cách mạng. Điều này cho thấy, tầm quan trọng của cuộc kháng chiến đã thực sự đi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân, biến nó trở thành cuộc kháng chiến toàn dân chống giặc

▶ Tình yêu làng và lòng yêu nước chân thành thắm thiết đã biến thành nền tảng khiến cho ông Hai vui sướng tột độ khi nghe tin làng mình không theo giặc. Tình yêu ấy đã xây dựng lên trong ông như một “bức tường thành” vững chắc mà không súng đạn nào có thể công phá, cháy rụi được.

 

3. Nghệ thuật đặc sắc trong truyện ngắn Làng

– Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện đặc sắc khi đặt nhân vật vào tình huống cụ thể để dẫn dắt tâm lý nhân vật, từ đó giúp bộc lộ chiều sâu tư tưởng và chủ đề của truyện.

– Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật:

+ Khắc họa thành công hình ảnh nhân vật ông Hai, một người nông dân thật thà, chất phác với yêu làng, yêu nước tha thiết

+ Miêu tả cụ thể những diễn biến nội tâm, xung đột nội tâm dẫn đến những quyết định hành động của nhân vật

+ Lồng ghép các cuộc đối thoại và độc thoại nội tâm góp phần diễn tả một cách chính xác và mạnh mẽ những lo âu, căng thẳng, day dứt của nhân vật trong từng tình cảnh cụ thể

▶ Thể hiện sự am hiểu sâu sắc về tâm tư, tình cảm của những người nông dân trong thời kỳ lịch sử đó

– Nghệ thuật sử dụng ngôn từ tự nhiên, giản dị nhưng vẫn rất sinh động:

+ Ngôn ngữ truyện chủ yếu mang tính khẩu ngữ, giống với lời ăn, tiếng nói đời thường của người nông dân

+ Có sự thống nhất giữa lời kể chuyện và lời nói của nhân vật về sắc thái và giọng điệu. 

+ Lời nói nhân vật tuy mang nét chung, đại diện cho tính cách người nông dân Việt Nam cần cù, chịu khó, nhưng vẫn có những nét cá tính riêng, khiến nhân vật trở nên sinh động hơn

– Giọng điệu trần thuật hết sức tự nhiên, linh hoạt với những chi tiết sinh hoạt đời thường đan xen với mạch tâm trạng khiến truyện thêm phần hấp dẫn, thú vị

III. Tổng kết chung phân tích truyện ngắn Làng

1. Về nội dung

– Qua truyện ngắn Làng, có thể nói, nhà văn Kim Lân đã khắc họa thành công hình tượng một người nông dân giàu lòng yêu làng, yêu nước yêu cách mạng với những diễn biến tâm lý sinh động và mãnh liệt. Thông qua nhân vật ông Hai, tác giả đã làm nổi bật nét đẹp trong tâm hồn người nông dân Việt Nam. Họ là những người hiền lành, chất phác, có tấm lòng nồng hậu, vừa yêu làng, lại vừa yêu nước, thủy chung với cách mạng. 

– “Làng” là một trong những tác phẩm truyện ngắn tiêu biểu của Kim Lân về đề tài người nông dân sau cách mạng tháng Tám

2. Về nghệ thuật

– Cách kể chuyện giản dị, đời thương, ngôn ngữ đậm tính khẩu ngữ

– Nghệ thuật phân tích tâm lí sắc sảo, đặc sắc

– Có sự kết hợp giữa độc thoại và đối thoại

– Sử dụng hình ảnh chi tiết, sinh động và giàu sức gợi

Trên đây là dàn ý Phân tích tác phẩm Làng của Kim Lân với tình yêu làng, yêu nước của nhân vật ông Hai. Hy vọng thông qua bài viết sẽ giúp các em học sinh có thể nắm được đầy đủ các ý và dễ dàng hơn trong việc giải quyết các đề bài: phân tích tình huống truyện Làng, tóm tắt bài Làng hay các dạng bài phân tích các nhân vật nằm trong tác phẩm Làng của tác giả Kim Lân. Các bạn học sinh có thể tham khảo thêm các bài phân tích văn học khác trong bộ tài liệu Soạn văn 9 để bổ trợ thêm kiến thức Ngữ Văn trước các kỳ thi quan trọng. Mong rằng với nội dung tham khảo này, các bạn học sinh đã có thể tự tin thực hành tập làm văn một cách tốt nhất!

 

Tham khảo thêm:

Phân tích bài thơ Bếp lửa