Văn bản “Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em” là một trong các văn bản nhật dụng được đưa vào học tập và giảng dạy thuộc chương trình văn học Ngữ Văn 9. Nhằm giúp các bạn học sinh nắm rõ kiến thức về văn bản này, cùng HOCMAI lập dàn ý phân tích Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em ngay trong bài viết dưới đây.
Tham khảo thêm:
Phân tích Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang
I. Thông tin về tác phẩm
1. Hoàn cảnh ra đời
– Văn bản “Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em” được trích từ Tuyên bố của Hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em, diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ngày 30-9-1990.
– Bản tuyên bố này được in trong cuốn Việt Nam và các văn kiện quốc tế về quyền trẻ em.
– Thế giới trong những năm cuối thế kỉ XX là giai đoạn phát triển vượt bậc trong đa lĩnh vực. Khoa học kỹ thuật, kinh tế và ngoại giao giữa các nước, vùng lãnh thổ đều ghi nhận sự củng cố, mở rộng.
– Những năm cuối thế kỉ XX là giai đoạn mà những nghĩa vụ liên quan tới việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em rất cần được quan tâm tới. Điều này có thể lý giải do trẻ em là thế hệ tương lai của các nước nói riêng và thế giới nói chung. Tuy nhiên, vẫn có những tồn đọng ngăn chặn việc thực hiện việc bảo vệ trẻ em: sự phân hóa rõ rệt về khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, tình trạng chiến tranh còn xảy ra tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trẻ em bị rơi vào hoàn cảnh yếu thê như thất học, bỏ đói hay tật nguyền, khuyết tật,…
⇒ Nhận biết được tình hình đó, Liên Hợp Quốc đã đưa ra bản tuyên bố về quyền sống của trẻ em, nhằm xây dựng nhận thức của các nước tham gia về quyền và nghĩa vụ của xã hội đề xây dựng một thế giới tốt đẹp, bình đẳng với mọi trẻ em trên thế giới.
2. Bố cục Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em
– Phần 1 (mục 1,2): Nhấn mạnh về quyền được sống, được phát triển của tất cả trẻ em trên Trái đất, lý do của bản tuyên ngôn
– Phần 2 (Sự thách thức): Đề cập tới những thách thức trong quá trình phát triển của trẻ em trên thế giới
– Phần 3 (Cơ hội): Những điều kiện thuận lợi giúp đẩy mạnh vấn đề quan tâm, chăm sóc trẻ em trên toàn thế giới
– Phần 4 (Nhiệm vụ): Nhiệm vụ mà từng quốc gia và cả cộng đồng cần làm vì sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em
3. Ý nghĩa tác phẩm
Một trong những vấn đề cấp thiết, cần được quan tâm tới trên toàn thế giới là bảo vệ quyền lợi, chăm sóc, giúp đỡ cho sự phát triển của trẻ em. Bản “Tuyên bố của Hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em”, công bố ngày 30-9-1990 đã nhấn mạnh và khẳng định điều ấy. Tại đây, các nước tham gia đã cam kết thực hiện những nhiệm vụ cụ thể, mang tính toàn diện cao vì sự sống còn và phát triển của trẻ em – tương lai của toàn nhân loại.
Hội nghị cấp cao thế giới tổ chức tại Liên Hợp Quốc còn đưa ra một bản kế hoạch hành động chi tiết, có tính thực thi cao cùng với bản tuyên bố này. Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau này đã ban hành “Chương trình hành động vì sự sống còn, bảo vệ và phát triển của trẻ em Việt Nam”; thực hiện từ giai đoạn năm 1991 đến năm 2000. Đây được coi như một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
II. Phân tích Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em
1. Nhấn mạnh về quyền được sống, được phát triển của tất cả trẻ em trên Trái đất, toàn nhân loại cần chú ý tới điều này
Liên Hợp Quốc đã nhấn mạnh về quyền được sống và phát triển của trẻ em qua các luận điểm, minh chứng xác đáng, nhằm chứng minh cho lời khẳng định đanh thép này:
– Đoạn đầu tiên: giới thiệu hoàn cảnh của lời kêu gọi, khi Liên Hợp Quốc cho thấy đây là một “lời kêu gọi khẩn thiết hướng tới toàn thể nhân loại”, được xướng lên với mục đích đảm bảo cho trẻ em một tương lai tốt đẹp hơn.
– Liên Hợp Quốc đã nêu lên đặc điểm của trẻ em: các em trong trắng, dễ bị tổn thương và và còn phụ thuộc. Đối với người lớn, trẻ em cùng người khuyết tật, dị tật là nhóm người yếu thế, bởi họ gặp những cản trở về năng lực và hành vi hoạt động của mình.
– Liên Hợp Quốc nhấn mạnh: trẻ em cần được vui chơi, được sống trong vui tươi,.. thanh bình, được hưởng đầy đủ quyền sống, quyền phát triển,…
⇒ Chỉ qua hai đoạn trên, ta có thể thấy cách nêu vấn đề của Liên Hợp Quốc rất rõ ràng, trực tiếp. Lời khẳng định mạnh mẽ này mở đường cho những quan điểm về sau.
2. Những thách thức cho sự phát triển của nhiều trẻ em trên thế giới
Liên Hợp Quốc đã nêu đầy đủ và cụ thể cuộc sống đầy khó khăn, khốn khổ của hàng trăm triệu trẻ em đang sống trên thế giới thời bấy giờ:
– Không những không được sống trong hạnh phúc, trẻ em còn trở thành nạn nhân của những thảm họa do thiên tai và con người tạo ra: chiến tranh, vũ lực, bạo hành, phân biệt chủng tộc,…
– Vô số trẻ em trên thế giới đang phải đối mặt với việc trở thành người tị nạn, sống tha hương do bị cưỡng bức phải từ bỏ quê hương, gia đình, nguồn cội. Hay nhiều em nhỏ khác phải chịu cảnh tàn tật, bị lãng quên, ruồng bỏ, đối xử tàn ác, thành nạn nhân của bóc lột sức lao động.
– Tại các nước kém phát triển, đói nghèo, khủng hoảng kinh tế và sự thiếu thốn hạ tầng các cơ sở và dịch vụ xã hội khiến các em không được sống một cuộc sống đúng nghĩa, phải thường xuyên chống chọi lại dịch bệnh, mù chữ, đói nghèo,.. hoặc trở thành nạn nhân của sự lãng quên, ruồng bỏ, đối xử tàn nhẫn và bóc lột.
– Liên Hợp Quốc còn đưa ra dẫn chứng số liệu: 40000 trẻ em tại Châu Phi chết do suy dinh dưỡng, bệnh tật, nguyên nhân đến từ hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS), thiếu nước sạch, sử dụng ma túy, suy dinh dưỡng,…
– Liên Hợp Quốc đề cập tới việc để giải quyết những vấn đề trên thì nhất thiết cần sự hợp tác của những nhà lãnh đạo chính trị từ các quốc gia, cũng như các nguyên thủ quốc gia khác trên toàn thế giới.
⇒ Thế giới đứng trước nhiều thách thức. Để đảm bảo được quyền trẻ em, các nước cần chung tay giải quyết những thách thức này.
3. Những điều kiện thuận lợi để thế giới có thể đẩy mạnh việc quan tâm, chăm sóc trẻ em
Khi đề cập những khó khăn thách thức, Liên Hợp Quốc cũng kể ra những cơ hội trong việc chăm sóc, quan tâm hướng tới sự phát triển của trẻ. Đó là sự liên kết quốc gia trong việc nâng cao ý thức cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực quyền trẻ em:
– Sự liên kết giữa các quốc gia giúp thế giới có đủ nguồn lực về phương tiện, kiến thức nhằm bảo vệ sinh mệnh của trẻ em, loại trừ hầu như các khó khăn, khổ đau của trẻ nhỏ.
– Hợp tác giữa các nước cùng “công ước về quyền trẻ em” được công bố vào thời điểm đó sẽ tạo ra quyền lợi, thúc đẩy sự phát triển tiềm năng, nắm được các quyền và cơ hội phục vụ lợi ích của mình. Công ước về quyền trẻ em mở ra một chân trời mới, nơi trẻ em được hưởng quyền của mình và trẻ em được tôn trọng ở tất cả mọi nơi trên thế giới.
– Hợp tác và đoàn kết quốc tế cải thiện cũng là cơ hội để quan tâm tới trẻ em và quyền trẻ em. Bầu không khí chính trị vì thế cũng sẽ được cải thiện, hợp tác quốc tế tăng mạnh, phong trào giải trừ quân bị tăng nhanh. Từ đó giúp các tài nguyên vốn dùng cho các lĩnh vực này được chuyển sang phục vụ mục tiêu kinh tế, tăng cường phúc lợi xã hội.
⇒ Nguồn tiền tập trung cho kinh tế, xã hội sẽ giúp cho hàng tỉ trẻ em yếu thế trên thế giới. Dần dần, những vấn đề như đói nghèo, mù chữ, thiếu nước sạch sẽ được giải quyết, trẻ em cũng dần được tôn trọng hơn.
- Lộ trình toàn diện - NẮM CHẮC NỀN TẢNG - TỔNG ÔN TOÀN DIỆN - LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU
- ĐA DẠNG HÌNH THỨC HỌC - PHÙ HỢP VỚI MỌI NHU CẦU
- TOP THẦY CÔ DANH TIẾNG, GIÀU KINH NGHIỆM
- DỊCH VỤ HỖ TRỢ HỌC TẬP ĐÔNG HÀNH TRONG SUÔT QUÁ TRÌNH HỌC TẬP
4. Nhiệm vụ cụ thể từng quốc gia về cả cộng đồng cần làm vì sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em
Tuyên bố của Liên Hợp Quốc đã đối chiếu tình trạng các quốc gia cũng như những thách thức còn tồn động mà mình đã liệt kê trước đó để đưa ra từng nhiệm vụ cấp thiết cho cộng đồng quốc tế và vùng lãnh thổ:
– Trách nhiệm hàng đầu của các nước là tăng cường sức khỏe và đảm bảo chế độ dinh dưỡng của trẻ em. Hàng vạn trẻ em trai, gái có thể được cứu vãn mỗi ngày nếu như đảm bảo được nguồn nhu yếu phẩm. Quan tâm tới chế độ dinh dưỡng còn giúp hạn chế những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em.
– Với những trẻ trong hoàn cảnh yếu thế, Liên Hợp Quốc đề nghị phải có các hỗ trợ và chăm sóc dành cho đối tượng này.
– Vấn đề bình đẳng giới cũng được quan tâm. Các quốc gia có trách nhiệm tăng cường vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực, đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ bởi lợi ích trẻ em toàn thế giới.
– Giáo dục, hay nhiệm vụ xóa mù chữ là trọng trách lớn của các quốc gia. Số liệu đưa ra cho thấy có tới 2/3 trẻ em không được học hết bậc giáo dục cơ sở. Các nước cần bảo đảm sao cho trẻ em được học hết bậc giáo dục cơ sở, không để cho ai bị mù chữ.
– Cần tạo ra môi trường sống tốt đẹp cho trẻ. Làm sao để trẻ em hiểu được nguồn gốc lai lịch, nhận thức được giá trị của bản thân, được sống trong môi trường an toàn, đầy đủ trách nhiệm, đó là trọng trách mà các quốc gia đã ký vào công ước về quyền trẻ em phải giải quyết.
– Các quốc gia cần cố gắng khôi phục phát triển nền kinh tế, song song với đó là bảo vệ quyền lợi cũng như sự phát triển của trẻ.
⇒ Qua những chủ trương, chính sách, cùng hành động cụ thể mang tính thời sự đối với việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ta có thể đánh giá trình độ văn minh của xã hội. Cộng đồng quốc tế luôn dành sự quan tâm đúng mực tới các chủ trương nhiệm vụ đề ra.
⇒ Trong tương lai không xa, trẻ em sẽ được sống sung sướng, hạnh phúc dưới mái nhà chung, trong không khí hòa bình, hữu nghị.
IV. Tổng kết
1. Giá trị nội dung của tác phẩm
Đoạn trích “Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em” đã phần nào cho thấy thực trạng cuộc sống trẻ em trên giới hiện nay cùng tầm quan trọng của việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tác phẩm cũng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế về vấn đề quyền trẻ em.
2. Giá trị nghệ thuật của tác phẩm
– Ngôn ngữ đanh thép, trang trọng, mang tính thuyết phục cao
– Sử dụng luận điệu khẳng định, đưa ra các luận cứ, luận điểm rõ ràng, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm
Trên đây là toàn bộ nội dung phân tích Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em, trích trong bản tuyên bố tại Hội nghị cấp cao thế giới về quyền trẻ em. Cùng với bộ tài liệu Soạn văn 9, HOCMAI mong rằng các bạn học sinh có thể hiểu kỹ hơn về nội dung và thông điệp của văn bản thông qua bài viết trên.